Công an tỉnh Lạng Sơn: Có một chuyên án không tên

Thứ Năm, 23/09/2010, 10:51
"Đó là một chuyên án rất đặc biệt, tôi tin rằng những người đã tham gia và cả quần chúng nhân dân ở thời ấy không dễ gì lãng quên. Bởi tuy chuyên án đó không được đặt tên, nhưng mỗi khi nhắc đến nó, người ta đều nhớ ngay đến hai chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để thực hiện nhiệm vụ, đó là liệt sĩ Nguyễn Thành Tấn và liệt sĩ Triệu Văn Phong.".

Có thể nói, cách đây hai chục năm, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nạn cướp bóc xảy ra khá thường xuyên. Nguyên nhân là do sự phức tạp của vùng biên trong thời kỳ Việt Nam và Trung Quốc vừa thông thương trở lại. Không chỉ người dân địa phương mà các tỉnh đồng bằng cũng đổ xô lên địa bàn này để buôn bán vải vóc, động vật hoang dã v.v... sang biên giới. Mỗi lần đi lại, họ đều mang theo rất nhiều tiền hàng. Cộng thêm việc vũ khí vật liệu nổ trôi nổi khá nhiều. Bọn cướp có thể lên đến mấy chục tên, được trang bị đầy đủ súng và lựu đạn, chỉ cần gặp kháng cự là bắn giết, đụng độ công an thì đánh trả, nổ mìn liều chết. Có vụ trời vừa sẩm tối, người dân dừng xe mở khóa cửa vào nhà thì bọn cướp dí súng AK cướp đi bọc tiền hơn 100 triệu đồng. Rồi vụ ông Nông Quang Thân ở phường Hoàng Văn Thụ; bà Hoàng Thị Yên, phường Vĩnh Trại, thị xã Lạng Sơn (tức TP Lạng Sơn hiện nay) là những người buôn bán bị toán cướp giết ngay trong đêm giao thừa. Thậm chí có người dân vừa ra cửa được một quãng thì bị bọn cướp dùng xe máy, súng AK ép xe, bắn vỡ lốp rồi lấy bọc tiền phi thẳng. Những tưởng là của đi thay người, không ngờ họ chưa hết hãi hùng thì tối hôm sau một toán cướp khác lại ập đến dọa giết sạch cả nhà vì hôm trước dám đi báo công an... Những vụ án mà bọn cướp táo tợn gây ra đã thực sự khiến quần chúng kinh hoàng, làm đau đầu lực lượng điều tra. Đặc biệt nhất phải kể đến là bọn cướp chuyên hoạt động trên dốc Sài Hồ.

Ngày nay, con đường vắt ngang dốc Sài Hồ đã trở nên hoang vắng. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn không biết đến sự tồn tại của con đường này. Nhưng đối với nhiều thế hệ hành khách và người dân xứ Lạng thời ấy thì ký ức về con dốc sẽ không bao giờ phai mờ. Bởi nơi đây từng xảy ra những vụ cướp giết tàn bạo của một băng nhóm tội phạm. Toán cướp này có 13 tên, trong đó có hai tên là đối tượng truy nã đặc biệt của Công an Lạng Sơn. Đó là tên Nguyễn Tiến Quốc và tên Phùng Văn Nam. Số vụ cướp chúng gây ra, số người bị hại, tiền của bị cướp đi không biết bao nhiêu cho xuể.

Điều đặc biệt là bọn cướp này không ở nhà mà bỏ vợ con, rủ nhau tụ tập trên các hang núi để ăn chơi và chờ thời cơ đi cướp. Con mồi của chúng là các xe chở khách tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, bởi hành khách thường là dân buôn bán nên mang theo nhiều tiền hàng. Khi đó, chúng đón xe dọc đường như mọi hành khách khác, chờ khi xe đến đoạn vắng mới lấy vũ khí từ hành trang mang theo để cướp. Trong đó, đoạn đường qua dốc Sài Hồ là "lý tưởng" nhất bởi con dốc ngoằn ngoèo này nằm trên tuyến Quốc lộ 1A với độ dài khoảng 5km. Nếu từ Hà Nội lên Lạng Sơn thì đầu dốc là làng Tổng Cút, xã Bắc Thủy, đỉnh dốc là núi Kéo Đòn, xã Tân Thành, huyện Chi Lăng với những vách núi cheo leo dựng đứng, không bóng người qua lại. Bọn cướp đã lợi dụng điều đó để gây ra những vụ cướp của, giết người tàn bạo. Đến mức thời kỳ ấy, nơi đây được gọi là "dốc tử thần". Du khách đi qua thường vứt tiền lẻ, viên đá hoặc thắp nén nhang cho những người xấu số để phù hộ cho lộ trình của mình được an toàn. Chưa bình an qua dốc thì chưa ai dám thở phào nhẹ nhõm. Với tinh thần quyết tâm trấn áp tội phạm, đem lại sự bình yên cho nhân dân, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phải dốc hết sức triệt phá băng cướp này, thậm chí có thể tiêu diệt ngay tại chỗ nếu chúng manh động.

Để hiểu thêm về câu chuyện của hai mươi năm trước, tôi đã đến ngôi nhà số 2A, chợ Hàng Trứng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn để tìm gặp đồng chí Ngô Điềm, nguyên là lãnh đạo của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn thời kì 1981-1990. Dù chưa từng quen biết, nhưng khi biết mục đích cuộc viếng thăm của tôi là để tìm hiểu về chuyên án bắt cướp tại dốc Sài Hồ, bác Ngô Điềm đã rất sẵn lòng chia sẻ. Bên chén trà đặc quánh, giọng của người cựu cán bộ Công an ấy thâm trầm, nhẹ nhàng, vậy mà không sự ồn ào nào của phố chợ xung quanh có thể làm ảnh hưởng đến không gian của câu chuyện hai mươi năm về trước:

"Đó là một chuyên án rất đặc biệt, tôi tin rằng những người đã tham gia và cả quần chúng nhân dân ở thời ấy không dễ gì lãng quên. Bởi tuy chuyên án đó không được đặt tên, nhưng mỗi khi nhắc đến nó, người ta đều nhớ ngay đến hai chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để thực hiện nhiệm vụ, đó là liệt sĩ Nguyễn Thành Tấn và liệt sĩ Triệu Văn Phong.

Khi đó lực lượng Cảnh sát hình sự Công an Lạng Sơn rất mỏng về nhân lực, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng anh em vẫn rất hăng hái làm nhiệm vụ. Nhất là hai đồng chí trẻ tuổi, năng nổ là Nguyễn Thành Tấn và Triệu Văn Phong. Các anh đã không quản ngại khó khăn gian khổ, quyết tâm phục bắt bằng được bọn cướp vẫn hoành hành trên dốc Sài Hồ. Có điều bọn cướp này không chỉ tàn bạo, độc ác mà cũng rất quỷ quyệt, chúng không hoạt động theo bất kỳ quy luật nào về thời gian. Vì vậy suốt một tuần, từ ngày 20 đến 28/10/1987, các đồng chí Tấn, Phong, Cửu, Quảng của tổ chuyên án đã không phút nghỉ ngơi, kiên trì bám sát các chuyến xe trên tuyến Hà Nội - Lạng Sơn mà vẫn không thấy chúng xuất hiện.

Đêm 29/10, gió mùa đông bắc tràn về rét căm căm. Đồng chí Nguyễn Thành Tấn và Triệu Văn Phong cùng hai đồng đội được phân công theo dõi chiếc xe mang biển số 12A-0339 chở hơn 80 hành khách đi từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Xe càng đến gần dốc Sài Hồ thuộc địa phận xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng, hai anh càng nóng ruột. Gần 3 giờ sáng, ánh đèn xe vẽ thành những vệt loang loáng trên thân dốc, bốn chiến sĩ Cảnh sát đều căng thẳng nín thở. Dù rất muốn bọn cướp nguy hiểm xuất hiện theo đúng kế hoạch nhưng các anh cũng thầm mong chuyến xe này vô sự để hành khách trên xe được an toàn.

Ngay khi ấy, đồng chí Phong nhận thấy trên xe có nhiều biểu hiện lạ, dường như bọn cướp đã trà trộn trên xe và bọn chúng bắt đầu hành động. Do số hành khách quá đông, đêm tối, xe lại đang lên dốc nên đã gây ra tình trạng hỗn loạn. Điều này thật nguy hiểm bởi toán cướp này quen ra tay tàn bạo, không chừng sự hỗn loạn này lại khiến chúng manh động. Lo lắng cho sự an toàn của hành khách, các anh liền tìm cách tiếp cận để có biện pháp xử lý kịp thời. Không ngờ tên Vinh, một kẻ đa nghi và liều lĩnh nhất trong toán cướp vừa thấy động đã nghi lên tiếng ngay: "Có cớm, chúng ta mắc bẫy rồi!".

Khi biết mình đã bị bao vây và không còn đường thoát, lập tức hắn đứng chắn cửa lên xuống ở cuối xe và rút chốt an toàn quả lựu đạn định ném vào xe: "Đã thế thì ngày giỗ của bọn tao cũng là ngày hóa vàng cái xe này!".

Trước hành động hung hãn, liều lĩnh của tên cướp, đồng chí Nguyễn Thành Tấn ngay lập tức lao đến ôm chặt tên Vinh, đẩy xuống đất. Đồng chí Triệu Văn Phong cũng nhanh như cắt nhào đến, hất quả lựu đạn trên tay hắn văng ra ngoài. Nhờ vậy, dù lựu đạn nổ, chiếc xe với gần một trăm hành khách vẫn an toàn. Nhưng cũng chính vào giây phút ấy, tên Phùng Văn Nam, một trong hai đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm đã dùng súng ngắn bắn hai đồng chí Triệu Văn Phong và Nguyễn Thành Tấn, làm đồng chí Phong hy sinh tại chỗ. Dù bị thương rất nặng nhưng trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí Tấn vẫn cố dồn sức nổ súng tiêu diệt tên Vinh. Sự việc diễn biến quá nhanh nên dù lực lượng hỗ trợ ập đến ngay sau đó thì hai đồng chí Nguyễn Thành Tấn và Triệu Văn Phong vẫn mãi mãi ra đi. Đổi lại, băng cướp nguy hiểm đã bị triệt phá, hơn 80 hành khách trên chuyến xe định mệnh ấy được đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản".

Thiếu úy Triệu Văn Phong là người dân tộc Nùng. Anh sinh năm 1965 tại xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Trung úy Nguyễn Thành Tấn sinh năm 1961, là người xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình lên công tác tại tỉnh Lạng Sơn. Cả hai anh đều được đánh giá là những cán bộ nhiệt tình, có năng lực, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhưng ít ai biết được rằng hai người chiến sĩ trẻ ấy đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Khi Nguyễn Thành Tấn hy sinh, vợ anh vừa có thêm đứa con thứ hai tại quê nhà. Liệt sĩ Phong chưa lập gia đình, anh còn có cha mẹ, ông bà đã già yếu. Tấm gương chiến đấu quên mình để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản nhân dân của hai anh đã được ghi nhận với việc Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

"20 năm trôi qua, thời kỳ cướp bóc đã lui vào quá khứ, nhưng hình ảnh của hai đồng chí Tấn, Phong và những người chiến sĩ đã góp phần xương máu và tính mạng để đổi lấy cuộc sống bình yên hôm nay, sẽ sống mãi trong sự tiếc thương và nể phục của chúng tôi, cháu à" - Trong lời kết của câu chuyện, giọng kể thâm trầm của bác Ngô Điềm đã không kìm được xúc động.

Chia tay người cựu cán bộ Cảnh sát ấy, tôi cứ suy nghĩ mãi về những lời của bác. Quả thực ngày hôm nay, khi nhà nước cho xây con đường mới trên tuyến Quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn, thì nhiều người trong chúng tôi không biết đến sự tồn tại của một con đường vắt qua dốc Sài Hồ. Càng không thể hình dung về mảnh đất Lạng Sơn giàu đẹp ngày nay trước kia lại có một thời khốc liệt như thế. Nhưng dốc Sài Hồ vẫn đứng đó, bất kể thời gian, tên tuổi nó gắn liền với một chuyên án không tên và sẽ mãi là đài tưởng niệm những con người đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân

Chu Thanh Hương (công an tỉnh Lạng Sơn)
.
.