Bí mật của một chiến dịch phản gián

Thứ Hai, 25/09/2006, 11:00
Cách đây 25 năm, vào tháng 9-1981, Chiến dịch phản gián mang tên "Kế hoạch CM-12" được khởi đầu bằng một chiến công ghi đậm dấu ấn của bản lĩnh và trí tuệ của Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.  Chiến dịch phản gián có một không hai này được kéo dài 7 năm, từ năm 1981 đến 1988 là kết thúc. Trong đó, Kế hoạch CM-12 là phần cốt lõi nhất, thắng lợi to lớn nhất.

Vào một ngày thượng tuần tháng 1/1981, đồng chí Phạm Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) gọi điện thoại cho đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm ở TP HCM:

- Ông biết gì chưa? Có bọn xâm nhập ở biên giới Tây Nam đấy. Cho triển khai ngay công tác xác minh và truy bắt bọn xâm nhập!Đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm báo cáo đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng là cũng đã nhận được tin này và triển khai ngay việc thực hiện lệnh của Bộ trưởng. Đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm gửi điện cho Công an các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang triển khai phương án truy tìm gián điệp biệt kích. Bức điện có nội dung:

“Theo  tin từ Campuchia ngày 11 tháng 1, một toán gián điệp đang đi qua tỉnh Tà Keo để xâm nhập vào Việt Nam. Đề nghị các đồng chí triển khai phương án nắm tình hình và truy quét. Cần phải xác nhận tin này đúng không? Có tin tức gì cụ thể báo ngay K4 và K4/2”.

Vào lúc đó, tình hình an ninh miền Nam vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp. Lãnh đạo Bộ Nội vụ phân công đồng chí Cao Đăng Chiếm phụ trách công tác công an ở các tỉnh miền Nam. K4 là ký hiệu của Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm, còn K4/2 là ký hiệu của Tổ An ninh trực thuộc đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm.

Xuất phát từ tình hình thực tế an ninh ở miền Nam, được sự đồng ý của đồng chí Bộ trưởng và tập thể lãnh đạo Bộ, một số cán bộ có kinh nghiệm được bố trí vào ba tổ công tác tham mưu cho đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm. Tổ K4/1 là bộ phận nghiên cứu tổng hợp. Tổ K4/2 giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ của lực lượng an ninh. Tổ K4/3 giải quyết các vấn đề thuộc lực lượng cảnh sát.

Tổ K4/2 về danh chính có chức năng tham mưu cho đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm là chủ yếu, nhưng trên thực tế, bộ phận K4/2 đã trở thành các đơn vị chiến đấu thực sự khi có các vụ án lớn xảy ra và được đồng chí Thứ trưởng trực tiếp giao nhiệm vụ.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cử đồng chí Nguyễn Phước Tân, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị 2 làm Tổ trưởng Tổ An ninh K/2. Chức vụ này tương đương Cục trưởng. Các đồng chí Lê Tiền, Phó Cục trưởng phụ trách đơn vị PK9 và đồng chí Hồ Khiết, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị 1 làm Tổ phó. Các đồng chí Nguyễn Phước Tân và Lê Tiền sau này được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh.

Bộ cũng điều động một số cán bộ an ninh dày dạn kinh nghiệm, có trình độ nghiệp vụ giỏi từ các đơn vị về Tổ An ninh K4/2 như các đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Thi Văn Tám, Trần Tôn Thất,... Hiện nay, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn là Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; đồng chí Thi Văn Tám là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an và đồng chí Trần Tôn Thất là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục An ninh.

Trở lại với vụ xâm nhập của bọn gián điệp biệt kích.

Ngày 11/1/1981, Công an tỉnh Tà Keo (Campuchia) trao đổi cho chúng ta biết có một tên Khmer Đỏ ra đầu thú khai báo rằng y có tham gia dẫn một toán người Việt Nam từ nước ngoài đi qua Campuchia để xâm nhập  về hoạt động chống Việt Nam. Tin này được báo cáo ngay cho đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng, các đồng chí Thứ trưởng Viễn Chi, Cao Đăng Chiếm và đồng chí Huỳnh Thanh Việt (Mười Việt), Giám đốc Công an tỉnh An Giang, địa phương có biên giới giáp tỉnh Tà Keo.

Nguồn tin cho biết: “Một tên Khmer Đỏ tên là Săm Sua đã ra đầu thú chính quyền cách mạng Campuchia tại Tà Keo. Y khai có tham gia dẫn đường cho 23 tên gián điệp biệt kích xâm nhập về Việt Nam”.

Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, được sự đồng ý của chính quyền Campuchia, đồng chí Huỳnh Thanh Việt, Giám đốc Công an tỉnh An Giang và một số cán bộ an ninh là đồng chí Trần Văn Lệnh, Trưởng phòng Chấp pháp và đồng chí Huỳnh Hữu Chiến, Trưởng phòng Tổng hợp (hiện đồng chí Huỳnh Hữu Chiến là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh) ngay lập tức lên đường sang Tà Keo, Campuchia. Qua trực tiếp xét hỏi tên Săm Sua, đoàn Công an An Giang nhận thấy khả năng là tên Săm Sua đã khai báo thật. Ngày 12/1/1981, đồng chí Mười Việt đã báo cáo cho lãnh đạo Bộ nhận định về việc có một toán gián điệp biệt kích mang vũ khí, điện đài xâm nhập Việt Nam.

Tiếp đó, ngày 13/1, Công an Kiên Giang điện báo cáo lãnh đạo Bộ Nội vụ biết về việc có một toán gián điệp, biệt kích xâm nhập. Theo báo cáo của Công an Kiên Giang, ngày 8/1/1981, bộ đội làm kinh tế ở Bình Sơn (Kiên Giang) bắn chết 1 tên gián điệp, biệt kích từ nước ngoài xâm nhập về Việt Nam.

Qua nguồn tin của quần chúng phát hiện, Công an Kiên Giang đã thu được 12 súng AK báng gấp, 7 quả lựu đạn, 2 tay quay máy phát điện dùng cho điện đài và một số quân trang, quân dụng. Đáng chú ý là có một số phù hiệu đề là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”... Có dấu hiệu đây là một tổ chức phản cách mạng đưa quân xâm nhập vào Việt Nam.

Ngày 15/1/1981, đồng chí Phạm Hùng đã điện chỉ thị cho đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm tổ chức xác minh, khai thác và truy bắt cho hết bọn xâm nhập. Đồng thời, tin này còn được thông báo cho các Cục nghiệp vụ kiểm tra.

Báo cáo của lực lượng trinh sát kỹ thuật cũng phù hợp với những diễn biến toán gián điệp biệt kích xâm nhập trong thời gian cuối năm 1980.

Đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm trực tiếp đi miền Tây để chỉ đạo tại hiện trường. Các đơn vị nghiệp vụ an ninh của Bộ cũng được huy động tham gia, phối hợp cùng với công an các địa phương điều tra, truy bắt bọn xâm nhập. Các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, điều tra được sử dụng. Chính vì vậy, chỉ ít ngày sau khi bọn địch xâm nhập bị phát hiện, công tác truy bắt đã có sự chỉ đạo thống nhất của lãnh đạo Bộ.

Chỉ trong vòng một thời gian tương đối ngắn, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ mà trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng và đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm, các Cục nghiệp vụ an ninh và công an các địa phương Nam Bộ đã nhanh chóng phối hợp truy bắt và khai thác bọn gián điệp biệt kích xâm nhập.

Trong khi đang khẩn trương triển khai công tác truy bắt bọn gián điệp biệt kích xâm nhập, thì Công an Kiên Giang báo cáo là đã bắt giữ được 1 tên trong bọn chúng. Ngày 18/1/1981, Trần Minh Hiếu sau khi được lệnh của toán trưởng cho phân tán, y về quê ở An Biên. Sau một thời gian biền biệt không được tin gì kể từ ngày Hiếu vượt biên, nay thấy con trở về, mẹ của Hiếu vừa mừng lại vừa lo.

Hiếu nói thật cho mẹ biết về việc tại sao y lại trở về Việt Nam. Ông cậu ruột của Hiếu làm việc ở Tỉnh đội Kiên Giang biết được chuyện của Hiếu và động viên anh ta ra đầu thú công an. Trong khi Hiếu đang lừng chừng vì sợ thì người cậu của Hiếu đã báo cho công an địa phương biết. Công an Kiên Giang ngay lập tức bắt giữ Trần Minh Hiếu và khai thác.

Được công an động viên, giáo dục và thuyết phục, Trần Minh Hiếu đã khai nhận là một trong số 23 tên gián điệp biệt kích của tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” của Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh. Hiếu đã khai quá trình xâm nhập của toán gián điệp.

Qua lời khai của Hiếu, ta biết chúng sẽ gặp nhau vào ngày 15 và 30 hàng tháng ở  bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Hiếu cũng khai nơi ẩn náu của tên toán trưởng Lê Hồng Dự. Công an Kiên Giang và Công an Hậu Giang đã tổ chức bắt giữ Lê Hồng Dự tại Cần Thơ. Qua các buổi xét hỏi, Lê Hồng Dự khai báo quá trình xâm nhập của y và những hiểu biết của y về tổ chức phản cách mạng của Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh. Những lời khai này khớp với lời khai của Trần Minh Hiếu.

Qua lời khai của Lê Hồng Dự và Trần Minh Hiếu, bước đầu chúng ta đã xác định đây là một tổ chức phản cách mạng do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu có cơ sở hoạt động ở nước ngoài.

Để tiến hành đấu tranh với tổ chức này, về mặt tổ chức chỉ đạo, trên cơ sở tính chất, phạm vi hoạt động khá phức tạp và rộng của bọn Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh, lãnh đạo Bộ nhất trí với đề xuất của Tổ An ninh là thành lập Ban chuyên án do đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm chỉ đạo và K4/2 trực tiếp thực hiện.

Chỉ vài ngày sau, đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để trực tiếp chỉ đạo đấu tranh với vụ án này. Đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng đã yêu cầu đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm triệu tập ngay một cuộc họp để bàn biện pháp, kế hoạch đấu tranh với vụ án này tại TP Hồ Chí Minh.--PageBreak--

Cái gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” của Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh là một tổ chức phản cách mạng được một số nước lớn và một số cơ quan tình báo nước ngoài ủng hộ, hậu thuẫn. Sau khi xác minh từ các nguồn tin, cơ quan an ninh đã nhanh chóng dựng lại quá trình hình thành và sự ra đời của tổ chức này.

Qua nhiều nguồn tin và tài liệu thu thập được, chúng ta biết được  vào năm 1976, một tổ chức phản cách mạng Việt Nam lưu vong được thành lập tại Paris, thủ đô nước Pháp. Đó là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam”.

Ngày 17/2/1976, tại khách sạn Méridien, Lê Quốc Túy và những kẻ cầm đầu tổ chức này làm một cuộc họp báo cho ra mắt cái gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam”. Chủ tọa cuộc họp báo này là Lê Quốc Túy - “chủ tịch”, Lê Phước Sang - “phó chủ tịch”, và Lại Hữu Tài làm “tổng thư ký”.

Tại đây, Túy ba hoa giới thiệu “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam” ở Pháp do y làm “chủ tịch” là một bộ phận của “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” được thành lập từ tháng 10/1975 tại đồng bằng sông Cửu Long bao gồm các lực lượng Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo và một số đảng phái chính trị, một số sĩ quan ngụy cũ do Hội trưởng Phật giáo Hòa Hảo Lương Trọng Tường làm “chủ tịch”. Lê Quốc Túy và đồng bọn quyết định dùng cờ vàng ba sọc đỏ của ngụy Sài Gòn làm cờ của “mặt trận”.

Trong buổi họp báo, Túy thay mặt “Hội đồng trung ương mặt trận” giới thiệu thành phần “lãnh đạo” của tổ chức này như sau:

- Lê Quốc Túy: chủ tịch mặt trận.

- Lại Hữu Tài: ủy viên sáng lập.

- Lê Phước Sang, ủy viên,

- Lương Trọng Văn, ủy viên.

- Mai Văn Hải, ủy viên.

- Thùy, phát ngôn viên của “mặt trận”.

Trong số người tham dự cuộc họp báo của Túy, có một người bạn thân của Lê Quốc Túy là Mai Văn Hạnh từ Marốc sang. Ngồi hàng đầu, người ta thấy có Trần Văn Hữu, cựu Thủ tướng ngụy thời Bảo Đại; Phạm Văn Huyến, Trần Xúy (người Việt gốc Hoa, nguyên là sĩ quan hậu cần của tướng ngụy Đỗ Cao Trí)...

Mặc dù tổ chức cuộc họp báo có vẻ ầm ĩ và tuyên bố huênh hoang nhưng thực lực của chúng lúc đó chưa có gì ngoài những gương mặt tham dự tại khách sạn Méridien hôm ấy.

Ngay từ khi mới phát hiện, cơ quan an ninh đã tập hợp được những tài liệu ban đầu về những tên đầu sỏ của tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam”.

Lê Quốc Túy sinh ngày 1/1/1934 tại An Bình, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Túy sinh ra trong một gia đình giàu có trong vùng. Bố của Túy là Lê Văn Năm hay thường gọi là Quản Lọ, đã chết vào ngày 20/7/1957. Mẹ là Vương Thị Đối, sống cùng con trai là Lê Quốc Quân, em trai kề Túy tại số nhà 201/42 đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Lê Quốc Túy có hai đời vợ. Vợ thứ nhất là người Pháp có tên là Dupuis Jacqueline. Túy cưới cô gái Pháp này vào năm 1955 tại Paris khi y còn đang học trường không quân ở Pháp.

Năm 1974, Túy và Dupuis Jacqueline ly dị và họ đã có với nhau ba con: hai trai, một gái. Vợ thứ hai là Nhan Thị Kim Chi, một phụ nữ Việt Nam sang Pháp du học lúc còn nhỏ. Kim Chi khoảng 34 - 35 tuổi, kém Túy chừng 20 tuổi. Kim Chi là cháu gọi Trần Văn Hữu, cựu Thủ tướng chế độ Sài Gòn thời Bảo Đại bằng cậu ruột. Túy cưới Kim Chi vào năm 1976 tại Paris và có một con gái.

(Còn tiếp)

Nguyễn Khắc Đức
.
.