Công an cửa khẩu: Tập trung chống dịch COVID-19

Thứ Năm, 19/03/2020, 08:20
Các cảng hàng không quốc tế, sân bay được ví như là tuyến đầu trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch Covid-19. Cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ tại nơi đây là những người trực tiếp, đầu tiên tiếp xúc với các hành khách quốc tế nhập cảnh nên nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao. 


Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", toàn lực lượng CAND và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an tại các cửa khẩu sân bay nơi tuyến đầu chống dịch đang căng hết sức mình, 24/24 giờ trắng đêm không ngưng nghỉ làm nhiệm vụ để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19 vào Việt Nam; tạo nên hình ảnh đẹp trong lòng mỗi du khách quốc tế khi đặt chân tới Việt Nam, một đất nước nhân văn, tin cậy và kịp thời trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Bất chấp hiểm nguy nơi "tuyến đầu"

Các cảng hàng không quốc tế, sân bay được ví như là tuyến đầu trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch Covid-19. Cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ tại nơi đây là những người trực tiếp, đầu tiên tiếp xúc với các hành khách quốc tế nhập cảnh nên nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao.

Hàng ngày, hàng giờ bất chấp hiểm nguy nơi "tuyến đầu" với dịch bệnh Covid-19,  các chiến sĩ vẫn lặng lẽ, âm thầm trắng đêm không ngưng nghỉ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và tiến hành các biện pháp góp phần ngăn chặn sự lây lan của virus vào Việt Nam.

Cán bộ chiến sĩ công an cửa khẩu Hàng không quốc tế Nội bài thường xuyên trắng đêm làm nhiệm vụ.

Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài hiện là sân bay lớn nhất của Việt Nam đã được Skytrax - một tổ chức uy tín chuyên về đánh giá, xếp hạng hàng không thế giới bình chọn nằm trong nhóm 100 sân bay tốt nhất thế giới.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài lọt vào bảng xếp hạng này. Thượng tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng Công an Cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cùng các chiến sĩ trong đơn vị, thời gian qua đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để thực hiện các nhiệm vụ giữ gìn an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, ngăn ngừa, phòng chống sự lây lan của dịch, tạo nên hình ảnh đẹp trong lòng mỗi du khách quốc tế khi đặt chân tới Việt Nam ở cửa khẩu sân bay lớn nhất của đất nước. 

Hơn 22 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân cũng là từng đó thời gian Thượng tá Nguyễn Thị Bình Phương cống hiến hết mình trong công việc.  Từ  Tết đến nay chị cùng đồng đội đang gồng mình 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

Tại các cửa ra của sân bay, tất cả hành khách nhập cảnh đều được giám sát thân nhiệt nghiêm ngặt; còn tại các luồng vào sân bay đều được bố trí máy đo thân nhiệt và luôn có nhân viên túc trực 24/24 giờ.

Đặc điểm công việc của các chiến sĩ công an tại cửa khẩu là phải thường trực chiến đấu liên tục suốt trong ngày. Mỗi ca làm việc của cán bộ chiến sỹ thường diễn ra vào tất cả các thời điểm trong ngày, khi có các chuyến bay đến rồi đi và thường kéo dài trong 8 tiếng/ ca, chia làm 3 ca nên công việc của đơn vị vô cùng vất vả, trực chiến 24/24 giống như "chống giặc" đúng nghĩa.

Các hành khách sẽ được phát tờ khai báo ngay trên máy bay. Sau khi xuống sân bay sẽ nộp tờ khai cho bộ phận kiểm dịch y tế, trường hợp nào chưa khai đầy đủ các mục thông tin thì được yêu cầu khai bổ sung. Từ ngày 10-3 vừa qua, các hành khách đã thực hiện thêm tờ khai điện tử.

Sau khi hoàn tất khai báo y tế, đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh, các chiến sĩ Công an Cửa khẩu Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài sẽ tiến hành kiểm tra chặt chẽ hộ chiếu hành khách, nếu phát hiện hành khách đi qua vùng có dịch sẽ chuyển cho kiểm dịch y tế. Kiểm dịch y tế sẽ kết hợp thông tin từ Công an và thông tin từ tờ khai y tế để quyết định việc cách ly y tế.

Các trường hợp có sốt khi qua kiểm tra máy đo thân nhiệt sẽ được chuyển đến bệnh viện để cách ly. Các trường hợp không có sốt nhưng đi từ vùng dịch về hoặc đi qua vùng có dịch đều được cách ly tập trung. Mới đây, trong quá trình làm nhiệm vụ, nhiều cán bộ của đơn vị đã tiếp xúc với các công dân từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở về, sau khi cách ly trong vòng 14 ngày cũng đã  trở lại làm việc bình thường.

Gần như ngày nào cũng vậy, khi kim đồng hồ đã chỉ 23h30 phút tại khu vực làm thủ tục khai báo y tế của  sân bay quốc tế Nội Bài vẫn có hàng trăm hành khách từ các chuyến bay quốc tế chờ đợi để làm thủ tục. Dưới sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, tất cả hành khách và tổ bay của Vietnam Airlines từ nước ngoài về đều tuân thủ thực hiện thủ tục khai báo y tế. 

Mọi người đều trật tự, chấp hành nghiêm túc, không thể hiện sự căng thẳng hay khó chịu. Sau khi hoàn thành khai báo y tế, hành khách đi qua khu vực có máy đo thân nhiệt tự động để ra khu vực làm thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý ký gửi và kiểm tra hải quan trước khi rời khỏi sân bay.

Công an cửa khẩu hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tập trung cho công tác phòng dịch COVID-19.

Chị  Phạm Thu Hà, trú tại Hà Nội, là hành khách mới bay từ nước ngoài về Việt Nam cho biết: Lực lượng An ninh sân bay thực hiện vô cùng chặt chẽ nhưng rất thân thiện, nghiêm ngặt việc kiểm tra sức khoẻ, đo thân nhiệt của các hành khách từ nước ngoài xuống tại sân bay. Vì thế mọi người khi đặt chân xuống sân bay ai cũng cảm thấy rất yên tâm.

Đại úy Nguyễn Văn Nam - Phó Đội trưởng Đội Chính trị - Hậu cần, Thiếu tá Đỗ Hà Nam - Phó Đội trưởng Đội Tham mưu, Thượng úy Nguyễn Thanh Hương, cán bộ Đội Chính trị - Hậu cần của đơn vị chia sẻ rằng các chiến sĩ ở mỗi vùng miền khác nhau, với những hoàn cảnh khó khăn riêng về gia đình, bố mẹ, vợ, con... họ đều vượt lên trên tất cả, đồng lòng chung sức vượt qua mọi khó khăn, thử thách  để hoàn thành nhiệm vụ ngăn ngừa, phòng chống sự lây lan của dịch, bảo vệ bình yên cho mỗi chuyến bay,  đảm bảo sức khỏe, an ninh, an toàn cho mỗi hành khách.

Điểm tựa vững vàng về tinh thần cho nhân dân

Tại các tuyến đầu cửa khẩu sân bay lớn của đất nước như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nha Trang, Vân Đồn…, toàn thể cán bộ chiến sĩ nơi đây cũng đang căng mình quyết tâm cao độ làm nhiệm vụ "chống dịch như chống giặc".

Kể từ khi nắm được thông tin về bệnh dịch phát triển ở Trung Quốc, lãnh đạo các đơn vị đã chủ động, tăng cường lực lượng, các biện pháp để phòng ngừa và chống dịch bệnh. Rất nhiều chiến sĩ đã xung phong "trực chiến" xuyên Tết đến nay chưa được về quê thăm gia đình.

Nhiều nữ cán bộ Công an vừa phải thực hiện nhiệm vụ vừa phải chăm sóc, vun vén cho gia đình, lo lắng, bận rộn hơn khi con nhỏ đang phải nghỉ học ở nhà. Khó khăn, vất vả, áp lực là thế nhưng các chiến sĩ vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, nỗ lực làm nhiệm vụ, sẵn sàng gánh vác thêm, sẻ chia phần công việc của đồng đội đang phải cách ly vì dịch bệnh; thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh.

 Khi chủ trì Hội nghị trực tuyến của Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào chiều 10-3 tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh: "Mỗi CBCS trong thời gian tới phải xung kích với ngành Y tế và chính quyền địa phương trở thành một kênh thông tin tuyên truyền tại cơ sở để người dân nắm và thực hiện tốt.

CAND phải là một trong những điểm tựa vững vàng về tinh thần cho quần chúng nhân dân trong thời điểm này". Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo của Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên cơ sở bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ, thể hiện vai trò của người lãnh đạo đơn vị, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ về tiến độ, chất lượng công tác; quyết liệt chạy đua với thời gian, tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Thực hiện thật cụ thể, thiết thực mà kết quả cuối cùng là khống chế thành công dịch bệnh Covid-19; bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ cho CBCS CAND, gia đình thân nhân và nhân dân.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo của Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng  khẳng định, lực lượng CAND luôn là tuyến đầu trong hoạt động phòng, chống dịch, cùng song hành với lực lượng y tế từ cấp cơ sở, có mặt mọi lúc, mọi nơi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Đây cũng là mệnh lệnh từ đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an tới từng cán bộ, chiến sỹ ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch Covid-19. Lực lượng CAND đã thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho nhân dân trong trận chiến này. Nhiều cán bộ chiến sĩ đã tạm gác hạnh phúc của bản thân để tham gia phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ cuộc sống yên vui, hạnh phúc của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Việt Hưng
.
.