Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ đạo chuyên án PY27

Thứ Hai, 21/08/2006, 08:15
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2006), chúng tôi đến thăm ông Huỳnh Ngự, nguyên Phó cục trưởng Cục Chấp pháp, Bộ Nội vụ (nay là Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an). Ông nghỉ hưu tại 23 đường Hồng Lĩnh, Nha Trang, Khánh Hòa. Được nghe ông kể lại những chiến công oanh liệt của Lực lượng An ninh nhân dân trong một số vụ án ông được tham gia giải quyết khiến chúng tôi rất khâm phục.

Ở tuổi 91 nhưng ông vẫn khỏe và minh mẫn. Nhìn mái tóc bạc, chòm râu dài làm tăng thêm vẻ trầm tĩnh của một vị cao niên trong ngành An ninh. Là lão thành trong Lực lượng Công an nhân dân, ông cùng đồng đội trực tiếp tham gia nhiều vụ án, lập nên những trang sử vẻ vang cho ngành Công an. Ông thường xuyên được tiếp xúc, làm việc với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, người anh cả của Lực lượng Công an nhân dân. Qua đó, ông học được ở Bộ trưởng nhiều bài học quý giá.

Đầu những năm 60, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn có âm mưu chống phá công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Chúng cho nhiều toán gián điệp, biệt kích xâm nhập miền Bắc bằng đường không và đường thủy. Do biết trước được ý đồ của địch, ta đã lập nhiều chuyên án đấu tranh làm thất bại âm mưu của địch. Để đối phó với địch xâm nhập bằng đường không, ta đã mở chuyên án đầu tiên mang bí số PY27.

Là một chuyên án được tiến hành trong gần 6 năm, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, đứng đầu là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Chuyên án hoạt động trên địa bàn rừng núi hiểm trở, với nhiều tình huống nghiệp vụ phức tạp, số lượng đối tượng nhiều, thời gian đấu tranh dài. Nhưng Lực lượng An ninh đã thể hiện tinh thần mưu trí, dày dạn kinh nghiệm, phát huy sáng tạo trong chiến thuật đấu trí, đấu pháp  với cơ quan tình báo Mỹ - ngụy, đã giành thắng lợi toàn diện.

Ông tâm đắc nhất là những quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn về việc vận dụng chính trị trong giải quyết tình huống nghiệp vụ trong các vụ án. Có những việc bây giờ mới kể ra được. Như chúng ta đã biết,  giải quyết một vụ án phải đạt ba yêu cầu là: nghiệp vụ, pháp luật, chính trị. Về mặt nghiệp vụ và pháp luật, đương nhiên có vai trò quyết định, nhưng mỗi tình huống nghiệp vụ lại đòi hỏi vận dụng chính trị vô cùng tinh tế, uyển chuyển và linh hoạt.

Trong chuyên án này có 3 sự kiện cần vận dụng chính trị mà Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người trực tiếp chỉ đạo, đem lại kết quả cao, được Hồ Chủ tịch phê chuẩn, đó là:

1- Sau khi bọn biệt kích nhảy dù xuống vùng núi Tây Bắc, có một vụ chúng gặp một người dân đi làm rẫy. Vì sợ lộ, bọn chúng đã giết người dân này rồi chôn xác phi tang. Sau khi khai thác làm rõ sự việc, anh em trong Ban Chuyên án nghĩ rằng,  tội ác của bọn chúng sẽ tăng nặng khi xét xử. Nhưng Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ đạo không công khai  ở phiên tòa chuyện này vì chúng là địch, kẻ phá hoại miền Bắc. Chừng ấy tội cũng đủ xét xử rồi. Nếu công khai, người dân hoang mang lo sợ, không dám đi rẫy, sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất; mặt khác, đồng bào đi làm ta có thêm tai mắt để phát hiện địch, nhưng chính quyền cơ sở nơi có người bị hại quan tâm thăm hỏi, động viên gia đình người bị hại.

2- Bọn gián điệp biệt kích sau khi nhảy dù xuống bị ta bao vây nhưng chưa bắt được. Khi đó lương thực bọn chúng đã ăn hết, nên bọn chúng giết một tên trong đồng bọn để ăn, rồi chôn xương trên núi. Khi bắt đồng bọn, ta thấy thiếu một tên (do ta biết trước) hỏi chúng khai nhận, ta xác minh là chúng đã giết nhau để ăn thịt. Ý định của các anh em trong chuyên án công khai để tố cáo tính man rợ của kẻ địch. Nhưng quan điểm Bộ trưởng không nên. Vì bản chất thằng địch man rợ rồi, đói quá chúng ăn thịt nhau thôi. Hơn nữa vụ việc xảy ra trên đất miền Bắc, nếu công khai có lợi gì. Mặc dù tất cả hành vi của bọn chúng thể hiện đầy đủ trong hồ sơ vụ án, nhưng khi xét xử không hề nhắc tới chuyện này.

3. Để tiếp tế cho bọn gián điệp - biệt kích dưới mặt đất, địch cho máy bay chở phương tiện, vũ khí và lương thực ra miền Bắc. Đến chuyến thứ 2 hoặc thứ 3 gì đó, thì chiếc máy bay  C.47 mới bị rơi tại Nông trường Rạng Đông, Ninh Bình. Ông có mặt rất sớm và trực tiếp hỏi cung tên phi công chính, hắn khai chiếc máy bay rơi không phải do ta bắn mà nó tự rơi. Nguyên nhân: Khi xâm nhập miền Bắc rất sợ súng phòng không bắn hạ, buộc phi công phải chọn một trong hai tình huống: bay thật cao hoặc bay thật thấp.

Tên phi công đã bay thấp, khi vào đến địa phận Ninh Bình thì bẻ lái về hướng Tây Bắc. Nhưng do bẻ lái quá gấp mà máy bay mất thăng bằng lao xuống. Trong  lúc ông đang xét hỏi đối tượng, thì Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến, và chỉ đạo khẩn trương lấy sinh cung. Vì một số tên đã chết, trong đó có phụ lái. Đồng thời Bộ trưởng cũng chỉ đạo tham mưu cho Bộ Chính trị hướng cho sự kiện này vào chiếc máy bay rơi do bị súng phòng không của một đơn vị X bắn hạ. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, qua công tác xét hỏi ông đã tác động cho tên phi công được khai sao có lợi cho nó, vì còn vợ con đang sống ở trong Nam.

Từ đó, tên phi công khai nhận lệnh của cấp trên ra miền Bắc  thả biệt kích phá hoại, chẳng may bị súng phòng không của miền Bắc bắn rơi. Dĩ nhiên là từ các vết đạn trên máy bay, đến tổ chức trao thưởng cho đơn vị X nào đó được thực hiện hoàn hảo. Nhờ xử lý tình huống này vừa giữ được bí mật chuyên án đến mấy năm sau, và công bố cho thế giới biết rằng hệ thống phòng không của ta rất mạnh.

Trên đây là những tình huống nghiệp vụ đòi hỏi vận dụng để phục vụ mục đích chính trị đem lại hiệu quả thiết thực. Phục vụ đánh địch trước mắt cũng như lâu dài, đồng thời phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước. Sự việc đã diễn ra cách đây trên 40 năm, nhưng ông không thể nào quên, bởi đó là những năm tháng oanh liệt của Lực lượng An ninh.

Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết: Ông Huỳnh Ngự là một trong những người tham gia công tác công an rất sớm từ khi chưa có tên gọi là “công an”, cho đến năm 1981 về nghỉ hưu. Ban đầu ông công tác tại Công an Quảng Nam,  Công an Khu 5, Phú Yên rồi Việt Bắc. Giữa năm 1953, làm cải cách ruộng đất. Sau đó về tiếp quản Thủ đô, ông làm việc ở Bộ Công an cho đến khi về nghỉ hưu.

Suốt 35 năm công tác trong ngành Công an, ông dành nhiều tâm huyết để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng Lực lượng Công an nhân dân. Quá trình cống hiến cho cách mạng, ông được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Hai; Huy chương Vì An ninh Tổ quốc; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn chăm chú theo dõi  từng bước đi của ngành và vui mừng khi thấy Lực lượng An  ninh không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Xứng đáng là Lực lượng Công an của nhân dân, bảo vệ Đảng và chế độ. Thiết nghĩ những câu chuyện ông kể là bài học để chúng ta nghiên cứu vận dụng

H.L.
.
.