Kỷ niệm 40 năm khóa D11 Học viện An ninh nhân dân (25-9-1979 – 25-9-2019)

C500 – Tình yêu còn mãi

Thứ Năm, 19/09/2019, 07:35
Ngày này, tròn 40 năm D11 chúng tôi tựu trường. Hơn 500 chiến binh thời đó, giờ chỉ còn lại hơn 400. Về lại mái trường xưa ngày hôm nay cũng không còn đủ nữa. Chúng tôi nhớ về những đồng đội đã khuất. Chúng tôi nhớ về những vui buồn đã qua...


Trưa 14/9/2019, chúng tôi, 4 cựu học viên Khóa D11 cùng gia đình ngồi chung với nhau trong một quán nhỏ gần sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) để kỷ niệm ngày này cách đây 40 năm chúng tôi rời TP trên ga Bình Triệu để đến một ngôi trường thật xa xôi mà khi ấy không ai có thể nghĩ nó lại gắn bó sâu sắc đến như vậy trong cuộc đời mỗi chúng tôi. Đó là Trường Sĩ quan An ninh, nay là Học viện An ninh nhân dân (ANND) - còn được gọi bằng phiên hiệu thân thương là trường C500.

Ngày ấy, các cán bộ của bộ phận đào tạo Công an TP. Hồ Chí Minh thật chu đáo. Họ đi cùng tàu hỏa 3 ngày 3 đêm đưa chúng tôi đến tận trường ở Hà Đông (bấy giờ thuộc Hà Tây, nay là Hà Nội) và chờ đến khi chúng tôi ổn định chỗ ăn ở rồi mới yên tâm lên tàu trở về TP.

Những năm tháng học tại trường, các học viên chúng tôi - con em của TP. Hồ Chí Minh còn được một “đặc ân” nữa là thỉnh thoảng mỗi khi có dịp ra Hà Nội công tác, các bác, các cô chú ở Thành ủy, UBND TP và Công an TP lại đến trường thăm và mang quà của Thành phố cho mỗi đứa. Cũng không nhiều nhặn gì, khi thì ít tiền, khi thì bánh kẹo hoặc vài gói mì tôm. Cái tình, cái nghĩa ấy không bao giờ chúng tôi quên được.

Tiểu đội nữ của D11 (khóa duy nhất trong lịch sử C500 có tròn 1 tiểu đội chiến sĩ gái). Ảnh chụp trong lần hội ngộ 35 năm ngày tựu trường của khóa D11.

Ngày ấy, cơ ngơi nhà trường còn nghèo và đơn sơ. Nhiều hội trường, phòng học, nhà ở vẫn còn mái tranh, vách đất. Ngoài giờ học, các lớp học viên đều được phân chia một mảnh đất để trồng rau giúp nhà bếp cải thiện bữa ăn, đám sinh viên gốc học sinh thành thị như chúng tôi nhờ đó mới biết trồng rau, tưới phân, bắt sâu.

Có những ngày Hè chúng tôi đóng gạch, và những tòa nhà của C500 mọc lên như giờ đây một phần từ những viên gạch như thế. Và nhớ những ngày Hà Nội tổ chức chiến dịch nạo vét làm sạch sông Tô Lịch, giữa mùa đông giá rét, thầy trò cả trường quần quật vét bùn, đắp bờ, đào kênh. Dân làng nghèo hai bên sông thương “lính C500” vất vả nên mang ấm trà nóng mời mấy chú uống cho ấm bụng.

Ngày ấy, “lính C500” chưa được mặc quân phục chính qui và oai nghiêm như các khóa học viên sau này. Họ thường mặc áo xanh xám như màu mắm tôm. Đến khóa chúng tôi thì quân phục màu xanh gần giống như bộ đội. Những buổi chiều thứ Bảy, giữa cái ồn ào đông đúc ở các trạm xe buýt và tàu điện từ Hà Đông về Hà Nội, người ta dễ nhận ra màu áo “lính C500” chen lẫn với màu áo sinh viên các Trường Đại học Tổng hợp, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Kiến trúc… Đôi khi chúng tôi lên tàu, xe xin đi nhờ vì trong túi chẳng còn đồng nào. Các bác soát vé nhìn biết ngay là “lính C500” nên luôn vui vẻ cho đi và còn gọi vui chúng tôi là những “sĩ quan Trần Nhờ” nữa chứ.

Ngày ấy, các thầy C500 đều còn rất trẻ, phần đông là các học viên tốt nghiệp hạng xuất sắc của các khóa trước được giữ lại trường. Ở họ luôn toát lên vẻ oai nghiêm, đĩnh đạc và say mê khoa học khiến cánh học viên chúng tôi vô cùng kính nể. Một đôi lần chúng tôi có dịp ghé thăm dãy nhà giáo viên trong trường, vào căn phòng đơn sơ của các thầy chỉ thấy sách và sách. Thầy trò cùng trò chuyện bên bàn nước trà, hút điếu thuốc lá Sông Cầu hay “bắn” vài nhát thuốc lào, thật ấm cúng và chan chứa ân tình.

Ngày ấy, kỷ luật của trường rất nghiêm. Ngoài giờ học, nhà trường khuyến khích học viên chơi thể dục, thể thao hoặc vào thư viện. Cả lớp chỉ có 4 thẻ ra vào cổng. Một số học viên “tinh quái”... nghĩ ra “mánh” cử 4 anh ra cửa rồi một anh mang 4 thẻ quay vào để đưa tiếp 3 anh khác ra. Vậy mà nhiều khi cũng bị cảnh vệ phát hiện. Bù lại, thư viện của trường có khá nhiều sách và luôn rộng mở. Học viên được mượn sách dễ dàng vì chỉ cần có thẻ học viên là mỗi ngày có thể mượn từ 2-3 cuốn. Nhờ vậy 5 năm ở trường, chúng tôi có dịp đọc được rất nhiều, từ bộ “Tư bản” của Mác, tuyển tập của Lê-nin đến các tiểu thuyết nổi tiếng như  “Chiến tranh và Hòa bình”, “Sông Đông êm đềm”, “Những người khốn khổ”… điều mà sau này khi ra trường hiếm khi có thời gian để đọc.

Ngày ấy, trường hay tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng, phong trào ở các lớp rất sôi nổi. Nhớ năm thứ 2, cả khóa đi thực tế tại Đan Phượng (khi đó thuộc Hà Tây), ban ngày đắp đường, san ruộng, dọn vệ sinh, cứ tối đến là trong những mái nhà lá ở xóm nọ, xóm kia lại vang lên tiếng đàn, tiếng hát của lính C500 với các thanh thiếu niên địa phương. Ngày trở về trường, bao nhiêu nước mắt tuôn rơi trên khóe mắt cả người đi và người ở lại. 

Có một dịp vào năm học thứ 3, D11 chuẩn bị hội diễn văn nghệ chào mừng dịp truyền thống của Lực lượng CAND, một tay có máu văn nghệ và cực kỳ hài hước của Bê tôi nói cần có một bài hát để thi đấu. Cậu ta ép Bê trưởng làm một bài thơ. Đến tối hôm đó, cậu ta và tôi nằm trên giường, không đèn không đóm, ngô nghê ghép từng mẩu giai điệu cho bài thơ. Rồi cũng thành một bài hát mà sau này trở thành một bài truyền thống của D11.

Khi khóa ra trường, giai điệu bài hát theo chân người lính D11 đến các miền đất nước, và đôi khi những người lính nhớ đến nhau bằng giai điệu bài hát mộc mạc đó. Bê trưởng của chúng tôi giờ đã nghỉ hưu với quân hàm Trung tướng trên vai. Anh vẫn luôn là niềm tự hào của khóa chúng tôi, những người lính D11. 

Ngày tốt nghiệp năm ấy, buổi lễ được tổ chức đơn sơ nhưng sao xúc động, quyến luyến vậy. Nâng trên tay tờ quyết định nhận công tác, người lên Lạng Sơn, Móng Cái, người trở về Cà Mau hay những miền rừng núi Tây Nguyên, ai cũng vẫn một ba lô trên lưng như ngày mới tựu trường, nhưng tất cả đều đã trưởng thành và rắn rỏi, tất cả đều nao nao khi ngoái nhìn lại cổng trường thân yêu thêm một lần nữa trước khi dấn thân vào cuộc chiến đấu thầm lặng đầy cam go đang chờ đợi ở phía trước.

Bản nhạc "Chúng tôi là chiến sĩ an ninh" của hai chiến sĩ nam khóa D11 sáng tác. Lời thơ: Trần văn Nhuận, nhạc: Đỗ Lê Chi.

Chia tay nhau, nắm chặt tay nhau và hẹn gặp lại nhau, dù biết rằng có thể sẽ không bao giờ gặp lại đầy đủ trong một A (tiểu đội) hay một Bê (trung đội) nữa. 40 năm gặp lại, chúng tôi lặng lẽ nhớ tới những người lính D11 C500 đã nằm lại trên nhiều mảnh đất trên quê hương này.

Trong chúng tôi, cả người sống và người đã khuất, vẫn giữ trọn lời thề giản dị, mộc mạc, tự đáy lòng của ngày đó, đã đi vào bài hát của chúng tôi: “Trên mỗi nẻo đường của Tổ quốc…có chúng tôi vững vàng ở nơi nơi…” và “Hạnh phúc đến với bao đôi lứa… là niềm vui của chính chúng tôi…”.

Bốn mươi năm đã trôi qua, bây giờ mỗi khi có dịp đến các địa phương công tác, bạn đều có thể gặp những người “lính C500”. Họ có mặt trên mọi miền của Tổ quốc, cả trong và ngoài ngành. Và ở đâu cũng thế, bên cạnh những sĩ quan, chiến sỹ “lò C500” còn có những doanh nhân, luật sư nổi tiếng và giàu lòng nhân ái, vốn là cựu học viên C500, sát cánh bên những đồng đội cũ trên những nẻo đường thiện nguyện giúp đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa. Lại có những nhà văn, nhà thơ luôn dành tình cảm yêu thương về mái trường C500 trong những đứa con tinh thần của mình.

Tuy chưa có được một tổng kết, nghiên cứu khoa học đầy đủ nhưng có thể thấy một điều là những người lính đã qua “lò luyện” C500, dù trong môi trường nào, ngành nghề nào, cũng có được một khả năng điều chỉnh rất lớn để thích ứng, phát huy và đóng góp tích cực tâm huyết, trí lực của mình  trong tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng đất nước.

Bây giờ, chỉ cần biết bạn từng là “lính C500”, thế là tay bắt mặt mừng, hỏi thăm ríu rít. Công việc phối hợp, giúp đỡ nhau không còn là trách nhiệm, mà là một thứ tình cảm thiêng liêng khó tả. Mà đã là “lính C500” cứ khóa dưới thì là làm em trong cư xử với khóa trên. Tự nhiên nó là như thế. 

Ngày này, tròn 40 năm D11 chúng tôi tựu trường. Hơn 500 chiến binh thời đó, giờ chỉ còn lại hơn 400. Về lại mái trường xưa ngày hôm nay cũng không còn đủ nữa. Chúng tôi nhớ về những đồng đội đã khuất. Chúng tôi nhớ về những vui buồn đã qua. Nhiều gương mặt đã già. Nhiều mái đầu đã trắng. Nhưng trong lòng chúng tôi vẫn vang mãi khúc quân hành. “Chúng tôi là Chiến sỹ An ninh…Đảng đã giao cho nhiệm vụ quang vinh… Canh giữ đất trời bao niềm mơ ước vẫn lên xanh chào ánh bình minh…”.

Trần Trọng Dũng
.
.