Cô Cảnh sát Giao thông tận tụy với công việc
- Hình ảnh mới, nữ Cảnh sát giao thông dẫn đoàn
- Chuyện nữ Cảnh sát giao thông xứ Quảng
- Nữ Cảnh sát giao thông “giỏi việc nước, đảm việc nhà”
Có điều, không ai ngờ rằng, bao năm qua, chị làm điều đó là vì chỉ đau đáu một điều: không muốn ai lặp lại nỗi đau của chính gia đình mình đã trải. Đó là Đại úy Trần Thị Thúy Hằng, cán bộ đội tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý tai nạn giao thông (đội 2) - Phòng Cảnh sát giao thông-Công an tỉnh Đắk Lắk.
Trăn trở từ nỗi đau tai nạn giao thông của chính mình
Hằng sinh năm 1984, tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, có mẹ làm cán bộ đội quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Hương Khê. Như bao bạn bè cùng trang lứa khác, cuộc sống của chị em Hằng diễn ra thật bình yên.
Thế rồi, vào cuối năm 2002, khi Hằng đang học lớp 12, trên đường mẹ Hằng cùng người Đội trưởng tranh thủ ngày nghỉ thứ 7 đi xe máy đến nhà dân làm các giấy tờ cần thiết cho bà con thì bị một tai nạn giao thông kinh hoàng. Người Đội trưởng tử vong tại chỗ, còn mẹ Hằng thì bị thương rất nặng.
Sau hơn 1 năm trời ròng rã, phải chuyển qua nhiều tuyến và bệnh viện khác nhau ở Hà Nội như: Viện 19-8, Bạch Mai, Việt Đức... để chữa chạy, mẹ Hằng thoát chết nhưng hậu quả và di chứng thì rất nặng nề với mặt bị sập một bên, hỏng một mắt, cơ thể bị liệt chéo, não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, tỷ lệ thương tật lên đến 91%.
Sau này, Hằng đã tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn và tự rút ra cho mình những bài học về chấp hành luật giao thông. Quá thấm thía những nỗi đau, sự mất mát từ vụ tai nạn giao thông của mẹ mình, tự bên trong Hằng đã hình thành sự thôi thúc phải làm điều gì đó để nỗi đau ấy không lặp lại ở những gia đình khác.
Miệt mài chặn những nỗi đau
Cuối năm 2009, Hằng được vào công tác ở Đội 2, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Đắk Lắk. Từ đây, cô bắt đầu miệt mài với công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông cho mọi người, ban đầu là quay phim, chụp ảnh, xây dựng các tin, bài để tuyên truyền trên các báo, đài. Vừa làm, vừa tích cực nghiên cứu, học hỏi nên Hằng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về công tác truyền thông và đã áp dụng hiệu quả trong việc giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật giao thông.
Càng ngày, Hằng càng được cấp trên tin tưởng giao cho những phần việc quan trọng. Trong đó, các kế hoạch, chương trình, đề án, công văn, báo cáo cô tham gia tham mưu đều được cấp trên đánh giá cao về tính sát thực và khả thi. Đó là: Kế hoạch "Tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho các thôn, buôn, trên địa bàn toàn tỉnh"; Báo cáo khoa học: "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động đồng bào các dân tộc tham gia đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk"; "Các biện pháp bảo đảm ATGT cho người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ tại khu vực đèo, dốc đang thi công, sửa chữa";
"Kiến nghị sơn vạch kẻ đường và thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT trên tuyến quốc lộ 26, 27 gửi Chi cục Quản lý đường bộ 3.5"; Kế hoạch về "Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh"; "Tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe cơ giới đường bộ"; "Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội cho lái xe ôtô vận tải hành khách, xe taxi";
"Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT cho đối tượng học sinh, sinh viên"; "Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập công đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cư nhỡ"; "Góp ý Dự thảo lần thứ 7 Thông tư quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông trong lực lượng Công an nhân dân" v.v...
Tuy nhiên, phần việc mà Hằng tâm huyết nhất luôn là đi trực tiếp tuyên truyền pháp luật giao thông cho các tầng lớp nhân dân. Bởi không muốn những tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào, với bất cứ ai khi tham gia giao thông, nên bao năm qua, Hằng đã rất tích cực tham gia cùng đồng đội, phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, trường học, ban tự quản các thôn, buôn, tổ dân phố tổ chức phát động phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ và tuyên truyền về luật giao thông, trong đó, có nhiều thôn, buôn vùng sâu vùng xa, biên giới, đặc biệt khó khăn.
Đắk Lắk là một tỉnh có địa hình phức tạp. Cư dân có đến 48 dân tộc thiểu số, có nhiều phong tục, tập quán, ngôn ngữ khác nhau, hiểu biết pháp luật nói chung, về giao thông nói riêng còn nhiều hạn chế. Vậy nên, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân gặp nhiều khó khăn. Không những thế, lâu nay, trên địa bàn tỉnh, tình trạng xe công nông lưu thông trên đường mang nhiều nguy cơ gây tai nạn cũng diễn ra khá phức tạp, nhất là về lúc chiều tối hoặc ban đêm mà nhiều xe lại đi trong tình trạng không đèn, hoặc chỉ có một đèn chiếu sáng phía trước nhưng lại rất mờ, yếu. Vì thế, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm từ loại xe tự chế rất kém an toàn kỹ thuật này.
Để khắc phục những khó khăn trên, ngoài nâng cao chất lượng các bản tin tuyên truyền, Hằng còn thu thập các video clip về những tình huống dẫn đến tai nạn giao thông, biên tập lại để vừa chiếu cho người dân xem, vừa phân tích cặn kẽ. Từ đó, mọi người dễ hiểu và nắm bắt được sâu hơn về ý nghĩa quan trọng của việc tuân thủ đúng luật giao thông để chấp hành tốt hơn. Riêng với xe công nông, Hằng đã có sáng kiến đề nghị người dân dán băng phản quang ở các cạnh của thùng xe. Với chi phí rất ít nhưng băng phản quang này lại giúp người đi đường dễ dàng nhận biết ra chiếc xe để tránh không đâm va vào.
Trong các chuyến về cơ sở để tuyên truyền, Hằng và đồng đội còn cùng nhau khảo sát thực địa, nghiên cứu, phân tích về các nguyên nhân khách quan, chủ quan, đặc điểm cụ thể của những điểm đen về tai nạn giao thông trên các tuyến đường đối với từng loại phương tiện, rồi từ đó, vừa kiến nghị các cấp thẩm quyền có giải pháp khắc phục, vừa tham mưu cấp trên chỉ đạo soạn, in những tờ rơi phát cho các lái xe để cảnh báo họ chú ý phòng tránh tai nạn khi đi qua các vị trí này.
Trong các tờ rơi tuyên truyền phát cho người dân, Hằng và đồng đội đã tham mưu in bằng hai thứ tiếng Kinh và Ê Đê, rồi bên cạnh một số điều khoản về xử lý hành chính, còn in thêm một số điều khoản xử lý theo pháp luật hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng pháp luật về giao thông. Điều này cũng góp phần tăng tính giáo dục, răn đe để phòng ngừa vi phạm.
Ngoài ra, Hằng còn tham gia tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục về pháp luật giao thông cho các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức sinh động khác nhau. Từ chính nỗi đau của mình và người thân nên trong tâm niệm của Hằng, cô luôn mong muốn một điều: đó là không có những tai họa, bất hạnh, nghịch cảnh đau lòng từ tai nạn giao thông đến với bất kỳ ai.
Ngoài việc chuyên môn, Hằng cũng rất nhiệt tình trong các hoạt động tình nghĩa. Cô rất tích cực tham gia các đợt thăm, tặng quà, nhà tình nghĩa, phát mũ bảo hiểm cho người dân ở các thôn, buôn, xã, phường, thị trấn.
Bao năm qua, hình ảnh nữ chiến sỹ Cảnh sát giao thông có phong cách giản dị, gần gũi, bám sát cơ sở, tận tâm, chân thành chia sẻ những khó khăn, vất vả với dân và lo lắng cho sự an nguy về sức khỏe, tính mạng của người khác đã tạo nên sự cảm mến sâu sắc đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Còn đối với Đại úy Trần Thị Thúy Hằng, đơn giản đó chính là niềm vui, lẽ sống của mình.l
Đại úy Trần Thị Thúy Hằng trong một buổi tuyên truyền chấp hành pháp luật về giao thông cho các doanh nghiệp vận tải và lái xe.