Kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống CAND Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2010)

Chuyện cảm động về tình mẫu tử

Thứ Sáu, 20/08/2010, 09:02

LTS: Cố Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ (1929-2006) là tấm gương về tinh thần yêu nước, về bản lĩnh của người Cộng sản, về trí tuệ sắc bén của người lãnh đạo và là mẫu mực về đạo đức Cách mạng. Những câu chuyện về cuộc đời của đồng chí đến nay vẫn làm xúc động bao đồng đội, bạn bè, người thân...

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, Nhà Xuất bản CAND đã cho ra mắt bạn đọc cuốn "Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ trong ký ức người thân và đồng đội". Chuyên đề Văn nghệ Công an xin giới thiệu bài viết của nhà văn Trần Thanh Hà, người trực tiếp tổ chức bản thảo cuốn sách.

Những câu chuyện của đời ông, khi bắt tay thực hiện cuốn sách "Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ trong ký ức người thân và đồng đội" tôi đã nghe, đã đọc, từ người thân của ông, từ cấp trên, cấp dưới của ông, từ bạn bè ông, phải nói rất nhiều. Nhưng có câu chuyện về người mẹ của ông thì ít ai rõ. Tôi chỉ biết điều này khi nghiên cứu những ghi chép ít ỏi của ông từ năm 1975.

Thân mẫu của ông tên là Hà Thị Sảnh, người thôn Tây Hồ, Quảng Bá, Hà Nội. Trong lý lịch của người con sau này ghi: "...nhưng mẹ tôi đã theo bà ngoại vào Sài Gòn từ lúc nhỏ". Ở Sài Gòn, bà Sảnh đã kết hôn với ông Bùi Xuân, một thanh niên xuất thân từ Thái Bình vào Nam làm công chức cho hãng in. Hai ông bà lần lượt có bốn người con, trong đó Bùi Thiện Ngộ là con trưởng. Bà Hà Thị Sảnh là người phụ nữ Việt Nam điển hình hồi đầu thế kỷ XX như trong thơ Tú Xương: "Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng…". Chồng bà, ông Bùi Xuân, từ năm 1941 thất nghiệp, không có tiền thuế thân, lại bị lao phổi, sốt rét… Một mình bà đêm giã giò, gói bánh, ngày mang ra chợ Biên Hòa bán, nuôi bốn con và một người chồng đau yếu. Năm 1943, chồng chết bệnh, bà Sảnh tuổi ngoài ba mươi trở thành góa phụ.

Bùi Thiện Ngộ học trung học ở Sài Gòn, thỉnh thoảng mới về Biên Hòa thăm gia đình nhân các ngày nghỉ, lễ… Ông Bùi Văn Hội, em ruột đồng chí Bùi Thiện Ngộ nay ở phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, Đồng Nai kể lại: "Anh Hai thỉnh thoảng về nhà, ảnh cũng dạy các em học hành, nhưng nghiêm khắc lắm, học thì được nhưng không được đùa giỡn hay nói bậy. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, anh có về qua nhà rồi đi luôn…".

Nhắc lại thời kỳ này, đồng chí Bùi Thiện Ngộ viết: "Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến, tôi đi làm cách mạng ngay, đi mà không nghĩ ngày trở về nếu chưa thành công".

Cố Bộ trưởng Bộ Công an Bùi Thiện Ngộ (thứ ba từ trái qua) trong một lần thăm chiến khu Đ.

Tháng 10/1945, chỉ hơn một tháng sau khi ta giành độc lập, quân Pháp bắt đầu tái chiếm các đường giao thông, các tỉnh lỵ ở Nam Bộ. Đất Cuốc - Tân Uyên, Chiến khu Đ trở thành căn cứ kháng chiến. Cuối năm đó các cơ quan cách mạng của Biên Hòa đã dần rút vào chiến khu để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. Bùi Thiện Ngộ là một trong những người có mặt đầu tiên ở chiến khu cùng với Cơ quan Quốc gia tự về cuộc. Người em Bùi Văn Hội kể lại rằng: "Năm 1945, anh Hai có để lại cái thơ, rồi đi biệt, không ai biết ảnh đi đâu, làm gì. Má nói với chị em tôi: Anh mày đi đâu mất". Năm 1946, ông Hội nghe dân xóm đồn rần: "Anh Hai mày đi chiến khu rồi!". Rồi trong suốt cuộc kháng chiến lại có  tin đồn: "Anh Hai bây về nằm vùng Viễn Thị đó!".

Người mẹ có biết đứa con đi vô chiến khu? Có biết, vì cái thư anh để lại là viết cho bà, nhưng bà giữ an toàn cho con. Lúc ấy Pháp đã chiếm Biên Hòa, bà phải nói với các con:  “Anh mày đi đâu không biết!”. Thời kỳ ấy, những người đi kháng chiến bị bắt, bị tù đày thiếu gì, người mẹ lo an toàn tính mạng cho con, một lòng giữ bí mật về con.

Suốt 9 năm kháng chiến, đồng chí Bùi Thiện Ngộ ở Chiến khu Đ, vùng rừng bên kia sông Đồng Nai. Không một tin tức, không một lần liên lạc. Và vì người mẹ khai với địch "con mất tích", nên giữ được an toàn cho gia đình.

Khi nói về cuộc sống gia đình mình thời ấy, ông Hội vẫn còn hình dung rõ nét cảnh sống cơ cực: Mẹ và chị bán bánh giò, hết buổi chợ quẩy gánh bán rong. Mấy người con học hành không được bao năm đã phải lo kiếm sống. Người mẹ đêm về nhớ anh Hai khóc hoài.

Chiến tranh lan rộng và ngày càng khốc liệt. Công tác công an giờ đây đụng độ với một mạng lưới có tổ chức, hùng mạnh của kẻ thù, chống gián điệp, phản động, đấu tranh giành dân… Từ đầu năm 1948, đồng chí Bùi Thiện Ngộ được cử về Phòng Trinh sát của Ty Công an, bắt đầu hoạt động nghiệp vụ công an. Tháng 5/1948, sau khi học lớp chính trị của liên tỉnh - Đảng bộ Biên Hòa - Bà Rịa tổ chức ở xã Long Tân (Bà Rịa), đồng chí đảm nhận chức trách Trưởng ban Điều tra của Phòng Trinh sát. Cuối năm 1949, đồng chí Trưởng Công an thị xã Biên Hòa hy sinh, Ty Công an bị địch đánh phá. Mạng lưới điệp báo bị vỡ. Nhiều đồng chí dao động. Trước tình hình đó, đồng chí Bùi Thiện Ngộ nhận nhiệm vụ làm Trưởng ban Điệp báo và Trinh sát, Bí thư Chi bộ Công an thị xã Biên Hòa, giữ vững và củng cố đội ngũ, xây dựng lại mạng lưới điệp báo. Năm 1952, khi sáp nhập Thủ Dầu Một và Biên Hòa thành tỉnh Thủ Biên, đồng chí là Phó ban Điệp báo Ty Công an Thủ Biên. Tháng 5/1953 là Phó Công an huyện Châu Thành.

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, tháng 7/1954, Bùi Thiện Ngộ cùng nhiều anh em Ty Công an Thủ Biên ra Hàm Tân tập trung chờ tàu để đi ra Bắc. Tháng 9, ông đặt chân lên cửa biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Từ đó bắt đầu một đoạn đời khác của người chiến sĩ Công an Bùi Thiện Ngộ.

Trước khi ra Bắc, Bùi Thiện Ngộ nhờ người đưa về cho mẹ mấy dòng thư, nói rằng: "Kháng chiến thắng lợi rồi, hòa bình rồi, con mạnh giỏi, sắp tới con ra Bắc, 2 năm nữa sẽ về gặp má…".

Người mẹ ở lại Biên Hòa, vẫn chạy chợ nuôi con, nhưng mòn mỏi không tin tức gì của người con lớn. Hạn 2 năm sắp hết, con có về không? Mẹ còn có cơ hội nhìn thấy con? Trái tim mẹ hằng đêm thắc thỏm.

Năm 1955, khi những chuyến thông thương của hai miền sắp khép, thì bà Hà Thị Sảnh lên một trong những chuyến tàu cuối cùng để ra Bắc. Ông Bùi Văn Hội kể: "Má tôi khóc, bả nói, tao nhớ anh Hai mày quá, mười năm rồi tao không nhìn thấy nó. Thôi mấy con ráng làm ăn nuôi nhau, má đi kiếm anh Hai… Vậy rồi bà lên Sài Gòn, xuống tàu ra Bắc".

Đồng chí Bùi Thiện Ngộ sau này đã viết: "Đầu năm 1955 mẹ tôi ra Bắc tìm tôi vì có một mình tôi là con lớn, nghe địch tuyên truyền những chuyến đi tập kết bị chìm tàu. Ra đến Hà Nội không tìm được tôi mẹ tôi buồn rầu, chán nản quá, phát bệnh phải đưa vô Bệnh viện Bạch Mai trị và chết không gặp mặt được đứa con nào hết".

Khi người mẹ vượt trùng khơi ra tới Hà Nội, con trai bà đang đi tham gia cải cách ruộng đất. Bà không biết con làm gì, công tác cơ quan nào của kháng chiến, không biết hỏi ai. Người con càng không thể ngờ một nỗi éo le đau xót đang đón chờ mình!

Đồng chí Bùi Thiện Ngộ hiếm khi nói với ai câu chuyện day dứt của đời mình. Thời của ông, mỗi người dấn thân vào con đường cứu nước đều phải chịu nhiều nghịch cảnh, đau thương. “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”. Nguyễn Đình Thi viết vậy, nhưng trong thẳm sâu con tim có gì đó tan chảy không nguôi…

Sau khi hoàn thành các công việc của cách mạng về nghỉ hưu, đồng chí Bùi Thiện Ngộ đã dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm trong kho tàng thư từ thời Pháp thuộc đã được chế độ Sài Gòn lưu trữ rồi được cách mạng tiếp quản ngày 30/4/1975. Ông đã tìm được hai hồ sơ căn cước có dán ảnh của cha và mẹ ông, làm từ những năm 20 của thế kỷ XX. Hai bức ảnh ấy được ông làm lại, phóng to và đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên. Đó hẳn là chút an ủi cho những gì ông đã đau đáu mang nặng suốt mấy chục năm, về song thân mà ông sớm xa cách

Trần Thanh Hà
.
.