Công an tỉnh Hà Nam: "Bốn tại chỗ" giúp chuyển hóa địa bàn thành công

Thứ Năm, 01/11/2018, 07:44
Thường xuyên ở địa bàn nhiều hơn ở nhà là những gì mà chúng tôi ghi nhận được qua công việc của các CBCS Phòng An ninh đối nội. Với họ, bài học để dẫn đến thành công trong công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT chính là mỗi CBCS bám sát địa bàn thôn xã để phát hiện sớm dấu hiệu phức tạp về an ninh nông thôn; sát dân, gần gũi với dân, dựa vào dân...


Đến Hà Nam một ngày cuối thu, đi trên con đường làng đã được bê tông hóa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, chúng tôi thấy bộ mặt nông thôn đã hoàn toàn đổi thay. Chỉ vài năm trước, những nơi này từng là điểm nóng về an ninh nông thôn, nhưng giờ đây cuộc sống của người dân đã không ngừng phát triển, nhà máy mở ra, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn nông dân một thời lam lũ. Góp vào thành công hôm nay là nhờ một phần quan trọng ở công tác "4 tại chỗ" của Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Hà Nam giúp cho công tác chuyển hóa địa bàn thành công.

Khó khăn không lùi bước

Dưới ánh nắng mỏng manh của một ngày cuối thu, khu tái định cư dự án Nhà máy Xi măng Xuân Thành (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) hiện lên thật đẹp. Hai bên đường nhà mọc san sát, khang trang chẳng khác là bao với một khu đô thị. Người dân phấn khởi khi dự án đi vào hoạt động. Họ có công ăn việc làm, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới.

Trung tá Phạm Văn Long, Phó trưởng Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Hà Nam vui vẻ cho biết, để có được kết quả này là sự nỗ lực vất vả của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong suốt 8 tháng. Anh không nhớ họ đã phải mất bao nhiêu ngày đêm "nằm" tại địa bàn bám dân để tuyên truyền, vận động, phát động phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc (BVANTQ). Nhưng thắng lợi lớn nhất là họ đã chuyển hóa được địa bàn thành công, được quần chúng nhân dân tin tưởng, cảm phục.

Phòng An ninh đối nội Công an tỉnh Hà Nam triển khai phương án đảm bảo ANTT.

Khi dự án Nhà máy Xi măng Xuân Thành triển khai đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của trên 500 hộ dân thôn Bồng Lạng do liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB). Cả thôn gửi đơn khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương nhiều lần, thậm chí kéo lên gây áp lực với chính quyền, kiến nghị không xây dựng nhà máy xi măng ở địa phương, nếu xây dựng phải có chính sách thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân.

Có người do bị kích động đã đưa ra chặn xe nguyên vật liệu với lý do ô nhiễm môi trường, mục đích để ngăn doanh nghiệp vào thực hiện dự án. Tình hình an ninh nông thôn ở đây "căng như dây đàn", trở thành điểm "nóng" về ANTT của tỉnh Hà Nam.

Để "hạ nhiệt" điểm nóng, Phòng An ninh đối nội đã thành lập nhiều tổ công tác, trực tiếp do một đồng chí lãnh đạo phòng làm tổ trưởng, phối hợp với Công an, chính quyền địa phương làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời đưa ra các hình thức tuyên truyền.

Các tổ công tác tập trung tới các hộ dân có tư tưởng chống đối hoặc đứng sau kích động người dân để giải thích chủ trương của tỉnh, cơ chế chính sách trong việc thu hồi đất. Các tổ công tác này xác định "4 tại chỗ" (ăn cùng, ở cùng, sinh hoạt cùng, hiểu cùng) với dân.

Thời gian đỉnh điểm, tập trung tới 12 CBCS "4 tại chỗ". "Chúng tôi xác định thời gian có thể kéo dài, diễn biến phức tạp, nên đã chọn những cán bộ có trình độ, năng lực, làm tốt công tác dân vận. Có những buổi vận động dân kéo dài đến 2h sáng. Riêng họp tuyên truyền đối thoại cho dân hiểu phải làm hơn 10 buổi mới xong" - Trung tá Phạm Văn Long cho biết.

Những ngày "4 tại chỗ" đã tác động sâu sắc tới tâm tư của nhiều người dân, đặc biệt là những nội dung nào kiến nghị chính đáng đã được tổ công tác kịp thời quan tâm kiến nghị với chính quyền địa phương và vận động doanh nghiệp đưa ra chính sách hỗ trợ đặc thù (mở lớp đào tạo nghề miễn phí, tặng quà, học bổng cho học sinh…).

Nhờ những ngày "4 tại chỗ" này mà nhiều người dân còn bức xúc đã được bộc lộ quan điểm và nguyện vọng với lực lượng Công an, nên khi những nguyện vọng chính đáng của họ được giải quyết, người dân đã nhận thức đúng sai và đồng thuận với các biện pháp giải quyết của chính quyền.

Kể với chúng tôi, Trung tá Phạm Văn Long không giấu được niềm vui: "Người dân bây giờ cảm phục "nếu không có dự án thì không biết bao giờ chúng tôi mới có một cơ sở hạ tầng đẹp như thế". Khu tái định cư ở địa điểm thuận lợi cho giao thông, quy hoạch đẹp như thành phố, các công trình phúc lợi được quan tâm, nhân dân có môi trường phát triển kinh tế tốt hơn. Người quá tuổi lao động thì buôn bán, người trong độ tuổi thì được doanh nghiệp tuyển dụng, ưu tiên các hộ bị thu hồi đất. Doanh nghiệp thường xuyên phối hợp với cấp ủy chính quyền có những chính sách hỗ trợ trong công tác an sinh xã hội".

Gần dân mới chuyển hóa được địa bàn

Thành công chuyển hóa địa bàn ở Thanh Nghị là bước đệm thúc đẩy CBCS của Phòng An ninh đối nội tiếp tục vận động quần chúng nhân dân, xây dựng phong trào BVANTQ ở những điểm nóng khác. Trên địa bàn tỉnh Hà Nam thời gian qua đã có rất nhiều vụ việc khiếu kiện phát sinh liên quan đến GPMB xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và khu đô thị. Chính vì nhìn rõ điều này mà Phòng An ninh đối nội khi được Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam giao nhiệm vụ tham gia giải quyết các vụ việc khiếu kiện, CBCS được phân công đã phải tập trung xem xét kỹ càng nguyên nhân, tham mưu giải quyết một cách thấu đáo trên cơ sở đảm bảo lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhưng không để xảy ra phức tạp về ANTT.

Chuyển hóa địa bàn từ điểm nóng về an ninh nông thôn trở thành nơi có phong trào quần chúng BVANTQ vững mạnh không phải "một sớm một chiều" là giải quyết được, mà nó là một quá trình vất vả, công sức lớn và cả trí tuệ, kinh nghiệm, sự miệt mài của mỗi CBCS. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều cán bộ của Phòng An ninh đối nội nói rằng, mặc dù đó đều là những vụ việc khó khăn, phức tạp, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân.

Ở mỗi vụ việc, ở từng địa bàn khác nhau lại có những diễn biến, nguyên nhân, tính chất phức tạp khác nhau và có những giải pháp giải quyết khác nhau. Nhưng các CBCS luôn ý thức được trách nhiệm của mình và luôn xác định, mọi vấn đề đều phải xuất phát từ người dân, khó khăn đến đâu, phức tạp đến mấy cũng phải cố gắng tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhớ lại những lần xuống vận động nhân dân, Trung tá Phạm Văn Long cho biết: "Chúng tôi phải chia nhỏ tổ công tác, mỗi nhóm có từ 2-3 đồng chí, mỗi nhóm một nhiệm vụ, mỗi người một việc, phân công đến từng thôn xóm, hộ gia đình, gặp gỡ tiếp xúc với từng người. Khi triển khai chúng tôi gặp không ít khó khăn. Nhiều hộ dân tỏ thái độ thờ ơ, nghi ngờ, thậm chí không tiếp và còn lảng tránh. Nhưng chúng tôi không nản chí, kiên trì đi lại, sau nhiều lần tiếp cận chúng tôi cũng ngồi tâm sự và tiếp chuyện được với họ".

Mỗi đồng chí được nhận nhiệm vụ, dù tiếp xúc với nhân dân khó khăn, nhưng thái độ các anh luôn ân cần, nhẹ nhàng, luôn lắng nghe và ghi nhận đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc, kiến nghị của từng người dân.

Qua đó các anh khéo léo phân tích, giải thích rõ về chủ trương, chính sách cũng như cái lợi trước mắt cũng như lâu dài khi dự án được thực hiện. Việc làm trên của các anh không kể sớm tối, ngày nghỉ, khi nào có điều kiện thời gian của các hộ gia đình là các anh đến trực tiếp với dân. Dù phải "4 tại chỗ" tới 8 tháng như dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Xuân Thành, nhưng với tinh thần tận tụy, các anh đã thành công. Người dân đồng tình ủng hộ, tự bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư triển khai dự án, không phải tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.

Vụ khiếu kiện gần đây phát sinh điểm nóng về an ninh nông thôn là đòi đền bù đất 7% có liên quan đến hàng nghìn hộ dân ở phường Lê Hồng Phong và xã Châu Sơn (TP Phủ Lý) cũng bằng cách gần dân, vận động nhân dân mà kết quả đã được ghi nhận. Năm 2017, tỉnh Hà Nam có 28 vụ khiếu nại, tố cáo, do làm tốt các mặt công tác, Phòng An ninh đối nội đã tham mưu cho cấp chính quyền giải quyết ổn định 27/28 vụ việc.

Từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn, đã phối hợp vận động 6 hộ dân tự giác bàn giao mặt bằng phục vụ thi công các dự án; giải quyết ổn định và tạm ổn định 18 vụ việc liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân, không để xảy ra phức tạp, góp phần phục vụ đắc lực chủ trương thu hút đầu tư, đảm bảo tiến độ thi công nhiều dự án trọng điểm như: Khu đô thị Đồng Văn IV, dự án Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao; dự án Kho trung chuyển xăng dầu Công ty TNHH Hải Linh…

Thường xuyên ở địa bàn nhiều hơn ở nhà là những gì mà chúng tôi ghi nhận được qua công việc của các CBCS Phòng An ninh đối nội. Với họ, bài học để dẫn đến thành công trong công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT chính là mỗi CBCS bám sát địa bàn thôn xã để phát hiện sớm dấu hiệu phức tạp về an ninh nông thôn; sát dân, gần gũi với dân, dựa vào dân, kính trọng lễ phép với nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân để làm công tác dân vận.

Những nỗ lực và sự phấn đấu hy sinh của tập thể CBCS Phòng An ninh đối nội đã được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý. Trong 8 năm liên tục (từ 2010 đến nay), Phòng An ninh đối nội đều đạt danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng"; 4 năm liên tục (từ 2014 đến nay) được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc và nhiều lượt tập thể, cá nhân được các cấp tặng Bằng khen, giấy khen.

Trần Hằng - Xuân Mai
.
.