Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014)

Biên cương nhớ bóng anh hùng

Thứ Tư, 24/12/2014, 08:00
Trung tướng Phạm Kiệt - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một vị Thứ trưởng Bộ Công an đầy bản lĩnh, một anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...  Người đã đi xa, đã hóa thân vào sương khói biên cương. Nhưng lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng sẽ luôn ghi nhớ những câu chuyện về ông, một danh tướng đầy tài đức và trung hậu.

Tham gia tổ chức "Thanh niên cách mạng đồng chí hội" khi chưa đầy 15 tuổi, Phạm Kiệt nhanh chóng trưởng thành và trở thành "hạt giống đỏ" của phong trào cách mạng Việt Nam. Bị kết án tử  hình rồi hạ xuống chung thân, những trận đòn tù dã man tại các nhà lao như Lao Bảo, Buôn Mê Thuột, Ba Tơ… dường như chỉ là ngọn lửa tôi rèn thêm bản lĩnh và lí tưởng của người Cộng sản trẻ. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, bằng sự nhạy bén của mình, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã quyết định cướp đồn Ba Tơ, giành chính quyền về tay nhân dân. Nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa Ba Tơ đã được Tỉnh ủy lâm thời giao cho Phạm Kiệt. Suốt một đêm dài giằng co, đấu trí với địch, quần chúng cách mạng đã chiếm đồn Ba Tơ, bắt tất cả sỹ quan và quân lính trong đồn, giải tán chính quyền phản động, giành thắng lợi hoàn toàn mà không hề đổ máu.

Sáng 13/3/1945, Đội du kích Ba Tơ chính thức được thành lập. Được Tỉnh ủy giao làm chỉ huy trưởng Đội du kích Ba Tơ, Phạm Kiệt đã tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân, kêu gọi nhân dân đoàn kết, quyết tâm chiến đấu bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng. Ngay sau đó, đội du kích Ba Tơ đã tỏa đi khắp các miền quê Quảng Ngãi, lập nên nhiều chiến khu và căn cứ vững chắc, trở thành lực lượng nòng cốt cùng chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Sau Cách mạng Tháng Tám, quân du kích Ba Tơ lan tỏa đi khắp liên khu V và Nam bộ, trở thành một trong những lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Việt Nam. Chỉ huy trưởng Phạm Kiệt sau này trở thành Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.

Bản lĩnh và tài đức Phạm Kiệt còn thể hiện trong nhiều tình huống cam go. Sau ngày 2/9/1945, với quân số áp đảo và trang bị súng ống tối tân, thực dân Pháp nổ súng gây hấn rồi nhanh chóng đánh chiếm Nam Bộ và tấn công vào miền Trung hòng thần tốc tiến về Hà Nội. Nhưng các đoàn quân Nam tiến và quân dân Nam Trung Bộ dưới sự lãnh đạo của Khu ủy và Bộ chỉ huy Nam Trung Bộ, mà đứng đầu là chỉ huy trưởng Phạm Kiệt đã tạo nên một huyền thoại của khu V. Chiến dịch 101 ngày phòng thủ Nha Trang đã xé nhỏ lực lượng quân viễn chinh Pháp, đánh đắm nhiều tàu chở quân, vũ khí, đạn dược, cầm chân và tiêu hao sinh lực địch, buộc chúng phải dừng chân tại nơi này. 101 ngày đêm ấy cũng đã trở thành một bài học quý trong tác chiến và phòng thủ đô thị.

Trong suy nghĩ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Trung tướng Phạm Kiệt thì: "Ngay từ lần gặp đầu tiên cuối những năm 20, tôi đã nhìn thấy ở anh một con người chân thành, chân thật, dễ gần và dễ mến. Sau này, những ngày sống và làm việc trên đất Bắc, tôi càng hiểu, càng quý anh hơn. Quý một con người trung thực, thẳng thắn, lúc nào cũng nói thẳng, nói thật, không úp mở, rào chắn… Nhiều người nói anh khá nóng tính, nhưng tôi nghĩ anh Kiệt là người có trách nhiệm phụng sự nhân dân, Tổ quốc rất cao".

Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã viết trong bức thư gửi Hội Khoa học lịch sử Việt Nam như sau: "Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt: ý kiến ấy cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt gửi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới "đánh chắc, tiến chắc". Tôi càng thấy rõ, anh Kiệt là một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn nói lên sự thật không chút ngần ngại. Anh đã để lại cho chúng ta một tấm gương về đức tính và bản lĩnh của người đảng viên cộng sản".

Trung tướng Phạm Kiệt tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra công tác quốc phòng khu vực biển Đông Bắc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này còn có nhiều dịp cùng "bàn việc quân" với Tướng Phạm Kiệt khi ông đi kiểm tra công tác bảo vệ biên giới của lực lượng Công an vũ trang. Vậy mà cho đến khi nằm xuống, Tướng Phạm Kiệt không mảy may nhắc đến chuyện từng đề nghị cân nhắc kế hoạch tác chiến. Và có lẽ cũng sẽ chẳng có ai biết đến chuyện này nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp không công khai ý kiến "vàng" của Tướng Phạm Kiệt. Thế mới biết, những con người của thời đại ấy đã luôn sống hết mực thủy chung, khiêm cung và thẳng thắn.

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ những hiện vật quý. Đó là khẩu Cacbin số hiệu 585440, khẩu súng lục hiệu mô-de (mauser) số 707271, chiếc radio mà tướng Đờ Cát đã dùng trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ… mà Bác Hồ đã tặng cho Trung tướng Phạm Kiệt. Có lẽ không cần phải nhiều lời để nói thêm về tình cảm và niềm tin đặc biệt mà Hồ Chủ tịch đã dành cho ông: Khi Bác ở chiến khu, có người cận vệ Phạm Kiệt luôn theo sát bên Người. Ngày Bác về thăm quê hương Nam Đàn, có sự tháp tùng tận tụy của người học trò ấy. Những lần Bác đến thăm Công an nhân dân vũ trang, không thể thiếu Tướng Kiệt trong hàng quân danh dự nghiêm trang chào đón. Và ngay cả trong những ngày cuối cùng trước khi đi về cõi vĩnh hằng, Bác cũng nắm tay Tướng Kiệt thật chặt, dặn dò bao điều về lực lượng Công an và Công an nhân dân vũ trang. Để ngày nay, những chiến sĩ Công an và Bộ đội Biên phòng vẫn luôn sống, lao động và cống hiến theo lời Bác dạy: "Cần, kiệm, liêm, chính; Chí công, vô tư…".

Trọn đời binh nghiệp của mình, có thể nói Trung tướng Phạm Kiệt là người góp công xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. 15 năm cống hiến cho Quân đội, 15 năm cống hiến cho Công an, trên bất kì cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 1960, khi ông đảm nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang thay Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, cũng là lúc cuộc chiến đấu chống gián điệp biệt kích của Mỹ - Diệm bắt đầu quyết liệt ở miền Bắc. Vốn là người chỉ huy thông minh, nhạy bén và sâu sát đến từng trận đánh, ông luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ nắm chắc phương châm đánh địch của Đảng là: "Đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, kết hợp giữa đấu tranh công khai với đấu tranh bí mật, lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu". Lời nhắc nhở đó là mệnh lệnh để các đơn vị suy nghĩ, vận dụng tìm ra cách đánh linh hoạt, sáng tạo để lần lượt "cất vó" hết toán gián điệp này đến toán gián điệp khác.

Cũng chính  Trung tướng Phạm­­­ Kiệt là người chủ trương xây dựng: "Mỗi đồn Công an nhân dân vũ trang là một trận địa phòng không", trong giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Đúng như dự kiến, Công an nhân dân vũ trang đã đánh thắng máy bay Mỹ ngay từ trận đầu bằng súng bộ binh. Đến cuối năm 1972, Công an nhân dân vũ trang đã độc lập bắn rơi 219 máy bay Mỹ, phối hợp với các lực lượng vũ trang khác bắn hạ 225 chiếc, bắn bị thương 118 chiếc, bắt nhiều giặc lái, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Có người nói: "Thủ trưởng là do cấp trên quyết định, ví như bàn tay phải. Thủ lĩnh là do anh em, đồng đội tín nhiệm, kính nể tôn sùng, ví như bàn tay trái. Nên bất kì đơn vị nào, tập thể nào mà người đứng đầu vừa là thủ trưởng, vừa là thủ lĩnh thì ví như bàn tay phải và bàn tay trái chập khít vào nhau thì sức mạnh của đơn vị đó, tập thể đó là vô địch". Điều này thực sự đúng với Tướng Phạm Kiệt. Sách: "Danh nhân lịch sử Việt Nam" đánh giá về Trung tướng Phạm Kiệt như sau: "Từ năm 1960 - 1975, ông đã lãnh đạo ngành Công an ra sức xây dựng lực lượng Công an lớn mạnh để đảm nhiệm trọng trách giữ gìn an ninh chính trị và đảm bảo an toàn trật tự xã hội". Ghi nhận công lao to lớn của ông, Đảng, Nhà nước đã truy tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tháng 1 năm 2014, kỉ niệm 105 ngày sinh Trung tướng Phạm Kiệt, một lễ kỷ niệm trang trọng đã được tổ chức với sự hiện diện của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cùng các chuyên gia lịch sử và các cựu chiến binh. Tất cả các ý kiến tham luận đều cho rằng, trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Trung tướng Phạm Kiệt đã để lại trong lòng bao thế hệ người lính mang quân hàm xanh và nhân dân biên giới hình ảnh một vị tướng thẳng thắn, trung thực, sống giản dị, giàu lòng vị tha và luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết
Phạm Vân Anh
.
.