Bệnh viện 30-4 sẵn sàng chống dịch bệnh COVID-19

Thứ Năm, 27/02/2020, 09:10
Những ngày vừa qua, y bác sĩ Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) trên đường Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 5, TP Hồ Chí Minh luôn tất bật với công việc. Ngoài khám chữa bệnh cho bệnh nhân thì các y bác sỹ bận rộn trong công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) gây ra.


Ngay ở cổng bệnh viện, từ các nhân viên bảo vệ, người trông giữ xe máy, nhân viên làm vệ sinh đến các y bác sĩ đều đeo khẩu trang y tế cẩn thận. Trước khoa khám bệnh là bộ phận sàng lọc bệnh. Bất cứ người nào đến khám bệnh đều được các y bác sĩ đo thân nhiệt, hướng dẫn đeo khẩu trang y tế, rửa tay sát khuẩn ngay tại bàn.

Thân nhiệt bình thường thì được hướng dẫn vào khu vực lấy số thứ tự chờ khám bệnh. Còn nếu phát hiện ai có thân nhiệt cao 37,5 độ C sẽ được đưa ngay vào phòng khám sàng lọc, di chuyển tiếp sang phòng lấy mẫu bệnh phẩm để gửi mẫu xét nghiệm sang Viện Pasteur, tiếp tục đưa sang phòng bên cạnh để chụp X-quang. Bệnh nhân được xác định nghi nhiễm bệnh sẽ được đưa theo một con đường riêng lên Khoa Nhiễm là khu cách ly để điều trị bằng thang máy dành riêng, có biển báo chỉ dẫn rõ ràng dễ nhận biết.

Người đến khám bệnh đều được đo nhiệt độ.

Đại tá - Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện 30-4 cho biết, ngay khi Bộ Y tế có văn bản thông báo về dịch bệnh, lãnh đạo Bộ Công an đã trực tiếp đến chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh. Bệnh viện nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện và thành lập ban chỉ đạo; cử bác sĩ dự tập huấn do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức, sau đó về triển khai lại cho y bác sĩ, công nhân viên của bệnh viện.

Bệnh viện đã tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho đại diện lãnh đạo các bệnh viện, bệnh xá, cán bộ y tế phụ trách phòng chống dịch và lái xe thuộc Công an các tỉnh, thành phía Nam; các đơn vị y tế của Bộ Tư lệnh, Cục, Trường, Trại giam, Trại tạm giam, cơ sở giáo dưỡng; lãnh đạo phòng Hậu cần, các nhà khách, nhà công vụ, nhà điều dưỡng, nhà nghỉ dưỡng của Bộ Công an phía Nam. "Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng để trao đổi thông tin với công an các đơn vị, địa phương trong phòng chống dịch bệnh Covid-19", bác sĩ Khôi nói.

Bệnh viện cũng đã thành lập Đội cơ động thường trực phòng chống dịch Covid-19 do Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Văn Dũng, Phó Giám đốc bệnh viện trực tiếp chỉ đạo. Đồng thời, thành lập ê kíp điều trị và chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Corona, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân hoặc nghi ngờ nhiễm virus Corona theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Khi điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Corona, ê kíp nhân viên y tế trên không tham gia điều trị, chăm sóc người bệnh khác, nhằm phòng ngừa lây nhiễm.

Toàn bộ các khoa, phòng đều tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tăng cường khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ, máy móc, vật tư y tế; Khoa Dược phối hợp với khoa Truyền nhiễm, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chuẩn bị phương tiện, vật tư, thiết bị, thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; Khòng Hậu cần quản trị và khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn làm biển cảnh báo tại khu vực cách ly, hạn chế tối đa người ra vào khu vực cách ly, theo dõi báo cáo tình hình bệnh nhân nghi ngờ nhiễm hàng ngày cho ban chỉ đạo của bệnh viện.

Bộ phận xét nghiệm cũng được chỉ đạo làm nhiệm vụ sẵn sàng lấy mẫu bệnh phẩm, vận chuyển mẫu đến Viện Pasteur và điều trị bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Phòng Hậu cần quản trị đã bố trí lái xe trực sẵn sàng vận chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh ngay khi cần thiết.

Các công tác phòng chống dịch, sàn nhà và các phòng bệnh đều được khử khuẩn bằng hóa chất theo quy định. Bệnh viện cũng phân công từng bác sĩ đều phải có nhiệm vụ hướng dẫn tất cả bệnh nhân và người thân vệ sinh tay và đeo khẩu trang y tế, che miệng khi ho, hắt hơi, thông khí buồng bệnh được làm hàng ngày; phát các poster, tờ rơi về các dấu hiện nhận biết sớm bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Khôi cho biết, do đã có nhiều kinh nghiệm trong các đợt phòng chống dịch SARS, dịch cúm H1N1, H5N1… nên toàn thể y bác sĩ của bệnh viện luôn bình tĩnh, chuẩn bị chuyên môn thật kỹ, trang thiết bị tốt nhất, xử trí khi tiếp nhận bệnh nhân, tuân thủ tối đa qui trình hướng dẫn của Bộ Y tế để công tác điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. Đó là đặt ý thức cao nhất trong tiếp nhận, thu dung, điều trị với bệnh nhân nghi nhiễm virus Corona.

Khu vực sàng lọc bệnh (sử dụng phòng khám chuyên khoa gan cũ) đã hoàn tất và sẵn sàng vào nhiệm vụ làm nơi tiếp nhận người bệnh có triệu chứng lâm sàng: sốt, ho và khó thở kèm yếu tố dịch tễ. Tại các bộ phận khám sàng lọc viêm phổi cấp do virus Corona, phòng lấy bệnh phẩm, phòng chụp X-quang… các bác sĩ đang trực chiến sẵng sàng nhận bệnh nhân.

Khu vực cách ly tại Khoa Nhiễm có bố trí biển báo "Khu vực có nguy cơ cao" và "Khu vực cách ly bệnh nhân dương tính", những y bác sĩ được giao nhiệm vụ mới được vào khu vực này. Bệnh viện bố trí phòng số 8 là phòng đệm, tuân thủ, áp dụng cách ly phòng ngừa theo cả 3 đường lây; phòng A10 là phòng bệnh nhân nặng với đầy đủ thiết bị cần thiết như: máy thở, máy monitore, X-quang di động,… Đặc biệt lưu ý phòng ngừa cách ly bệnh nhân lây truyền qua đường tiếp xúc và giọt bắn, bảo đảm thông luồng khí buồng bệnh tối thiểu 3 lần/ngày.

Khu vực cách ly để điều trị khi có bệnh nhân nhiễm virus Corona.

Đại tá - Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Bệnh viện 30-4 cho biết, khu vực Khoa Nhiễm được cách ly toàn bộ. Nếu xác định có trường hợp nhiễm virus Corona sẽ cách ly và mỗi bác sĩ trực tiếp điều trị được trang bị đồ bảo hộ đúng quy định, các trường hợp nghi nhiễm sẽ được báo cáo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh để được hỗ trợ. Nếu người bệnh có sốt, ho, có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với nguồn lây nghi ngờ nhiễm virus Corona, họ sẽ nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới theo đường riêng trong bệnh viện; đồng thời thực hiện cách ly và trang bị đồ bảo hộ đầy đủ cho nhân viên y tế khi vận chuyển người bệnh, khử khuẩn phòng khám, xe cứu thương sau khi vận chuyển người bệnh. Trường hợp người bệnh có sốt, không có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với nguồn lây nghi ngờ nhiễm virus Corona, họ được chuyển đến Khoa Nhiễm để theo dõi và điều trị.

Khoa Nhiễm được bố trí 3 phòng cách ly cho bệnh nhân nặng và những bệnh nhân diện theo dõi, mỗi phòng có 12 giường. Bác sĩ Nguyệt cho biết, trong trường hợp khi khu vực cách ly bị quá tải, sẽ đưa bệnh nhân vào khu phía trong với số lượng giường bệnh kế hoạch đã sẵn sàng là 35 giường. Nếu trường hợp đông bệnh nhân hơn sẽ tận dụng hết các phòng của Khoa Lao Phổi - Hô hấp, nâng tổng số lên 70 giường phục vụ. Khi ấy, toàn bộ khu này sẽ biến thành "bệnh viện dã chiến".

Theo chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ chống dịch bệnh Covid-19, Bệnh viện 30-4 đã thực hiện đồng loạt và khẩn trương nhiều việc. Ở vị trí trực chiến nên tất nhiên cũng có tâm lý căng thẳng một chút, nhưng các y bác sĩ của Bệnh viện 30-4 luôn bình tĩnh, không chủ quan, không hoang mang, làm đâu chắc đó, như bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt tự đánh giá.

Bệnh viện 30-4 còn cử các bác sĩ đến các trường đại học, cao đẳng trong Công an nhân dân khu vực phía Nam để hướng dẫn nhà trường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Bệnh viện yêu cầu các trường tổ chức kiểm tra thân nhiệt tất cả cán bộ quản lý, thầy cô giáo, học viên ngay từ cổng trường; hướng dẫn nhà trường cách xử lý, cách ly, theo dõi những trường hợp nghi ngờ liên quan đến virus Corona nếu có…

Lãnh đạo Bộ Công an và Cục Y tế của Bộ đã biểu dương, đánh giá cao những kết quả Bệnh viện 30-4 đạt được. Ngày 10-2, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy, Cục trưởng Cục Y tế, Về xét nghiệm, Cục Y tế, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Công an đã giao Bệnh viện 30-4 chịu trách nhiệm phòng chống dịch, khám chữa bệnh và truyền thông cho nhân dân và cán bộ chiến sĩ công an phía Nam nâng cao kiến thức phòng chống dịch bệnh.

Nguyễn Cảnh
.
.