Bí mật của một chiến dịch phản gián (Phần 5)

Thứ Hai, 02/10/2006, 10:00
Chúng ta đã nắm được âm mưu và ý đồ của Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh trong việc chống phá cách mạng Việt Nam và ảo tưởng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Lúc đầu, chúng chỉ đặt ra mục đích “giải phóng” miền Nam Việt Nam, nhưng sau đó được sự hậu thuẫn của các thế lực đế quốc và phản động quốc tế, Túy và Hạnh điều chỉnh ý đồ chiến lược đầy tham vọng. Lê Quốc Túy đổi tên “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Miền Nam Việt Nam” thành “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”.

Qua bức điện của Túy gửi cho CM-12, chúng ta thấy y cũng rất phấn khởi và rất muốn vào “quốc nội” như Mai Văn Hạnh để kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của chúng. Ngày 10/5/1982, Lê Quốc Túy điện cho biết là: “C4 và C5 sẽ vào cuối tháng với 12K và 8,5 tấn phân gồm 630 cục đá. Chương trình 5 hôm, ngoài việc gặp với các tổ, mỗi tổ 3 giờ, phải dự trù nửa ngày cho C.5 S.G ( Lê Quốc Quân - TG) và bác Tư (Huỳnh Vĩnh Sanh – TG). Riêng cậu út và thím Ba một ngày. Nếu có thể bố trí cho tổ N.C.B, A.Đ. và C.T lưu lại trong suốt thời gian nói trên. Sắp đặt không cho các tổ biết nhau. Sẽ xác định trước vài hôm ngày tới”.

Sau khi quán triệt sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và căn cứ vào thực tế, Ban chỉ đạo Kế hoạch CM-12 bàn rất kỹ và thống nhất kế hoạch đối phó với địch trong thời gian tới. Đồng chí Lê Tiền, Tổ phó Tổ An ninh K4/2 được đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm cử ra Hà Nội báo cáo về kế hoạch đối phó của ta và xin chỉ thị của Bộ trưởng.

Thiếu tướng Lê Tiền, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, tham gia cách mạng từ lúc còn nhỏ, làm liên lạc cho Ủy ban Kháng chiến Liên khu 1, sau đó chuyển sang ngành công an. Trước khi vào miền Nam chiến đấu năm 1961, ông đã là Trưởng phòng Bảo vệ chính trị của Công an tỉnh Vĩnh Phúc. Khi vào miền Nam, ông chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam Bộ rồi ở miền Đông Nam Bộ. Ông có trí nhớ rất tuyệt vời và có tác phong làm việc cực kỳ tỉ mỉ, thận trọng. Cùng với đồng chí Nguyễn Phước Tân, đồng chí Lê Tiền là những trợ lý đắc lực của đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm trong công tác an ninh.

Ngày 12/5/1982, đồng chí Lê Tiền bay ra Hà Nội. Bộ trưởng sắp xếp làm việc với đồng chí Lê Tiền vào buổi tối hôm đó, từ 7 giờ tối đến 9 giờ. Cùng dự có cả đồng chí Thứ trưởng Trần Đông. Đồng chí Lê Tiền báo cáo với đồng chí  Bộ trưởng Phạm Hùng về nhận định về tình hình và kế hoạch đấu tranh của ta, trong đó có việc gây trở ngại để chưa cho Túy và Hạnh vào.

Sau khi hỏi thêm một số chi tiết, đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng và đồng chí Thứ trưởng Trần Đông trao đổi, nhận định tình hình, cân nhắc các tình huống có thể xảy ra, cuối cùng đồng chí Bộ trưởng kết luận như sau: Trong kế hoạch này ta nắm chặt toàn bộ lực lượng địch xâm nhập, vũ khí, phương tiện... Một phần lớn lực lượng nội địa của địch thông qua ta để móc  ráp, tuy ta chưa biết hết mạng lưới ở dưới nhưng đã biết được một số tên nòng cốt của từng mạng lưới. Cho nên Túy và Hạnh vào dù có quyết định những chủ trương liều lĩnh nào  đó, ta vẫn có đủ cách đối phó, địch có triển khai thêm lực lượng vào các địa bàn mới ta cũng có kinh nghiệm bắt chúng sử dụng theo ý định của ta. Bọn nội địa có thể có tên hung hăng, manh động, nếu thấy có nguy hiểm ta vẫn có thể chủ động đánh tỉa, bắt giữ, gây khó khăn, không để chúng hành động được. Cũng có thể có lúc địch nghi ngờ điều này, điều khác, ta phải làm cho địch tin bằng cách lý giải của ta. Có thể có lúc địch tạm dừng để xem xét, kiểm tra sau đó vẫn bắt buộc tiếp tục kế hoạch. Do đó, hiện nay ta nên kiên định kế hoạch đấu tranh, cho Túy và Hạnh vào để làm rõ thêm âm mưu, tổ chức và hành động sắp tới của chúng.

Đây là quyết định rất táo bạo nhưng được suy tính kỹ lưỡng trong việc cho cả Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cùng vào, hơn nữa lại không kết thúc Kế hoạch CM-12 ngay mà vẫn cho hai tên đầu sỏ trở ra nước ngoài. Đồng chí Bộ trưởng cũng chỉ đạo cụ thể về kế hoạch đấu tranh của ta. Tuy nhiên, theo kế hoạch của địch, ta phải đối phó với hai vấn đề khá hóc búa như có cho chúng mang tiền giả vào hay không? Khi Túy và Hạnh vào kiểm tra có nên bắt hai tên đầu sỏ này hay chưa?

Lúc đầu Bộ trưởng Phạm Hùng không cho mang tiền giả vào. Phương án là có thể dùng lực lượng không quân ném bom tiêu diệt hai tàu B1 và B2 trên đường vào. Bộ trưởng Phạm Hùng có trao đổi phương án này với  Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng sau khi cân nhắc các yếu tố thì thấy có thể ảnh hưởng đến kế hoạch chung nên phương án này bị huỷ bỏ. Cuối cùng, Bộ trưởng Phạm Hùng chỉ đạo chấp nhận cho đưa tiền giả vào chỉ thị là bằng mọi giá kiên quyết không để lọt ra ngoài.

Vấn đề thứ hai thì qua tính toán, ta mới chỉ “hút” vào, bắt giữ và tiêu diệt khoảng gần 100 tên, trong khi đó ở trung tâm địch còn đang tuyển mộ thêm lực lượng, do vậy quyết định kiên trì mục tiêu chiến lược đã đề ra là “thu hút toàn bộ lực lượng của địch”, buộc chúng phải đưa hết lực lượng ở nước ngoài xâm nhập về theo kế hoạch của ta, tổ chức bắt gọn các toán gián điệp biệt kích, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện. Vì vậy, lãnh đạo Bộ quyết định vẫn cho Túy và Hạnh trở ra sau khi “làm việc” để tính toán thực hiện chủ trương chiến lược.

Sau đó, đích thân Bộ trưởng Phạm Hùng vào TP HCM, kiểm tra công tác chuẩn bị “đón” Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh. Đặc biệt, trong chuyến này, theo kế hoạch của địch là đưa tiền giả (hàng đặc biệt) vào. Do đó, công việc nhận “hàng” lần này được bàn rất kỹ, nhất là số hàng “đặc biệt”. Công tác hậu cần phục vụ chiến dịch này được bảo đảm chu đáo, từ tàu thuyền, xe cộ, xăng dầu, lương thực, kinh phí, thuốc men. Mặt khác, trong Kế hoạch CM-12, chủ trương “dùng địch đánh địch” kể cả việc khai thác nguồn tài chính, một số cơ sở vật chất của địch cung cấp cho lực lượng “quốc nội” mà thực chất là của ta để đánh lại địch rất có hiệu quả.

Phải nói rằng, vào thời kỳ bao cấp, đất nước còn khó khăn, việc tổ chức được như thế là cả một vấn đề. Hơn nữa, lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Có lần đồng chí Phạm Hùng báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng về quá trình tổ chức đấu tranh với địch trong Kế hoạch CM-12, người đứng đầu Chính phủ ta lúc đó đã nói là sẵn sàng ưu tiên cho lực lượng an ninh, nếu cần thiết thì sẽ chi cả kinh phí đặc biệt của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để đảm bảo cho kế hoạch đánh địch thắng lợi.

Tất cả các bộ phận được phân công đều triển khai nhiệm vụ một cách khẩn trương và Ban chỉ đạo phân công từng đồng chí chỉ huy kiểm tra và báo cáo kết quả chuẩn bị. Mọi việc cũng đã sẵn sàng để đón “C4, C5”.--PageBreak--

Vào ngày 23/5/1982, CM-12 có nhận được một bức điện của Trung tâm địch cho biết: “C4 đến trước với 10 cán bộ thành... C5 vào sau 2 ngày với phân bố như đã hứa. Mọi tổ chức để gặp nhau với tất cả các tổ và giới chức. Phải cẩn thận ai cũng có thể bị Cộng sản theo dõi”.

Việc C4 và C5 không cùng vào là tình huống nằm ngoài dự kiến của ta, vì vậy ta kiên quyết không để chúng thực hiện ý định này. Lấy lý do “rất khó bố trí tiếp đón và bảo đảm an ninh di chuyển đến nơi làm việc”, ta yêu cầu cả Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cùng vào một lúc và nhắc lại đề nghị phải vào trước 21 giờ. Đề nghị này được đáp ứng. Ngày 25-5-1982, trung tâm thông báo cho Tổ đặc biệt “C4 và C5 sẽ tới tối 1/6 như trù liệu, sẽ có 600 gói hàng và 10 cán bộ thành”. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như mong muốn của ta và cả Lê Quốc Túy. Tàu của Mai Văn Hạnh đi nước khác về trễ hơn dự kiến, Túy liên tục hẹn vào tối 2 rồi 3/6 và cuối cùng ấn định chắc chắn là tối 4/6/1982 sẽ vào. Ngày 3/6, Túy sang tàu B2 cùng với Mai Văn Hạnh xâm nhập Việt Nam. Một toán gián điệp biệt kích gồm 11 tên (chứ không phải 10 tên như chúng thông báo) do T.N.M (K18) làm toán trưởng cùng vào trong chuyến này.

Sáng 4/6, anh em trong Tổ đặc biệt đi từ “nhà thiếc” – nơi đặt “sở chỉ huy tiền phương” của ta  ra huyện Trần Văn Thời. Chiều thì đến nơi và ra chốt chỉ huy. Trời tối dần. Biển tím ngắt. Gió thổi mát rười rượi. Thời gian nặng nề nhích từng phút một. Đúng 21 giờ 30 phút, từ trong màn đêm, đèn tàu địch xuất hiện và nháy sáng theo quy định. Khi tàu ta cập được vào tàu địch, Trần Văn Bá ra đón. Bọn gián điệp biệt kích nằm im và chĩa súng vào tàu của ta đề phòng bất trắc. Trần Văn Bá lên tiếng chào anh Hai (Tám Thậm) và K64 sau đó dẫn tới chỗ Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh để giới thiệu “anh Hai” với “Chủ tịch”. Lê Quốc Túy thông báo sơ bộ về “thuốc nổ đặc biệt” (tiền giả), vũ khí và toán của K18 trong chuyến này. Đồng chí Tám Thậm “báo cáo” cho “Chủ tịch” và “Chú Năm” biết về lịch trình đi vào việc tiếp nhận “hàng” và toán của K18. Túy và Hạnh chăm chú lắng nghe, vẻ hài lòng. Cả hai đều bận đồ bà ba màu đen như nhiều ông già Nam Bộ. Sau đó, Túy và Hạnh được anh Tám Thậm và K64 đưa vào nội địa theo kế hoạch.

Đưa Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh đi xong thì ta cũng “nhận” quân của toán T.N.M (K18). Cả toán gồm 11 tên được đưa vào hầm chiếc tàu và một chiếc ghe rồi đi thẳng vào cửa sông ông Đốc, sau đó đến địa điểm đã bố trí sẵn. Trong khi đó, đồng chí Mười Lắm cùng lực lượng thủy thủ của ta đi trên ghe nhận “hàng”. Đồng chí Thi Văn Tám chỉ huy việc đưa “hàng” về địa điểm tập kết tại cầu Sập, cách thị xã Bạc Liêu vài kilômét, bàn giao cho đồng chí Ba Bút nhận. Tiền giả địch mang vào rất giống tiền thật. Trong chuyến này, địch còn đưa vào 637 thùng thuốc nổ cực mạnh, ta cũng thu giữ an toàn.

Ngày hôm sau, đồng chí Phạm Hùng chỉ thị là bằng mọi biện pháp, bằng mọi cách đối phó, giữ ngay số tiền giả. Nếu đã đưa cho bọn chúng chở về thành phố thì phải tổ chức xét và lấy lại cho bằng được tất cả và giữ cả người.

* * *

Trong thời gian Túy và Hạnh ở “quốc nội”, ta cho A.Đ từ TP HCM xuống Minh Hải gặp lại người tình cũ. Đó là một phụ nữ trạc ngoài 40, còn chút nhan sắc. Thị chỉ mang theo một giỏ sầu riêng. Túy và cô bồ cảm động, mừng rỡ, ôm nhau một cách tự nhiên. A.Đ nói: "Được báo là em đi, chứ dọc đường không chắc là gặp anh ở đây. Không ngờ lại gặp anh ở Cà Mau". Lê Quốc Túy hể hả: "Thấy không? Anh nói là anh làm mà. Anh làm là thành công. Hôm nay gặp đây là bước đầu của sự thắng lợi đó em". Cả hai ngồi tâm sự trên chiếc giường nhỏ rất thân tình.

Còn Mai Văn Hạnh lặng thinh, có ý chờ đợi người tình của mình. Nhưng C.T không tới. A.Đ đưa cho Năm Hạnh bức thư của C.T. Hạnh lấy kính ra và đọc rất kỹ bức thư. Sau đó y đi ra ngoài và không nói gì.

Các ngày sau đó, ta bố cho Túy, Hạnh gặp lại Huỳnh Vĩnh Sanh, Lê Quốc Quân và một số cơ sở của ta theo kế hoạch. Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh trực tiếp nghe và có vẻ hài lòng với báo cáo của các tổ. Túy khen việc các tổ làm được là những "thắng lợi" bước đầu, sắp tới sẽ giải quyết yêu cầu cho các tổ. Túy nói việc cấp tiền và vũ khí sẽ do “Tổ đặc biệt” giải quyết. Sau đó Lê Quốc Túy khoe là đã đi vận động nhiều nước, kể cả CIA. Nào là “Mặt trận” bây giờ “tiếng tăm lừng lẫy”. Túy chê lực lượng của Hoàng Cơ Minh “không là cái gì” và nói khoác nếu Hoàng Cơ Minh muốn về nước thì Túy cho quá giang về. Lê Quốc Túy hứa cấp cho Lê Quốc Quân 500.000 đồng. Quân mừng lắm. Việc này Túy “chỉ thị” cho “Tổ đặc biệt” thực hiện.

Ta buộc phải đưa 500.000 tiền giả cho Lê Quốc Quân. Tuy nhiên, ta cũng đã có kế hoạch phá án TQ-42. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng, lấy lý do Quân mang tiền giả ta bắt y trên đường về. Mười ngày sau đó, CM-12 điện thông báo cho Lê Quốc Túy biết là Quân đã bị bắt vì “xài tiền giả”.

Đến chiều 11/6, tàu của ta đưa Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh trở ra vàm Mỹ Bình. Trong khi đó, một con tàu đánh cá đi qua chiếc tàu chở Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh. Tất nhiên là Túy và Hạnh không biết trên tàu đó có những ai. Được sự đồng ý của đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm, các đồng chí Trưởng ty Công an các tỉnh từ Vũng Tàu  đến Minh Hải để chứng kiến việc ta tổ chức cho Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh xâm nhập theo kế hoạch, đồng thời đây cũng là dịp để các đồng chí chỉ huy công an ven biển tham quan chiến trường, có thể rút kinh nghiệm cho việc đấu tranh chống xâm nhập. Các đồng chí Sáu Ngọc (Giám đốc Công an TP HCM), Chín Nghĩa (Tây Ninh), Tư Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu), Ba Trắng (Cửu Long), Mười Việt (An Giang), Ba Thành (Bình Dương), Tư Chiểu (Long An), Sáu Huấn (Tiền Giang), Võ Thái Hòa (Đồng Tháp), Hai Hồng (Kiên Giang) đã tham gia chuyến đi này.

Trời tối dần. Vào khoảng 19 giờ, bóng đêm buông xuống. Lúc đó, 2 tàu địch từ nước ngoài vào cũng vừa tới. Chuyến này địch cho xâm nhập một toán quân nữa gồm 12 tên do Đ.Q.B chỉ huy và đưa thêm 9 tấn vũ khí, gồm 450 thùng đạn B40 vào. Ta tiếp nhận và tổ chức bắt giữ chúng theo kế hoạch được chuẩn bị từ trước một cách chủ động. Còn Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh thoả mãn lên tàu trở lại Thái Lan sau một chuyến xâm nhập “thành công”.

Đêm tối mênh mông nhưng yên tĩnh.

(Còn nữa)

Nguyễn Khắc Đức
.
.