Công an xã ở Mường Nhé, Điện Biên "4 cùng" với dân

Thứ Năm, 01/10/2020, 14:32
"Vì có sự hiểu, thông cảm giữa Công an và người dân nên tất cả người Mông, người Thái, người Dao, người Cống ở đây đều tự nguyện ký cam kết bảo đảm ANTT, tích cực tố giác tội phạm, không di cư tự do và không nghe lời kẻ xấu lôi kéo, xúi giục tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông" như trước.

 

Với tôi, một người có hơn 14 năm làm Công an xã thì đây là phần thưởng vô giá", Thiếu tá Lý A Tung, Trưởng Công an xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên nói.

Luồng gió mới

Cùng đoàn nhà báo chúng tôi đến thăm một số thôn, bản trong huyện, Phó Trưởng Công an huyện Mường Nhé, Trung tá Pờ Pờ Sơn cho hay, toàn huyện có 58 cán bộ chiến sĩ (CBCS) công an xã làm việc tại 11 xã, trong đó có 8 xã biên chế 5 CBCS và 3 xã được bố trí 6 CBCS. 

Kể từ khi triển khai Công an chính quy xuống xã, tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại hầu hết các xã đã có những chuyển biến rõ nét. Người dân được nâng cao nhận thức, cảnh giác hơn trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động. 

Đồng thời, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được mở rộng, mà mới nhất là mô hình an ninh "Dòng họ Khoàng bình yên" đã giúp đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn có hiệu quả, triệt để các đối tượng tuyên truyền, kích động nhân dân tham gia các hoạt động gây mất ANTT. Riêng trong vấn đề buôn bán người, trong 2 năm trở lại đây, toàn huyện không phát hiện đối tượng hoặc nạn nhân của tình trạng này.

Đại uý Phạm Văn Mạnh, Phó trưởng Công an xã Chung Chải hướng dẫn một người dân hoàn thiện giấy tờ để làm hộ khẩu. Ảnh: Thu Phương.


Nhận xét thêm về lực lượng Công an chính quy tại xã, Chủ tịch huyện Vùi Văn Nguyện nói: "Lực lượng Công an xã  đã hỗ trợ xã đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án trọng điểm về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Đề án 79 về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé; Chương trình 30a, 135, Chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Kế hoạch triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo huyện Mường Nhé...".

Còn theo ghi nhận của chính người dân, những chuyển mình của các xã thuộc huyện biên giới nghèo này được thể hiện qua sự tin tưởng đối với cán bộ xã và lực lượng Công an xã. 

Ông Lò Văn Vanh, người dân bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè tâm sự: "Từ ngày Công an chính quy về xã, công tác ANTT quả thật có nhiều thay đổi. Tôi thấy đây là chủ trương có tính thực tiễn cao, sát với nguyện vọng và đời sống của người dân. Các CBCS Công an xã đã đi sâu, đi sát cơ sở, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó làm tốt hơn công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhất là ngăn chặn được tội phạm ma tuý trong vùng, buôn bán người và tàng trữ vũ khí vật liệu nổ hoặc công cụ hỗ trợ. Bản thân tôi cũng chứng kiến nhiều người dân trong bản nhờ có những lời khuyên và giải thích cụ thể của Công an xã mà hiểu ra được tác hại ghê gớm của ma tuý, tình nguyện cai nguyện và từ bỏ việc dính dáng đến ma tuý. Giờ thì chúng tôi yên tâm hơn trong lao động sản xuất".

"4 cùng" với dân

Tiếp chúng tôi tại trụ sở Công an xã Chung Chải, huyện Mường Nhé khi vừa hướng dẫn anh Chang A Vả, người H'Mông hoàn thiện giấy tờ để làm hộ khẩu, Đại uý Phạm Văn Mạnh - Phó trưởng Công an xã Chung Chải chia sẻ: "Thường 7h sáng, chúng tôi bắt đầu triển khai công tác để các Công an viên đi xuống địa bàn. Đến cuối ngày, các Công an viên về báo cáo lại tình hình và nêu ra những nguyên nhân cùng biện pháp khắc phục. Đấy là theo quy định, còn trên thực tế thì 5 CBCS Công an chúng tôi ở đây phần lớn đều xa nhà, ăn, ngủ, nghỉ tại trụ sở nên giờ giấc làm việc là không giới hạn mà phụ thuộc vào sự cung cấp, trình báo tin của người dân. Sáng sớm hay đêm khuya, bất kể thời gian nào, chúng tôi đều trên tinh thần sẵn sàng tiếp đón và hỗ trợ ở mức cao nhất đối với người dân". 

Thiếu tá Lý A Tung, Trưởng Công an xã Nậm Kè (thứ 3 từ trái sang) và Công an viên thăm một nhà dân ở bản Huổi Hốc, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé. Ảnh: Nhật Anh.
Cũng theo lời của Đại uý Phạm Văn Mạnh, xã Chung Chải phần lớn là người dân tộc Sila, Hà Nhì, Mông… sinh sống nên mỗi CBCS trong xã đều phải thông thạo ít nhất một ngôn ngữ và biết được một phần nào đó những ngôn ngữ khác. Có như vậy thì các Công an viên mới có thể trò chuyện, tâm sự cùng người dân. 

"Chúng tôi luôn quan điểm, nhiệm vụ của Công an xã như một Công an huyện thu nhỏ và muốn thực hiện tốt công tác thì phải chấp hành đúng phương châm "4 cùng" với dân gồm: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng ngôn ngữ. Cái khó khăn nhất của chúng tôi là đường sá giao thông. Có những điểm bản ở xa không thể đi xe thì chúng tôi cuốc bộ. Rồi thậm chí Công an viên còn ở lại bản, cùng dân gặt lúa, trồng cây, sinh hoạt văn hoá… Phải hiểu, phải trân trọng văn hoá từng dân tộc, phải biết lắng nghe dân thì từ đó dân mới hiểu, tin cán bộ", Đại uý Phạm Văn Mạnh nhấn mạnh.

Trong khi đó, bất chấp mưa to, Trưởng Công an xã Nậm Kè, Thiếu tá Lý A Tung vẫn quyết tới thăm bà con được nhận hỗ trợ theo Đề án 79 về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại bản Huổi Hốc. 

Thiếu tá Lý A Tung kể rằng, từ năm 2006, trước thực trạng ANTT ở Nậm Kè nhiều phức tạp, Công an huyện Mường Nhé đã điều động anh về đảm đương Trưởng Công an xã Nậm Kè. Đến khi Nậm Kè tách thành hai xã: Nậm Kè và Pá Mỳ (tháng 8-2009) thì Thiếu tá Lý A Tung được cấp trên tin tưởng điều chuyển sang làm Trưởng Công an xã Pá Mỳ. 

Sau hơn 10 năm làm việc ở Pá Mỳ, ngày 1-4-2020, Thiếu tá Lý A Tung lại được Công an huyện phân công trở lại Nậm Kè đảm đương chức danh Công an xã. Từ kinh nghiệm nhiều năm làm Công an xã của bản thân, Thiếu tá Lý A Tung cho rằng, công tác dân vận của Công an xã thì địa bàn nào cũng có những khó khăn nhất định. 

Khi ở Pá Mỳ hay ở Nậm Kè, đối với anh, điều quan trọng nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế xã phát triển là Công an xã phải đảm bảo ANTT và bám nắm cơ sở, gần gũi và lắng nghe dân. Có thế thì Công an xã mới được người dân cung cấp những thông tin quan trọng về ANTT; triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống tội phạm và xây dựng được các chương trình, kế hoạch phù hợp và sát với thực tế đời sống của người dân… 

"Ở đây, vì là một xã biên giới giáp ranh nên cũng rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Tuy nhiên, bà con các dân tộc thiểu số lại sống đoàn kết, gắn bó. Họ cũng rất thương các CBCS Công an, những người đã luôn bên cạnh họ lúc khó khăn. Vì có sự hiểu, thông cảm giữa Công an và người dân nên tất cả người Mông, người Thái, người Dao, người Cống đều tự nguyện ký cam kết bảo đảm ANTT, tích cực tố giác tội phạm, không di cư tự do và không nghe lời kẻ xấu lôi kéo, xúi giục tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông" như trước. Với tôi, một người có hơn 14 năm làm Công an xã và mới được quay trở lại Nậm Kè được 4 tháng, thì đây là phần thưởng vô giá", Trưởng Công an xã Nậm Kè tâm sự.

Nói về việc triển khai Công an chính quy về xã, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, Đại tá Tráng A Tủa khẳng định: "Công an xã chính quy là lực lượng vũ trang được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, vì vậy lực lượng này nắm bắt và tổ chức triển khai chủ trương của cấp trên rất nhanh, hiệu quả vào thực tiễn ở cơ sở. Tại Điện Biên, đặc biệt là Mường Nhé, do đặc thù địa bàn miền núi, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế, Công an xã đã trở thành lực lượng nòng cốt, làm "cầu nối" gần nhất để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc".

Huyền Chi (ghi)
.
.