Cảnh vệ Việt Nam: Lịch lãm “ba trong một”

Thứ Ba, 02/01/2007, 15:00

Trong vai cận vệ thì khi đại biểu mặc veston công cán, mình cũng mặc veston bảo vệ. Còn nay Thủ tướng mặc quần áo thể thao chạy bộ thì Trung tá Trần Công Mai lại trong bộ quần áo thể thao, giày thể thao ra bờ hồ từ trước đó và cùng chạy thể dục với Thủ tướng John Howard.

Không nghiêm nghị trong bộ sắc phục An ninh như khi làm việc ở công sở, họ được coi là những người nổi tiếng “ăn diện” bởi cứ bắt tay vào việc chuyên môn là y như rằng “trang điểm” bộ veston mới toanh, phong thái lịch lãm, đến chiếc cà vạt cũng là thẳng nếp, tóc rẽ ngôi và giày đen bóng nhoáng. Họ đã làm việc “ba trong một” khiến nguyên thủ khó tính nhiều khi cũng phải nhoẻn miệng cười. Họ là ai?

Không cứ riêng nguyên thủ quốc gia - lãnh đạo các nền kinh tế APEC (dự APEC, chỉ có một số trưởng đoàn là nguyên thủ), những người được coi là “ba trong một” (có khi vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vừa kiêm phiên dịch và hướng dẫn viên) thường rất tất bật mỗi khi đất nước có sự kiện quốc tế hay khu vực lớn. Họ chính là những cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an), những người có nhiệm vụ bảo vệ, tiếp cận các nguyên thủ quốc gia, các vị trưởng đoàn, đại biểu cấp cao của các quốc gia, tổ chức quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Với Lực lượng Cảnh vệ, chuyện tiếp xúc, hướng dẫn, bảo vệ vừa phải thể hiện tác phong chững chạc, nghiêm chỉnh, linh hoạt vừa phải rất chủ động trong mọi tình huống để thực hiện có hiệu quả nhất công tác bảo vệ, tiếp cận. Chứng kiến họ trong những hoàn cảnh như vậy, không khó hiểu khi nhiều người nói cận vệ là những người cứng nhắc, nghiêm nghị nên khó... gần nhất.

Nhưng cũng chính những con người đó, ở một trạng thái khác, họ rất niềm nở, hòa nhã, có khi còn thể hiện vai MC, phiên dịch để hướng dẫn, thuyết phục đại biểu bằng cách nói của mình. Với tính chất nghề nghiệp như vậy, những cận vệ chỉ mặc sắc phục An ninh khi ngồi ở công sở hoặc hội họp chuyên môn, còn hễ bắt tay vào nhiệm vụ tiếp cận thì người nào cũng lịch lãm trong bộ veston mới, thật hào nhoáng, hào nhoáng và phong độ đến mức có nhà báo còn nhầm cảnh vệ là đại biểu nên... bấm máy ràn rạt!!!

Thượng tá Trần Xuân Bình, Phó phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh Cảnh vệ nói rằng, vào cuộc với APEC 14, cận vệ của ta đều phải học hỏi những thứ thiết yếu về bạn như thói quen của người được bảo vệ trong đi lại, giao dịch, cả khi nghỉ ngơi; những điều họ kiêng kị, những điều ưa thích và đặc biệt những nguyên tắc hoạt động không được xâm phạm... Cận vệ của ta được phân công tiếp cận nguyên thủ hoặc trưởng đoàn APEC khác trước đó hàng tháng và họ phải tự tìm hiểu kiến thức nói trên là chính.

Khi vào cuộc, trong phong cách lịch lãm, các thao tác lên, xuống xe, mở cửa xe, di chuyển đều rất nhanh nhạy và phản ứng phải hết sức linh hoạt. Riêng với đoàn Mỹ, có những nguyên tắc khắt khe như chỉ cận vệ Mỹ mới được mở xe Tổng thống, cận vệ của ta không được mở. Một số đoàn như Malaysia, Nhật Bản, Philippines cũng có những thói quen riêng và cận vệ của ta nhanh chóng học hỏi, không để xảy ra những chuyện “hớ” đáng tiếc nào.

Có thói quen mỗi sáng sớm thức dậy là chạy bộ thể dục, điều ấy cũng trở thành nếp cả khi Thủ tướng Australia, John Howard đi công cán nước ngoài. Tuy nhiên, Thủ tướng John Howard tiết lộ rằng, không phải chuyến công du nào ông cũng thực hiện được thói quen ấy vì có những nơi nếu đi ra khỏi khách sạn là lo ngay ngáy bởi sự bất ổn rình rập. Trong trường hợp đó, vị Thủ tướng chỉ có thể duy trì nếp quen buổi sáng bằng cách chạy bộ “nhẹ nhàng” trong sảnh khách sạn, chấp nhận không gian bó hẹp.

Thế nhưng đến Hà Nội, Thủ tướng John Howard có không gian cực kỳ thú vị để chạy bộ thể dục: bờ hồ Hoàn Kiếm. Từ khách sạn Hilton, mỗi sáng thức dậy khi sương còn ngậm cỏ, vị Thủ tướng đến từ Châu Đại dương thanh thản chạy bộ 2-3 vòng quanh bờ hồ, hòa lẫn trong nhiều người dân Hà Nội cũng chạy bộ quanh khu vực giữa hương hoa sữa thơm nồng...

Trong vai cận vệ thì khi đại biểu mặc veston công cán, mình cũng mặc veston bảo vệ. Còn nay Thủ tướng mặc quần áo thể thao chạy bộ thì cận vệ cũng không thể ung dung bộ veston thường ngày. Vậy là sáng sáng, Trung tá Cảnh vệ Trần Công Mai lại trong bộ quần áo thể thao, giày thể thao ra bờ hồ từ trước đó và cùng chạy thể dục với Thủ tướng John Howard. Không gian bừng sắc, phong thoáng, có cái linh thiêng, cô tịch của lịch sử ở tháp Rùa, có cái tươi tắn của làn thu thủy buổi ban mai, câu chuyện quá khứ - hiện tại giữa cảnh vệ Trần Công Mai và Thủ tướng John Howard đưa ông khám phá những “huyền bí hồ Gươm” và nét thanh bình Hà Nội.

Cảnh vệ Việt Nam tham gia bảo vệ các nhà lãnh đạo APEC tại sân bay Nội Bài.

Nếu như Thủ tướng John Howard hầu như không bỏ buổi chạy thể dục buổi sáng nào khi ở Hà Nội cũng như vào TP Hồ Chí Minh thì nữ Tổng thống Chile Michelle Bachelet lại có sở thích rất riêng: phở Hà Nội. Vậy là từ khách sạn Sofitel Metropol, sáng 17/11, Tổng thống Michelle Bachelet dự định sẽ lên đường Âu Cơ. Tuy nhiên, khi hỏi nhân viên an ninh, được thông báo rằng đường lên đó hơi xa và sẽ không tiện, bà quyết định đến đường Xuân Diệu.

Cận vệ và các tùy tùng sốt sắng soạn xe đưa Tổng thống đi nhưng bà từ chối và nói muốn thưởng ngoạn cảnh Hồ Tây buổi ban mai... Mặc dù vậy, để đảm bảo yêu cầu an ninh, Lực lượng Cảnh vệ của Chile và của Việt Nam cũng được bố trí phía sau vị nữ  Tổng thống đến từ Nam Mỹ. Sau này khi đến Hồ Tây, bà đã thốt lên “Xa tới nửa vòng trái đất mà tôi có cảm giác yên bình, thân thuộc như ở quê mình”...

Rất hùng hậu, lực lượng bảo vệ của Tổng thống Nga V.Putin tới Hà Nội có hơn 40 người. Mỗi khi Tổng thống di chuyển, những cận vệ cao to, da trắng theo sát phía sau còn khi Tổng thống ngủ cũng có dăm bảy cận vệ ứng trực phòng ngoài.

Trung tá Nguyễn Thế Tý được giao nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống V.Putin những ngày ông dự APEC 14. Trung tá Tý nói, nhiều người Việt Nam ngưỡng mộ Tổng thống từ lâu, biết ông không chỉ qua tin tức thường ngày mà những cuốn sách như “Từ Trung tá KGB đến Tổng thống nước Nga” đã trở thành sách gối đầu giường của nhiều người. Vì vậy, người dân Hà Nội muốn được nhìn tận mắt vị Tổng thống đất nước rộng lớn nhất hành tinh này. Đó là điều đáng quý, nhưng cũng là cái khó cho công tác bảo vệ.

Những ngày ở Hà Nội, Tổng thống V.Putin thường có thói quen vẫy tay chào những người có mặt chung quanh và ông nói, với Việt Nam ông có tình cảm đặc biệt. Theo Trung tá Nguyễn Thế Tý, cái đặc biệt ấy có nền tảng từ truyền thống quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Liên Xô trước đây và Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay. Tổng thống Nga không quá kỹ tính nhưng cận vệ Nga có vẻ rất cốt cách ở điểm này, dù không nghiêm ngặt như cận vệ Tổng thống Mỹ. Tuy vậy, những ngày ở Hà Nội là những ngày cận vệ của ta và bạn cùng thêm những hiểu biết, gần gũi hơn.

Đoàn Mỹ đưa sang trên 30 cận vệ tháp tùng Tổng thống G.Bush, trong đó có 4 cận vệ ngồi xe thùng chạy áp sát xe Calldilac One. Ngay trên đường phố Hà Nội, khi thực hiện phương án đưa, đón đoàn, trong khi 19 đoàn khác sử dụng theo đúng xe APEC đưa đón thì đoàn Mỹ vẫn thể hiện sự nổi trội bằng cách riêng: 2 xe đều treo biển 800 - 002 Washington D.C giống hệt nhau và hai xe này có thể đảo vị trí khi cần thiết, áp sát phía sau là xe 33R 453 đặc chủng. Riêng hai xe Calldilac One, Tổng thống Mỹ có thể đảo vị trí và ngồi bất kỳ xe nào...

“Bảo vệ Tổng thống Mỹ ra nước ngoài là tuân thủ lệnh giới nghiêm” - ông John Edwards, cận vệ Tổng thống G.Bush nói. Người Mỹ có nguyên tắc rất riêng và nguyên tắc này cũng “không giống ai”, được vận hành ngay tại APEC lần này. Đó là khi xe chở Tổng thống dừng, lập tức hai cận vệ nhảy từ xe đi cạnh bước tới mở cửa. Việc mở cửa ở đâu cũng chỉ do cận vệ của chính người Mỹ chứ người nước khác không được đụng vào.

Giờ giấc hoạt động đối với đội cận vệ Mỹ cũng hết sức khắt khe. Tuy nhiên, khi sang Việt Nam, số này đã luân phiên nhau nên thường chỉ có gần 10 cận vệ hoạt động trong cùng thời điểm, số còn lại vẫn nghỉ ngơi ở khách sạn Sheraton. Khi hoạt động, hầu như cận vệ Mỹ đều đeo kính đen, gương mặt đầy “thị uy”.

Biết tính cách người Mỹ có những nguyên tắc đặc thù như vậy nên cận vệ của ta được giao nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống G.W.Bush cũng “nắm bài” chặt chẽ lắm. Cận vệ Võ Xuân Quang khi được giao nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ cũng sốt sắng tìm nhiều tư liệu nghiên cứu. Ban đầu, đoàn Mỹ rất khắt khe và có vẻ không tin tưởng ở năng lực, khả năng hoạt động của cận vệ ta nên việc thực hiện cũng có những trở ngại. Tuy nhiên, chính những ngày ở Việt Nam, cả trong quá trình ăn nghỉ, đi lại trên đường phố và đến các địa điểm hội họp, thăm viếng, cận vệ ta đều làm bài bản nên họ hài lòng hơn.

Anh Quang cho biết, hôm Tổng thống G.W.Bush đến nhà thờ Cửa Bắc, người dân kéo ra ngoài đường xem rất đông, tuy nhiên chúng ta đã làm tốt công tác tiền trạm nên mọi việc đều diễn ra suôn sẻ.

APEC 14 khép lại nhưng tiếp tục còn những hội nghị cấp quốc tế lớn nhỏ khác. Công việc của những người đàn ông lịch lãm, phong thái ung dung đằng sau nguyên thủ, đằng sau đại biểu cấp cao sẽ vẫn tiếp tục. Còn bây giờ, họ tạm tháo giày đen bóng loáng, cởi bộ veston là lượt để quay về trụ sở số 1 - Lê Hồng Phong với bộ sắc phục An ninh quen thuộc

Đăng Trường
.
.