Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010)

Bác sống như trời đất của ta

Thứ Bảy, 29/05/2010, 15:48
Theo Duiker, Hồ Chí Minh rất ít quan tâm đến "tranh luận tri thức", thay vào đó Người "tập trung suy nghĩ và hành động của mình vào những vấn đề thực tiễn để giúp đất nước và các xã hội thuộc địa khác thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc phương Tây".

Mặc dù đọc truyện ngắn "Đôi mắt" của nhà văn Nam Cao đã lâu, song đến nay tôi vẫn không quên được câu nhận xét của nhân vật Hoàng về tài năng chèo lái con thuyền Cách mạng của Hồ Chủ tịch (mà nhân vật này gọi là "Ông Cụ"): "Tôi chưa nản có lẽ chỉ vì tôi tin vào Ông Cụ. Tôi cho rằng cuộc Cách mạng Tháng Tám cũng như cuộc kháng chiến hiện nay chỉ ăn vào người lãnh đạo cừ. Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia, mới xứng tài. Phải cứu một nước như nước mình kể cũng khổ cho Ông Cụ lắm".

Đành rằng, đó chỉ là câu nói bên bàn trà, và của một nhân vật có nhiều nét tính cách dị biệt, song nếu đối chiếu với những diễn biến trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch, nhất là vào thời điểm mà tình hình dân trí nước ta phải nói là vô cùng... thê thảm, ta không khỏi bùi ngùi nhận thấy trong nhận xét trên ẩn chứa một phần sự thật.

Nhà thơ Tố Hữu từng viết: "Vì sao? Trái đất nặng ân tình/ Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh/ Như một niềm tin, như dũng khí/ Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh". Làm cách mạng phải chấp nhận nhiều sự hy sinh. Trong đó, ngoài sự hy sinh về tính mệnh mà bất cứ ai chọn con đường này đều phải xác định trước, thì một trong những sự hy sinh mà theo tôi là lớn lao nhất, ấy là hy sinh những thú vui thường nhật, thậm chí là phải sống khác với phong độ thực có của mình.

Bác Hồ với cây vú sữa do đồng bào miền Nam gửi tặng.

Vì tương lai của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ít lần phải thu mình lại cho vừa với "kích cỡ" của tuyệt đại bộ phận dân chúng. Nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bài "Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc", in trong tập "Về văn hóa và văn học nghệ thuật", NXB Văn học, 2006): "Người hạ mình cho vừa tầm mọi người Việt Nam để nâng đỡ mọi người Việt Nam lên đến tầm Người. Đây, Hồ Chủ tịch đương đưa tay đỡ chúng ta, chúng ta hãy nâng mình lên!".

Nhiều người đã biết, sinh thời, Hồ Chủ tịch là người rất yêu văn chương nghệ thuật. Thời kỳ ở Pháp, Người từng quen thân với những danh tài của "kinh đô ánh sáng". Các văn sĩ cỡ như Henri Barbusse, họa sĩ cỡ như Pablo Picasso, nghệ sĩ biểu diễn cỡ Charles Chaplin (Vua hề Sác Lô) đều quý mến, nể trọng Người. Khi Người sang làm việc tại Moskva thì Osiv Maldenstam - một nhà thơ xuất sắc của xứ sở bạch dương - cũng phải viết lên báo nhận xét rằng: "Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai". Tuy nhiên, tất cả những điều ấy không ngăn trở việc Nguyễn Ái Quốc quyết tâm đi đến cùng trong sứ mệnh cao cả giải phóng đất nước mình, dân tộc mình, cho dù điều ấy có thể khiến Người không đủ sự tập trung để hoàn thành nên những tác phẩm văn chương thuần túy, những "tác phẩm để đời" như quan niệm của ai đó.

Một nhà nghiên cứu người Mỹ, Giáo sư William J.Duiker, trong cuốn "Hồ Chí Minh - một cuộc đời" (xuất bản tại Mỹ năm 2000), mặc dù còn có một số luận điểm cần phải bàn thêm, song trong quá trình tìm hiểu, thu thập tư liệu về Hồ Chí Minh, ông cũng đã đưa ra được những nhận xét xác đáng. Như khi ông kể rằng, không ít bậc thức giả phải lấy làm ngạc nhiên "khi thấy một người có sức thu hút cá nhân lớn" và "một nhân cách tinh tế" như Hồ Chí Minh lại có lối viết mộc mạc, dân dã đến thế. Và rồi ông đã giải mã được điểm "mấu chốt" này: "Không giống nhiều nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa Mác khác, Nguyễn Ái Quốc thấy độc giả của mình không chỉ bao gồm chủ yếu là trí thức mà còn có cả dân thường như công nhân, nông dân, bộ đội và nhân viên hành chính. Ông không mong muốn gây ấn tượng đối với độc giả bằng trí tuệ uyên bác của mình mà ông cố gắng thuyết phục họ bằng cách viết đơn giản và sinh động để chia sẻ thế giới quan và quan điểm của ông về phương cách tạo nên thay đổi".

Cũng theo Duiker, Hồ Chí Minh rất ít quan tâm đến "tranh luận tri thức", thay vào đó Người "tập trung suy nghĩ và hành động của mình vào những vấn đề thực tiễn để giúp đất nước và các xã hội thuộc địa khác thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc phương Tây". Và Duiker lấy làm tiếc vì "cuộc đời Hồ Chí Minh là một tài năng kỳ lạ về nghệ thuật lãnh đạo mà đáng lẽ ra phải được sử dụng để hoàn thiện hệ tư tưởng chưa hoàn hảo và trên thực tế, hệ tư tưởng đó bị chi phối bởi những người trước đây đã chân thành theo đuổi trên thế giới...".

Chúng tôi hiểu thiện ý của Giáo sư Duiker khi đưa ra nhận xét này, song cũng xin có ý kiến lại: Suốt đời mình, như chính Hồ Chí Minh từng tâm sự, Người chỉ có "một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", và ý nguyện ấy của Người đã từng bước trở thành hiện thực. Đó là điều quan trọng nhất. Còn các danh hiệu khác? Nhà thơ Tố Hữu từng viết: "Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già". Một người luôn ý thức về ý nghĩa cuộc sống như vậy, thì có đâu lại phải "tiếc" một điều như Giáo sư Duiker đặt ra?

Nguyễn Trường Văn
.
.