Chú Năm Xuân, chú Mười Hương và chúng tôi

Thứ Hai, 14/07/2008, 13:30
LTS: Bài viết này kể về kỷ niệm của hai vợ chồng nghệ sĩ Trần Mùi và Tô Lan Phương với hai nhà cách mạng là Đại tướng Mai Chí Thọ và đồng chí Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương... trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ khốc liệt. Tình cảm thương yêu của các nhà lãnh đạo với các văn nghệ sĩ Đoàn Văn công Giải Phóng đã góp thêm nét son tươi đẹp vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam...

1. Xóm Cây Xoài - vùng ráp ranh biên giới với Campuchia năm 1970 - chúng tôi được gặp các chú ở đó khi Đoàn Văn công Giải phóng đến phục vụ đợt  tập huấn chính trị do Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tổ chức cho các đơn vị biệt động và lực lượng vũ trang hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn.

Cả một đêm ròng rã hết đi trong rừng lại ra đồng bằng, chúng tôi đi giữa bầu trời đầy sao, không một tiếng máy bay, không tiếng đại bác bắn đêm như mọi khi. Nơi tập kết là một xóm nhỏ với những cây xoài  mọc rải rác khắp nơi cùng những căn nhà sàn kiểu Khơmer xen lẫn nhà tranh vách đất của người Việt. Một nhánh sông nhỏ bao quanh  nuớc đã cạn tới gần đáy. Phía xa hàng cây thốt nốt mọc rải rác trên những bờ ruộng. Và chúng tôi đã gặp chú Năm Xuân (Mai Chí Thọ) vào một buổi sáng  khi mọi người vừa mới thức dậy...

Chú Năm Xuân khi ấy là Phó bí thư Khu ủy Y4 - Sài Gòn - Gia Định. Ngay sau đêm biểu diễn của chúng tôi, chú Năm đã đến thăm anh chị em nghệ sĩ trong Đoàn. Sau đó chú gặp riêng Tô Lan Phương. Bằng linh cảm của một người hoạt động trong ngành an ninh, chú chợt thấy phảng phất  khuôn mặt của người ca sĩ này rất  giống một khuôn mặt thân quen của người đồng chí trước đây cùng ở với chú trong nhà tù ở Sơn La.

Đó là nhà cách mạng lão thành: Tô Hiệu. Không ngờ rằng người ca sĩ này chính là cháu gọi bằng ông của nhà cách mạng Tô Hiệu.  

Trong những năm tháng dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, chú Năm Xuân ngày càng quan tâm chăm sóc đối với chúng tôi. Mỗi lần đi công tác, có điều kiện chú đều tạt qua căn cứ nơi chúng tôi ở để thăm hoặc nếu ở xa, chú viết thư gửi cho chúng tôi với những dòng chữ viết vội ở mặt sau mảnh giấy đã đánh máy.

Chú thường căn dặn, chỉ bảo từ những việc nhỏ nhất, từ việc tập "cốc đại phong" chữa bệnh cho đến việc ăn uống hàng ngày. Chú nhắc nhở phải luôn trui rèn ý chí và làm bất cứ công việc gì để đóng góp và cống hiến cho cách mạng. Những lời chỉ bảo đằm thắm chân tình của chú đã làm cho lòng chúng tôi ấm áp, vượt qua những khó khăn gian khổ...

 Có một lần, chú cho giao liên đón chúng tôi đến căn cứ nơi chú làm việc ở Bình Dương sát với Củ Chi ở mấy ngày liền. Trước khi đi họp, chú giao chiếc máy ghi âm cátxét cho chúng tôi và dặn: ở nhà tranh thủ thu một số bài hát vào chiếc máy đó để khi rảnh rỗi chú nghe và để kỷ niệm.

Chúng tôi thu băng bài hát giữa những tiếng rít của đạn pháo Mỹ bắn từ căn cứ Đồng Dù bắn qua... Sau khi nghe những bài hát đó chú viết cho chúng tôi: "Chú rất thích Phương hát bài Dáng đứng Việt Nam. Bài hát của cháu bị ngắt quãng bởi pháo rồi cháu lại chui trong hầm ra hát tiếp là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Mỗi lần rảnh nghe lại chú thấy rất nhớ các cháu" (trích thư chú Năm Xuân gửi ngày 31 tháng 5 năm 1972).

 Là một nhà lãnh đạo của Đặc khu Sài Gòn, người lãnh đạo về an ninh tình báo, trong những giai đoạn cam go khó khăn nhất của chiến tranh  chúng tôi vẫn luôn thấy ở chú Năm Xuân một tính cách lạc quan yêu đời lẫn sự lãng mạn của một trí thức cộng sản. Điều này đã tác động và ảnh hưởng với hai đứa chúng tôi rất nhiều.

Một bức thư gửi cho Tô Lan Phương tháng 6 năm 1972 chú viết: "Cháu Phương thân mến, từ hôm hai cháu về căn cứ tới nay, chú luôn lấy cuốn băng mà các cháu đã hát, chơi đàn ra nghe và lại nhớ đến hai cháu. Chú thường nói với cháu là mỗi lần nghe những bài hát cách mạng của mình sao chú cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng thơi thới đến thế. Sau lúc làm việc, đầu óc mệt mỏi nghe ca nhạc thấy khỏe khoắn nhẹ nhàng…

Chú muốn cháu hát một bài vọng cổ. Tại sao thế? Vì cháu hát một bài vọng cổ mà đạt thì những bài hát khác có xuống "xề" thì giọng sẽ ngọt, trong, êm và ấm hơn... Chú mong rằng các cháu phải lấy lý tưởng cộng sản, lấy nghệ thuật chân chính làm mục tiêu phấn đấu để rèn luyện phẩm chất của mình, chỉ có thế mới có thể hy sinh cái cá nhân mà vươn lên cái đẹp cao cả, không sợ khó khăn gian khổ…

Phải hát những bài hát thật trong sáng giàu tính chiến đấu, ca ngợi những phẩm chất cao đẹp, đem tất cả tình cảm của mình vào đấy, sống với nó, từ đó nâng cao nghệ thuật lên phục vụ cho nhân dân và chiến sĩ miền Nam…".

Chiến tranh là gian khổ, là đói cơm, thiếu muối, có những lúc chúng tôi phải đi vào rừng sâu hái lá rừng, hay mò trong lòng con suối cạn bới từng con trai con hến còn sót lại nấu cháo ăn qua ngày. Có lúc giặc bỏ bom căn cứ phải dời đến những nơi ở mới nằm thật sâu trong rừng già. Có một dạo chiến sự diễn ra ở khắp nơi, chúng tôi bặt tin chú Năm Xuân. Nhưng những lời căn dặn của chú chúng tôi luôn mang theo trong "hành trang" của mình.

Chú Năm Xuân cũng chính là cầu nối để chúng tôi đến với một số anh chị em học sinh, sinh viên hoạt động trong nội thành Sài Gòn như : Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Trần Thiện Tứ, Phạm Chánh Trực, Trương Quốc Khánh…

Hôm nay nhìn những kỷ vật còn lưu giữ lại: tập thư chú viết gửi cho chúng tôi, cả những bức thư chú viết ở đường Trường Sơn trên đường ra miền Bắc một năm trước ngày giải phóng miền Nam 1975.

Trong đó chú kể: "Chú bàng hoàng về vẻ đẹp của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Ở đó có những con sông, những thác nước đổ tuôn trào như Serepok, Đắk Đam, Poko, Sa Thầy và đi trên những đỉnh cao nguyên hùng tráng không phải chỉ có bụi bay mù mịt trên kính xe mà còn có những cơn gió mát làm dịu cả tâm hồn…".

Chúng tôi lại nhớ về chú như nhớ về một người cha đầy tình cảm, người đã dẫn dắt, chỉ bảo, thương yêu chúng tôi suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và giải phóng miền Nam… Đó là những kỷ niệm đẹp mà chúng tôi không bao giờ quên trong cuộc đời của mình…--PageBreak--

2. Chúng tôi gặp chú Mười Hương (Trần Quốc Hương) lại trong một hoàn cảnh khác. Đó là ở vùng đất thép Củ Chi năm 1973. Địch càn quét khiến chúng tôi phải chạy sâu vào trong rừng già phía đông bắc… Căn cứ Ban An ninh Y4 đóng ở đây, trên mảnh đất không còn sự sống, không còn một cây nào cao quá đầu gối. Đứng từ xa nhìn muốt mắt đến tận chân trời toàn là cỏ lau.

Một căn hầm dã chiến nhưng rất kiên cố, phía trên nắp hầm được ngụy trang cũng bằng những mảng cỏ lác là nơi chúng tôi đã gặp chú Mười Hương, trong một đêm không tiếng máy bay, chỉ có trăng và sao. Thảng hoặc có những tiếng rít nghe rợn người của phi pháo bắn qua, bên đống lửa nhỏ bập bùng để xua tan cái lạnh về đêm.

Chú Mười Hương nói chuyện  nhiều nhất về âm nhạc, về nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng. Hình ảnh của chú Mười Hương không giống như chúng tôi nghe chú Năm Xuân ví von hài hước: "Ông già lôcốt". Chú Mười Hương thích nghe nhạc. Với cây vĩ cầm bạc màu đã theo tôi trong những năm tháng chiến tranh, tôi đã đàn để chú nghe những giai điệu của Beethoven, Tchaikovsky, Chopin , những bản: "Chiều tà", "Trở về mái nhà xưa", "Nhạc buồn"…

Chú Mười Hương ngồi đó im lặng nghe, lãng mạn chìm đắm trong tiếng vĩ cầm trầm bổng cao vút giữa khoảng không gian yên tĩnh hiếm có của chiến tranh. Không ai hiểu rằng giữa mảnh đất bị cày nát bởi bom đạn ở Củ Chi, giữa ranh giới mong manh của cái sống và cái chết, một nhà tình báo như chú lại có những giây phút mơ màng với những giai điệu đẹp như vậy.

 Thời gian gần đây, khi đến thăm chú Mười Hương ở nhà riêng, ngôi nhà nhỏ nằm sát bên sông Sài Gòn, chúng tôi thấy sức khỏe của chú không được tốt lắm. Nhưng khi nhắc đến kỷ niệm năm xưa thì đôi mắt chú rực sáng lên.

Tôi nhắc lại kỷ niệm những lần gặp chú ở chiến khu và có hôm tôi đã nằng nặc xin chú Mười Hương một khẩu súng lục K54 với lý do để phòng thân, khi tôi và Phương đi công tác xa, nhưng chú dứt khoát không cho. Tôi nghĩ với cương vị và công tác thì chú thiếu gì súng. Tôi cứ ấm ức mãi về việc đó.

Hôm nay tôi hỏi về vấn đề này, chú Mười mới giải thích rằng, trong chiến tranh, khi đi công tác đụng độ với kẻ thù, nhất là bọn biệt kích, chúng thấy ai đeo súng lục thì người đó hẳn là chỉ huy phải bắn trước, chết trước. Thì ra chú Mười thương bọn tôi, không muốn chuyện ấy xảy ra...

Những kỷ niệm về chú Năm Xuân và chú Mười Hương còn ăn sâu mãi mãi trong cuộc đời của hai chúng tôi. Ngẫm lại những câu chuyện chúng tôi có may mắn được tiếp xúc với hai chú đều toát lên tính nhân văn sâu sắc.

Chúng tôi luôn nghĩ rằng mọi sự quan tâm đối với chúng tôi cũng là sự quan tâm của hai chú đối với anh chị em văn nghệ sĩ Giải Phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước...

Trần Mùi
.
.