Chuyện về những du kích dũng cảm xã Thái Dương

Thứ Tư, 12/10/2005, 07:48

Khi được một người nguỵ binh cởi trói, ông Phạm Văn Chuẩn đã chạy về một phía để thu hút hoả lực của địch cứu thoát 5 đồng đội của mình.

Từ tháng 8/1954 trở về trước, xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là một trong những vùng bị giặc Pháp chiếm đóng. Chúng xây dựng hai bốt: bốt Cầu Sắt và bốt vệ sĩ Đồng Tỉnh...

Đã hai lần chúng càn quét vây làng Vị Thủy, làng Đồng Tỉnh, đốt 80 nhà dân, phá giao thông hào, mở vành đai trắng ở khu vực xã Vị Dương cũ (nay là các xã Thái Dương, Thái Phúc, Thái Hồng, Thái Thuần, Thái Thịnh). Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ xã, trực tiếp là Phân Chi bộ thôn Vị Thủy do ông Đinh Văn Quỹ là Phân chi trưởng trực tiếp chỉ đạo, du kích của làng đã được thành lập, tự trang bị một số vũ khí thô sơ, súng, lựu đạn, tổ chức đào hầm bí mật dưới các khu vực vườn chè thông ngách ra các bờ ao trong xóm, làm các cửa hầm ở dưới bụi tre hoặc làm nhà có tường hai chái để che giấu cán bộ, cất giấu lương thực, thực phẩm và tổ chức chiến đấu tiêu diệt địch.

Như nhiều người dân yêu nước, căm thù bọn xâm lược và kiên quyết bảo vệ Cách mạng; từ năm 1947-1948, ông Phạm Văn Chuẩn (sinh năm 1921), em ruột là ông Phạm Ngọc Tái (sinh năm 1923) người làng Vị Thủy, đang là thông tin viên của Đoàn thanh niên xã và là giáo viên bình dân học vụ đã tích cực tham gia các hoạt động du kích. Năm 1948-1949, tham gia vào trung đội chuyển thóc khao quân. Năm 1950, ông Chuẩn được bổ sung vào trung đội cứu thương, làm nhiệm vụ sơ cứu và vận chuyển thương binh từ chiến trường về các cơ sở quân y của bộ đội ta ở phía sau.

Đầu năm 1951, giặc Pháp mở chiến dịch càn lớn có cả ngụy binh tham gia, lấy tên là "Chiến dịch vết dầu loang” càn quét, tấn công khu kháng chiến của ta ở vùng Thái Ninh cũ, nhằm tiêu diệt căn cứ kháng chiến và bắt chỉ huy cao cấp của bộ đội ta. Trong tình thế, bị vây ráp, giữa đêm tối được lệnh đột xuất của cấp trên, giao nhiệm vụ cho đội du kích làng Vị Thủy phải tìm mọi cách để bảo vệ và đưa một đồng chí cán bộ thoát khỏi vòng vây địch.

Các ông Đinh Văn Thải, Phạm Văn Chuẩn cùng đội du kích bàn bạc thống nhất với người cán bộ là dùng nhựa cây đu đủ pha với một ít mật ong để uống. Khoảng nửa tiếng sau khắp người anh cán bộ sưng tấy. Ba du kích giả dân thường dùng võng thay nhau khênh anh đi. Dọc đường bọn lính khố xanh, khố đỏ tuần tra, yêu cầu kiểm tra.

Nghe nói là người nhà bị mắc bệnh nặng cần đưa đi cứu chữa, chúng lột chiếu che võng, soi đèn thấy người trùm chăn, mặt mũi sưng húp, phì đỏ, tin là bị bệnh thật nên đã cho đi. Ngay đêm đó, du kích đã đưa được người cán bộ ra vùng giải phóng ở khu Thần Đầu - Thần Huống để qua đò Trà Lý vượt sông sang huyện Tiền Hải. Người cán bộ ấy là đồng chí Văn Tiến Dũng, sau này trở thành Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng QĐND Việt Nam.

Sáng ngày 6/3 âm lịch, năm 1951, giặc Pháp cùng lính Âu Phi và ngụy quân càn quét bao vây làng Vị Thủy, lùng bắt tiêu diệt cán bộ, bộ đội. Đội du kích của thôn chỉ với vũ khí tự tạo là chủ yếu, để bảo toàn lực lượng, buộc phải rút xuống hầm bí mật sau vườn chè nhà bà Tưởng. Do có Việt gian chỉ điểm, bọn giặc đã sục sạo tìm, khui được nắp hầm bí mật.

Giặc Pháp thay nhau đổ nước, dùng rơm rạ ướt đốt tạo khói quạt vào miệng hầm suốt từ sáng đến chiều nhằm buộc du kích phải ra hàng. Do hầm dài, sâu, thông nhiều ngách, cho nên du kích đã kịp hủy tài liệu, giấu vũ khí, thống nhất với nhau thà chết không đầu hàng. Đến chiều tối thấy du kích không lên, sợ bị tấn công, bọn giặc ném lựu đạn xuống hầm. Lựu đạn nổ. Du kích vẫn không đầu hàng. Chúng phá miệng hầm, rồi lần lượt lôi các ông Phạm Văn Chuẩn, Phạm Ngọc Tái, Đinh Văn Thải, Đinh Văn Chẩn, Đinh Văn Rạng và Hà Duy Kim lên mặt đất.

Chúng dùng dây trói giật cánh khuỷu, xâu cả 6 ông thành một dây, điên cuồng dùng báng súng đánh tới tấp vào đầu, mặt, thân thể các ông. Ông Phạm Văn Chuẩn là người cao to, trắng trẻo, bị nghi là bộ đội Sư đoàn 320, nên bọn chúng tập trung tra hỏi. Ông Chuẩn im lặng, bị chúng đánh gãy cả mấy chiếc răng cửa, thân thể bầm tím, máu chảy loang xuống ngực. Vừa đánh chúng vừa lôi 6 du kích sang vườn chè nhà ông Săm, thôn Trần Phú.--PageBreak--

Chúng  tiếp tục thay nhau đánh và yêu  cầu các ông khai bộ đội, cán bộ lãnh đạo, chỉ hầm bí mật, các nơi cất giấu vũ khí, tài liệu, nhưng trước sau cả 6 người, đều chỉ nói là dân thường, không biết. Quân giặc lập tức đào đất chôn sống 6 ông, chỉ để hở từ cổ trở lên, thúc ép buộc phải khai. Mãi không bắt các ông khai được, chúng đào đất lôi các ông lên buộc vào gốc chè để sáng hôm sau đưa về bốt rồi mang đi bắn ở bờ sông Bến Lở.

Đêm khuya, chỉ còn  một số lính giặc thay nhau gác, có tên khi gác đã ngủ gật. Do thương cảm các ông bị đánh quá dã man, đau đớn, gần sáng một người ngụy binh đã bí mật gỡ dây trói cho 6 du kích. Ông Chuẩn là anh lớn tuổi trong đội du kích và là người bị giặc đánh chết đi, sống lại thì thầm giao hẹn với anh em là một mình ông chạy ra phía cánh đồng, nếu chúng phát hiện thì chỉ tập trung truy đuổi một phía, có hy sinh thì một mình chịu, tạo điều kiện cho 5 du kích còn lại chạy sang hướng khác để thoát.

Lợi dụng giặc thay gác, ông Chuẩn nói nhỏ: “Các chú ở lại, anh đi đây!”. Và lập tức cả 6 người chạy theo hướng đã thống nhất. Bọn lính phát hiện hô nhau đuổi bắt, ông Chuẩn chạy được khoảng vài chục mét, thì bị trúng đạn hy sinh; 5 du kích còn lại lợi dụng việc địch tập trung đuổi ông Chuẩn nên đã chạy thoát sang làng Đồng Tỉnh. Đến đêm hôm sau dân làng mới bí mật lấy được thi thể ông Chuẩn để chôn cất.

Hòng dập tắt hoạt động của cơ sở cách mạng, ngày 1/7 âm lịch (năm 1952), máy bay giặc Pháp ném bom rải thảm xuống làng Vị Thủy, giết hại 50 người dân vô tội. Nhà ông Chuẩn, ông Tái bị 3 quả bom phá hủy; mẹ, vợ và con ông Chuẩn bị bom giết chết. Làng xóm sau trận bom trở nên hoang vắng, tang tóc đau thương. Nhưng lòng căm thù và sôi sục diệt giặc lại càng nung nấu hơn.

Các hoạt động phối hợp bao vây của nhân dân, bộ đội, du kích trong toàn vùng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy  Thái Thụy ngày càng có hiệu quả. Bọn giặc trong bốt Cầu Sắt không dám đi ra ngoài ngang nhiên như trước. Bị bao vây cô lập, không còn đường tiếp tế, không còn nước sạch để dùng; tắm sông, lấy nước sông thì bị dịch bệnh, bị bắn tỉa tiêu diệt, đến năm 1953, giặc Pháp buộc phải rút quân khỏi bốt Cầu Sắt.

Năm 1954, miền Bắc được giải phóng. Tổng kết, ghi nhận kháng chiến chống thực dân Pháp ghi nhận thành tích đóng góp của những người du kích trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 8/1964, Thủ tướng Chính phủ đã truy tặng Bằng khen cho ông Phạm Văn Chuẩn và tặng Bằng khen cho ông Phạm Ngọc Tái.

Ngày 3/11/2004, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định phong tặng xã Thái Dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp. Uống nước nhớ nguồn; trong niềm vinh dự tự hào, Đảng bộ và nhân dân xã Thái Dương rà soát đánh giá lại công sức đóng góp của những người dân bình thường đã tham gia hoạt động du kích anh dũng hy sinh trong kháng chiến và lập hồ sơ đề nghị cấp trên sớm truy tặng danh hiệu liệt sĩ Phạm Văn Chuẩn

Phạm Ngọc Quý
.
.