Chuyên án 853T và những chuyện không có trong hồ sơ

Thứ Năm, 25/05/2006, 09:00

Trung tá Nguyễn Đình Lập tâm sự: “Có khi anh em phải đi từ Phú Thọ xuống Quảng Ninh chỉ để phôtô lời khai của một tử tù đã thi hành án, hoặc đi Hải Phòng, Sơn La chỉ để xác minh một lời khai hết sức mơ hồ của bị can. Nhưng nếu không chịu vất vả như vậy, thì Chuyên án 853T giai đoạn 1 cũng không thể thành công như thế!”.

Bản kết luận điều tra vụ án Kim Văn Phương cùng đồng bọn phạm tội mua bán chất ma túy mang bí số 853T mà Văn phòng Điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ lập dài đúng... 80 trang đánh máy. Trong đó chằng chịt những thông số, những sự kiện liên quan tới hành vi phạm tội của một loại hình tội phạm hết sức nguy hại cho cộng đồng. Vụ án đã được đưa ra xét xử và được dư luận cả nước quan tâm bởi khối lượng ma túy mà các đối tượng trong đường dây đã mua bán lên tới hàng tấn. Quá trình bóc gỡ đường dây, đấu tranh với các đối tượng này kéo dài gần 2 năm trời, với những gian nan vất vả của các điều tra viên thuộc Văn phòng điều tra Công an tỉnh Phú Thọ thì không có hồ sơ nào ghi chép cả, mà đã trở thành những kỷ niệm khó quên trong lòng những chiến sĩ trực tiếp tham gia phá án.

Tôi đến Phú Thọ vào một ngày mưa. Con đường đất đỏ lầy mà trơn dẫn vào trụ sở Văn phòng điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ khiến tôi và một đồng nghiệp nữ rất vất vả mới vào tới nơi. Anh em đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện, đầy cảm thông vì anh em ở đây dù đã rất thông thạo từng ổ gà, vũng lầy nhưng vẫn thường xuyên xảy ra hiện tượng “người một nơi, xe một nẻo” mỗi khi trời mưa xuống.

Anh trực ban hôm đó hóm hỉnh nói một cách đầy tự hào: “Từ khi vụ án Kim Văn Phương và đồng bọn được đưa ra xét xử, “cánh” nhà báo  ghé thăm đơn vị luôn đấy! Ai cũng chê là đường tệ quá, nhưng công việc thì không tệ chút nào”. Với các cán bộ chiến sĩ của Văn phòng điều tra, hơn 600 ngày đêm ấy là “ăn chuyên án, ngủ chuyên án”.

Chuyên án 853T được Cục CSĐT tội phạm về ma túy -Bộ Công an (C17) phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ xác lập sau một thời gian kiên trì lần theo dấu vết một nhóm người có những biểu hiện liên quan tới một đường dây buôn bán ma túy lớn ở miền Bắc. Hai đồng chí trong ban Giám đốc là Đại tá Triệu Văn Đạt và Thượng tá Nguyễn Ngọc Khánh là thành viên trong Ban chỉ đạo chuyên án.

Một ngày cuối năm 2003, Kim Văn Phương, 30 tuổi, ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) bị bắt quả tang khi đang vận chuyển 1,3kg thuốc phiện và 53,88g heroin qua địa phận xã Hồng Đà, huyện Tam Nông (Phú Thọ). Qua công tác đấu tranh, khai thác đã xác định được Kim Văn Phương chính là một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán ma túy đã được xác định lên tới 70 tên.

Cuộc họp khẩn cấp giữa Ban Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo Phòng CSĐT (tên cũ của Văn phòng điều tra) để triển khai một kế hoạch được lập tỉ mỉ và cẩn trọng nhằm mở rộng và bóc gỡ triệt để các đối tượng trong đường dây này diễn ra sau khi bắt tên Kim Văn Phương 1 ngày. Trung tá Nguyễn Đình Lập được lãnh đạo tin tưởng giao trực tiếp chỉ đạo phá chuyên án này với sự hỗ trợ của C17. “Vậy là Văn phòng điều tra bắt đầu nhận nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm ấy từ ngày 16/11/2003, đến ngày 8/11/2005, khi giai đoạn 2 của chuyên án được rút về C17 điều tra tiếp thì chỉ còn đúng một tuần nữa là đầy 2 năm” – Trung tá Lập đã nhắc tới hai mốc thời gian ấy như một lời tự sự chân thành.

Chỉ 3 ngày sau khi bắt tên Kim Văn Phương, Trung tá Nguyễn Đình Lập đã bắt đầu hành trình rong ruổi trên các cung đường cùng với các chiến sĩ Phạm Văn Thi, Dương Văn Toản, Ngô Đức Thành và Hà Nam Hồng bằng chuyến đi Mộc Châu (Sơn La) để bắt tên Giàng A Chu - một đầu mối quan trọng của chuyên án. Từ đó trở đi là những chuyến đi không kể ngày đêm, hầu như không có thứ bảy, chủ nhật nào để tìm manh mối, xác minh lời khai, lần theo hành tung các đối tượng, khởi tố và bắt 40 đối tượng khác.

Chuyến đi nào với họ cũng gắn với những kỷ niệm vui buồn đáng nhớ. Khi thực hiện bắt tên Chu, các điều tra viên đã phải tìm cách dụ Chu ra khỏi bản của hắn, bởi vì nếu tiến hành bắt Chu tại nơi hắn cư trú sẽ gặp phải sự cản trở quyết liệt của gia đình, bà con, họ hàng của đối tượng, thậm chí là sự tấn công, đánh tháo của đồng bọn và cả sự tự sát của đối tượng. Khi Chu bị quật ngã, còng số 8 đã siết lấy hai tay mà miệng y vẫn kêu gào để tìm kiếm người đến giải thoát. Với sự hỗ trợ của Công an huyện Mộc Châu, tên Chu đã được dẫn giải an toàn về trại giam - Công an tỉnh Phú Thọ.

Trung tá Nguyễn Đình Lập tâm sự: “Nhiều khi thấy anh em đi rạc cả người thương lắm nhưng vẫn động viên anh em một cách hài hước rằng, rồi trong… bảng vàng truyền thống của Công an Phú Thọ chắc chắn sẽ không quên tên anh em đâu. Có khi anh em phải đi từ Phú Thọ xuống Quảng Ninh chỉ để phôtô lời khai của một tử tù đã thi hành án, hoặc đi Hải Phòng, Sơn La chỉ để xác minh một lời khai hết sức mơ hồ của bị can. Nhưng nếu không chịu vất vả như vậy, thì Chuyên án 853T giai đoạn 1 cũng không thể thành công như thế!”.--PageBreak--

Tâm sự với một số điều tra viên trẻ mới lập gia đình, có đồng chí đã phải ứng đến tháng lương thứ ba để đi công tác. Còn việc… không đưa được lương cho vợ là chuyện thường xuyên, thậm chí có đồng chí còn phải lấy tiền ở nhà để đi đường. Điều Trung tá Lập nói quả là có căn cứ, bởi một số tên tội phạm trong đường dây này đã từng bị Cơ quan Công an bắt giữ, song sau đó phải thả ra vì chưa đủ chứng cứ buộc tội như các tên Đặng Văn Ấu, Nguyễn Văn Thuận. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự và có kinh nghiệm… trong việc đối phó với các câu hỏi của điều tra viên.

Bằng sự kiên trì thu thập tin tức, móc nối chúng lại với nhau, kiên quyết nhưng khéo léo trong việc đấu tranh, lấy lời khai của các bị cáo, họ đã hoàn thành được mục tiêu ban đầu đề ra là “bóc gỡ” được cả một đường dây ma túy lớn, một “mẻ lưới nặng tay” trong công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy hiện đang có biểu hiện gia tăng ở miền Bắc trong mấy năm qua. Có thể kể đến trường hợp của tên Đặng Văn Ấu - một nhân vật “đầu trò” trong đường dây. Khi bị bắt, tên này rất điềm đạm, lạnh lùng lại vừa thách thức nói: “Các anh bắt tôi thì dễ, nhưng thả thì khó đấy!”. Nhưng khi biết là không thể chối cãi trước những chứng cứ và lập luận của điều tra viên, tên này đổi giọng: “Em xin nhận 6 bánh, còn hơn 100 bánh kia các anh tha cho em. Em xin biếu các anh 2 tỉ để còn cái mạng này về với vợ con em…”.

Thái độ cương quyết và những phân tích có lý có tình của điều tra viên đã không những khiến hắn nhận tội mà có lúc còn tâm sự thành thật: “Các anh mà không bắt được em lần này thì không bao giờ bắt được em đâu. Em cứ trốn đi nước ngoài là có người cung phụng suốt đời, nhưng chưa kịp thì…”.

Với Thiếu tá Phạm Văn Thi – người đã trực tiếp tham gia bắt hơn chục đối tượng trong đường dây thì các chuyến đi của anh khá dày đặc trên địa bàn hàng chục tỉnh miền Bắc. Có lần, chỉ trong chưa đầy 20 giờ đồng hồ, anh đã thực hiện 4 lượt đi từ Phú Thọ đến Nam Định và ngược lại với tổng chiều dài khoảng… 800km để xác minh lai lịch và bắt đối tượng Vũ Thị Kim Định (đối tượng này còn có tên là Thủy nên công tác xác minh lý lịch gặp nhiều khó khăn).

Anh nói: “Khi đặt chân xuống tới đất mình thấy chẳng còn cảm giác gì nữa vì đã quá mệt. Mặt mũi hốc hác, hai mắt thâm quầng như thể đã mất ngủ cả tuần”. Một lần khác, khi Thiếu tá Thi cùng đồng đội đi bắt tên Lê Thế Huấn ở xã Loóng Sập, huyện Mộc Châu, anh vẫn áy náy đến tận bây giờ. Vào đến xã Loóng Sập trời đã sang chiều, chờ mãi mà tên Huấn vẫn chưa về. Bụng đói cồn cào, các anh phải vào quán ăn do chính bố mẹ tên Huấn làm chủ để đặt cơm, vì ở đó không còn quán nào khác. Khi vừa ăn bữa cơm tạm xong thì Huấn về, họ phải lập tức thi hành lệnh bắt với Huấn. Sự việc chỉ có vậy mà mỗi lần có ai hỏi tới Chuyên án 853T là lại khiến anh nhớ đến vẻ ân cần của bố mẹ Huấn khi làm cơm cho anh em ăn và đôi mắt sầu thảm của họ khi nhìn cảnh con mình bị còng tay giải đi.

Sự kiện “ông trùm” Trịnh Nguyên Thủy bị bắt mở ra giai đoạn 2 của chuyên án 853T. Thủy bị bắt ngày 10/8/2005, sau một thời gian tìm nhiều cách lẩn trốn. Sau những ngày im lặng thách thức, chiều ngày 18/8, khi điều tra viên đến hỏi cung thì “ông trùm” xin suy nghĩ một đêm. Đến sáng ngày 19/8, đúng ngày kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Lực lượng Công an, Trịnh Nguyên Thủy bắt đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Sau đó, hắn còn tâm sự với Thượng tá Vũ Đình Quang: “Em biết tội em nặng lắm rồi. Em chỉ có một mong muốn là sau khi chết được đưa về quê. Nhờ anh khuyên bảo cho con em thành người tốt, đừng đi theo con đường của cha nó!”. Cho dù, đây chỉ là một sự ngẫu nhiên nhưng với những ai khoác trên mình tấm áo của người bảo vệ pháp luật đều thấy một sự xúc động, một niềm tự hào thật thầm kín.

Giai đoạn 1 của Chuyên án 853T đã được TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử với 22 bị cáo. Những bản án với khung hình phạt cao nhất đã được tuyên. Chiến công của Văn phòng điều tra cũng đã được ghi nhận bằng việc vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Nhưng với tập thể Văn phòng điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ, Chuyên án 853T vẫn để lại một dấu ấn khó phai trong cuộc đời. Hai đồng chí Phạm Văn Thi và Dương Văn Toản còn bàn nhau là, tới khi về hưu có lẽ họ sẽ viết… hồi ký về những ngày “đánh” 853T  và cho biết: “Khi đó, địa chỉ mà chúng tôi gửi tới chắc chắn sẽ là báo Văn nghệ Công an đấy!”

Nguyệt Hà
.
.