Chuyện về những người “mò kim đáy bể”

Thứ Năm, 06/07/2017, 08:35
Bắt đối tượng phạm tội đã khó, bắt một đối tượng trốn truy nã càng khó hơn nhiều. Ngoài việc đối mặt với hiểm nguy trong quá trình bắt giữ đối tượng, lực lượng cảnh sát truy nã còn phải thắng mình trước những viên đạn bọc đường, khi các đối tượng tìm cách mua chuộc bằng tiền và nhiều thứ tài sản có giá trị khác, Thượng tá Điêu Duy Thiểm, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC 52) Công an tỉnh Phú Thọ chia sẻ với chúng tôi khi thành phố ngã ba sông đã lên đèn. 


Những sẻ chia của người chỉ huy đơn vị cũng là trăn trở của lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm nói chung, Công an tỉnh Phú Thọ nói riêng. Bắt và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú là khâu quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm. Đây cũng là khâu cuối cùng, góp phần kết thúc một chuyên án, đồng thời phục vụ tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử.

"Nguyên nhân các đối tượng bỏ trốn sau khi gây án là do nhận thức pháp luật của họ chưa đầy đủ. Họ sợ sự trừng phạt của pháp luật; sợ xã hội lên án không dám đối mặt với tội lỗi do mình gây ra... Do đó, sau khi bỏ trốn, đối tượng thường đi rất xa khỏi nơi cư trú, đến các xã vùng sâu, vùng xa, sử dụng nhiều thủ đoạn để trốn nhằm che giấu tung tích và đối phó với sự phát hiện của cơ quan chức năng và nhân dân như thay tên, tuổi, thay đổi nhân dạng, thay đổi nơi ở, thay đổi cách thức liên lạc với người thân, với đồng bọn, gây rất nhiều khó khăn cho công tác xác minh, truy bắt", Thượng tá Điêu Duy Thiểm cho biết. Vì thế, việc bắt giữ đối tượng có lệnh truy nã ví như "mò kim đáy bể"; có những đối tượng, phải dày công đeo đuổi trong nhiều năm, thậm chí vài chục năm.

Như để minh chứng, vị trưởng phòng kể cho chúng tôi một đối tượng trốn truy nã gần 25 năm, Phòng PC52 Công an tỉnh Phú Thọ mới bắt giữ thành công. Đó là trường hợp của Hán Văn Nguyên (SN 1962, HKTT tại xã Tam Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), kẻ có lệnh truy nã về tội giết người, cướp tài sản.

Giọng trầm trầm, câu chuyện của người chỉ huy đưa chúng tôi trở lại thời điểm 25 năm về trước: Hôm đó, khoảng 3h ngày 3-4-1991, với ý định cướp tài sản, Nguyên cùng các đối tượng là Nguyễn Văn Bắc và Đặng Trần Tòng (cùng trú tại huyện Tam Nông) bàn nhau chặn xe ô tô để xin tiền xăng. Nguyên dùng súng K54  bắn chỉ thiên, chặn đầu xe ôtô...

Khi người lái xe dừng lại, anh ta cùng đồng bọn lục soát cabin, lấy đi một đồng hồ SK cùng 500 nghìn đồng. Vì tiếc của, nạn nhân Đỗ Xuân Đích (trú tại Hưng Hà, Thái Bình) chạy theo van xin thì Nguyên dùng súng bắn vào cổ khiến anh Đích tử vong. Sau khi gây án, Bắc và Tòng bị bắt sau 6 năm bỏ trốn; riêng Nguyên vẫn bặt vô âm tín. Bao nhiêu năm Nguyên lẩn trốn, các thế hệ cán bộ Phòng PC52 Công an tỉnh Phú Thọ đã tốn nhiều công sức tìm tung tích của Nguyên nhưng không đạt hiệu quả.

Phòng PC 52 Công an tỉnh Phú Thọ dẫn giải đối tượng truy nã về trụ sở.

Năm 2016, Công an huyện Tam Nông (Phú Thọ) chia sẻ nguồn tin, có một người dân nói giọng miền Nam gọi điện tố giác tội phạm, tố cáo một đối tượng nghi vấn đang trốn truy nã. Từ một thông tin mong manh đó, anh đã chủ động liên lạc nói chuyện với người phụ nữ, rồi chính những thông tin trao đổi qua điện thoại đã giúp anh xác định đối tượng trốn truy nã, đó chính là Hán Văn Nguyên, kẻ mà nhiều thế hệ làm công tác truy nã của Công an tỉnh Phú Thọ đã dày công theo đuổi trong nhiều năm nay.

Bằng linh cảm của một người lính truy nã, anh đã nhanh chóng đặt câu hỏi nghi vấn... rồi cùng cán bộ trong đơn vị phối hợp tiến hành xác minh thông tin về Nguyên và xác định anh ta đang ở tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Phòng PC52 Công an tỉnh Phú Thọ và Cục C52B trao đổi thông tin, bắt giữ Nguyên khi đối tượng này đang trốn truy nã tại địa chỉ trên.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Điêu Duy Thiểm không giấu được những trăn trở: Trong thực tế, số đối tượng bị truy nã hầu hết trốn khỏi địa phương. Quá trình lẩn trốn, chúng thường có nhiều thủ đoạn che giấu tung tích, tạo vỏ bọc nhằm lẩn tránh sự truy nã. Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng truy nã đã tìm mua các loại vũ khí để sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Và cũng không phải gia đình nào có người phạm tội bỏ trốn cũng sẵn sàng cộng tác với Công an để vận động người thân quay về chịu án. Trong cuộc đấu trí đó, bản lĩnh của người cán bộ làm công tác truy nã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết

Từ những thông tin rất sơ sài, cán bộ Phòng PC52 Công an tỉnh Phú Thọ không ngại khó, ngại khổ, với quyết tâm đưa đối tượng ra ánh sáng. 

Ngày 25-12-2016, Phòng PC52 Công an tỉnh Phú Thọ xác lập án, bắt giữ Nguyễn Thị Bích Thủy (SN 1967, ở tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội). Thủy là đối tượng có mối quan hệ gia đình, xã hội phức tạp. Đối tượng này từng đi lao động hợp tác tại nước ngoài, có thời gian hoạt động mua bán, sản xuất trái phép chất ma túy lâu năm, có mối quan hệ rộng với nhiều của đối tượng ở các địa bàn khác nhau...

Cùng với việc truy tìm, Phòng PC52 đã phối hợp với Cơ quan CSĐT đấu tranh, khai thác Thạch Văn Hòa, là chồng và cũng là đồng phạm của Thủy để xác định các mối quan hệ, những địa điểm đối tượng có thể ẩn náu, lẩn trốn. Với sự vào cuộc của Cục C52, Bộ Công an, Phòng PC52 xác định, Thủy thường xuyên quan hệ với Trương Thị Anh Tuyết (ở tại 16/52 đường Minh Khai, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội), con trai Thủy là Nguyễn Mạnh Tùng (ở tại số 11 Ngô Tất Tố, Văn Miếu, Hà Nội) con gái của Thủy là Đoàn Thị Hồng Hạnh (ở tại tầng 4, nhà B2, khu đô thị Times City Hà Nội)…

Sau 2 ngày phối hợp cùng Cục C52 và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP Hà Nội, ngày 27-12-2016, đơn vị phát hiện đối tượng mới trở về chỗ ở (số 9, xóm La, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Từ thông tin này, Phòng PC52 đã trực tiếp phối hợp với Phòng 5, Cục C52, Công an phường Đại Mỗ, Công an quận Nam Từ Liêm mật phục xung quanh khu vực nhà đối tượng.

Thượng tá Điêu Duy Thiểm nhớ lại: Căn nhà của Thủy trú ngụ xây dựng kiên cố, cửa bằng sắt nếu phá sẽ đánh động đối tượng có thể dẫn đến tình huống đối tượng manh động, liều lĩnh gây mất an toàn. Trong tình huống đó, anh đã chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ bao vây, giám sát chặt chẽ xung quanh. Đến 18h, Phòng PC52 phát hiện có 1 người đến trước cửa nhà Thủy, đồng thời con riêng của Hòa (chồng Thủy) ra mở cửa...

Nhận định đây là thời cơ thích hợp, Phòng PC52 Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng tiếp cận, khống chế và vào trong nhà đối tượng. Qua kiểm tra phát hiện Nguyễn Thị Bích Thủy đang trốn trên gác xép, bên ngoài dùng chăn, đệm che chắn. Tổ công tác đã bắt được đối tượng Nguyễn Thị Bích Thủy đảm bảo tuyệt đối an toàn. Quá trình bắt giữ Thủy đã phát hiện, thu giữ một lượng lớn ma túy tổng hợp. Không dừng lại ở đó, Phòng PC52 phối hợp Công an phường Đại Mỗ, kiểm tra tạm giữ đối tượng đến mua ma túy của Thủy là Dương Văn Nhị (nơi ĐKTT: Thôn Đường Hồng, xã Thanh Đa, Phúc Thọ, Hà Nội)...

Không ít đối tượng phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được sự vận động của Công an tỉnh Phú Thọ đã đến Cơ quan Công an đầu thú. Trong quá trình vận động, cán bộ Phòng PC52 Công an tỉnh Phú Thọ đã giải thích được chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước có liên quan trực tiếp đến đối tượng; phân tích cho họ thấy được những nguy cơ, tệ nạn xấu khi con em họ lẩn trốn pháp luật, xa sự quản lý của gia đình, dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, rủ rê lôi kéo đi vào con đường phạm tội làm cho "tội chồng lên tội". Qua đó, vận động đối tượng ra đầu thú, thi hành án sớm để được xóa án tích, không để lại "vết đen" trong lý lịch, ảnh hưởng đến con em của họ. Trong 10 năm qua toàn tỉnh đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại 1.944 đối tượng truy nã, trong đó có 386 đối tượng đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Đạt được mục tiêu đề ra là kiềm chế phát sinh và làm giảm số đối tượng truy nã hiện hành.

Với những thành tích kết quả đã đạt được, nhiều năm qua, Phòng PC52 Công an tỉnh Phú Thọ luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác bắt truy nã. Tập thể cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã vinh dự được Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh... tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu trong công tác truy bắt tội phạm.

Xuân Mai
.
.