Trao giải cuộc thi Giải báo chí với chủ đề “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”:

Cầu nối với nhân dân

Thứ Năm, 12/11/2020, 11:13
Chiều 9-11-2020, Bộ Công an đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc thi Giải báo chí với chủ đề “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” cho 44 tác phẩm và 5 tập thể xuất sắc. Sự quan tâm của đông đảo các tác giả, các nhà báo và sự chú ý của công chúng đối với cuộc thi này đã một lần nữa khẳng định, báo chí luôn là cầu nối quan trọng, thiết thực để độc giả thêm hiểu, thêm tin yêu, chia sẻ nhiều hơn với lực lượng CAND.


Sau lễ phát động cuộc thi được tổ chức vào tháng 5-2019, Ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tác giả chuyên và không chuyên trên mọi miền đất nước. 

Tính đến cuối tháng 7-2020, Ban tổ chức đã nhận được 535 tác phẩm báo chí ở đủ các loại hình: Báo in (hơn 300 tác phẩm), Truyền hình (156 tác phẩm), Báo Điện tử (41 tác phẩm) đã đăng tải trên các báo, tạp chí và phát sóng trên các kênh Phát thanh, Truyền hình của Trung ương và các địa phương. 

Điều này đã phần nào thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và sát cánh của các cơ quan báo chí đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban tổ chức cuộc thi và đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đồng Trưởng ban tổ chức cuộc thi trao giải Nhất cho các tác giả.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm tham dự giải báo chí lần này đã phản ánh đậm nét, chân thực, phong phú, đa dạng về đề tài an ninh trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như: “Những bước chân xuyên biên giới” của nhóm tác giả Nam Chung - Ái Vân - Phương Loan - Đình Quý - Thành Trung - Thế Phong - Đăng Đoàn (Điện ảnh CAND, giải Nhất); “Tình báo Công an trong kháng chiến chống Mỹ - Sự hi sinh âm thầm làm nên những tượng đài” (5 kỳ) của tác giả Nguyễn Hà Loan (Tạp chí CAND, giải Nhất); “Công an xã chính quy - Ghi nhận từ thực tiễn” (5 kỳ) của nhóm tác giả Thu Hòa - Anh Hiếu - Xuân Trường - Phạm Tâm - Diệu Linh (Báo CAND, giải Nhì); “Lần theo đường đi của các đối tượng mua bán mô tạng người” của Chu Thị Hương - Lê Đức Anh (Báo An ninh Thủ đô, giải Nhì); “Thâm nhập cơ sở cung cấp thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao” của tác giả Đỗ Quốc Quân - Thu Trang (Báo điện tử Dân trí, giải Nhì); “Ngăn chặn ma túy thẩm lậu: Chuyện ghi từ cửa ngõ biên giới” (4 kỳ) của tác giả Nguyễn Thiên Thảo (Báo Công an Nghệ An, giải Ba); “Lật tẩy tội phạm công nghệ cao lừa đảo” (3 kỳ) của tác giả Đoàn Minh Tiến (Báo CAND, giải Nhì)...

Trong số hơn 500 tác phẩm dự thi, nhiều tác phẩm nêu bật được các điển hình tiên tiến, những gương cán bộ, đảng viên, những mô hình mới, cách làm hay trong công tác bảo bệ an ninh Tổ quốc như các tác phẩm: “Đượm nghĩa tình chương trình hỗ trợ nhà ở cho đồng bào nghèo Mường Nhé - Điện Biên của Bộ Công an” (5 kỳ) của tác giả Anh Hiếu - Minh Tiến (Báo CAND, giải Nhất); “Những người con của bản Mông” của Thanh Hải - Đình Minh (Công an tỉnh Thái Nguyên, giải Ba); “Tết xa nhà - Tết yêu thương” của Trần Lê Dung - Nguyễn Thị Mai Hoa (Phát Thanh CAND, giải Nhì); “Thiên thần trong trai giam” của nhóm tác giả Lê Khải - Chu Hoài Thương - Quyết Thắng (Truyền hình CAND, giải Ba), “Yên vui xứ đạo” (3 kỳ) của tác giả Chu Thị Khánh Ly - Nguyễn Thị Hoài Thu (Báo Nghệ An, giải Ba); "Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT: Phạt nghiêm để thành thói quen "đã uống không lái" của tác giả Lưu Văn Huế (Báo Giao thông, Giải Khuyến khích)...

Bên cạnh đó, còn có nhiều bài viết, tác phẩm có tính lý luận sâu sắc về vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phê phán những luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác, vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước như: “Phía sau cái gọi là vương quốc Mông” (5 kỳ) của tác giả Trần Đức - Nguyễn Bích (Báo Biên Phòng, giải Nhì); “Tín ngưỡng Dương Văn Mình - Từ tổ chức bất hợp pháp đến tà đạo” của tác giả Mai Hoa - Lê Dung (Phát thanh CAND, giải Ba), “Sông Ba bị “xẻ thịt” - Ai cứu sông Ba?” của tác giả Huyền Trang - Hữu Thành (Công an tỉnh Phú Yên, giải Nhất); “Đồng Tâm - Những mất mát không thể bù đắp” của tác giả Nguyễn Lưu Ly (Truyền hình Quốc hội, Giải Khuyến khích)... 

Thiếu tướng Phạm Văn Miên - nguyên Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, nguyên Tổng biên tập Báo CAND, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi nhận định: “Các tác phẩm tham gia cuộc thi đã tạo nên một bức tranh sinh động, khắc họa đậm nét hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong cuộc chiến cam go, quyết liệt của lực lượng CAND để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cuộc thi cũng tạo được không khí sôi nổi, hào hứng cho người cầm bút chuyên nghiệp và không chuyên đi sâu tìm hiểu, khám phá, thể hiện thành công đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” trong các tác phẩm báo chí”.

Có thể nói, trong những năm qua, báo chí cả nước đã luôn sát cánh cùng lực lượng CAND trên mặt trận đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội với hàng vạn tác phẩm ra đời mỗi năm. Báo chí cả nước đã kịp thời phản ánh những chiến công của lực lượng Công an, chia sẻ nỗi mất mát, đau thương trước những tấm gương hi sinh anh dũng vì hạnh phúc của nhân dân, phát hiện, khen ngợi, cổ vũ, động viên những hành động mưu trí, dũng cảm, vì nhân dân phục vụ. 

Chính vì thế, thông qua Giải thưởng báo chí về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, Bộ Công an và Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp của các phóng viên, biên tập viên, các cơ quan thông tấn báo chí trong sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đồng Trưởng ban tổ chức cuộc thi

Giải báo chí “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” là một trong những giải báo chí có số lượng tác phẩm tham gia lớn ở đủ các thể loại. Các tác phẩm dự thi và nhiều tác phẩm đoạt giải đã phản ánh đậm nét bản chất, thể hiện sinh động truyền thống cao quý của lực lượng CAND, về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bác Hồ với CAND; sự đóng góp tích cực và mối quan hệ gắn bó mật thiết của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và nhân dân với lực lượng Công an trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự; phản ánh kịp thời những điển hình tiên tiến, những gương sáng của đảng viên, nhân dân và những kinh nghiệm thực tiễn trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đồng thời, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu... Chính vì thế, cuộc thi đã góp phần quan trọng nâng cao vai trò của báo chí trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Cuộc thi được tổ chức trên quy mô toàn quốc, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, thiết thực đối với cả hoạt động báo chí và cả hoạt động đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc của ngành Công an và của toàn dân.

Thiếu tá, nhà báo Anh Hiếu - Phó trưởng Ban Thời sự, Báo CAND

Chuyến đi công tác để viết loạt bài “Đượm nghĩa tình chương trình hỗ trợ nhà ở cho đồng bào nghèo Mường Nhé - Điện Biên của Bộ Công an” là chuyến đi dài nhất trong cuộc đời 21 năm làm báo của tôi. 

Chúng tôi có tuần liên tục đi và viết, di chuyển tới các bản vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Nhé, Điện Biên trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi đường vào bản ô tô không thể đi vào được. Chúng tôi đã đặt chân đến các địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn như bản A-pa-chải, xã Sín Thầu, hay bản Huổi Cắn (xã Mường Toong)... 

Mỗi ngày, cả nhóm phóng viên phải dậy từ 4-5h sáng để kịp theo chân các CBCS Công an làm nhà cho dân, cùng đi xe máy hàng chục kilomet trên đường trơn trượt, lầy lội và phải tăng-bo nhiều kilomet đường dốc đứng để có mặt tại các bản người Mông cheo leo trên vách núi. 

Và có trải nghiệm này mới giúp chúng tôi hiểu hơn những vất vả của hàng trăm CBCS Công an đã đổ biết bao công sức, mồ hôi, “vượt nắng thắng mưa”, thay nhau cõng vác vật liệu, cõng nước lên bản. Rồi lại cùng các lực lượng bắt tay vào đào móng, san nền… dựng lên những căn nhà khang trang, vững chãi cho các hộ gia đình nghèo. Để từ đó, đồng bào “an cư lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, bám đất, bám bản, góp phần đảm bảo ANTT tại cơ sở”. 

Nguyệt Hà
.
.