Chuyện quanh tượng đài đầu tiên về "Người anh hùng trong lửa đỏ"

Thứ Năm, 02/04/2020, 08:46
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân trân quý, ví Cảnh sát PCCC là "anh hùng trong lửa đỏ" và mong muốn dựng tượng đài vinh danh chiến sĩ PCCC hành động dũng cảm. Để cứu hàng trăm nghìn người khỏi các tai nạn, sự cố, và dập tắt đám cháy không lây lan, nhiều chiến sĩ Cảnh sát PCCC xả thân quên mình, không ngại nguy hiểm, thậm chí hy sinh tính mạng…


Những ngày cuối năm 2019, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, sau khi nghe báo cáo của đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018", Quốc hội đã dành một ngày thảo luận về công tác phòng cháy, chữa cháy. Trong thảo luận, có đại biểu đã nêu vấn đề cần phải dựng tượng đài để tôn vinh những người lính Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã hi sinh quên mình vì sự bình yên của xã hội. Dư luận xã hội cũng có nhiều thông tin nhưng đa phần người dân cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân trân quý, ví Cảnh sát PCCC là "anh hùng trong lửa đỏ" và mong muốn dựng tượng đài vinh danh chiến sĩ PCCC hành động dũng cảm. Để cứu hàng trăm nghìn người khỏi các tai nạn, sự cố, và dập tắt đám cháy không lây lan, nhiều chiến sĩ Cảnh sát PCCC xả thân quên mình, không ngại nguy hiểm, thậm chí hy sinh tính mạng…

Tượng đài lính chữa cháy đầu tiên ở Việt Nam.

Những hành động, những việc làm cụ thể xuất phát từ tấm lòng yêu nghề, bất chấp hiểm nguy sẵn sàng lao vào cứu người, cứu tài sản của những chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã tạo nên những khoảnh khắc đẹp trong lòng dân. Đó là hình ảnh người chiến sĩ chữa cháy với bàn tay bị bỏng nặng trong khi làm nhiệm vụ tại đám cháy chung cư Carina, TP Hồ Chí Minh vào năm 2018 khi được nhà báo Lệ Quyên chia sẻ, đã mang đến cảm xúc mãnh liệt đối với người xem.

Đó là sự hy sinh của chiến sĩ PCCC, hình ảnh Thượng úy Phạm Phi Long, CATP Hồ Chí Minh, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là vợ anh hạ sinh lần thứ 2, nhưng người cha trẻ ấy chưa kịp đón con gái chào đời thì đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đó là hình ảnh những chiến sĩ cứu nạn cứu hộ (CNCH) dầm mình cả đêm dưới dòng nước xiết trong vụ chìm tàu Dìn Ký… và còn biết bao hình ảnh đẹp khác của người chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH in đậm trong ký ức và trở thành tượng đài bất tử trong lòng dân.

 Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, từ năm 2014 đến nay đã có 7 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh, hàng chục người bị thương trong cuộc chiến chống giặc lửa.

Câu chuyện về dựng tượng đài người chiến sĩ chữa cháy trên thế giới đã có từ lâu nhưng ở Việt Nam là hoàn toàn mới. Ở các nước phát triển, chúng ta dễ dàng bắt gặp những tượng đài lính chữa cháy rất hoành tráng được đặt ở nhiều nơi.

Trong khi nhiều người đang bàn luận về việc dựng tượng đài người lính chữa cháy thì trước đó đã có một bức tượng người chiến sĩ chữa cháy được đặt trang trọng tại cổng trường Đại học PCCC (số 243 đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đây có thể là tượng đài người chiến sĩ chữa cháy đầu tiên ở Việt Nam. Mặc dù bức tượng còn rất khiêm nhường, đặt ở nơi được coi là chiếc nôi của lực lượng PCCC Việt Nam trong thời gian chưa lâu nhưng nó đã chiếm được cảm tình của người dân và là niềm tự hào của các thế hệ học viên Đại học PCCC. Song điều ít người biết đến là bức tượng được dựng như thế nào? Và ai là người đưa ra ý tưởng xây dựng bức tượng thì càng ít người biết.

Bức tượng mô phỏng người chiến sĩ chữa cháy tay trái ôm một cháu bé, tay phải xách bình chữa cháy đang vượt qua vòng lửa hung dữ vây hãm, nét mặt cương nghị và ánh mắt nhân hậu. Tượng được làm bằng chất liệu đá cẩm thạch (Marble) màu trắng muối (loại đá được khai thác ở vùng núi Quỳ Hợp, Nghệ An). Tượng có chiều cao 2,2m, nặng 1,5 tấn được đặt cạnh biển tên trụ sở Trường Đại học PCCC, trọng lượng khoảng 5 tấn.

Mặt sau của biển tên trụ sở Trường Đại học PCCC được trích dẫn lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Cái còn mãi với thời gian là danh dự. Còn vật chất chỉ là phù vân". Bức tượng được đặt ở một không gian thoáng, ngay cổng chính Trường Đại học PCCC để nhiều người có thể quan sát. Biển tên trụ sở Trường Đại học PCCC không còn đơn thuần là chỉ dẫn về mặt địa lý mà nó đã cùng bức tượng đài người chiến sĩ chữa cháy tạo nên một giá trị nhân văn cao cả, tôn vinh nghề PCCC và đạo đức con người. Hàng ngày, cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học viên Trường Đại học PCCC qua lại khu vực cổng trường đều có chung một niềm tự hào về nghề nghiệp PCCC&CNCH.

Các thầy cô giáo Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.

Bức tượng được xây dựng từ ý tưởng của Thiếu tướng Lê Quang Bốn. Khi được Bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC, Thiếu tướng Lê Quang Bốn luôn trăn trở là làm thế nào để đẩy mạnh, tạo ra bước đột phá trong công tác đào tạo nguồn nhân lực làm công tác PCCC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới.

Sau nhiều đêm trăn trở, ông nghĩ việc đầu tiên là phải tạo được động lực cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học viên. Muốn làm được điều đó, trước hết phải tạo ra một môi trường làm việc đảm bảo cả về cơ sở vật chất và tinh thần. Đối với một nhà trường, phải tạo ra được một không gian mô phạm, môi trường sư phạm có tính giáo dục cao. Trong đó việc giáo dục truyền thống, giáo dục ý thức nghề nghiệp, giáo dục đạo đức cho học viên được đặt lên hàng đầu.

Với phong cách suy nghĩ thấu đáo, nói đi đôi với làm, Thiếu tướng Lê Quang Bốn triển khai ngay việc đảm bảo các điều kiện cho cán bộ, giáo viên, học viên công tác và học tập ở cả 3 cơ sở của nhà trường. Cùng với việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các phòng làm việc, giảng đường, thư viện, ký túc xá… ý tưởng xây dựng một tượng đài người chiến sĩ chữa cháy để giáo dục lòng tự hào nghề nghiệp cho cán bộ, giáo viên, học viên được hình thành.

Lúc đầu khi đưa ra ý tưởng xây dựng tượng đài cũng có nhiều ý kiến khác nhau, song với sự bàn bạc kỹ lưỡng trong tập thể Ban Thường vụ, Ban Giám hiệu, quyết tâm xây dựng tượng đài được triển khai thành hiện thực. Việc tìm hình mẫu, thiết kế tượng được triển khai ngay sau đó. Bức tượng được mô phỏng theo bức phù điêu gốm sứ đã được nhà tạo hình Lê Minh Sơn, hội viên Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam thiết kế từ những năm 1980, hiện đang được đặt tại khuôn viên Ký túc xá Đại học PCCC.

Một trong những vấn đề khó khăn là kinh phí xây dựng. Trong điều kiện hiện nay, việc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng tượng đài là điều không thể. Rất may, khi ý tưởng xây dựng tượng đài được nêu ra, có rất nhiều nhà hảo tâm tán đồng và sẵn sàng tài trợ. Cho đến lúc này, việc xây dựng tượng đài đã trở thành hiện thực. Sau hơn 5 tháng thi công, các nghệ nhân làng nghề đá Ninh Vân (Ninh Bình) đã hoàn thành tác phẩm đúng vào dịp kỷ niệm 71 năm lực lượng CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy (11/3/1948-11/3/2019).

Mặc dù bức tượng đài người lính chữa cháy còn ở mức khiêm nhường, chưa thực sự xứng tầm để tôn vinh sự vất vả, nguy hiểm và hi sinh của một nghề đặc thù nhưng cũng là dấu ấn góp phần động viên lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Việt Nam.

Đó cũng là nguồn động viên cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học viên Trường Đại học PCCC đoàn kết, thi đua dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực làm công tác PCCC&CNCH cho đất nước.

Nguyễn Bùi An Lê
.
.