Có một “bộ tứ” anh hùng ở Công an Hải Phòng

Thứ Tư, 28/09/2005, 09:52

Đó là bốn anh hùng, liệt sĩ công an trong hơn hai mươi năm qua đã lần lượt ngã xuống vì sự bình yên của thành phố Cảng. Họ gặp nhau ở nhiều điểm: Cùng là những cán bộ hoạt động ở cơ sở, họ đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Liệt sĩ Bùi Xuân Quý đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 1985. Cho đến giờ, đồng đội nhân dân vẫn nhớ, vẫn cảm phục tinh thần anh dũng, kiên quyết tấn công tội phạm của anh.

Theo các nhân chứng kể lại thì quãng gần mười giờ đêm ngày 9/5/1984, một tên cướp với vũ khí nóng là 5 quả lựu đạn mỏ vịt, sau khi thực hiện hai vụ tống tiền không thành, đã đột nhập vào Xí nghiệp Cung ứng vật tư xây dựng. Tại đây, tên cướp đã khống chế bảo vệ xí nghiệp, lấy được một khẩu súng trường K44 với đầy đủ đạn dược.

Nhận được tin báo, Trung úy Bùi Xuân Quý cùng tổ truy lùng siết chặt vòng vây. Một cán bộ trong tổ bảo vệ xí nghiệp định dẫn tổ truy lùng tiếp cận đối tượng, song vì sợ anh chưa quen đối phó với tên cướp có vũ khí nguy hiểm nên Trung uý Quý đã ngăn lại và vượt lên trước. Mặc dù trời tối, song bằng linh cảm nghề nghiệp, anh Quý đã xác định được chỗ tên cướp ẩn náu, báo cho đồng đội.

Lợi dụng trời tối, tên cướp bất ngờ nổ súng làm anh Quý trọng thương. Tổ truy lùng kêu gọi tên cướp ra hàng, song hắn vẫn rất ngoan cố. Tình thế buộc anh em phải dùng lựu đạn cay khống chế, tiêu diệt tên cướp, giải thoát cho anh bảo vệ xí nghiệp và tiếp cận đưa Quý đi cấp cứu. Vì vết thương quá nặng, trên đường tới bệnh viện, Trung uý Quý đã hy sinh.

Cũng tương tự trường hợp Trung úy Bùi Xuân Quý, tối 23/8/1988, trong khi xuống địa bàn làm việc với tổ dân phố về công tác tuần tra bảo vệ, Trung úy Lê Văn Đuông (cảnh sát khu vực phường Mê Linh, nay là phường An Biên, quận Lê Chân) nhận được tin quần chúng cấp báo tại nhà chị Đinh Thị Dược ở cụm dân cư số 6 đang xảy ra vụ cướp. Bản thân Đuông cũng nghe có tiếng súng nổ.

Mặc dù biết đối tượng thuộc loại nguy hiểm, có vũ khí, trong khi mình chỉ đi tay không, song với tinh thần trách nhiệm cao, Trung uý Đuông đã lanh lẹ men theo tường nhà nạn nhân nhằm tiếp cận đối tượng. Khi phát hiện  từ trong nhà chị Dược một bóng đen cao lớn vụt ra, ngay lập tức Đuông xông vào, quật ngã và khóa tay đối tượng.

Bất ngờ một bóng đen nữa từ trong nhà chị Dược lao ra, gí súng vào bụng Đuông bóp cò. Đuông bị trọng thương. Anh nằm viện tới ngày 27/7 năm sau thì mất.

Khác với các trường hợp truy bắt tội phạm của hai Trung úy Bùi Xuân Quý, Lê Văn Đuông, với Thiếu tá Lê Thanh Á (Công an phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền), sát thủ Lê Đức Quang (tức Quang Đô) còn có lúc xem anh như là ân nhân. Chính vì lẽ đó nên sau khi việc cảm hóa đối tượng không thành, ý thức về mối nguy hiểm khi tên tội phạm hung hãn thoát ra ngoài xã hội nên mặc dù bị hung thủ đâm trọng thương, Thiếu tá Lê Thanh Á vẫn cố gắng gượng truy đuổi và trước khi gục xuống vì mất nhiều máu, đồng chí còn kịp chỉ dẫn cho người dân và đồng đội biết hướng truy kích tên tội phạm. Thiếu tá Lê Thanh Á đã tắt thở trên đường đến bệnh viện. Hôm đó là ngày 26/3/1997.

Khác với những liệt sĩ kể trên, khi thực thi nhiệm vụ, Thiếu tá Bùi Tiến Tường, Phó trưởng Công an phường Hùng Vương đã phải đối mặt với một đám đông tội phạm đa phần tuổi còn trẻ và rất manh động. Trung tá Nguyễn Thọ Quản, Trưởng Công an phường Hùng Vương nhớ lại: “Tường là người rất nhanh nhẹn. Đêm ấy (2/8/2005) anh trực chỉ huy. Khi nhận được tin báo ở khu vực Bến Nở có hai nhóm thanh niên với rất nhiều hung khí đang tụ tập chuẩn bị sát phạt nhau, Tường đã lệnh cho trực ban điều động bốn chiến sĩ tới khu vực nói trên. Bản thân Tường lấy xe máy phóng lên trước để nắm bắt tình hình.

Hành động của Tường rất kịp thời, vì khi anh  tới nơi thì cũng là lúc xảy ra xô xát, trong đó có đối tượng đang dùng dao nhọn uy hiếp tính mạng của một thanh niên. Trong lúc anh đang tập trung tinh thần, sức lực khóa tay tên này thì bị đồng bọn của y từ phía sau xô vào sát hại...”.--PageBreak--

Như ở phần đầu bài đã nói, các anh hùng, liệt sĩ nhắc tới trên đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Trung úy Bùi Xuân Quý: 30 tuổi; Trung úy Lê Văn Đuông: 34 tuổi; Thiếu tá Bùi Tiến Tường: 36 tuổi và cao tuổi nhất là Thiếu tá Lê Thanh Á cũng mới bước vào tuổi 40. Nếu như Trung úy Bùi Xuân Quý chưa lập gia đình, thì lúc hy sinh, các liệt sĩ Lê Văn Đuông, Lê Thanh Á, Bùi Tiến Tường đều để lại gánh nặng gia đình với vợ dại, con thơ và nơi ăn chốn ở chưa ổn định.

Sau đúng ba tuần kể từ ngày Thiếu tá Bùi Tiến Tường giã biệt cuộc đời, khi tới thăm vợ con anh tại ngôi nhà cấp bốn nhỏ hẹp và ẩm mốc được cất lên trên cái nền trước kia từng là nhà vệ sinh của khu tập thể Nhà máy Xi măng Hải Phòng, chúng tôi đã gặp hai cụ thân sinh của anh Tường xuống ở để động viên, chăm nom con cháu (anh Tường mất đi để lại hai con nhỏ, cháu lớn 6 tuổi và cháu bé mới chưa đầy năm).

Nhìn cảnh đại gia đình quây quần, bà cháu quấn quít bên nhau, chúng tôi cảm thấy yên lòng nhưng rồi chợt lạnh người khi nghĩ rằng: ấm áp thì ấm áp vậy, song đâu là cơ sở để ngần ấy con người tồn tại khi mà nhân lực chính của gia đình - Thiếu tá Bùi Tiến Tường đã ẩn mình ở chốn cao xanh? Nhìn hình ảnh cháu bé mới được 10 tháng tuổi đang nấc nghẹn khi mẹ cho ăn bột, bất giác liên hệ tới phút lâm chung đau đớn, vật vã của Thiếu tá Tường, tới gánh nặng gia đình anh để lại, chúng tôi không khỏi chạnh lòng xa xót...

Theo thông tin chúng tôi nhận được thì ngoài số tiền mặt quyên góp được từ một số đơn vị trong và ngoài ngành, hiện tại lãnh đạo Công an Tp. Hải Phòng đang làm đề xuất xin đất để thành phố xây dựng ủng hộ gia đình đồng chí Tường một căn nhà.

Được biết, các gia đình liệt sĩ Lê Văn Đuông, Lê Thanh Á cũng từng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền thành phố Cảng. Hiện họ đã có nơi ăn chốn ở ổn định. Một điều cũng đáng mừng là liệt sĩ Lê Văn Đuông có ba người con thì hiện cả ba đều theo nghiệp bố (trong đó có một cháu gái đang công tác tại Công an phường Trại Cau, dưới quyền của Trung tá Vũ Thượng Sanh, thủ trưởng cũ của anh Đuông). Con trai anh hùng, liệt sĩ Lê Thanh Á cũng đang theo học tại Học viện An ninh nhân dân.

Nếu như người dân Hải Phòng trước đây từng xúc động xuống đường đưa tiễn liệt sĩ Bùi Xuân Quý và sau đó là liệt sĩ Lê Thanh Á, khiến đám tang các anh trở thành hai trong số những đám tang đông người tham gia nhất ở thành phố này thì họ cũng dành tình cảm thương tiếc đối với trường hợp của liệt sĩ Bùi Tiến Tường như vậy. Đặc biệt, đã có nhiều vần thơ, bản nhạc được khởi nguồn từ nỗi nhớ tiếc các anh. Nhà thơ Đào Cảng viết về buổi tiễn đưa liệt sĩ Bùi Xuân Quý: “Tiễn anh đi Hải Phòng kết thành hoa/ Người và hoa bồng bềnh trên mặt phố/ Bùi Xuân Quý đã đi vào bất tử/ Anh đi vào sâu lắng trái tim ta”.

Còn đây là mấy vần thơ chúng tôi trích từ bài “Thương nhớ Bùi Tiến Tường” do hai tác giả A.N. - K.T. sáng tác hiện được ép plattic treo ở phòng làm việc của liệt sĩ Tường: “Tiễn anh xế buổi ban trưa/ Nắng như đổ lửa, mắt mưa thành dòng/ Ai về chốn ấy hay không/ Cho nhân dân gửi tấm lòng nhớ thương...”.

Nhân nhắc tới căn phòng làm việc của Thiếu tá Bùi Tiến Tường, chúng tôi xin kể lại một chi tiết cảm động: Khi vào thắp nén nhang cho anh, chúng tôi phát hiện ra rằng, ngoài một bàn thờ nhỏ có khung ảnh Thiếu tá Tường, căn phòng vẫn được sắp đặt đúng như khi anh còn sống, nghĩa là đèn vẫn sáng, quạt trên tường vẫn chạy, chiếc biển mica ghi tên và chức danh của anh vẫn được đặt nguyên trên bàn làm việc, bên chồng hồ sơ, tài liệu. Như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, Trung tá Bùi Thọ Quản bùi ngùi giải thích: “Chúng tôi cứ để nguyên như vậy vì nhớ Tường quá. Coi như chú ấy vẫn còn sống, vẫn đang làm việc cùng chúng tôi”

Phạm Khải
.
.