Chuyện về người chiến sĩ an ninh 10 giờ ngâm mình dưới nước mùa đông

Thứ Sáu, 23/02/2007, 08:00

Giữa tháng 9/1965, tôi được phân công về làm công tác phát động quần chúng chống địch, bảo vệ vùng giải phóng Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Quảng Trị. Sau khi Mỹ đổ bộ vào căn cứ Phú Bài, Sư đoàn bộ binh số 3 quân đội Sài Gòn đóng ở Thừa Thiên đã tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét, đánh phá nhằm chiếm lại vùng giải phóng của ta.

Ngày ấy, Phong Sơn là địa bàn trọng điểm đánh phá của địch, song chúng không thể đóng quân, xây dựng bộ máy chính quyền ở đây vì sợ ta tiêu diệt, nên cứ 15 đến 20 ngày Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 3 quân đội Sài Gòn lại lên Phong Sơn càn quét một ngày rồi rút về căn cứ. Do vậy, từ ngày về công tác ở Phong Sơn, tôi đã phải đụng đầu với nhiều cuộc càn quét của địch.

Trước đó, để tăng cường công tác an ninh, tôi và anh Lưu được Ban An ninh tỉnh phân công về nhận công tác ở thôn Cổ Bi, một địa bàn phản gián trọng điểm ở Phong Sơn. Anh Lưu làm công tác phản gián, còn tôi làm công tác vận động quần chúng, điều tra cơ bản địa bàn và xây dựng lực lượng an ninh xã, thôn. Trong cuộc càn quét của địch vào thôn Cổ Bi cuối tháng 9/1965 đã xảy ra một vụ chỉ điểm của gián điệp, giúp địch phát hiện 2 hầm bí mật làm 2 cán bộ đoàn phát động của tỉnh và 2 cán bộ cốt cán của thôn hy sinh, khiến nhiều cán bộ bám trụ ở đây phải rất cảnh giác.

Đầu tháng 12 năm 1965, tin từ vùng địch cho chúng tôi biết địch đang chuẩn bị một cuộc càn quét lớn vào Phong Sơn, nhằm vào các ngày kỷ niệm lớn của ta là 19, 20 và 22 tháng 12. Giữa lúc chúng tôi đang chuẩn bị đối phó, thì xuất hiện đợt gió mùa lớn từ  phương Bắc tràn về gây ra mưa to ở vùng này. Các cánh đồng từ Tứ Chánh, Phe Tư đến Cổ Bi của xã Phong Sơn đều ngập nước. Khiến các hầm bí mật của cán bộ ta xây dựng trong các thôn xóm đều bị ngập, không trú ẩn được. Thế là tất cả cán bộ, du kích bám trụ thôn Cổ Bi đều tập trung về xóm Yên Cổ Trại, là địa bàn giáp núi để có thể kịp chạy lên rừng khi địch càn.

Khoảng 6h sáng 18/12/1965, quân đội Sài Gòn đã có mặt ở chợ Cổ Bi. Tại đây, chúng tôi nghe một loạt súng máy từ thôn Cổ Bi dội lên, song vì nước sông Bồ dâng to nên cứ ngỡ là địch từ Lại Bằng bắn sang, nên không cảnh giác. Nào ngờ, một tiểu đoàn địch đã chia làm 2 cánh, một cánh thọc sâu vào làng, một cánh triển khai bao vây xóm Yên Cổ Trại từ phía núi để ngăn chặn cán bộ, du kích chạy lên rừng.

Lúc này, trời quang, mưa đã tạnh, cán bộ ta từ các nhà cơ sở đang chuẩn bị đi công tác, thì đã nhìn thấy thấp thoáng lính địch. Không ai bảo ai, mỗi người một ngả, kịp thời sơ tán lên núi. Tôi ở nhà ông Đối, một nẻo cách biệt với các nhà khác nên không biết tin gì về địch. Từ nhà ông Đối, tôi ung dung đi ra đường làng thì trông thấy lố nhố lính địch đang đi tới. Chúng trông thấy tôi, biết chắc là một cán bộ, nhưng không thể bắn vì một đàn trâu từ trong ngõ bất chợt chạy ra chặn ngang lối đi của địch. Tôi không chạy theo đường làng để lên núi, mà rẽ ngang vào vườn một nhà dân, rồi chạy ra bãi tha ma để ra đồng ruộng.

Linh tính cho tôi biết địch đã bao vây chặn đường lên núi. Chúng đuổi theo tôi nhưng không kịp. Bóng dáng tôi mất hút trong vườn làng nơi đây. Tôi lần theo các bờ ruộng cách làng 200m thì dừng lại. Các bụi tre rậm rạp dọc con lối đều bị nước bao quanh. Tình thế buộc tôi phải chui vào một bụi tre và dứa dại, ngồi yên nước ngập ngang ngực. Lính địch tiến đến bãi tha ma cách chỗ tôi nấp chừng 150m, nhưng chúng không biết hướng tôi chạy về đâu nên bắn vài loạt tiểu liên vu vơ rồi rút vào làng. Lúc này súng cối và tiểu liên của địch bắn dữ dội theo hướng đường ôtô phía núi.

Để bảo toàn lực lượng, tôi không dám di chuyển đi chỗ khác vì sợ địch phát hiện, giơ khẩu súng K54 lên khỏi mặt nước, ngồi yên chờ đợi. Nước đưa cái lạnh vào tới gan ruột, người tôi cứng dần, khẩu súng ngắn cũng buộc phải treo vào cành tre. Tôi lấy hết sức lực ra để chống lại cái rét.

Quân địch đã biết có “một Việt Cộng” chạy ra đồng. Nhưng dân làng thì không biết tôi đang ở đâu. Tôi tự hỏi: Liệu địch còn ở trong làng chờ tôi hay không và chờ đến bao giờ, và liệu khi địch rút thì dân làng có ai biết tôi đang nấp ở đây mà ra cứu? Thế là tôi phải ngâm mình trong nước chịu một cái rét kinh khủng trong mùa đông từ 7h tới 16h. Càng về chiều xóm làng càng im ắng, không hiểu địch đã rút hay còn đóng lại. Lúc này gần bãi tha ma có tiếng trâu lội bì bõm, tiếng trẻ em và cả người lớn trên bãi tha ma. Từ chỗ ẩn nấp tôi lại lần theo bờ ruộng đến gần bãi tha ma, thì trông thấy một cháu gái con một bác nông dân tên là Đối đang chăn trâu. Tôi gọi cháu lại gần và lắp bắp hỏi không thành lời xem địch rút chưa. Vừa lúc đó, một bác nông dân chạy đến báo cho tôi biết quanh nhà ông Đối không còn địch, hình như chúng đã xuống làng.

Lúc này, hai hàm răng tôi đánh cầm cập, đi đứng không còn vững. Bác nông dân bèn cõng tôi vào nhà ông Đối. Hơi ấm của bác nông dân đã san sẻ cho thân hình lạnh cóng của tôi. Ông Đối hối thúc vợ đốt một đống lửa thật to ở giữa nhà cho tôi sưởi, còn mình thì đi ra đường nghe ngóng tình hình địch. Bà con cho biết quân địch đã tập trung ở nhà thờ họ Giáp và đang qua sông Bồ. Ông Đối còn cho biết anh Tâm đã bị địch bắn chết ở phía núi, vì anh không chạy kịp du kích, không biết tránh làn đạn của địch. Tôi muốn ra ngay chỗ anh Tâm hy sinh, nhưng vì địch đang vây nên mọi người can ngăn, vì sợ địch từ Sơn Lủa rút về ngả Cổ Bi. Tôi bố trí ông Đối và ông Tình ra chăm sóc thi hài anh Tâm.

Sau khi địch rút, ông Đin cùng bà con và anh em chúng tôi kéo đến nơi anh đã hy sinh. Thay mặt bà con dân làng, ông Đin quỳ xuống bên anh Tâm rì rầm khấn vái: “Anh Tâm ơi! anh đã cùng tôi sớm tối có nhau, anh hãy coi tôi như người thân nhất trên mảnh đất này, nay anh chẳng may hy sinh vì nghĩa nước, đau đớn biết chừng nào, xin anh hãy để anh em tôi đưa anh vào nhà để anh về cõi Phật”. Ông Đin nói xong, mọi người oà lên khóc, rồi đưa anh Tâm vào một nhà vắng người ở trong xóm để ngày mai an táng.

Lòng tôi bồi hồi xúc động, đau đớn vì sự ra đi của anh Tâm- một người đồng đội, một chiến sĩ an ninh đã hi sinh vì đất nước. Hơn 40 năm đã trôi qua, câu chuyện về 10 tiếng đồng hồ ngâm mình dưới nước trong mùa đông năm ấy và sự hi sinh của những người đồng đội, chắc chắn sẽ theo tôi đến hết cuộc đời

Đại tá Đoàn Hạp
.
.