Cổ tích từ một bài ca

Thứ Sáu, 19/01/2018, 08:10
Lần đầu tiên Mai hát. Tiếng hát xoa dịu nỗi đau địa ngục. Tiếng hát vực dậy linh hồn từ cõi chết trở về, để tiếp tục sống và chiến đấu cùng đồng đội giữa mùa xuân 1968 sôi sục. Trở về, "con thoi sắt" mang hình hài dị tật, chẳng còn mong ngóng chi một mái ấm gia đình, bồng bế con thơ...


Người con gái trong bão lửa

Cơm trắng và dưa muối thơm phức. Chưa bao giờ cô gái quê kiểng ấy được ăn một bữa ngon như vậy. Hồi còn ở Quảng Nam, quanh năm cả nhà chỉ ăn khoai, ăn sắn. Xong bữa cơm, các anh chị Đội biệt động 90C mua cho cô đôi dép. 22 tuổi đầu, Mai có một đôi dép trong đời. Đôi chân nứt nẻ, thô bành lóng ngóng tập đi. Sài Gòn năm 1964 chào đón cô biệt động Nguyễn Thị Mai như thế.

Mai không biết chữ. Tuổi thơ cô là ngày ngày cởi trần phơi nắng trên cánh đồng xã Đại Cường, huyện Đại Lộc bới củ khoai, mót cọng rau. Hãi hùng của Mai là những lần theo mẹ, theo anh chạy giặc càn. Phía sau lưng, mái tranh bốc cháy. 16 tuổi, Mai đã theo anh Hai đi làm giao liên huyện đội.

Được vào Sài Gòn gia nhập Đội biệt động 90C, Mai sung sướng lắm. Câu chuyện về những thiên thần "biến hóa" trên đường phố khiến bọn địch khiếp vía là niềm ngưỡng mộ của cô. Tướng tá thô kệch, chất phác cộng giọng xứ Quảng nặng sệt nên Mai dễ hóa thân thành nông dân đi làm đồng để vận chuyển vũ khí vào nội thành. Trưa trưa, chiều chiều, cô vác cái cuốc, dắt cái liềm, đẩy chiếc xe đạp treo tòng teng mấy củ khoai mỡ, khóm hay mấy trái mít bên trong nhồi vũ khí. Mai luôn thay đổi cung đường, thoắt ẩn thoắt hiện để qua mắt địch nên anh em trong đơn vị gọi cô là con thoi sắt.

Năm 1965, các trận đánh của “Việt Cộng” ngày càng dồn dập khiến bọn địch kiểm soát gắt gao các cửa ngõ. Chúng tăng cường cả cảnh sát nữ để kiểm tra đàn bà con gái. Xe lam chở hàng từ Củ Chi vừa tới cầu Xáng bị khám xét. Chúng phát hiện tập truyền đơn Mai giấu trong người và giỏ khổ qua chứa 30 kíp nổ.

Bà Nguyễn Thị Mai thời công tác ở Đội biệt động 90C.

Bày đủ trò tra tấn man rợ như tra điện, đứng đèn pha, đi tàu bay (treo người lên rồi thả đột ngột xuống nền)... , bọn chúng cũng chỉ nghe Mai thều thào: "Người ta nhờ tôi đem giùm! Tôi không biết gì hết...".  Thân thể bị lột truồng. Chúng bấm con lươn vào cửa mình cắn xé. Mai nghiến chặt răng. Điên tiết, bọn ác ôn giở ngón "đặc sản" của bốt Hàng Keo. Tên đồ tể đập cổ chai bia La Ve, đâm vào chỗ kín. Mỗi tiếng "Khai không?" là một lần Mai oằn mình...

Thế là hết, một đời con gái tươi đẹp, ước mơ gì nữa chuyện chồng con như ngày nào má ghẹo con gái lấy chồng sớm. Lời má dặn văng vẳng trong cơn mê: "Nếu bị bắt thì cắn răng chịu đựng tra tấn, không được phản lại tổ chức nghe con. Khai là đầu hàng, là đớn hèn nhục nhã nghe con!". 

Sáu tháng trời hùng hục, không moi được tin tức gì thêm, địch đành kết án "con Việt cộng cứng đầu" là gây rối trật tự trị an, phạt một năm tù. Nằm mê man trong xà lim lạnh lẽo, Mai nghe tiếng hát vọng lại: "Về tương lai, ngày quê hương màu xanh áo mới/ Chứa chan niềm tin đường ta đi xanh thắm mộng đời/ Về tương lai, đàn chim ơi/ Cùng ta cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu...". Bài hát hay quá. Cô nghe như dòng nước mát lành đang chảy trong cơ thể bầm nát. Mọi người bảo đó là "Bài ca hy vọng". Mai thều thào hòa giọng. Lần đầu tiên cô biết hát.

Thấy Mai lên cơn sốt, vết thương sưng vù mưng mủ, chị em đấu tranh quyết liệt. Địch đành đưa cô đến bệnh viện Nguyễn Thái Học (nay là Bệnh viện Nhân dân Gia Định). Nằm được vài ngày, Mai mở còng bỏ trốn.

Hơn một năm điều trị, dù chưa bình phục, Mai đã xông xáo xin nhận nhiệm vụ mới để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân. Không hổ danh là con thoi sắt, Mai cùng anh em lập loạt thành tích như: diệt tên chỉ điểm Ba "xe ngựa", đánh bom bãi xe hậu cần Mỹ, nhà đèn Thủ Đức... Trong năm 1967,  Mai là trinh sát vận chuyển vũ khí để các chiến sĩ đánh đề pô xe lửa làm hư hỏng 17 đầu máy.

Đợt 1 Mậu Thân, Đội biệt động 90C nhận nhiệm vụ đánh vô khám Chí Hòa giải phóng tù chính trị. Mai đảm nhiệm Tổ trưởng Tổ Trinh sát. Nhưng tới ngã tư Bảy Hiền, tổ đụng độ địch. Chúng quá đông buộc anh em phải rút. Tháng 6-1968, đợt 2 Mậu Thân, đơn vị có nhiệm vụ dẫn đường cho Tiểu đoàn 8, Sư 9 đánh trạm Ra đa Phú Lâm và khu vực Bảy Hiền. Lúc này vết thương trên đầu Mai hồi bị đi tàu bay hoành hành. Nằm ở R được mấy hôm, Mai chịu không nổi bèn xúi cô bạn giả chữ thủ trưởng viết thư lệnh Mai phải về đơn vị nhận nhiệm vụ gấp.

Bốn giờ sáng, khi đoàn đến cánh đồng Tân Tạo thì tứ phía rần rần tiếng xe thiết giáp và trực thăng. Trên trời, dưới đất, đạn như vãi trấu. Quân ta chống trả quyết liệt dù thua kém về lực lượng, vũ khí. Mai trú trong hầm, tay cầm khẩu K54 hết đạn. Thấy phía giao thông hào có anh bộ đội đổ ruột ra ngoài, chị kéo anh xuống hầm, dùng khăn băng vết thương. Người lính trẻ mấp máy hơi tàn: "Chị ơi..., chắc em không sống nổi đâu, em là người Bắc...". Chưa hết câu, anh tắt thở.

Đặt người lính nằm ngay ngắn, Mai gài hai trái lựu đạn trên miệng hào. Nếu địch tràn vô, chị và chúng cùng chết. Địch rút vì yên chí đã tiêu diệt gần hết quân ta. Những biệt động sống sót tiếp tục dẫn đường cho Tiểu đoàn 7 (bổ sung Tiểu đoàn 8 đã hy sinh). Thuộc làu địa bàn nên Mai xông xáo dẫn đầu. Tiểu đoàn 7 nhanh chóng làm tê liệt căn cứ quân sự địch. Chúng phản kích điên cuồng ở khu vực Bảy Hiền.

Băng băng trong làn đạn, Mai dìu anh em thương binh xuống hầm trú ẩn, sơ cứu vết thương cho từng người. Nhờ lập nhiều thành tích nổi bật, cuối năm 1968, Mai được cử đi "Hội nghị chiến sĩ thi đua toàn Miền" và được bà Nguyễn Thị Định tặng súng ngắn K54.

"Mùa đông và mây mù sẽ tan"

Lực lượng biệt động tổn thất nặng nề nên sau Mậu Thân, Mai vào lại nội thành gây dựng cơ sở. Từ lần tra tấn dã man, Mai coi như hạnh phúc riêng chấm dứt. Cô không hay rằng nết ăn nết ở cùng nghị lực phi thường, hết lòng vì nhiệm vụ khiến bao người trong đơn vị thầm thương trộm nhớ.

Một lần đi công tác, Huỳnh Kiều ngập ngừng: "Sao Mai chưa tính chuyện chồng con?". Mai thở dài: "Ôi, chiến tranh mà, chồng con gì anh". Anh gãi đầu: "Còn tôi đang tính lấy vợ, mà phải là  người cùng quê". "Vậy để tui làm mai anh với cô Nga Quảng Nam". Đến lúc này Huỳnh Kiều  gãi đầu tợn: "Nhưng… tôi ưng Mai thôi". Mai cắn chặt môi: "Anh biết tôi bị gì mà?".

Vợ chồng ông bà Huỳnh Kiều - Nguyễn Thị Mai hạnh phúc bên nhau.

Ai dè, Huỳnh Kiều lên báo cáo tổ chức. Đồng chí Trưởng ban Cán bộ nhìn anh dò xét: "Mày có chắc là muốn sống với Mai cả đời không?". Huỳnh Kiều gật đầu. Ông vỗ vai: "Được, mày phải viết cam kết, sau này mà bỏ con Mai là coi chừng".

Trước đám cưới, Mai còn một nhiệm vụ phải vào thành. Tiễn người yêu lên đường, anh có cảm tưởng mười ngày xa cách sao mà lâu quá xá. Mai thấy đôi dép Huỳnh Kiều bị đứt liền đổi đôi dép mình cho anh, dặn: "Anh gắng chờ, ít bữa em về".  Cô lo lắng nghĩ về đám cưới, về mối lương duyên chẳng thể đơm hoa kết trái. Bất chợt, Mai khe khẽ: "Về tương lai, ngày quê hương màu xanh áo mới/ Chứa chan niềm tin đường ta đi xanh thắm mộng đời…". Anh cốc đầu: "Em hát mà như đọc vậy hỉ".

Một tên phản bội chỉ điểm Mai ngay khi chiếc xe thồ đáp chợ Củ Chi. Sau đủ trò tra tấn, chúng quấn giẻ tẩm xăng vào chân Mai. Ngọn lửa bùng lên chân phải. "Không khai tao châm luôn bàn chân còn lại cho mày chết". Mai rít qua kẽ răng: "Cởi chân kia ra đi, tôi khai". Khi chân trái vừa được tháo, Mai châm nốt vào chân phải đang bốc cháy ngùn ngụt. Mai mỉm cười, lẩm nhẩm giai điệu quen thuộc trong tiếng la hét của bọn ác ôn. Trong khốc liệt đời người, đôi khi chỉ cần một niềm hy vọng. Hy vọng nghĩa là sống còn ngay cả khi ta đang kết thúc sự sống. Đôi mắt người yêu, khuôn mặt của má hiện ra trong lời ca của Mai.

 Mai không chết nhưng cô ở tù một năm với án mù. Ngày trở về, Huỳnh Kiều ôm Mai nấc nghẹn. Năm 1973, một đám cưới đơn sơ diễn ra. Mai báo có bầu, anh không tin vào tai mình. Cả đơn vị thì sốt sắng, ai cũng muốn nhìn tận mắt để chứng kiến điều kỳ diệu.  Chính Mai cũng không tin mình có thể mang thai, đó như món quà lớn nhất mà ông trời ưu ái tặng vợ chồng sau bao nhiêu thử thách. Đại thắng mùa Xuân năm 1975, vợ chồng Mai và đứa con thơ về lại Sài Gòn trong cờ hoa reo mừng. Một mầm sống khác nảy mầm trong người nữ thương binh ấy.

Về già, điều quý giá nhất của ông bà là hai con trai hiếu thảo. Tiếng cười rộn ràng trong căn nhà trên đường Bàu Cát, quận Tân Bình có vị nếp ngọt thơm bà nấu, bán cho khách qua đường. Trong làn hơi xôi ngào ngạt, tôi nghe bà khe khẽ hát cho đứa cháu nội giai điệu quen: "… kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu/ Có cơn gió mừng buồn thương mùa đông và mây mù sẽ tan".

Đó là bài ca duy nhất bà thuộc.

Quỳnh Nga
.
.