Bảo vệ Bác Hồ thăm nhân dân Hà Nội tối 30 tết Bính Tuất (1946)

Thứ Bảy, 28/01/2006, 15:49

Cứ mỗi khi đường phố Hà Nội tràn ngập hoa đào và quất, báo hiệu mùa xuân đến, tôi lại bồi hồi nhớ lại kỷ niệm sâu sắc nhất của đời mình. Đó là ngày tết Độc lập đầu tiên của dân tộc, tôi vinh dự được bảo vệ Bác Hồ đi chúc tết một số gia đình ở Hà Nội và đón giao thừa ở Hồ Gươm cách đây vừa tròn sáu thập niên.

Những ngày đầu cách mạng, Nhà nước Dân chủ nhân dân mới ra đời đã phải đương đầu với những thử thách cực kỳ gay go và quyết liệt. Trước tình hình đó, công tác bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp muôn vàn khó khăn. Trung ương Đảng quyết định bổ sung người hiểu biết tình hình và địa bàn Thủ đô vào tổ cận vệ bảo vệ Người.

Tháng 10/1945, tôi và đồng chí Võ Chương được đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội, giới thiệu với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, UVTW Đảng, để bổ sung vào tổ cận vệ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là một chiến sĩ trẻ, nay được trực tiếp bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, tôi rất phấn khởi, tự hào và tự nhủ phải phấn đấu hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Công việc đầu tiên của tôi là cùng các đồng chí trong đơn vị triển khai bảo vệ Người trong dịp tết Nguyên đán năm Bính Tuất (1946). Đây là tết Độc lập đầu tiên sau hơn 80 năm nô lệ, nên đồng bào cả nước rất vui mừng phấn khởi. Ở Thủ đô Hà Nội, nhân dân tổ chức tết, mừng cách mạng thành công, nên đường phố nhộn nhịp, đông đúc khác thường. Chiều 30 tết, Bác ở Bắc Bộ phủ về số 8 phố Vua Lê (nơi ở của Bác Hồ những ngày đầu cách mạng, nay là phố Lê Thái Tổ) sớm hơn mọi ngày. Người cho gọi tổ giúp việc đến và dặn: “Tối nay, các chú đưa Bác đi chúc tết một số gia đình và đi xem bà con Hà Nội chơi giao thừa, nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật đấy!”. Nghe Bác chỉ thị, chúng tôi đều sửng sốt. Lúc này, tình hình vận nước đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Thù trong, giặc ngoài câu kết với nhau, hòng tiêu diệt Nhà nước Cộng hòa non trẻ. Các tổ chức phản động đang ngày đêm rình rập tìm mọi cách ám hại Bác. Do vậy, bảo vệ Bác đi chúc tết nhân dân và đón giao thừa ngoài phố là một việc vô cùng hệ trọng.

Bác Hồ tiếp bà con xã Nhật Tân, Hà Nội, Tết Đinh Dậu, năm 1957.
Trước yêu cầu của Người và tình hình an ninh, trật tự của Thủ đô, một kế hoạch bảo vệ Bác được chúng tôi xây dựng rất chu đáo và sát hợp, với phương châm bí mật, bất ngờ, đến đâu không báo trước vừa để Bác trực  tiếp thấy được sự thật vừa không để kẻ địch có thể phát hiện. Lực lượng trinh sát do Sở Liêm phóng Bắc Bộ chỉ đạo được triển khai hết sức chặt chẽ tại các vị trí cần canh gác, bảo vệ.

Tối 30 tết, theo kế hoạch đề ra, tôi và anh Nguyễn Văn Lý (tức đồng chí Hoàng Hữu Kháng, sau này là Cục trưởng Cục Cảnh vệ); anh Vũ Long Chuẩn (tức đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác) và mấy đồng chí nữa trực tiếp bảo vệ Bác đi chúc tết một số gia đình nghèo ở Hà Nội. Hơn 7 giờ tối, chiếc xe ôtô đã cũ do anh Hà Ngọc Nguyên lái như bao chiếc xe ôtô khác ở Hà Nội lúc bấy giờ đưa Bác rời nhà số 8 phố Vua Lê, hòa vào dòng xe đông đúc của phố xá Thủ đô đêm giao thừa.

Hôm ấy chúng tôi đưa Bác đến thăm và chúc tết một gia đình ở ngõ Hàng Đũa thuộc phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến); một gia đình ở phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn); một gia đình ở phố Hàng Vải và thăm cố vấn Vĩnh Thụy. Nhiều người tại các gia đình được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc tết đều rất ngạc nhiên và vui mừng đến rơi nước mắt. Và tối 30 tết Độc lập đầu tiên ấy, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã tận mắt nhìn thấy cảnh tết của gia đình người đạp xích lô, của những người gánh nước thuê... Khi về, ngồi trên xe, Bác nói: “Không hiểu còn bao nhiêu gia đình tối 30 tết mà không có tết như gia đình người đạp xích lô ấy?”.

Sau khi đến thăm và chúc tết một số gia đình ở Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nhà số 8, phố Vua Lê để hóa trang đi đón giao thừa. Quần áo và đồ dùng hóa trang do đồng chí Nguyễn Lương Bằng chuẩn bị, mang đến  từ sớm theo yêu cầu của Người. Hôm ấy Bác hóa trang thành một cụ già. Người đội chiếc khăn xếp màu đen, mặc áo the, cổ quàng khăn len quấn mấy vòng che kín bộ râu. Bác hóa trang rất khéo. Bác và đồng chí Vũ Long Chuẩn đóng giả thành hai bố con người Hà Nội đi chơi tết. Sắp đến giờ giao thừa, chúng tôi bí mật đưa Bác tản bộ đến ngắm cảnh Hồ Gươm. Hồ Gươm trong ngày tết Độc lập đầu tiên được trang hoàng lộng lẫy. Đèn màu được kết thành hoa và cờ Tổ quốc sáng rực xung quanh hồ. Người đi đón giao thừa và hái lộc nườm nượp. Qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn, mặc dù chúng tôi rất lo lắng nhưng không ai nhận ra Bác.

Qua ánh mắt và cử chỉ của Bác, chúng tôi thấy Người rất vui trước quang cảnh ngày hội. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đặt chân về Thủ đô, Bác đi lẫn trong dòng người Hà thành nô nức đi hái lộc xuân tại nơi thiêng liêng của dân tộc. Bác dừng lại rất lâu trước những tấm bia, những câu đối, rồi ra trấn Ba Đình ngắm mặt nước Hồ Gươm lăn tăn ánh điện. Lát sau, chúng tôi đưa Bác đi bách bộ quanh hồ một lát. Trên đường đi, Bác nói: “Mình bây giờ mới biết đồng bào Hà Nội đón giao thừa như thế nào, hái lộc ra sao. Vui quá!”

Giờ đây, mỗi lần đến cầu Thê Húc, tôi lại hình dung thấy Bác trong lần đón giao thừa tết Độc lập đầu tiên của đất nước. Tôi bồi hồi xúc động nhớ về Người, một lãnh tụ vĩ đại nhưng gần gũi, thân thương với mọi người

Nguyễn Đức Quý (ghi theo lời kể của ông Tạ Quang Chiến, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT)
.
.