Chuyện của “già làng” mặc sắc phục Công an

Thứ Sáu, 16/03/2018, 08:54
Vừa nhanh nhạy nhưng rất tinh tế trong giao tiếp, lại vừa cẩn trọng và đậm tố chất an ninh, Đại tá Trần Thái Học, Trưởng Công an huyện Vân Canh (Bình Định) kể lại nhiều câu chuyện đầy kịch tính trong gần 40 năm gắn bó vùng đất này. Người Chăm, Ba Na ở miền núi Vân Canh gọi ông là "Già làng" mặc sắc phục Công an.


Ông sinh ra ở tỉnh Ninh Bình. Người cha là cán bộ miền Nam tập kết. Tuổi thơ, ông cùng gia đình sơ tán lên vùng cao Hòa Bình. Sau ngày đất nước thống nhất, ông theo gia đình về xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Nghĩa Bình tiếp tục đi học PTTH rồi vào Trường Công an D31 ở thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đến tháng 4-1980 được bố trí về Đội An ninh Công an huyện Phước Vân, tỉnh Nghĩa Bình lúc đó. Thời đó, ông đã cùng nhiều đồng đội trực tiếp đấu tranh vô hiệu hóa các tổ chức phản động "Mặt trận cứu nguy dân tộc", "Bảo Long phục quốc"...

Cuộc sống ở Quy Nhơn đã ổn định, nhưng Trần Thái Học vẫn tình nguyện về Công an huyện Vân Canh, vừa tách ra từ huyện Phước Vân vào cuối tháng 8-1981. Đại tá Học kể: "Tôi cùng 10 đồng đội lên miền núi Vân Canh khi "điện - đường - trường - trạm" vẫn còn là giấc mơ xa vời của nhiều buôn làng. Ngoài tỉnh lộ 638 với nhiều cung đoạn gập ghềnh sỏi đá trong mùa khô, lầy lội suốt mùa mưa, các tuyến giao thông về nhiều xã chỉ là "đường tạm, lối mòn", thậm chí phải vượt dốc, trèo đèo, luồn rừng, lội suối nhiều giờ mới đến một số buôn làng xa xôi.

Đại tá Trần Thái Học.

Dân trí thấp, nhận thức pháp luật hạn chế nhưng nhiều tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, nghi kỵ ma lai, cầm đồ thuốc độc… vẫn còn tồn tại ở các buôn làng, nên một số đối tượng phản động lén lút tung ra luận điệu xuyên tạc, lừa bịp, mị dân để lôi kéo những người nhẹ dạ chống phá chính quyền, chia rẽ đoàn kết dân tộc…

Trong khi đó, tôi cùng nhiều đồng đội chưa hiểu hết ngôn ngữ, phong tục tập quán đồng bào Ba Na, Chăm H'roi, đời sống thường nhật kham khổ từ bữa ăn, nơi ở cho đến nỗi lo căn bệnh sốt rét rừng…".

Ngoài 20 tuổi, Trần Thái Học, Phó đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Vân Canh đã cùng 3 đồng đội luân phiên bám các buôn làng, tự học ngôn ngữ Ba Na, Chăm H'roi để "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với người dân.

Ông kể: "Nhiều lần chúng tôi dành tặng già làng tấm vải, lít dầu hỏa, cân muối… tạo mối thiện cảm rồi kiên trì ngồi bên bếp lửa nhà sàn thâu đêm suốt sáng để chia sẻ buồn vui, kể chuyện Bác Hồ với đồng bào các dân tộc, khơi dậy tính tự tôn dân tộc từ tấm gương Anh hùng Núp ở Tây Nguyên, đề cập đến những chính sách - chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, lựa lời thuyết phục già làng vận động người dân từ bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ngăn chặn phản động xâm nhập buôn làng, lôi kéo, kích động đồng bào, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp cơ quan y tế phòng chống dịch bệnh, đưa người ốm đến cơ sở y tế điều trị…".

Nhiều lần ông đã đối mặt hiểm nguy khi kết bè chuối vượt qua sông suối giữa mùa lũ để đưa già làng đi bệnh viện hay hối hả về làng khi có nguồn tin Fulro xâm nhập, khẩn trương ngăn chặn những vụ hành xử theo luật tục tiềm ẩn nguy cơ chết người và cũng có lần ông ăn ở với đồng bào Chăm H'roi, Ba Na nhiều ngày đêm để đẩy đuổi "ma làng"…

Giữa năm 1984, ông cùng đồng đội phát hiện một nhóm FULRO từng là binh lính, công chức chế độ cũ bỏ làng ra đi từ lâu, đang lén lút trở về rỉ tai lôi kéo người dân các xã Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Hiệp tham gia các tổ chức phản động và mưu toan lập cứ điểm. Cầm đầu của Trung úy GR - người Jarai ở tỉnh Gia Lai, chỉ huy Đại đội ZD27 cùng với đồng bọn là Mang Xù, Sô Duân Nhựu, Đinh Văn Toàn...

Từ báo cáo và đề xuất của Công an huyện Vân Canh và kết quả phối hợp xác minh của Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Nghĩa Bình, Chuyên án V784  đã được xác lập. Thêm nhiều ngày đêm nữa, Đội phó Học cùng các trinh sát cải trang bám làng Kà Xim, xã Canh Thuận để triển khai phương án "điệu hổ ly sơn" và đã vây bắt 11 đối tượng chủ chốt, thu giữ 11 khẩu súng, kêu gọi 97 đối tượng đầu thú, bóc gỡ hơn 400 "chân rết" của FULRO. Nói thì gọn nhẹ, giản đơn nhưng để tóm gọn nhóm FULRO đó, các trinh sát đã phải đối mặt với nhiều gian truân, vất vả, hiểm nguy khi sắm vai dân đi "địu" tìm trầm, luồn sâu vào rừng dựng lán trại và chạm trán FULRO Tưởng chừng đã phải "đấu súng" nhưng họ đã kịp thời đối phó bằng tinh thần mưu trí, dũng cảm để chuyên án kết thúc trọn vẹn, đảm bảo yếu tố "bí mật, bất ngờ, nhanh gọn", không để xảy ra thương vong.

Thời đó, ở Vân Canh tệ nạn mê tín nhiều lắm. Người đau ốm không cứu chữa được bằng cây lá trong rừng thì gia chủ bày lễ cúng bái thần linh. Mê tín đâm nghi ngờ người này, kẻ kia cầm đồ thuốc độc dẫn đến hành xử bằng luật tục "lặn nước", "bóp trứng gà", bắt người bị thua cuộc nộp phạt heo, bò, rượu cần hoặc đẩy đuổi họ ra khỏi làng.

Giữa thập niên 1990, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể xã hội ở huyện Vân Canh vận động hơn 100 người Chăm H'roi, Ba Na từ rừng về khu tái định cư ở làng Suối Đá, xã Canh Hiệp bây giờ. Do nắng hạn kéo dài, nương rẫy mất mùa, người dân đói khát phải ăn sắn mì và rau rừng thay cơm. Cánh đàn ông trong làng rủ nhau góp tiền mua rượu của người đàn ông họ Nguyễn mang từ dưới xuôi lên bán. Vài giờ sau cuộc rượu, bỗng dưng ông Đoàn Văn Bọt vật vã rồi chết.

4 ngày kế tiếp, thêm 3 người nữa lần lượt tử vong. Cả làng nhốn nháo, hoang mang. Kẻ xấu tranh thủ cơ hội này tung tin "ma làng" xuất hiện nên một nửa người dân ở Suối Đá bỏ làng định cư trở lại núi rừng.  Một vài tờ báo đưa tin "bệnh lạ" xuất hiện ở Canh Hiệp.

Đại tá Trần Thái Học trò chuyện cùng người dân ở làng Suối Đá, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.

Đại tá Học nhớ lại: "Lúc đó đồng chí Sô Minh Phương - Trưởng Công an huyện Vân Canh đang đi học nghiệp vụ dài ngày, tôi là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng Công an huyện, phụ trách công tác an ninh. Tôi triệu tập cuộc họp Đảng ủy bàn biện pháp ngăn chặn người dân bỏ làng. Một số đồng đội trẻ lo ngại. Tôi quyết định về làng Suối Đá, dựng lán trại, bám trụ ở đó. Vợ lo lắng, tôi động viên: nếu có sự cố bất trắc nào đó cũng là sự hy sinh vì nhân dân phục vụ".

Khi ông Học cùng đồng đội đến làng Suối Đá thì 3 người nữa có dấu hiệu bất ổn sau đó đều tử vong. Tổ công tác rà soát các mối quan hệ sinh hoạt của 7 người tử vong và đã truy nguyên "đối tượng nghi vấn" là… rượu. Họ đề nghị Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Định thu thập mẫu rượu còn lại và mẫu bệnh phẩm để gửi đến Viện Pasteur Nha Trang và Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an kiểm nghiệm. 

Với kết luận các nạn nhân tử vong do ngộ độc rượu có pha chế Methanol, Công an huyện Vân Canh khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án và bị can, bắt tạm giam đối tượng sản xuất rượu… Kết thúc nửa tháng bám trụ, ông Học cùng đồng đội không chỉ làm rõ cái chết của 7 người ngộ độc rượu, mà còn đẩy đuổi "ma làng" ra khỏi tâm tưởng đồng bào dân tộc Ba Na, Chăm H'roi ở đó.

Cuối tháng 10-2010, Đại tá Trần Thái Học được bổ nhiệm chức trách Trưởng Công an huyện. Từ đó đến nay ông cùng đồng đội nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, ngăn chặn nhiều đối tượng truyền đạo trái phép nhằm dụ dỗ, kích động, lôi kéo người dân phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc ở các buôn làng, kéo giảm tội phạm hình sự và tai nạn giao thông, không để ma túy xâm nhập. Năm 2017 Công an huyện Vân Canh đã giảm thiểu tội phạm hình sự 13%, điều tra làm rõ 98,7% số vụ, tai nạn giao thông giảm thiểu ba mặt... góp phần tác động tích cực vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Gần 40 năm gắn bó với nghề, niềm vui của ông là đã sống trọn dưới nếp nhà Công an khi bố, vợ và con ông đã và đang là cán bộ, chiến sĩ Công an.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.