Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an huyện Gia Lâm

Bình yên cho vùng ven đô

Thứ Ba, 10/04/2012, 08:00
Ít ai biết rằng, với quân số chỉ có 32 cán bộ, chiến sĩ nhưng mỗi năm, lính hình sự Gia Lâm phải giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ: điều tra, khám phá từ 120 đến 150 vụ án, khởi tố từ 250 - 300 đối tượng nên thời gian nghỉ ngơi lại càng là "của hiếm". Có những thời điểm, mỗi ngày các anh chỉ chợp mắt được từ 1 đến 2 giờ tại... bàn làm việc...

Dù đã có hẹn trước với các cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTPVTTXH) - Công an huyện Gia Lâm nhưng khi đến nơi, chúng tôi vẫn phải chờ vì đơn vị họp đột xuất. Vừa bắt tay chúng tôi, Trung tá Đặng Hữu Quân, Đội trưởng vừa phân trần: "Các bạn thông cảm, vừa qua, trên địa bàn xảy ra nhiều án quá, thành thử cả đội làm việc không quản ngày đêm. Vừa điều tra xong vụ này, lại phải bắt tay ngay vào vụ mới". Đồng chí Đội trưởng nói ngắn gọn, đơn giản vậy, nhưng nếu hiểu về lính hình sự - nhất là ở những địa bàn ven đô phức tạp như Gia Lâm thì sự bận rộn của các anh là điều hiển nhiên.

Câu chuyện giữa chúng tôi và Trung tá Đặng Hữu Quân bắt đầu ngay từ những vụ án vừa xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Gia Lâm. Chỉ trong chưa đầy một tuần đã có tới 4 vụ án xảy ra, trong đó có 3 vụ cướp và một vụ cố ý gây thương tích khiến anh em trong đội căng lực lượng ra truy tìm thủ phạm. Mở đầu của chuỗi vụ án này là vào khoảng 22h ngày 19/2, anh Nguyễn Gia Lương (có hộ khẩu thường trú tại Tổ 4, Phúc Đồng, Long Biên, là lái xe cho hãng taxi Long Biên) đón 2 nam thanh niên từ chân cầu vượt Vĩnh Tuy đi Khu công nghiệp Phú Thị. Đến Khu công nghiệp Phú Thị, bất ngờ đối tượng ngồi sau dùng dao khống chế anh Lương. Đối tượng còn lại lục soát lấy toàn bộ tài sản gồm một điện thoại và 5.600.000 đồng. Sau đó, hai đối tượng đạp anh Lương ra khỏi xe và lái xe tẩu thoát về hướng quốc lộ 5. Nhận được tin báo, các cán bộ, chiến sĩ Đội CSĐTTPVTTXH lập tức tỏa ra các hướng truy tìm thủ phạm. Đến 2 giờ sáng ngày 20-2, anh em đã phát hiện và thu giữ xe ôtô nói trên tại chợ Vàng - Cổ Bi (Gia Lâm - Hà Nội).

Khi thủ phạm của vụ cướp taxi vẫn chưa được tìm ra thì Đội lại tiếp tục nhận được tin báo vào lúc 21h45' ngày 20/2, anh Nguyễn Xuân Giang ở Từ Sơn, Bắc Ninh đi xe máy Honda SH theo quốc lộ 1 từ Hà Nội về Bắc Ninh, khi đến khu vực ngã năm Cầu Đuống - thị trấn Yên Viên bất ngờ bị 3 đối tượng đi trên 1 chiếc xe máy cùng chiều vượt lên ép sát xe anh Giang vào lề đường. Đối tượng ngồi sau cầm dao nhọn đâm vào tay trái anh Giang. Anh Giang hoảng hốt dừng xe bỏ chạy. Các đối tượng lấy xe máy của anh Giang chạy ngược chiều về hướng cầu Đuống tẩu thoát.

Vẫn chưa dừng lại ở đó, vào lúc 18h30' ngày 21/2, anh Toản ở Khoái Châu, Hưng Yên đi xe máy Honda Air Blade theo hướng đê Văn Giang xuống thị trấn cũng bất ngờ bị 2 thanh niên cướp xe với hình thức tương tự.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Đội CSĐTTPVTTXH - Công an huyện Gia Lâm xác định đây là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự của địa phương, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của Đại tá Đặng Văn Vượng - Trưởng Công an huyện, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Đội CSĐTTPVTTXH - Công an huyện Gia Lâm đã phối hợp chặt chẽ với Phòng CSĐTTPVTTXH - Công an TP Hà Nội, các lực lượng Công an cơ sở và Công an các địa bàn giáp ranh quyết tâm đưa các đối tượng tội phạm ra ánh sáng.

Công việc đầu tiên được các anh thực hiện là chia làm nhiều tổ công tác, tiến hành truy tìm tang vật bị mất, rà soát nóng các địa điểm xảy ra vụ việc. Một khó khăn gặp phải với các chiến sĩ là do trời tối, lại hoảng loạn nên hầu hết các nạn nhân đều mô tả về thủ phạm một cách rất chung chung. Thậm chí, có người còn nhớ không chính xác. Ví dụ như thủ phạm đi xe Wave gây án nhưng nạn nhân lại nhớ thành xe... Dream, hoặc thủ phạm có dáng người cao lại nhớ thành thấp... Sự việc bắt đầu hé lộ khi phát hiện chiếc xe taxi bị các đối tượng cướp để ở đường Cổ Bi. Đây là khu vực công trường đang thi công, ít người qua lại. Các anh xác định đối tượng ở cách đó không xa và chắc chắn phải di chuyển từ khu vực đó ra bằng taxi hoặc xe ôm. Nghiên cứu phương pháp gây án, các anh nhận định nhiều khả năng chúng là người ngoại tỉnh vì hoạt động khá công khai, liều lĩnh. Một dấu hiệu cho thấy các vụ án có móc xích với nhau là trong vụ cướp xe của anh Toản, các đối tượng đã dùng chiếc xe SH có nhiều đặc điểm giống với chiếc xe cướp được của anh Giang để đi gây án. Việc rà soát tất cả các đối tượng tạm trú trên địa bàn có dấu hiệu nghi vấn, bất minh về phương tiện đi lại, sinh hoạt, đặc biệt là hoạt động ban đêm được các đồng chí nhanh chóng triển khai. Chưa đầy 2 ngày sau, chân dung nhóm cướp liều lĩnh đã được dựng lên. Đó là Nguyễn Thanh Tuấn, 27 tuổi tại Lý Nhân, Hà Nam; Nguyễn Hải Đăng, 24 tuổi tại Lục Ngạn, Bắc Giang và Dương Quốc Việt (tức Hùng) sinh năm 1990 tại tổ 12, Cự Khối, Long Biên, Hà Nội. Hiện Tuấn và Đăng đã bị bắt giữ và khai nhận cùng với Hùng thực hiện 3 vụ cướp trên. Đối tượng Hùng đang bỏ trốn và Công an huyện Gia Lâm đã phát lệnh truy nã với đối tượng này.

Một buổi họp chuyên án của Đội CSĐTTPVTTXH, Công an huyện Gia Lâm.

Khi vụ việc trên còn đang điều tra mở rộng thì khoảng 2h30' ngày 26/2, có 3 đối tượng nam thanh niên vào phòng 202, Ký túc xá Trường Đại học Nông nghiệp I đe dọa, khống chế 9 sinh viên trong phòng để lấy đi toàn bộ tài sản có giá trị. Các đối tượng còn thể hiện hành vi côn đồ khi sẵn sàng dùng súng đập vào đầu, dùng dao chém sượt vai các sinh viên. Vụ án xảy ra đã gây hoang mang lo lắng cho các sinh viên không chỉ thuộc Trường Đại học Nông nghiệp mà ở các trường đại học khác trên địa bàn. Từ nghiên cứu hiện trường cho thấy, các đối tượng trèo qua khu chống sét để vào trong nên chắc chắn đây là một nhóm cướp thông thạo địa bàn, nắm được quy luật hoạt động của sinh viên cũng như tổ bảo vệ nhà trường. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, một nhóm đối tượng có biểu hiện bất minh về quan hệ và kinh tế đã được dựng lên. Chỉ đến chiều hôm sau, Đội CSĐTTPVTTXH - Công an huyện Gia Lâm cùng với Công an huyện Văn Giang đã hoàn thiện hồ sơ, chứng cứ, buộc 3 đối tượng gây án phải cúi đầu nhận tội. Đó là Nguyễn Tây Hải, sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp I; Nguyễn Sơn Đại và Đặng Huy Thái cùng các đối tượng liên quan khác. Mở rộng điều tra, các đối tượng còn khai nhận đã thực hiện nhiều vụ cướp tài sản khác trên địa bàn.

Trung tá Nguyễn Văn Tuấn - Đội phó Đội CSĐTTPVTTXH - Công an huyện Gia Lâm cho biết, sở dĩ các vụ án xảy ra liên tục, ngoài lý do các đối tượng dạt ra ngoại thành vì ở nội thành dạo này "làm ăn khó" thì nguyên nhân quan trọng hơn cả là Gia Lâm vốn là địa bàn rộng, có 20 xã, 2 thị trấn, giáp ranh với nhiều quận nội thành và các tỉnh: Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên. Giao thông đi lại thuận tiện cộng với mức độ đô thị hóa mạnh, nhiều khu vực trống vắng nên các đối tượng cướp thường lợi dụng gây án như khu công nghiệp Bát Tràng, Phú Thụy, các tuyến đê sông Hồng, sông Đuống… Hơn nữa, sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm các đối tượng ngoại tỉnh quay trở lại địa bàn. Do không có việc làm hoặc ham lô đề, cờ bạc thiếu tiền dẫn đến cướp của.

Nhìn các chiến sĩ hình sự, mắt ai cũng trũng sâu vì thiếu ngủ, Trung tá Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: Với các chiến sĩ hình sự, việc làm thâu đêm là chuyện thường xuyên. Nhất là khi điều tra những vụ như cướp của sinh viên hoặc một loạt vụ ăn trộm máy tính xảy ra tại các trường học trên địa bàn trước đây. Bởi vì ban ngày sinh viên đi học, rất khó cho công tác điều tra. Chưa kể, đặc trưng của loại tội phạm này là ngày ngủ, đêm mới hoạt động nên muốn bắt tận tay phải mật phục vào đêm khuya. Có lẽ, với lính hình sự thì nguyên tắc "Làm hết việc, không làm hết giờ" đã trở thành bài học nằm lòng ngay từ khi bước chân vào nghề.

Ít ai biết rằng, với quân số chỉ có 32 cán bộ, chiến sĩ nhưng mỗi năm, lính hình sự Gia Lâm phải giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ: điều tra, khám phá từ 120 đến 150 vụ án, khởi tố từ 250 - 300 đối tượng nên thời gian nghỉ ngơi lại càng là "của hiếm". Có những thời điểm, mỗi ngày các anh chỉ chợp mắt được từ 1 đến 2 giờ tại... bàn làm việc. Địa bàn rộng nhưng hiện tại chỉ có tuyến quốc lộ 5 có Cảnh sát cơ động tuần tra nên gánh nặng công việc với các chiến sĩ hình sự Công an Gia Lâm lại càng nhiều hơn. Chưa kể trong số 32 cán bộ, chiến sĩ có vỏn vẹn 6 điều tra viên. Số lượng điều tra viên của Gia Lâm chỉ chiếm tỉ lệ 1/5, quá ít so với quy định (thông thường số lượng điều tra viên phải chiếm 50% quân số).

Khó khăn là vậy nhưng nhìn vào bảng thành tích của đơn vị mới thấy sự nỗ lực của đội quân dũng cảm ấy. Từ 2007 đến nay, đơn vị đều giữ vững danh hiệu đơn vị Quyết thắng. Riêng năm 2011, Đội CSĐTTPVTTXH Công an huyện Gia Lâm được nhận Bằng khen của Chính phủ, của Bộ Công an và nhiều giấy khen của Công an Tp Hà Nội nhờ thành tích khám phá nhanh các vụ trọng án. Trong đó, Trung úy Đàm Văn Liêm là một trong 10 chiến sĩ trẻ xuất sắc tiêu biểu của Thủ đô...

Khi chúng tôi hỏi rằng, vì đâu đơn vị có thể giải quyết được một khối lượng công việc đồ sộ trong điều kiện tội phạm hình sự ngày càng phức tạp và manh động như hiện nay, Trung tá Nguyễn Văn Tuấn giản dị cho rằng: "Đó là nhờ sự đoàn kết của các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Bên cạnh sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp thì sự quan tâm giữa các đồng đội với nhau chính là nguồn sức mạnh để anh em yên tâm hết mình vì công việc. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trẻ tuổi, vừa lập gia đình, có con nhỏ, phải ở nhà thuê nhưng mỗi khi có nhiệm vụ là sẵn sàng lên đường, bất kể ngày đêm. Anh em coi công việc không chỉ là nhiệm vụ mà còn là lương tâm, trách nhiệm của mình".

Để có thể gặp mặt tất cả các cán bộ, chiến sĩ trong đội cũng như mong muốn chụp một bức ảnh có mặt đầy đủ anh em là... nhiệm vụ bất khả thi với chúng tôi. Bởi chỉ sau cuộc họp giao ban, các anh sẽ ai vào việc nấy. Bình yên cho vùng ven đô luôn là mục tiêu để các anh sẵn sàng lên đường, sẵn sàng vượt qua bất kỳ khó khăn, gian khổ nào

Thảo Duyên
.
.