Công an huyện Gia Lâm: Trưởng thành từ gian khó

Thứ Sáu, 04/12/2015, 08:20
Tin Công an huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) vinh dự được trao danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nhân thời kỳ đổi mới nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng CAND không chỉ làm nức lòng cán bộ chiến sĩ trong đơn vị mà còn khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp và những người dân "bản địa" vui lây. Ra đời ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Công an huyện Gia Lâm đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Mỗi bước đi qua năm tháng thêm vững vàng, Công an huyện Gia Lâm đã thực sự trưởng thành từ trong gian khó, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng, được dân mến, dân tin.

Đại tá An Thanh Bình, Trưởng Công an huyện Gia Lâm đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện cởi mở vào một buổi chiều muộn, sau một ngày làm việc rất bận rộn. Là thủ trưởng một đơn vị Công an ở một huyện có 22 xã, thị trấn và 17 đơn vị nghiệp vụ (trong đó có 12 đội nghiệp vụ, 3 đồn công an và 2 công an thị trấn), công việc của Đại tá An Thanh Bình có thể nói là lúc nào cũng chất chồng và nhiều vất vả. Chia sẻ về niềm vui đơn vị do mình đứng đầu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, Đại tá An Thanh Bình cho biết: "Đây là nguồn động viên to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Gia Lâm. Tôi cũng nói nhiều lần với anh em rằng, vinh dự này của chúng tôi vừa là động lực nhưng đồng thời cũng gắn với trách nhiệm và yêu cầu chúng tôi phải cố gắng hơn nữa trong việc giữ gìn trật tự an ninh và sự bình yên của địa bàn...".

Đại tá An Thanh Bình mới về nhận cương vị Trưởng Công an huyện Gia Lâm được hơn hai năm (trước đó anh là Phó trưởng Công an quận Hoàng Mai). Vì thế, trong câu chuyện với phóng viên anh thường nhắc đến việc "kế tiếp truyền thống của đơn vị và những người tiền nhiệm". Chắc hẳn, truyền thống của đơn vị mà Đại tá An Thanh Bình nhắc đến ở đây là những chiến công nổi tiếng một thời từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược như "Sấm đường 5", "Sóng sông Hồng", "Lửa trường bay", diệt tề trừ gian...

Một buổi họp triển khai công tác nghiệp vụ của cán bộ chiến sĩ Công an huyện Gia Lâm.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều tấm gương cán bộ chiến sĩ Công an huyện Gia Lâm đã không quản ngại khó khăn, hi sinh cả bản thân mình cứu giúp dân trong bom đạn như chữa cháy kho xăng Đức Giang năm 1966; cứu dân, bảo vệ tài sản cho nhân dân trong đợt lũ vỡ đê Cống Thôn, xã Yên Viên năm 1971... Với những chiến công đó, Công an huyện Gia Lâm đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: 2 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích trong công tác đảm bảo An ninh trật tự trên địa bàn và công tác giáo dục cải tạo đối tượng tề, ngụy, đảng phái phản động cũ (năm 1963 và năm 1964); 2 Huân chương Chiến công hạng Ba về thích tích chống chiến tranh phá hoại của Mỹ (năm 1967 và 1973); Huân chương Quân công hạng Ba về thành tích bảo vệ an ninh trật tự. Trong mỗi chiến công đó và cả trong bảng vàng thành tích để đơn vị được trao tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" đều có đóng góp to lớn của cán bộ chiến sĩ Công an huyện Gia Lâm, góp phần tô thắm thêm những trang truyền thống rất đáng tự hào của đơn vị.

Cho đến tận hôm nay, tập thể cán bộ chiến sĩ Công an huyện Gia Lâm vẫn phải đương đầu với bao khó khăn, thử  thách để giữ cho mảnh đất Gia Lâm được yên bình. Đại tá An Thanh Bình cho biết, từ ngày về "tiếp quản" mảnh đất này, đã không biết bao nhiêu ngày anh đi sớm về khuya với cung đường từ trụ sở về nhà riêng gần 30km. Đã có bao nhiêu đêm anh trăn trở với tâm thế "trực chiến". Bởi lẽ, Gia Lâm có tới 22 đơn vị hành chính, lại là địa bàn giáp ranh với 9 quận, huyện, thị xã khác. Gia Lâm cũng là địa bàn có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, có nhiều khu công nghiệp, nhiều làng nghề, nhiều dự án đang được triển khai. Đặc biệt, trên địa bàn có tới trên 600 doanh nghiệp đang hoạt động, với 3 khu công nghiệp là Phú Thị, Hapro, Ninh Hiệp và có 5 làng nghề truyền thống là Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, nên có số lượng công nhân, lao động ngoại tỉnh về làm việc, cư trú rất đông. Đây cũng chính là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tình hình an ninh kinh tế - chính trị - xã hội phức tạp, khó kiểm soát.

Không chỉ vậy, huyện Gia Lâm còn có 2 địa bàn trọng điểm về an ninh, đó là xã Bát Tràng và các xã khu vực Bắc Đuống. Xã Bát Tràng là địa điểm du lịch, hàng năm có hàng vạn người nước ngoài, Việt kiều đến tham quan, du lịch và làm ăn buôn bán. Còn các xã Bắc Đuống thường xuyên có hàng nghìn người dân thường xuyên qua lại Trung Quốc buôn bán, làm ăn và người Trung Quốc nhập cảnh vào địa bàn đặt quan hệ làm ăn. Vì thế, vấn đề giữ gìn an ninh trật tự ở những địa bàn này luôn được đề cao và huyện Gia Lâm luôn được xác định là địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng của Thủ đô.

Đại tá An Thanh Bình chia sẻ: "Trong những năm qua, quá trình hội nhập kinh tế, số người nước ngoài đến địa bàn huyện Gia Lâm để tham quan, du lịch, nghiên cứu thị trường, ký kết hợp đồng làm ăn buôn bán với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn ngày một tăng. Trong số đó có không ít các đối tượng bất mãn, hoạt động tiêu cực, tuyên truyền, kích động chống phá cách mạng nước ta trên nhiều lĩnh vực. Lực lượng Công an huyện đã chủ động tham mưu cho các thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, lãnh đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt quy chế làm việc, tiếp xúc và quản lý người nước ngoài theo quy định của Bộ Công an và Công an thành phố. Công an huyện Gia Lâm đã chủ động phối hợp với Công an thành phố điều tra, bắt giữ một số đối tượng lưu vong đến địa bàn để hoạt động tuyên truyền, kích động lật đổ chính quyền như đối tượng Trần Lâm (là Việt kiều Mỹ thuộc diện cấm nhập cảnh) lợi dụng hoạt động từ thiện để truyền bá đảo "Thanh Hải Vô Thượng Sư" trái phép trên địa bàn; một số đối tượng lợi dụng vấn đề dân chủ phát tán nhiều tài liệu phản động vào địa bàn huyện với nội dung bôi xấu, kích động lật đổ chính quyền; đối tượng Vũ Ngọc Hưng có hành vi tàng trữ, phát tán tài liệu có nội dung phản động, nói xấu chế độ trên mạng Internet, đồng thời làm rõ đối tượng này là thành viên của tổ chức phản động Việt Tân...".

Trong các mặt công tác nghiệp vụ, cán bộ chiến sĩ Công an huyện Gia Lâm đã đạt được nhiều thành tích, trong đó nổi bật là trong công tác đấu tranh với tội phạm hình sự. Là huyện giáp ranh với 9 đơn vị hành chính khác, lại có nhiều khu công nghiệp, trường học nên người từ các địa phương khác về Gia Lâm làm việc, sinh sống ngày càng tăng, kéo theo nhiều đối tượng về đây hoạt động tội phạm. Có nhiều đối tượng hoạt động tội phạm với tính chất tinh vi, manh động, liều lĩnh, khi bị phát hiện sẵn sàng chống trả quyết liệt, đã chọn các địa bàn giáp ranh, các "vùng đệm" để dễ bề hoạt động. Nhiều ổ nhóm tội phạm mang tính chất "liên tỉnh" từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Ninh... đã dạt về đây hoạt động như ổ nhóm của đối tượng Xuân "Tóc đỏ", Lý "Tư tỏi" ở Thường Tín (Hà Nội) đã gây ra nhiều vụ cướp trên sông Hồng; nhóm đối tượng Tuấn "Chồi" gây ra nhiều vụ trộm, cướp tài sản trên các tuyến đường Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn; nhóm đối tượng Thủy "Si đa" ở Hải Phòng chuyên tiêu thụ tài sản trộm cắp...

Từ tình hình thực tế của địa bàn, lực lượng Công an huyện đã bám sát chỉ đạo từ cấp trên xây dựng nhiều kế hoạch, chuyên đề đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đồng thời triển khai nhiều đợt cao điểm đấu tranh chống tội phạm mang tính chất đột phá để giữ vững ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn.

Đối mặt với bọn tội phạm, cán bộ chiến sĩ Công an huyện Gia Lâm luôn nêu cao tinh thần mưu trí, dũng cảm, liên tục trấn áp bọn tội phạm, không quản ngại khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Sự nỗ lực này của tập thể cán bộ chiến sĩ Công an huyện Gia Lâm đã được ghi nhận với 14 năm liền (từ năm 2000 đến 2014) đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, 8 năm liên tục (từ năm 2008 đến 2014) được Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội tặng cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua. Đặc biệt, danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà tập thể Công an huyện Gia Lâm đã vinh dự được trao đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân đã trở thành nguồn động viên, khích lệ vô cùng to lớn.

Đại tá An Thanh Bình tâm sự, từ ngày về làm Trưởng Công an huyện Gia Lâm, anh đã đề ra khẩu hiệu hành động cho cán bộ chiến sĩ của mình, đó là: "Trách nhiệm - Chuyên sâu - Gần dân - Nghe dân nói - Làm dân tin - Vì nhân dân phục vụ". Với phương châm hành động này, chắc hẳn Công an huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều chiến công hơn nữa trên mặt trận đấu tranh với bọn tội phạm, giữ vững an ninh trật tự và sự bình yên trên mảnh đất  "cửa ngõ" nội thành, xứng đáng với phần thưởng Đơn vị Anh hùng cao quý vừa được Đảng và Nhà nước trao tặng.

Nguyệt Hà
.
.