Chuyện kể từ một phụ nữ là Phó Giám thị trại giam

Thứ Hai, 04/11/2013, 08:00

Đại tá Nguyễn Thị Can năm nay đã 55 tuổi. Chị sinh ra ở Kim Sơn - Ninh Bình trong một gia đình có tới 6 anh chị em. Cha chị từng công tác tại Công an huyện Kim Sơn. Trong số 6 người con, chỉ mình chị nối nghiệp cha, làm nghề Cảnh sát. Chị kể: Năm 17 tuổi, chị vào học Trường Trung cấp Cảnh sát 1 ở Cổ Nhuế - Hà Nội. Năm 1977, ra trường, chị được tổ chức phân công về trại giam này. Không "vòng vèo", không "lượn lờ" ở đâu cả, cứ thế một mạch ở lại đây đến tận bây giờ. Chị khẽ trầm ngâm: "Mới đó mà đã gần 40 năm rồi!"...

Nữ Phó Giám thị sải bước theo chân Đại tá Nguyễn Thị Can trên con đường nhỏ ngoằn ngoèo dưới chân một quả đồi cạnh Trại giam số 5 (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), tôi âm thầm cảm nhận được phần nào sự khắc nghiệt cuộc sống nơi đây. Giữa cuộc nói chuyện dở dang, chị nhắc khẽ khi thấy tôi bước hơi lảo đảo: "Em đi giầy cao gót phải bước cẩn thận, chỗ ấy sỏi mới khá trơn". Nhìn lớp sỏi lạo xạo dưới chân, tôi bỗng thấy thấm thía. Ở chốn này, chỉ nghĩ tới người ta đã thấy ngại chứ đừng nói là sống và làm việc gần 40  năm, đến mức thông thuộc từng nhành cây, viên sỏi như chị.

Đại tá Nguyễn Thị Can năm nay đã 55 tuổi. Chị sinh ra ở Kim Sơn - Ninh Bình trong một gia đình có tới 6 anh chị em. Cha chị từng công tác tại Công an huyện Kim Sơn. Trong số 6 người con, chỉ mình chị nối nghiệp cha, làm nghề Cảnh sát. Chị kể: Năm 17 tuổi, chị vào học Trường Trung cấp Cảnh sát 1 ở Cổ Nhuế - Hà Nội. Năm 1977, ra trường, chị được tổ chức phân công về trại giam này. Không "vòng vèo", không "lượn lờ" ở đâu cả, cứ thế một mạch ở lại đây đến tận bây giờ. Chị khẽ trầm ngâm: "Mới đó mà đã gần 40 năm rồi!".

Nơi đây vắng người qua lại, ẩn khuất giữa vùng đồi núi heo hút. Đặc thù công việc không mấy khi rời khỏi đơn vị, lại thường xuyên tiếp xúc với nhiều thành phần bất hảo, nghĩ đi nghĩ lại, với một cô gái đang tuổi xuân xanh như chị Can cũng thấy cực. "Con gái phơi phới vậy mà về cái nơi khỉ ho cò gáy này, ban đầu chị cũng thấy chán" - chị tâm sự. Nhưng rồi trải qua nhiều đợt tự làm công tác tư tưởng cho bản thân, trong thâm tâm chị xác định rằng tổ chức phân công như vậy, chỗ nào cũng là làm nhiệm vụ. Chỉ tội cho các cụ thân sinh. Chị kể: "Lúc ấy bố mẹ vẫn đang ở Kim Sơn, nghe chị về công tác ở Yên Định, lại làm cái nghề coi tù thì sợ con gái ế chồng". Nhưng ngẫm lại, đúng là số mệnh run rủi, cũng tại mảnh đất này, chị bén duyên với một đồng nghiệp và lập gia đình. Ấy là năm 1982.

Đại tá Nguyễn Thị Can, Phó Giám thị Trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hóa) trao quà cho phạm nhân chấp hành tốt.

Nói về cuộc sống ở trại giam, tôi chợt nhớ đến một câu thơ của Chế Lan Viên: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Chừng ấy năm gắn bó đã in đậm hình bóng mảnh đất xứ Thanh trong tim chị như một quê hương thứ 2. Khi tôi hỏi: "Chị có con gái sinh sống ở Nam Định và Hà Nội, vậy về hưu, chị có ra thành phố sống với các con và cháu không?". Câu trả lời của chị làm tôi xúc động: "Chị về quê chăm sóc mẹ chồng". Chị ngậm ngùi: "Bà cụ cũng tội, cụ sinh 4 người con, anh cả hy sinh đầu năm 1975; chồng chị là con thứ hai, lại thành cả rồi cũng mất. Hai cô con gái lấy chồng xa, cụ sống có một mình tận Hoằng Hóa, cách thành phố 80km".

Như thể số phận đùa cợt, đang lúc khó khăn, nghèo túng, con cái nhỏ dại thì chồng chị lại mắc bệnh nan y. Ban đầu là những triệu chứng của bệnh phổi: những cơn ho không cắt cơn, rồi đủ thứ tai bay vạ gió kéo đến hành hạ anh và cũng làm khổ chị. Chữa khỏi bệnh phổi rồi đến gan, khi bệnh gan vừa đỡ lại tới tiểu đường. Chữa tiểu đường tạm yên thân thì cố tật ở gan quay trở lại. Lúc này thì anh đã yếu đi nhiều lắm. Năm 2005 anh qua đời.

Nhìn vào đôi mắt đỏ hoe của chị, tôi thấy ân hận, vì vô tình đã khơi lại nỗi buồn của chị, cũng cảm nhận được sự hụt hẫng và đau buồn mà dường như gần 10 năm qua chị vẫn chưa nguôi ngoai. Chị thổ lộ với tôi: "Nếu mình cứ thế này mãi thì mẹ già và các con sẽ ra sao?". Gia đình mất đi một mảnh vẫn cứ là gia đình, chị lại lao đầu vào công việc, đem nỗi đau chôn kín trong lòng. Hai con gái của chị đều chăm ngoan, học giỏi. Cô con đầu nối nghiệp cha mẹ vào lực lượng Công an, giờ đã lấy chồng sinh con và ở Nam Định. Cô út tốt nghiệp Đại học Văn hóa, hiện công tác ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên Hà Nội. Mừng cho chị. Giá thử không có sự kiên cường chống đỡ của chị năm xưa, các cháu có lẽ cũng không có cuộc sống ổn định như bây giờ.

Chúng tôi qua khu nhà trẻ, mẫu giáo dành cho con của các nữ phạm nhân. Có nhiều tiếng chào ngọng nghịu: "Bà ngoại Can, bà ngoại ơi….". Có lẽ không một ai lại hình dung nổi ở cái trại giam tưởng chừng chỉ có song sắt ấy lại có một mái ấm của gần 30 chục đứa trẻ, là con của các phạm nhân nữ. Theo qui định thì phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai trong thời gian chấp hành án phạt tù, song cũng có người do sơ ý, hoặc do cố tình... Bình thường cứ hết 36 tháng là các cháu sẽ được gia đình đón về, nhưng vì nhiều nữ tù nhân đã bị gia đình hắt hủi, bỏ rơi nên những đứa con bé bỏng của họ cũng chịu phận hẩm hiu.

Vậy là số phận của những đứa bé bị bỏ rơi là sau 36 tháng tuổi không nhận được sự cưu mang của cha, hoặc người nhà, sẽ được gửi về các trại mồ côi của tỉnh. Có xót xa không, khi mà bố mẹ chúng vẫn sờ sờ ra đó mà chúng lại phải sống trong cảnh không gia đình. "Nghĩ cũng khổ - Giọng chị Can trầm buồn - Các cháu còn nhỏ, có tội tình gì đâu. Thi thoảng tôi vẫn dẫn cháu mình vào chơi với bọn trẻ".

Những hình ảnh ấy lay động tình mẫu tử bên trong con người chị, trở thành động lực thôi thúc chị bàn bạc với lãnh đạo lập nên một nhà trẻ ngay trong trại giam. Công việc ấy không đơn giản như mở một trường mẫu giáo tư hay một nhà trẻ đơn thuần. Chị vừa phải đảm đương trách nhiệm ở trại giam, vừa phải đi gõ cửa các cơ quan trong huyện, trong tỉnh kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ.

Trẻ con mỗi đứa một tính, trông một, hai cháu đã nhức đầu, huống hồ là gần ba chục cháu! Còn nhớ có nhiều lần, chị phải tự tay sắm sửa từng món đồ chơi, chuẩn bị từng bộ quần áo cho các cháu. Thậm chí, chị tự tay mua sắm cả băng vệ sinh, tã lót cho những phạm nhân nữ sắp sinh con trong trại. Nhưng rồi vượt qua những trắc trở ấy, chị vẫn đứng vững với quyết định của mình, và đến giờ vẫn là người mẹ lớn cưu mang 18 đứa trẻ vốn dĩ không được cha mẹ chúng thừa nhận. May mắn đa phần các cháu đều ngoan ngoãn. Chúng gọi chị bằng "bà ngoại Can" trìu mến…

Trẻ con ngây thơ, đáng yêu, dễ bảo. Còn với những tù nhân ở trại giam lại là chuyện hoàn toàn khác. Người ta gọi chị là "người đàn bà thép" quả không sai. Những nữ tù nhân chị tiếp xúc, vì một lý do nào đó mà bị cuộc đời xô đẩy vào nơi tù tội, đa số có những phản ứng không mấy tích cực trong thời gian đầu vào trại. Chị bảo, kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời quản giáo của chị có lẽ là tù nhân Lã Thị Kim Oanh. Vì tham nhũng, lừa đảo mà phải chịu án tù giam, những ngày đầu chị ta rất ngang bướng do tư tưởng "không thiết sống", "chẳng còn gì để mất". Chị Can khi ấy đã chọn biện pháp mềm mỏng nhất có thể, gần gũi, chuyện trò, thăm hỏi động viên. Đến giờ, phạm nhân Lã Thị  Kim Oanh có những chuyển biến tích cực, từ một tù nhân cá biệt trở thành tù nhân cải tạo tốt, chị ta đã được giảm án.

Chị Can tâm sự về những người nữ phạm nhân mà mình phụ trách: "Mình là phụ nữ, lại phụ trách phân trại nữ, có hiểu họ mới cảm hóa được họ". Sau 10 năm làm công việc quản giáo, quản lý phạm nhân, tháng 9/1997, chị được bổ nhiệm làm Phó Giám thị trại giam. Nếu không có sự hiểu và cảm thông với phạm nhân, thì khó mà trụ lại được đến giờ, càng khó mà trở thành người được nhiều phạm nhân nể phục và tin cậy như chị. Không chỉ có vậy, chị còn cố gắng trau dồi kiến thức để nâng cao chuyên môn và quan trọng nhất là giữ cho mình sự yêu nghề. Trong thâm tâm chị luôn nghĩ: "So với các phạm nhân, mình còn sướng hơn họ. Cũng là phụ nữ mà chồng không quan tâm, con nhỏ, không được nâng niu cưng nựng. Ở bên ngoài tội lỗi ra sao, đã vào đây rồi thì ai cũng giống như ai, nhiệm vụ của người giám thị ngoài sự giáo dục, còn mang đến cho họ niềm tin, hy vọng vào cuộc sống". Chị cười hiền: "Ngay với những đồng nghiệp nam, chị cũng sướng hơn nhiều, vì quản lý tù nam vất vả lắm. Tù nam thường gây gổ, hung hăng, đánh lộn, trốn trại".

Ước mơ nghỉ hưu để chăm sóc mẹ chồng của chị cũng đã rất gần. Kết thúc buổi trò chuyện với chị, tôi nhìn lại toàn bộ khu trại giam xung quanh. Tuy vắng bóng người lại qua, nhưng không hiểu sao cái cảm giác về một sự heo hút hoang sơ ban đầu cứ ngày một mờ dần rồi mất hẳn trong tôi. Chợt lòng bâng khuâng tự hỏi: Có phải người phụ nữ dáng cao lớn, khuôn mặt kiên định trước mặt tôi đây đã khiến cho cái nơi vốn tưởng chỉ có song sắt khô khan, lạnh lùng đã trở nên ấm áp tình người đến thế?

Vũ Minh Nguyệt
.
.