Bông hoa thép giữa đại ngàn

Thứ Năm, 20/10/2016, 13:04
Phía sau bản lĩnh của một đại biểu Quốc hội, một Đại tá, Phó giám đốc Công an tỉnh là nét đẹp không lẫn vào đâu của người phụ nữ. Dù gian truân, dù khốc liệt nhưng vẫn dịu dàng như hoa Pơ Lang của đại ngàn Tây Nguyên.  


"Mẹ đi quen rồi con không nhớ đâu…"

Giữa cuộc sống bộn bề, Đại tá Nguyễn Thị Xuân luôn hối hả cho công việc. Gặp nhau, trò chuyện hay lang thang phố xá là điều xa xỉ. Phút hiếm hoi trải lòng về cuộc đời, điều đầu tiên chị kể về cha với một niềm tự hào giản đơn. Cha chị từng là người lính, trải qua hai cuộc kháng chiến, đến năm 1972, ông bị thương ở chiến trường Quảng Trị phải ra Hà Nội điều trị.

Sau năm 1975, ông chuyển sang ngành xây dựng rồi được tăng cường vào Tây Nguyên. Những năm sau giải phóng, Tây Nguyên bất ổn bởi vấn đề FULRO. Gia đình chị sống trong khu tập thể của xí nghiệp gạch ngói Hòa Hiệp (nay là huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk). Đêm đến, tiếng súng của lực lượng truy quét FULRO nổ đùng đoàng trên đỉnh đồi phía sau nhà khiến những đứa trẻ như chị vô cùng hoảng sợ. Khi ấy, chị nào biết đến FULRO là gì, nghe tiếng súng chỉ nghĩ đó là giặc.

Học xong phổ thông, mặc cho cha phản đối, chị đăng ký thi vào Học viện An ninh nhân dân theo niềm yêu thích hình tượng người lính thời ngồi trên ghế nhà trường. Năm năm miệt mài bền bỉ, ra trường với tấm bằng đỏ, chị được phân công làm trinh sát tại Phòng chống phản động (PA38, nay là phòng PA88), Công an tỉnh Đắk Lắk.

Đại tá Nguyễn Thị Xuân thường xuyên về địa bàn thăm bà con dân bản.

Trưởng thành từ người lính trinh sát, lần lượt giữ vị trí Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng PA38, chị là nữ lãnh đạo duy nhất ở một đơn vị chiến đấu, chỉ huy những cuộc hành quân truy quét FULRO thâu đêm suốt sáng, len lỏi về các buôn làng, chui rúc trong những rẫy cà phê, những ruộng ngô khoai thăm thẳm bạt ngàn.

Rắn rết, muỗi, vắt chỉ là chuyện nhỏ. Cành cây đập vào mặt tóe máu sưng vù, cào da xước thịt là điều quá bình thường của người lính chống FULRO ở núi rừng Tây Nguyên. Điều nguy hiểm nhất trong các cuộc hành quân ban đêm là tính mạng chiến sĩ có thể "rơi" xuống giếng bất cứ lúc nào, bởi trong màn đêm đen kịt giữa lô cà phê bạt ngàn, những cái giếng sâu hun hút vài chục mét nhưng không hề xây thành, không có nắp đậy. Mỗi người chỉ có chiếc đèn pin le lói, nhìn ánh sao trời lọt qua kẽ lá dò đường. Bây giờ ngồi nhớ lại, chị thở phào nhẽ nhõm và chỉ đúc kết một điều: "Do trời thương".

Bước vào năm 2000, bọn phản động FULRO lưu vong với mưu đồ phục hồi tổ chức phản động FULRO ở bên trong để dựng lên cái gọi là "nhà nước Đêga độc lập" ở Tây Nguyên, Nguyễn Thị Xuân cùng đồng đội lại lao vào những cuộc đấu tranh âm thầm, lặng lẽ nhưng đầy gian khổ, gai góc.

Cái thời ấy mới oanh liệt làm sao, cứ bảy giờ tối là anh em tập trung họp bàn kế hoạch rồi lên đường. Hành quân trải mòn trên cung đường đất đỏ, những cánh rừng ngổn ngang gốc cây, cọc ngọn. Bàn chân tóe máu thấm vào da dày, bàn chân chai vù quyện với đất đá.

Vừa sinh con chưa đầy năm, lẽ ra chị phải được nghỉ ngơi, chăm sóc và hạnh phúc nhất là được ôm ấp đứa con bé bỏng vào lòng trong mỗi đêm dài. Nhưng con của chị thì khác, ba giờ sáng mẹ đi làm nhiệm vụ, bé đang no giấc trên tay của ba.

Đêm trở về, bé đã mũm mĩm trong chăn ấm. Một ngày hiếm hoi được về sớm, chị giật mình khi con đã biết đi. Sau này con lớn, mỗi lần đi công tác, chị hỏi: "Mẹ đi lâu con có nhớ không?". Bé hồn nhiên trả lời: "Mẹ đi quen rồi con không nhớ đâu".

Mạnh mẽ, quyết đoán trong chỉ huy, nhưng với con, chị vẫn là người mẹ như bao người mẹ khác trên thế gian này, yêu con bằng tình yêu sâu thẳm. Nói về con, chị đã khóc. Dường như đó là tình mẫu tử mà trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng chỉ có trái tim yêu thương vô bờ bến của người mẹ mới có. Chị hạnh phúc vì có người bạn đời cũng là sĩ quan công an, anh hiểu công việc của chị, luôn chia sớt khó khăn cùng vợ và dành tình thương hết mực cho các con. Hai con càng lớn càng ngoan hiền, ít nhiều hiểu được nhiệm vụ của mẹ nên cũng không hờn giận, trách móc.

Huân chương cao quý nhất là lòng dân

Ngày ấy, địa bàn rừng rẫy ở xã Pông Drang (Krông Buk) giáp ranh với huyện Cư M'Nga và huyện Ea Sup đường mưa lầy lội, dốc cheo leo vô cùng hiểm trở. Xe U-Oát bị trượt xuống vệ đường, tổ công tác phải cuốc bộ hành quân gần hai mươi cây số dưới trời mưa, từ hai rưỡi đêm đến hơn năm giờ sáng mới tới.

Nơi đối tượng lẩn trốn là vùng đồi núi có những quả đồi cao như cổng trời, dốc đứng sừng sững. Để đuổi bắt được đối tượng ở quả đồi bên kia, thì bên này trinh sát phải lao từ đỉnh núi xuống thung lũng rồi lại bám cây bám đá bò lên dốc. Có những đồng chí phải lăn mình xuống vực, quần áo rách tả tơi, tay chân xây xước.

Những lần đuổi theo FULRO như thế, chị lao như bay, chạy không biết mệt mỏi. Có chiến sĩ trẻ hỏi: "Cô Xuân ơi, cô có uống sâm không vậy?". Chị nhỏ nhắn, thân hình dong dỏng, chính chị cũng không hiểu sao lúc đó lại khỏe thế, hăng say quên hết thảy hiểm nguy.

Đại tá Nguyễn Thị Xuân với đồng đội trong một lần đi công tác.

FULRO liều lĩnh, manh động, chúng chống trả quyết liệt khiến nhiều chiến sĩ bị thương. Trên mặt trận này, người lính an ninh trở thành thương binh là điều bình thường, nhưng ở cương vị chỉ huy, Đại tá Nguyễn Thị Xuân luôn trăn trở, thao thức, cảm giác như mất mát với chính mình.

Tuần nào cũng đi, đêm nào cũng đi, mải miết, bền bỉ, chị là con người bằng xương bằng thịt chứ không phải sỏi đá, cũng có những lúc vì truy đuổi quá sức, chị đã rất lo sợ. Một kỷ niệm không thể quên đó là vụ truy quét ở xã Yang Yeh (Krông Bông). Sau khi bắt được đối tượng, một tổ đưa về xã khai thác, chị dẫn tổ còn lại tiếp tục truy bắt đối tượng khác. Đến đầu buôn thì chó đồng loạt sủa, sợ đánh động đối tượng sẽ bỏ chạy, chị ra lệnh cho anh em tăng tốc chạy thật nhanh bao vây khu vực.

Đường dốc thoai thoải, nhưng vì đã quá sức nên chị hụt hơi, tim nghẹn lại, không thở được. Không phải chị sợ chết mà sợ nếu mình nằm xuống thì ai sẽ chỉ huy, ai sẽ là điểm tựa cho anh em. Lần đầu tiên chị cảm thấy sợ, nỗi sợ với chính mình. Và có một lần chị ngã xuống thật, đó là năm 2004.

Đêm trước ngày xảy ra biểu tình, chị cùng đồng đội thức trắng đi kiểm tra các tuyến đường trọng điểm. Đến sáng thì gặp trái nổ tự tạo, chị ôm về công an tỉnh. Khi vừa giao xong, mắt chị mờ, chân khụy xuống, chị lịm ngay trên tay đồng đội vì kiệt sức. Truyền nước ở bệnh viện vài tiếng, chị vùng dậy tiếp tục tham gia chỉ huy dẹp vụ biểu tình tại huyện Cư Kuin.

Đi qua hết gian khó, khi nghiệm lại bản thân, chị thấy không có gì phải hối tiếc ân hận về những tháng năm tuổi trẻ sôi nổi, xông pha chinh chiến. Năm 2008, chị được tuyên dương danh hiệu một trong mười phụ nữ Việt Nam tiêu biểu toàn quốc. Trải qua quá trình công tác và chiến đấu, Đại tá Nguyễn Thị Xuân đã được Đảng, Nhà nước, Bộ công an tặng nhiều bằng khen, huân, huy chương. Nhưng đối với chị, tấm huy chương cao quý nhất chính là lòng dân.

Năm 2009, chị được Bộ công an bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên, phụ trách mảng trinh sát. Dù ở đâu, làm gì thì đồng bào Tây Nguyên vẫn yêu quý, xem chị như người con của bản. Mí Ngọc là cái tên thân thương của Đại tá Nguyễn Thị Xuân khi về với buôn làng.

Nếu có ai hỏi đâu là bí quyết để chiếm trọn tình cảm của bà con, chị sẽ trả lời: "Là sự yêu thương chân thành. Sống gần gũi, sẻ chia". Cuối năm 2015, Bộ Công an điều động chị trở về Công an Đắk Lắk giữ chức vụ Phó giám đốc đồng thời giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

Hơn nửa cuộc đời binh nghiệp, lặng lẽ chiến đấu vì bình yên của các bản làng, chị không nghĩ một ngày nào đó lại trở thành người đại biểu của dân. Ngày trở lại mang trên vai thêm nhiệm vụ mới, nặng nề hơn, vinh quang hơn, nữ Đại tá Công an càng cảm thấy có điều gì đó thôi thúc mình phải hành động.

Ngọc Thiện
.
.