Chuyện người con gái bên bờ sông Gianh năm xưa

Thứ Bảy, 15/07/2006, 09:22

Lê Hồng Đức, nhân viên Phòng Nhì, ngoan ngoãn cất súng rồi giở trò với Huệ. Nhanh như  cắt chị liền ôm hắn thật chặt rồi kêu “ối” một tiếng thật to. Nhận được tín hiệu, hai đồng chí công an và mấy chiến sĩ trong Đại đội 5, huyện đội Quảng Trạch ập vào, khóa tay rồi trói hắn lại.

Thuở đó, Trần Thị Huệ là người con gái đẹp nhất làng Thuận Bài, xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đến nỗi, nhiều chàng trai con nhà giàu có ở Đồng Hới, theo đò buôn ra Ba Đồn rồi xuôi về quê chị mà xem mặt, tha thẩn đợi cơ hội làm quen.

Chị thường theo bạn bè gồng gánh buôn chuyến, khi vào Bố Trạch, khi ra Hà Tĩnh, nhưng thuộc con nhà gia giáo nên không phải ai cũng có thể “đậu đơn” xin được cầu hôn chị. Và chính sắc đẹp và phẩm hạnh mực thước của Huệ, ông Phạm Giang Hồ, Trưởng ty Công an Quảng Bình thời kỳ ấy quyết định đưa chị vào mạng lưới cơ sở của ngành Công an ở Quảng Trạch để phục vụ kháng chiến.

Vào một buổi tối giữa năm 1949, có người hàng xóm sang chơi (sau này, chị mới biết, đó là một cơ sở của cách mạng) bảo chị: có người nhắn ngày mai, đúng 9h, đến chợ Thổ Ngọa để giao hàng. Người “mua hàng” là một cán bộ do ông Phạm Giang Hồ cử tới.

Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng và nhiệm vụ chị được giao là phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Quảng Trạch bắt sống Lê Hồng Đức, một tên tay sai đắc lực của Pháp. Hắn là nhân viên Phòng Nhì, mật thám liên bang Trung kỳ đặc trách huyện lỵ Quảng Trạch. Hắn đã tự tay giết hoặc chỉ điểm để bọn giặc bắt bớ tù đày bao chiến sĩ, đồng bào yêu nước của ta.

Đồng chí Nông Đức Mạnh chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu (bà Trần Thị Huệ là người đeo chuỗi, phía phải của ảnh), trong giờ nghỉ giải lao tại "Đại hội Điển hình tiên tiến CAND-1995" do Bộ Nội vụ tổ chức.

Trước đó ít ngày, hắn đã đóng vai một cán bộ kháng chiến đi công tác bị lạc đường, nhờ anh Tái ở làng bên chỉ dẫn hộ. Tưởng thật, anh đưa hắn đến gặp lý trưởng, vốn là một người có cảm tình với lực lượng kháng chiến. Chỉ mới nghe mấy câu trao đổi của đôi bên, Lê Hồng Đức xuất một thế võ, đá văng anh Tái ra ngoài cửa rồi tung một quả đấm vào mặt lý trưởng, hét lớn:

- Tao thề sẽ nhổ sạch “cỏ cộng sản” ở cái phủ Quảng Trạch này.

Bắt một đối tượng như vậy là nhiệm vụ thật khó khăn đối với cô gái trẻ như Huệ. Được các anh trong lực lượng vũ trang giúp đỡ, Huệ đã biết tạo những gì cần thiết để làm tròn nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.

Vào một ngày chợ phiên Thổ Ngọa, thấy Lê Hồng Đức đang ngồi ăn trong một quán phở, Huệ lên tiếng:

- Thầy Hai ơi, cho em ăn với!

- Vào đây! Vào đây! - Lê Hồng Đức đon đả.

Cơ hội làm quen đã đến. Huệ không từ chối.

Rồi ít hôm sau, Đức tìm về nhà Huệ. Thấy gia đình cô gái mà hắn vừa làm quen có học thức, gia giáo, hắn càng thêm cảm tình.

Rồi từ đó, trong những chuyến công vụ, hắn thường ghé lại nhà Huệ, giả tặng chút quà nhưng cốt yếu là để gặp và tâm sự với cô gái thùy mị, nết na, duyên dáng nhất làng Thuận Bài này.

Một hôm hắn nói với Huệ:

- Anh sắp sang Pháp học đào tạo nghiệp vụ cảnh sát. Anh muốn cưới em làm vợ trước khi đi, ý em thế nào?

Huệ giả vờ buồn bã:

- Bố mẹ em không cho em lấy chồng xa. Ông bà ấy kiên quyết lắm!

- Thế còn em?

- Tại gia tòng phụ, đạo làm con mà! Nhưng dẫu không lấy nhau, em vẫn thương anh cơ mà.

Hơn tuần sau, hắn quay lại Thuận Bài đón đường Huệ đi chợ về và nói:

- Anh sắp lên đường, tối nay cần gặp em để bàn kế hoạch đưa em vào Hải Lăng, Quảng Trị quê anh, ra mắt gia đình.

Sự thực Huệ rất muốn gặp hắn. Vì cấp trên báo cho chị biết, vừa rồi Lê Hồng Đức đã báo cho Pháp bắt và giết hơn 20 cán bộ cách mạng của ta ở Đồng Hới. Tự tay hắn bắn chết một cán bộ khác ở Ba Đồn. “Đi Pháp học”, “Xin cưới” gấp, đó là màn kịch để hắn có thể đoạt được nhanh dục vọng.

Cần hành động gấp để hạn chế tổn thất cho cách mạng và nêu cao thanh thế của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Quảng Bình đang lên cao. Nghĩ vậy, Huệ giả nhìn hắn với con mắt đầy xao xuyến. Trước khi chia tay, chị hẹn:

- Tối nay, 8h, em chờ anh ở ngôi nhà sát vườn ông Giang Kẹo, người bà con của em. Anh chị ấy về quê trên Tuyên Hóa có việc đã mấy ngày rồi. Nhà đang bỏ trống.

“Được lời như cởi tấm lòng”, Lê Hồng Đức siết chặt tay Huệ trước khi chia tay và ánh mắt ngầu đỏ bởi những thèm muốn sục sôi.

Rồi Huệ vẫy tay gọi hắn:

- Nhưng mà anh không được mang dao, mang súng đi đấy. Em sợ các thứ ấy lắm!

Hắn im lặng gật đầu.--PageBreak--

Tối đó, đúng giờ hẹn, xức nước hoa thơm, Huệ đến địa điểm đã hẹn để gặp Lê Hồng Đức. Vừa mới đẩy cửa bước vào, Lê Hồng Đức đã ngồi dậy lao tới ôm chầm lấy chị, miệng hổn hển:

- Sao lâu thế? Làm anh chờ như đã một thế kỷ!

Huệ kinh tởm, giãy giụa, cố gỡ hai tay như hai gọng kìm của hắn đang siết chặt lấy mình và nói:

- Khoan đã nào! Cho em thở đã!

Hắn buông tay và kéo Huệ ngồi xuống giường. Chợt Huệ sờ thấy khẩu súng lục của hắn trong túi áo khoác. “Nguy hiểm quá”, chị nghĩ, liền nói:

- Em bảo anh đừng mang súng, sao lại…

Hắn ngắt lời:

- Để bảo vệ anh và em.

Huệ cứng cỏi hơn:

- Đưa em cất nó trên bàn thờ kẻo không may nó nổ thì nguy hiểm lắm!

Hắn ngoan ngoãn làm theo lời Huệ, rồi giở trò.

Nhưng nhanh như  cắt chị liền ôm hắn thật chặt rồi kêu “ối” một tiếng thật to. Nhận được tín hiệu, hai đồng chí công an và mấy chiến sĩ trong Đại đội 5, huyện đội Quảng Trạch ập vào, khóa tay rồi trói Lê Hồng Đức lại. Hắn đã được giải về chiến khu Còi ở Tuyên Hóa trong đêm. Qua hắn, ta đã khai thác và triệt phá được mạng lưới mật vụ của Pháp ở huyện Quảng Trạch và một số nơi khác trong tỉnh trước khi hành hình hắn. Một mối đe dọa cho cách mạng ở Quảng Trạch đã được thanh toán.

Tờ mờ sáng hôm sau, người con gái làng Thuận Bài bên bờ sông Gianh ấy đã chào tạm biệt gia đình tìm lên chiến khu Còi ở huyện Tuyên Hóa với cách mạng. Cũng vào buổi sáng chị ra đi, thân sinh của chị bị bọn lính ở đồn Thuận Bài bắt, đánh đập tàn bạo và giam hãm mấy tháng trời. Ông bà cũng chỉ nói được với chúng: “Việc nó làm, tôi đâu có biết!”.

Ty Công an Quảng Bình đã bố trí cho chị Huệ làm y tá cứu thương ở Ty Y tế Quảng Bình. Sau đó, chị đã xây dựng gia đình cùng với một cán bộ ở Ty Tuyên truyền. Đến tháng 6/1956, chị nghỉ việc về quê chồng ở Đồng Hới sinh sống!

Tôi đã tìm đến gặp bà Trần Thị Huệ, năm nay 75 tuổi, hiện đang sống ở tiểu khu 8, phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới. Chồng bà vừa qua đời, hiện bà sống với người con gái út. Bà là mẹ của một liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhìn lên tường nhà, phía trên bàn thờ, tôi thấy bên cạnh tấm bằng “Tổ quốc ghi công” là hai bức ảnh lớn được treo trang trọng. Bức ảnh thứ nhất là toàn cảnh “Đại hội điển hình tiên tiến CAND 1995” do Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công an) triệu tập, tổ chức tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ngành. Bức thứ hai là hình ảnh bà cùng một số đại biểu đứng cạnh Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh trong giờ giải lao tại Đại hội.

Có lẽ, những tấm ảnh ấy và những lời thăm hỏi, vào những ngày lễ lớn hoặc dịp tết Nguyên đán hàng năm của lãnh đạo Công an các cấp đối với bà đã nói lên sự trân trọng biết ơn của Tổ quốc, của cách mạng, của ngành đối với riêng người con gái sông Gianh năm xưa và cả với những người đã tận tụy vì sự nghiệp kháng chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc

Quỳnh Trang
.
.