Ban An ninh Khu V: Nơi lưu giữ những kỷ vật đi cùng năm tháng

Thứ Năm, 28/04/2016, 08:41
Ban An ninh khu V được thành lập tại Nước Oa, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ khu V, hàng ngàn cán bộ chiến sĩ Công an khu V đã chiến đấu anh dũng lập nên nhiều chiến công. Những trang sử hào hùng của Ban An ninh khu V, những kỷ vật của đồng chí đồng đội để lại hôm nay thực sự là những bài học sống động cho nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an thấm đượm để đem hết sức mình phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân.


Có những "Cuộc chia ly màu đỏ"

Chúng tôi về thăm lại Nước Oa, nơi nhà thơ Nguyễn Mỹ có bài thơ nổi tiếng "Cuộc chia ly màu đỏ" đang yên nghỉ cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an đã ngã xuống trong chiến đấu vì đại nghĩa của dân tộc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, địa bàn Khu V trở thành chiến trường nóng bỏng, nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Đầu năm 1962, Thường vụ Khu uỷ Khu V đã chỉ thị thành lập Ban An ninh các cấp. Hàng ngàn "Cuộc chia ly màu đỏ" đã diễn ra khi các cán bộ, chiến sĩ Công an từ miền Bắc được chi viện vào chiến trường Khu V kết hợp với lực lượng tại chỗ để thành lập Ban An ninh Khu V.

Ban An ninh Khu V đã triển khai các mặt công tác; xây dựng nắm tình hình địch; diệt ác phá kèm; phá ấp chiến lược; tuyên truyền vận động quần chúng "bảo mật phòng gian" chống do thám, gián điệp, chống địch càn quét; tấn công vào hàng ngũ các đối tượng phản cách mạng, bóc gỡ nhiều mạng lưới tình báo gián điệp của địch ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum...

Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn và Thượng tướng Lê Thế Tiệm (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) và đoàn công tác của Bộ Công an đến thăm Bảo tàng Ban An ninh Khu V.

Lực lượng Công an Khu V đã bảo vệ Đảng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác vận động quần chúng nổi dậy tấn công chiếm lĩnh các mục tiêu, kịp thời truy kích địch, dốc sức cùng toàn dân giải phóng các tỉnh Nam Trung Bộ, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào năm 1975. Đất nước ca khúc khải hoàn, 76 chiến sĩ An ninh khu V đã không kịp về gặp mặt, các anh đã anh dũng hy sinh. Hàng trăm đồng chí đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường ác liệt. 104 đơn vị và 76 cá nhân của lực lượng An ninh Khu V đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thắp một nén nhang tri ân những chiến sĩ Công an đã ngã xuống trong nghĩa trang An ninh Khu V, chúng tôi đã thực sự xúc động khi đứng trước ngôi mộ của từng chiến sĩ, và mộ nhà thơ Nguyễn Mỹ với bài thơ: "Cuộc chia ly màu đỏ". Những câu thơ trong bài thơ ấy trường tồn cùng thời gian bởi vẻ đẹp chói ngời một tình yêu, một lý tưởng sống khi Tổ quốc cần ta biết sống hi sinh:

"Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly...
...Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào
"Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau…"
Mỗi kỷ vật một cuộc đời

Về lại Nước Oa, nhiều thế hệ tuổi trẻ Công an nhân dân hôm nay được gặp gỡ các bậc lão thành cách mạng An ninh Khu V với những kỷ vật khắc dấu quá khứ hào hùng của lực lượng Công an trong những năm đánh đuổi quân thù. Đây là chiếc ba lô của đồng chí Hà Lân-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hà Lân lên khu căn cứ Nước Oa hoạt động cách mạng từ những năm 1950, cùng ăn ở với đồng bào dân tộc, búi tóc, đóng khố như người dân tộc, học tiếng của người dân tộc K'Giong, Xê Đăng để đánh giặc. Hơn 30 năm, chiếc  ba lô từng theo Hà Lân đi khắp chiến trường Khu V vẫn được ông nâng niu thành vật bất li thân. Giờ đây, chiếc ba lô đời mình của đồng chí Hà Lân được trưng bày trang trọng ở bảo tàng Ban An ninh Khu V.

Những kỷ vật của cán bộ, chiến sĩ Công an Khu V trong những năm kháng chiến để giải phóng đất nước.

Vượt đèo Mang Giang qua thị trấn An Khê, Gia Lai nơi được gọi là đất "Tây Sơn thượng đạo", đồng chí Nguyễn Hùng Cường, nguyên cán bộ đội trinh sát an ninh vũ trang An Khê mang về kỷ vật là chiếc lưỡi liềm mà ông cất giữ hàng chục năm qua. Ngày ấy Đội An ninh vũ trang An Khê được trang bị vũ khí thô sơ, điều kiện hoạt động bí mật lại phải chống lại lực lượng hùng hậu của Mỹ, nguỵ trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Hùng Cường cùng một số chiến sĩ An ninh đã dùng lưỡi liềm này tiêu diệt hàng chục tên ác ôn nợ máu với nhân dân. Bao năm qua, ông giấu chiếc lưỡi liềm dưới gối ngủ mà con cháu vẫn không hề hay biết về chiến công của nó. Mỗi kỷ vật ở nhà truyền thống An ninh Khu V là một câu chuyện cảm động khắc ghi những tháng ngày chiến đấu gian khổ, vẻ vang của cán bộ, chiến sĩ Công an Khu V.

Đó là chiếc phù hiệu An ninh giải phóng của đồng chí Lê Văn Lan-nguyên Phó trưởng Ban An ninh tỉnh Bình Định đã sử dụng để phục vụ công tác tiếp quản năm 1975; Bức thư đầy cảm động của đồng chí Bùi Hoá-nguyên Trưởng Công an huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên gửi Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Yên trong thời gian đồng chí bị địch bắt giam 21 năm trời tại nhà tù Côn Đảo; Chiếc dao găm thô sơ của Yba Krơs-thành viên Ban An ninh tỉnh Đắk Lắk sử dụng trong công tác tiếp quản ở Buôn Ma Thuột năm 1975; Những bộ kim tiêm, băng y tế để phục vụ thương bệnh binh Công an Khu V...

Những kỷ vật có tên và không tên đã theo sát cuộc đời hoạt động cách mạng của các chiến sĩ Công an Khu V quả cảm. Rất nhiều kỷ vật ở nhà truyền thống đã phản ánh rõ nét nhất, chân thực nhất và xúc động nhất về sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân Khu V đối với các cán bộ, chiến sĩ Công an. Trong hoàn cảnh chiến tranh diễn ra ác liệt, kẻ địch luôn soi mói, rình rập, đời sống cực kỳ khó khăn, nhiều khi đói cơm, lạt muối phải ăn bắp, ăn mì, măng le, trái gấm...

Song người dân Khu V vẫn một lòng một dạ bao bọc những đứa con Công an Khu V. Không ít người đã đứng lặng ngắm nhìn chiếc ống tre đơn sơ của ông Nguyễn Nghiêu ở thôn 5, Hoà Vinh, Tuy Hoà, Phú Yên. Chiếc ống tre này đã được ông Nghiêu sử dụng để cất giấu tài liệu của An ninh tỉnh Phú Yên chuyển xuống căn cứ miền Đông; Chiếc cối giã gạo của mẹ VNAH Trần Thị Da, nhà mẹ Da là cơ sở cách mạng của Ban An ninh huyện Ninh Hoà, Khánh Hoà. Chiếc cối mẹ đã sử dụng để nuôi dấu cán bộ Công an qua suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Đó còn là tín phiếu 100 đồng mà nhân dân ủng hộ Công an Thừa Thiên Huế trong những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến năm 1968... Mỗi kỷ vật là một số phận, một cuộc đời gắn bó với hành trang người chiến sĩ Công an Khu V.

Thăm lại An ninh Khu V để thắp thêm ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an hôm nay. Lực lượng Công an các tỉnh Khu V đang đẩy mạnh các mặt công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh. Xứng đáng tiếp bước thế hệ cha anh đi trước "Vì nước quyên thân, vì dân phục vụ".

Dương Sông Lam
.
.