"Cận vệ của Bác Hồ" - những trang viết của một người trong cuộc

Thứ Sáu, 16/09/2005, 15:09
“Cận vệ của Bác Hồ” là cuốn sách viết về các chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ, thư ký, lái xe cho Bác, có thể nói họ là những người được vinh hạnh gần gũi Bác nhất. Cao Bá Sánh đã từng có những năm tháng được trực tiếp bảo vệ Bác nên ngoài tài liệu sưu tầm của đồng đội, tác giả còn bổ sung những chi tiết mới mà chính anh – một người trong cuộc mắt thấy tai nghe những việc thật người chiến sĩ được Đảng, nhân dân giao trọng trách vô cùng vẻ vang bảo vệ vị Cha già của dân tộc.

 Với dung lượng hơn 400 trang, cuốn sách gồm tám nội dung chính từ lúc Bác tự bảo vệ mình bôn ba hoạt động ở nước ngoài cho đến khi Người mất.

Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã có tên trong “sổ theo dõi” của bọn mật thám Pháp. Bằng mưu trí của mình bên cạnh sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Bác đã thoát khỏi bao âm mưu ám sát của thực dân Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch. Những chuyện ấy được Cao Bá Sánh ghi lại rất chi tiết trong phần đầu của cuốn sách này.

Bảy phần sau, là những trang viết thật xúc động của tác giả về quá trình các chiến sĩ bảo vệ Bác cả nơi Bác ở và làm việc. Những ngày ở hang Cốc Pó, các đội viên du kích vũ trang không chỉ bảo vệ Bác khỏi nanh vuốt kẻ thù mà còn bảo đảm an toàn cho Người trước cái giá lạnh mùa đông và thú dữ. Cũng tại đó, các đội viên du kích vũ trang học tập được Bác từ việc tạo thế trận lòng dân cho đến những việc tăng gia cải thiện theo kiểu của đồng bào dân tộc để đảm bảo bí mật. Khi theo Bác chuyển đến Tân Trào (Tuyên Quang) công tác, đội du kích vũ trang đã có kinh nghiệm và trưởng thành hơn.

Về Hà Nội, Bác viết “Tuyên ngôn độc lập” chuẩn bị đưa Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào, vấn đề bảo vệ Người càng được đặt ra thận trọng và nghiêm ngặt. Ngày mồng 2 tháng 9, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trong Chính phủ lâm thời đã ra mắt quốc dân đồng bào. Ngay trong buổi lễ míttinh, những tên Việt quốc, Việt cách, Quốc dân đảng phản động có ý đồ phá rối cách mạng đứng lẫn trong khối quần chúng tự do đã bị trinh sát của ta phát hiện và bố chí kèm sát nên chúng không manh động được.

Khi Bác trở lại chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo kháng chiến chống xâm lược Pháp lâu dài, công tác bảo vệ, trong đó có việc giữ bí mật an toàn nơi Bác ở gặp nhiều khó khăn do phải thường xuyên thay đổi vị trí, mặc dù vậy các chiến sĩ cận vệ vẫn hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình.

Trong “Cận vệ của Bác Hồ” có nhiều tình tiết hết sức thú vị và cảm động: Có lần Bác đi gặt lúa với bà con xã viên HTX Yên Sở, tổ cán bộ tiền trạm đã làm việc với đồng chí chủ nhiệm bố trí cho cán bộ, nhân viên bảo vệ Bác gặt ở đồng khô, còn bà con gặt ở vạt ruộng nước. Khi Bác tới, đồng chí Kháng và đồng chí Định gợi ý cho Bác gặt chỗ khô, nhưng Bác đã phát hiện ra những người gặt chỗ khô là quân của đồng chí Kháng và Người đi ra chỗ ruộng nước để gặt. Trên đường về Bác nhắc nhở chú Kháng: “Quân của chú nghiệp vụ hóa trang còn sơ hở lắm...”.

Đến thăm các địa phương, để đảm bảo “bí mật, bất ngờ” và tránh gây phiền nhiễu, tốn kém của dân nên Bác hạn chế tối đa số cận vệ đi cùng và không cho biết lịch đi trước. Do không yên tâm nên đội cận vệ đã cho người bí mật hóa trang bảo vệ. Việc này Bác cũng phát hiện và lại chỉ ra những khiếm khuyết để các đồng chí biết... Sau mỗi lần như vậy đội cận vệ học hỏi được từ Bác rất nhiều kinh nghiệm, mau chóng trưởng thành...

Với tập truyện ký “Cận vệ của Bác Hồ”, Cao Bá Sánh đã bổ sung thêm vào nguồn tư liệu xung quanh hoạt động của Người. Cuốn sách không những cho ta thấy trách nhiệm lớn lao của đội cận vệ trong việc bảo vệ Bác, sự tài ba uyên bác của Người mà còn khiến bạn đọc hết sức cảm động trước mối quan hệ gần gũi, ấm áp của lãnh tụ với những người cận vệ và quần chúng nhân dân. Dẫu là truyện ký nhưng Cao Bá Sánh không chỉ ghi chép sự kiện đơn thuần mà tác giả đã viết với tất cả lòng kính yêu vị Cha già của dân tộc mình nên người đọc dễ nhận thấy từng câu chữ thấm đẫm cảm xúc truyền đến người đọc âm hưởng thiêng liêng lạ lùng

Thuý Mơ
.
.