Chuyện đời thường của một nữ anh hùng

Thứ Ba, 14/01/2014, 08:00

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Sữa, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, giờ lặng lẽ với cuộc sống đời thường tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh như một nông dân thực thụ. Trong không gian của khu vườn rộng mát thuộc khu phố 2, thị trấn Tân Châu (Tây Ninh), chị bồi hồi nhớ lại những ngày hoạt động bí mật và tham gia lực lượng vũ trang cách mạng.

Năm 18 tuổi, người nhỏ thó, chị đã khăn gói từ Long An lên Sài Gòn xây dựng cơ sở cách mạng, trong túi chỉ có 80 đồng do tổ chức cấp. Bơ vơ, lạc lõng giữa chốn đô thành hoa lệ, người đảng viên trẻ đi tìm những người cùng khổ, điểm tựa của cách mạng. Sự may mắn kết hợp với một chút kiên nhẫn, giúp cô gái 18 tuổi làm quen được chị Hai Tâm - một công nhân dệt nghèo. Sau này được chị Hai Tâm bảo lãnh, xin vào học nghề trong xưởng dệt của người Hoa, chỉ hai tháng sau Sáu Sữa đã khéo léo vận động chị em công nhân đình công, đấu tranh với chủ đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động. Năm 1966, chị được lãnh đạo T4 (Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định) giao nhiệm vụ tìm hiểu, tiêu diệt tên Bính, nhân viên CIA cực kỳ nguy hiểm. Tên này có nhiều tội ác với cách mạng, nhưng cơ sở của ta chưa tìm được cơ hội tiếp cận, vì hắn rất khôn ngoan, giảo quyệt, đi về không theo một giờ giấc nào. Lúc đó, Sáu Sữa tìm cách xin vào làm người giúp việc cho gia đình tên Bính.

Với vẻ quê mùa, chất phác và dáng người nhỏ bé, Sáu Sữa qua mắt được tên CIA cáo già. Nhưng cô gái quê chỉ được trông em trong nhà, không được đi ra ngoài. Rồi một thời gian, qua tìm hiểu nhân thân vợ tên Bính, Sáu Sữa tìm cách gần gũi bà chủ, "nói xấu" chị đầu bếp để chị này bị đuổi, từ đó cô kiêm luôn cả giữ em và đi chợ. Đã có cơ hội móc nối với đơn vị, nhân chiều 28 tháng chạp năm Đinh Mùi, tên Bính tổ chức tiệc đãi bạn bè, do uống nhiều rượu quá nên đêm đó hắn ngủ ở nhà. Sáu Sữa kịp thời báo với anh em.

Đêm 28 rạng ngày 29 tháng Chạp, giữa không khí nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Mậu Thân, các đơn vị quân giải phóng âm thầm cho trận chiến đấu mới, đơn vị biệt động thành của Sáu Sữa đã quyết định tiêu diệt tên Bính. Lúc nửa đêm, anh em đóng giả quân cảnh, tới gõ cửa đòi "xét nhà" tên Bính. Nhận được ám hiệu, Sáu Sữa từ dưới nhà chạy lên lầu hai báo cho vợ chồng tên Bính biết có "quân cảnh". Tên Bính chửi thề, không thèm dậy, nhưng khi anh em đòi đạp cửa, nổ súng thì hắn đồng ý cho Sáu Sữa mở cửa. Cô giúp việc dẫn tốp "quân cảnh" lên lầu, chỉ phòng tên Bính nằm ngủ. Bị kéo khỏi giường, tên Bính chưa kịp hiểu chuyện gì, thì đã bàng hoàng nghe tốp quân cảnh đọc bản cáo trạng của Mặt trận Dân tộc giải phóng, rồi bị xử bắn tại chỗ.

Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Võ Văn Phuông trao huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho Anh hùng LLVTND Trần Thị Sữa (ngày 19/5/2013).

Đêm hôm sau, giữa lúc giao thừa thì tiếng súng của quân giải phóng nổ rộn rã, báo hiệu trận tổng tiến công vào sào huyệt của Mỹ - ngụy. Nhân lúc lộn xộn, Sáu Sữa trốn khỏi nhà tên Bính, tìm về cơ sở. Tiếp đó, chị được phân công dẫn mũi quân của Tiểu đoàn 6 từ Long An lên, đánh vào quận Sáu. Sau trận đánh lịch sử đó, Sáu Sữa lại lặng lẽ trở về làm công nhân dệt với cái tên giả Lê Thị Thu. Bọn địch đã nghi ngờ về cô thợ dệt tên Thu. Cuối 1968, chúng bắt giam chị 20 ngày, tra hỏi về cái tên Trần Thị Sữa, nhưng nhờ có giấy khai sinh giả, bọn địch lại không có chứng cớ về nhân thân Sáu Sữa, nên chi biết đánh đập chị một thời gian rồi tha.

Tới năm 1970, cảm thấy thân phận của Sáu Sữa đã bị lộ, cấp trên điều chị về huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An tham gia công tác mới. Với những kinh nghiệm xương máu có được trong mấy năm ở nội thành Sài Gòn, bằng sức trẻ hăng hái, chị tiếp tục xây dựng được hai chi bộ đảng và ba chi đoàn thanh niên ngay giữa lòng thị trấn Thủ Thừa, tạo cơ sở vững chắc cho cách mạng tiến công quyết liệt kẻ thù.

Mùa xuân năm 1975, với cương vị Huyện ủy viên kiêm Bí thư Ban cán sự thị trấn Thủ Thừa, chị Sáu Sữa nằm trong ban chỉ huy Trung đoàn 3 - Sư đoàn 5 tiến công vào Thủ Thừa từ ngày mùng 9 tới ngày 12 tháng 4. Với nhiệm vụ được giao là đánh cắt quốc lộ 4, ngăn chặn các ngả tiến công tiếp sức của địch về Long An, chị Sáu Sữa không quản gian khổ hy sinh, tạo nhiều cơ hội cho pháo binh quân chủ lực ta tiêu diệt Bộ chỉ huy sư đoàn 22 ngụy.

Năm 1986, chị Trần Thị Sữa vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chị đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho tới khi về hưu rồi theo chồng về Tây Ninh lập nghiệp.

Anh hùng LLVTND Trần Thị Sữa (bên phải) tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở Tp Vinh, Nghệ An năm 2010.

Trong một ngõ hẻm, dẫn sâu vô mé rừng thuộc khu phố 4, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, từ năm 2001 có đôi vợ chồng già đưa nhau lên dựng nhà tạm, lập nghiệp. Họ mua được mười mẫu đất hoang và tiến hành san ủi, cải tạo để trồng mì, trồng mía. Chỉ mấy năm sau, một cơ nghiệp mới được hình thành, xanh mát màu cây mới. Một người phụ nữ tối ngày nón lá, cặm cụi trên từng liếp đất. Bà con gần đó đi chợ qua, thấy tội nghiệp quá thì hỏi thăm: "Cô làm công cho nhà chủ mỗi ngày được bao nhiêu?". Người phụ nữ kia vui vẻ trả lời: "Dạ, được mười bảy ngàn! Cơm ăn ba bữa, tối còn được ngủ chung với ông chủ". Mọi người ngạc nhiên, sau mới biết đó chính là bà chủ của khu đất mới. Họ càng ngạc nhiên hơn khi thấy chị xuất hiện trên tivi trong một ngày lễ mừng chiến thắng 30 tháng 4.

Ngồi trong ngôi nhà khang trang mới xây dựng trong,  khuôn viên đầy bóng cây và tiếng chim, chị Sáu Sữa kể lại những vui buồn đời mình. Chồng chị là anh Hai Ninh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh về hưu. Từ khi vợ mất, anh Hai Ninh vừa công tác vừa nuôi ba con nhỏ. Từng công tác, hội họp với nhau, chị thương anh "gà trống nuôi con" nên ghé vai đỡ gánh nặng gia đình với Hai Ninh, sống với nhau rất hạnh phúc trong tuổi xế chiều với nhiều yêu thương, trân trọng.

Chồng trước của chị Sáu là liệt sĩ. Anh chị mới cưới nhau được một tuần, chưa kịp cảm nhận hết tình vợ chồng nồng ấm, thì anh hy sinh trong một đợt công tác. Chị Sáu dành hết tuổi thanh xuân cho công tác. Mãi khi gần về hưu mới đồng ý gá nghĩa cùng anh Hai Ninh. Chị Sáu bán hết nhà cửa dưới Long An, theo chồng về huyện biên giới Tân Châu. Buổi đầu lên đây lập nghiệp, họ cất một ngôi nhà lá, vách gỗ đơn sơ, trong nhà chỉ có ba người. Hai vợ chồng trải đệm nằm đất, nhường chiếc giường duy nhất cho cha chồng.

Mười sáu năm chung sống, bằng tư duy của một người từng hoạch định nhiều kế hoạch phát triển xã hội, anh chị trồng mì, trồng cao su, trồng bông, trái. Kết quả công sức lao động của người phụ nữ trung hậu, đảm đang đã giúp vợ chồng chị có cơ ngơi như ngày nay. Chị vẫn sống hết lòng với dân như những năm còn chiến tranh. Hội Nông dân huyện Tân Châu vừa qua còn chưa hết ngỡ ngàng vì món quà bất ngờ của vợ chồng chị Sáu Sữa, là 33 con bò giống tặng cho nông dân nghèo.

Nhiều năm qua, hễ có điều kiện là vợ chồng chị lại giúp người nghèo trong địa phương. Đã có vài chục ngôi nhà tình thương của vợ chồng chị tặng cho những gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Anh Hai Ninh cho biết, anh chị không có con chung, nhưng với ba người con riêng của anh thì má Sáu hết lòng chăm lo. Anh Hai Ninh mấy năm nay bị bệnh, điều trị rất tốn kém để giữ lại được đôi mắt.

"Gian khổ, nguy hiểm trong thời chiến mình còn không sợ. Những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống nhất định chị sẽ vượt qua được. Ngày trước mình hoạt động có dân che chở, dân nuôi, Công an nhân dân mà, giờ mình có điều kiện mình phải lo lại cho dân chớ. Yên dân, dân tin là mọi việc đều thành". Đó là lời tâm sự của người nữ Anh hùng

Phùng Phương Quý
.
.