Chuyện tình người chiến sĩ điệp báo năm đó

Thứ Hai, 21/03/2005, 07:57

Nhận nhiệm vụ vào miền Nam công tác, anh không được phép tin cho vợ con biết. Anh chỉ tình cờ gặp chị 30 phút tại trụ sở Công an tỉnh Thanh Hóa, vì lúc bấy giờ, chị đang học ở Trường trung cấp Y sĩ ở đây. Đó là lần gặp cuối cùng.

Họ cùng sinh ra, lớn lên ở xóm Câu, khu phố Động Hải, thị xã Đồng Hới, bên dòng sông Nhật Lệ. Chị là con nhà thuộc gia đình trung lưu. Còn anh, mẹ chết từ lúc anh mới sinh được 3 ngày. Bố anh qua đời lúc anh 7 tuổi. Người cô ruột nuôi dưỡng anh. Tháng 3/1947, anh ra Vinh nhập “Hội kín” rồi sau đó được tuyển làm nhân viên Ty Công an Nghệ An.

Đầu năm 1952, anh được chuyển về làm việc ở Ty Công an Quảng Bình. Tháng 3/1953, trong một lần đi công tác ở miền Tây huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, anh gặp chị là chiến sĩ trong Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 anh hùng. Một năm sau họ làm lễ cưới.

Chị kể, lễ cưới ngày ấy giản dị mà đậm đà. Người ta chúc mừng cô dâu chú rể bằng lời ca tiếng hát, câu hò, ngâm thơ, đánh đàn, thổi sáo. Mỗi bàn khách là một lọ hoa, đĩa kẹo, đĩa thuốc lá vấn hình sâu kèn và bình nước “đại trà”. Phía trên phòng hội trường là khẩu hiệu “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, với đôi chim bồ câu cắt bằng giấy trắng, quấn quýt và hai chữ T, N duyên dáng lồng vào nhau, nổi lên giữa hình một quả tim hồng. T là tên chồng: Tiêu Dũng Tuấn. N là tên chị: Lê Thị Nghiêu.

Sau ngày cưới, chị Nghiêu được chuyển về làm y tá trạm xá cơ quan chồng là Ty Công an Quảng Bình. Tiêu Dũng Tuấn là một chiến sĩ công an có bản lĩnh, cốt cách nên đã được đề bạt làm phó phòng nghiệp vụ. Và cuối năm 1963, với hàm Trung úy, anh đã được Bộ Công an quyết định là một trong 13 người quê ở Quảng Bình trong số 40 chiến sĩ Công an của toàn ngành đi tập huấn cấp tốc để chi viện cho miền Nam.

Ông Tiêu Dũng Tuấn (thứ ba từ trái sang) trong nhóm chiến sĩ Bộ Công an cử vào công tác ở chiến trường B cuối năm 1964.

Theo ông Trần Đình Luyến, nguyên Giám đốc Công an Quảng Bình, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, một trong những chiến sĩ của Bộ Công an được cử vào Nam công tác lần ấy sống sót trở về kể lại: Sau một tháng vượt Trường Sơn, đoàn đã có mặt ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vào những ngày đầu xuân Ất Tỵ (1965). Tiêu Dũng Tuấn đổi tên thành Đặng Hồng Vân.

Ban đầu anh được điều về phụ trách một khu vực dân cư ở thành phố Huế và đóng vai người đi làm thuê cho một xưởng bánh kẹo. Nhưng trong Sở Cảnh sát ngụy lúc này có một tên mật thám vốn là nhân viên Phòng Nhì của Pháp đã làm việc ở Đồng Hới trước 1954 biết mặt anh, nên tổ chức đã chuyển anh vào công tác ở huyện Hương Thủy.

Trong nhiều năm, Đặng Hồng Vân đã chỉ đạo các lực lượng an ninh địa phương tìm diệt những tên ác ôn nợ máu cách mạng, đồng thời xây dựng một mạng lưới cơ sở cách mạng vững mạnh ngay giữa lòng địch. Hương Thủy trở thành một trong những huyện có phong trào cách mạng cao của tỉnh Thừa Thiên - Huế trước, trong và sau Mậu Thân (1968).

Đều đặn, tháng nào chị Lê Thị Nghiêu cũng nhận được thư chồng từ chiến trường gửi ra. Nhưng lá thư cuối cùng mà chị nhận được là ngày 27/3/1971. Trong thư báo tin cấp trên đã sắp xếp cho anh sẽ trở lại miền Bắc trong một ngày không xa.

Mỏi mòn đợi chờ, một chiều giữa năm 1973, đang làm việc, bỗng có một người đưa thư đến. Cầm lá thư, chị nhận ra không phải là chữ của chồng mình. Chị vội vàng đạp xe lên ban B, đóng ở xã Nghĩa Ninh, phía tây thị xã Đồng Hới. Theo lời hẹn trong thư, người gặp mình có tên là Thành, Phó ty Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, trên đường ra Hà Nội họp đang dừng chân ở đây.

Chị bàng hoàng khi được tin Đặng Hồng Vân (tức Tiêu Dũng Tuấn) chồng chị đã anh dũng hy sinh, kèm theo cả địa điểm, tên người chôn cất chồng.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 8/1975, chị Lê Thị Nghiêu vội vàng khăn gói lên đường đi tìm chồng.

Nhờ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế giúp đỡ, chị tìm được người mai táng chồng mình năm xưa. Đó là ông Minh, Hội Phật tử ở cụm 3, huyện Hương Thủy. Ông Minh kể lại: Ngày 25/5/1971, địch mở một trận càn lớn ở đây. Đặng Hồng Vân từ chiến khu về đang tổ chức một cuộc họp mặt ở cơ sở. Khi hai đại đội biệt kích ngụy ập đến, Vân bắn yểm hộ và ra lệnh cho đồng đội rút lui. Cuối cùng, anh nhảy xuống một hầm bí mật cùng hai nữ chiến sĩ công an cơ sở, một người có tên là Ngãi ở cụm 7 và một người có tên là Cúc ở cụm 1.--PageBreak--

Nhưng bọn giặc đã biết được hầm bí mật này. Chúng cạy nắp, bắc loa gọi hàng. Quá lâu, không thấy ai lên chúng xộc xuống để bắt sống. Nhưng một tên lính vừa đến cửa hầm đã bị Đặng Hồng Vân dùng súng ngắn bắn gục. Cuối cùng chúng đã dùng mìn định hướng nổ ngay ở cửa hầm.Lôi xác ba chiến sĩ công an lên, lột hết quần áo, chúng đem về phơi nắng ở bãi cỏ cạnh sân bay Phú Bài. Ba ngày sau, độ 6 giờ tối, ông Minh được Hội Phật tử cử giả vờ đưa trâu đi ăn, đến quan sát thăm dò.

Bọn giặc đã bắt ông đưa ba người đi chôn. Được dịp, ông gọi thêm 3 người nữa cùng đi chôn cất họ ở một gò cát trong nghĩa địa gần đó. Đến tối, mẹ chị Cúc đến xin ông đưa xác con về. Hai ngày sau, mẹ chị Ngãi cũng đến gặp ông xin nhận lại xác con. Ông khuyên không nên, và hai năm sau thì gia đình chị Ngãi đến bốc hài cốt về an táng ở quê. Còn Đặng Hồng Vân, tức Tiêu Dũng Tuấn còn đó, không thể nhầm lẫn với phần mộ ai.

Chị Nghiêu ôm mộ chồng mà khóc vật vã. Ông Minh cùng dân làng bốc hài cốt của chồng chị vào một cái valy. Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho xe con xuống Hương Thủy đưa chị cùng hài cốt chồng chị về thành phố và sắp xếp cùng về quê Quảng Bình theo một chuyến xe bên ủy ban thành phố đi công tác ở Hà Nội.

Ngày hôm sau, xe về đến Quảng Bình quan sát quốc lộ 1A ở thị xã Đồng Hới vào lúc 1h sáng, chị vác anh trên vai, mò mẫm trong đêm hơn 10 km theo đường lên phố Cộn, sang làng Ba Đa để đưa anh về nhà. 10 năm ra đi, nay anh đã trở về trên đôi vai mềm của chị.

Ngày mai táng anh có đầy đủ bà con làng Ba Đa, phường Đồng Sơn, đại diện Sở Công an tỉnh Quảng Bình, Thị ủy, UBND thị xã Đồng Hới. Tất cả đều  rất tự hào về một người con của quê hương đã chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam nay đã trở về.

Bà Lê Thị Nghiêu hiện đang ở nhà số 5, đường Lâm Úy, khu phố Hải Đình, thành phố Đồng Hới. Năm nay bà đã 77 tuổi, xông pha qua hai cuộc chiến tranh nên bà đang mắc nhiều chứng bệnh. Bà đã từng là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Đồng Hới, bác sĩ Trưởng phòng Y tế thành phố Đồng Hới, mẹ của ba đứa con, hai gái, một trai hiện nay đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyên viên kỹ thuật trong các cơ quan Nhà nước. Riêng người con trai thứ hai Tiêu Dũng Tiến nay là tiến sĩ, công tác ở Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, Hà Nội

Hồ Ngọc Diệp
.
.