Chiến sĩ an ninh đón giao thừa trong thời chiến tranh chống Mỹ

Thứ Sáu, 19/08/2005, 06:39
Trọn vẹn 10 năm hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, tôi mang theo biết bao kỷ niệm sâu sắc về cuộc đời chinh chiến nơi chiến trường xa. Có những kỷ niệm mãi mãi chẳng phai mờ. Một trong số đó là những kỷ niệm về giao thừa thuở ấy ở chiến trường miền Đông và miền Trung Nam Bộ.

Nó là ký ức cuộc đời đồng thời cũng là tấm lòng tôi gửi gắm về với chiến trường xưa, về đồng đội, đồng chí thân yêu của mình và bà con cô bác… những người đã bảo vệ, nuôi dưỡng chúng tôi trong những năm đầy cam go thử thách mà có những người hơn 20 năm sau cuộc chiến tôi chưa có ngày gặp lại.

 

Giao thừa trên sông nước

Năm ấy, chúng tôi về xây dựng căn cứ ở Giồng Trôm. Chuyến liên lạc cuối cùng trong năm của một cơ sở quan trọng ở nội thành bị gián đoạn. Theo quy ước, giao thông viên sẽ chuyển báo cáo về hộp thư dự bị tại An Phước thuộc huyện Châu Thành. Nhiệm vụ của tổ trinh sát chúng tôi lúc ấy là phải bằng mọi giá đón nhận cho được “chuyến hàng” cuối năm và trở về căn cứ trong đêm giao thừa. Khi chúng tôi nhận được tài liệu trong tay thì đã là 7h30 tối 30 Tết.

 

Khu vực này nằm ở địa bàn sông nước, kênh rạch đan dày, lại vào thời điểm căng thẳng bị địch bao vây, phong tỏa và xâm nhập sâu trong vùng căn cứ giải phóng để quấy phá ta trong dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, để đảm bảo an toàn người và tài liệu, trở về căn cứ đúng thời gian quy định, chúng tôi quyết định đi bằng đường thuỷ. Đi thuỷ, đó là kiểu “hành quân” đặc biệt của những cán bộ hoạt động ở chiến trường Trung và Tây Nam Bộ thời đó, nhất là với những chiến sĩ đặc công, an ninh và biệt động. Nó cũng trở thành phương án hành quân độc đáo, an toàn gần như tuyệt đối qua việc lợi dụng kiến tạo địa lý và nước triều lên để đi từ đông sang tây, từ Nam qua Bắc và ngược lại.

 

Bằng hình thức này, sẩm tối còn ở Châu Hoà, Châu Bình, giữa đêm khuya đã có mặt ở Phú An Hòa, An Phước. Phương tiện đi lại lúc đó thật đơn giản – một mảnh nylon đi mưa dùng để gói bòng (thay balô), coi như toàn bộ gia tài của người chiến sĩ được gói trong đó. Chiếc bòng nghiễm nhiên trở thành cái phao. Thả mình xuống nước, vịn vào phao là nước đẩy đi băng băng. Tấp vào một bè lục bình (bèo tây) ngụy trang kín lại thì dù cho các trạm gác của địch dọc hai bờ sông có mười tai, mười mắt cũng kể như đui.

Tổ trinh sát chúng tôi lúc đó có 3 người bám sát nhau luồn vào giữa bè lục bình rộng hàng công đất và “lập cứ” ở đó. Khi bè trôi qua ngã tư kênh Chẹt Sậy chừng hơn cây số, bỗng bầu trời rực sáng - đạn lửa, đèn dù, pháo sáng từ các căn cứ, đồn bốt của địch bắn lên.


Giao thừa! Giao thừa rồi anh Ba ơi!- Tiếng Tuấn thì thầm bên tai tôi. Liên hoan đón giao thừa đi chứ? Tiếng gọi nhỏ phía sau – Ta mở tiệc đón giao thừa đi anh Ba.

Tôi quay lại phía Hiệp.

Mở tiệc... hãy chờ sáng mai, còn bây giờ xin mời hai chú em làm một ngụm nước sông Ba Lai để chào mừng xuân mới.

Yên chí, em có quà giao thừa đây. Hiệp lách lục bình tiến lại gần chỗ tôi. Nè anh cầm lấy, chia cho thằng Tuấn một nửa!

Tôi với tay về phía Hiệp

A... kẹo! Tôi khẽ reo lên – cậu kiếm ở đâu vậy?

Hiệp cười khì khì giải thích:

Đi thuỷ là phải chuẩn bị kẹo bạc hà đó, ăn đỡ buồn ngủ lại chống ho.

Hiệp vừa dứt lời, Tuấn lại với sang:

Anh Ba, anh Ba nè! Cầm giùm em cái này.

Gì vậy?

Nhân dịp năm mới, em xin tặng mỗi anh một bông hoa!

Tôi ngạc nhiên hỏi:

Hoa! Hoa ở đâu vậy? Cậu đừng giỡn!

Thiệt mà. Hoa đây! Anh cầm lấy...

Tôi với tay qua chỗ Tuấn, lại thốt reo lên:

Trời! Hoa... Hoa lục bình! Chúng ta đang lạc giữa rừng hoa mà mình không biết. Giỏi, chú em tôi giỏi quá...

Sóng nước xôn xao. Dòng sông êm đềm lặng lẽ trôi. Hương kẹo bạc hà quyện với hương hoa lục bình cứ bám mãi theo tôi suốt cuộc đời chinh chiến và cho mãi tới tận bây giờ...

Giao thừa trong lòng đất

Tôi coi đó là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời làm công tác an ninh của tôi ở chiến trường Đông Nam Bộ.

Năm ấy, chúng tôi về lập căn cứ tại vùng tranh chấp ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn. Gọi là tranh chấp bởi ban ngày địch tới, còn đêm ta làm chủ. Qua các nguồn tin đã được xác minh, địch sẽ phong toả địa bàn của đơn vị chúng tôi trong 3 ngày Tết. Như thế sẽ đe dọa sự an toàn, một cơ sở nội thành đã có thông báo về nhận mệnh lệnh trực tiếp tại hộp thư. Vì vậy, tôi được giao nhiệm vụ đột nhập địa bàn để truyền đạt tín hiệu báo động tại hộp thư. Nhiệm vụ phải thực hiện ngay trong chiều 30 với vai nguỵ trang là giáo viên về quê ăn Tết. Thực là một tình huống bất ngờ cho tôi và cả gia đình cơ sở – cơ sở đầu tay do tôi xây dựng từ 3 năm trước.

Đó là gia đình dì Bảy. Nhà chỉ có 2 người: dì Bảy và cô con gái út. Dượng Bảy mất trong một đợt địch tàn sát ở trại giam Phú Lợi. Hai người con trai đều ở bộ đội miền. Tôi quen gia đình từ khi út Thuỷ vừa học xong bậc tiểu học. Hết đệ tứ thì cô gái thôi học và ở nhà phụ việc cho má. Gặp lại cô lần này, tôi thấy út Thuỷ lớn hơn trí tưởng tượng của mình. Mười chín tuổi, nhưng út Thuỷ phổng phao hơn nhiều cô bạn cùng lứa. Mái tóc xanh, dầy, tha thướt phủ trên lưng áo bà ba màu mận chín.

Cái miệng cười thật duyên dường như được phụ họa thêm bởi ánh mắt cũng như cười. Gặp tôi, cô gái khẽ reo lên:

Trời! Anh, anh Ba! Anh đi đâu hoài vậy? Cả năm rầy mới ghé...

Bà mẹ nắm chặt tay tôi, rầy yêu:

Tạo tưởng bay quên cái xóm nghèo nầy rồi. Ai dè...

Trong cái giây phút mừng mừng tủi tủi ấy, bầu trời bỗng xáo động hẳn lên. Út Thuỷ chạy ra sân rồi trở vào ngay, mặt biến sắc:

Anh Ba! Tình hình không ổn, chúng nó định đổ quân.

Một thoáng suy nghĩ, tôi bàn nhanh với út Thuỷ :

Mặc chúng nó, cả ngày mai và ngày mốt em treo chiếc nón ngoài vách hiên giùm anh. Treo gần phía bếp. Thế thôi. Anh phải đi ngay. Hẹn em và má sau Tết tụi anh trở lại.

Đột nhiên, út Thuỷ nắm chặt tay tôi, vẻ mặt đầy lo âu

Không sao đâu. Bây giờ còn lánh đi được. Sợ tối khó tránh.

Giữa lúc đang dùng dằng như thế, bỗng một tốp trực thăng sà ngay xuống khoảng trống trước nhà. Bằng thái độ cương quyết, út Thuỷ nắm tay tôi kéo vào trong nhà. Giọng cô nhỏ nhẹ:

Anh cứ yên tâm, nhà đã có chỗ giấu anh.

Ở đâu vậy?

Ở đó. út Thuỷ chỉ vào chiếc khạp gạo để dưới bàn thờ. Dưới đó là nắp hầm bí mật.

Khi đã bị cách ly với những tạp âm trên mặt đất, bình tâm lại, lòng tôi bỗng trào dâng niềm xúc động. Tôi miên man với biết bao điều suy nghĩ mông lung cho đến khi nghe tiếng vọng bên tai:

Giao thừa rồi út ơi. Con vô khạp lấy bánh trái ra mời các chú lính vô nhà ăn Tết với má con mình!

Tiếng văng vẳng từ xa nghe không rõ, sau đó là tiếng dì Bảy:

Vậy cà! Hổng sao đâu. Lính tráng cùng kinh vậy, Việt Cộng nào dám vô mà sợ. Thôi được, để má con tui đem bánh, đem đèn ra vậy.

Một lúc sau, tôi bỗng nghe có tiếng gõ nhẹ ở nắp hầm. Một khoảng sáng mờ mờ hiện ra và tiếp đó là tiếng thì thào vọng xuống: “Anh ơi! Cầm giùm em cái này!”. Khi khoảng sáng mờ mờ vừa biến mất, tôi lần giở gói quà. Ôi, nhiều thứ quá: bánh tét, thịt gà, bánh ít, bánh tộ, cả một hộp mứt còn nguyên kèm theo một mảnh giấy bằng bàn tay. Tôi lấy chiếc đèn pin đã bọc kín chỉ để lại một luồng sáng bằng hạt ngô. Lướt trên mảnh giấy có mấy dòng chữ ghi vội của Thuỷ: “Anh! Giao thừa đến rồi anh biết không? Thương anh quá, nhưng biết làm sao cho được. Chúc anh một mùa xuân mới vui tươi và mạnh giỏi”.

Sau đó, vào chiều mùng 2 Tết, khi địch vừa rút quân, tôi tạm biệt gia đình dì Bảy. Lúc chia tay, út Thuỷ bẽn lẽn hỏi nhỏ:

Anh Ba! Anh cho út xin lại mảnh giấy hôm rồi!

Sao thế?

Chữ xấu vậy, anh giữ làm chi?

Anh giữ làm kỷ niệm về những tháng ngày bám trụ ở vùng ven và nguyện sẽ đem theo tới cùng trời, cuối đất.

Tay vân vê tà áo mỏng, cô gái hơi cúi xuống, gương mặt hồng lên như thoa phấn. Lòng bâng khuâng, xao xuyến, tôi bước đi trong tiếng ríu rít của bầy sơn ca trên bầu trời xanh thẳm..

.
.