Anh hùng đất Cố đô kể chuyện "bén duyên" với nghề an ninh

Thứ Ba, 23/09/2014, 08:00
Chúng tôi đến thăm Anh hùng Trần Phong vào một chiều cuối thu nắng vàng rực rỡ. Bên trong căn nhà khang trang (số 56 Nguyễn Khuyến, TP Huế), Anh hùng Trần Phong nhẹ nhàng pha trà mời khách. Dù đã ở tuổi 85, song với trí tuệ minh mẫn, phong thái điềm đạm, ông khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Thảo nào, khi nhắc đến những cán bộ an ninh nổi tiếng của đất Cố đô Huế này, trong trí nhớ của các cán bộ cách mạng lão thành vẫn in đậm dấu ấn về ông…

Nhấp ngụm trà đắng, Anh hùng Trần Phong hồi tưởng về một quãng đời binh nghiệp. Ông sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng ở làng Lam Trung, xã Phú Thạnh, nay là thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tên "thôi nôi" cha mẹ đặt cho ông là Trần Đình Lưỡng. "Hồi đó, gia đình tui nghèo khó, nhưng trước cảnh nước mất, nhà tan, anh chị em tui đều thoát ly tham gia cách mạng. Cả nhà có 7 anh chị em thì cả 7 người đều cầm súng đi kháng chiến. Năm tui chưa tròn tuổi 17, cũng hăng hái tham gia vào lực lượng Quyết tử quân. Sau đợt học huấn luyện, tui được cấp trên cử làm Trung đội trưởng của Đại đội 323 bộ đội địa phương và tham gia đánh các đồn Lại Ân, An Truyền, Sư Lỗ...".

Đến tháng 7/1954, Hiệp định Giơnevơ ký kết, đất nước tạm thời chia 2 miền Nam - Bắc, lấy sông Bến Hải làm ranh giới. Cũng như bao cán bộ, chiến sĩ cách mạng lúc bấy giờ, chàng trai Trần Phong nhận được lệnh lên đường tập kết ra Bắc để học tập. "Thế nhưng, khi đi đến Châu Xá, tỉnh Quảng Bình thì tui lại nhận được quyết định không đi tiếp nữa mà được phân công làm thành viên của Ban đình chiến khu phi quân sự Bình Trị Thiên ở phía Bắc cầu Hiền Lương. Từ đó, tui thường xuyên hóa trang bằng cách không mang vũ khí, mặc bộ áo quần bà ba như những người nông dân địa phương, để cùng anh em lên Ba Lòng, về vùng Trấm, rồi ra Cửa Việt (Quảng Trị) nắm các cơ sở cách mạng, để báo lên cấp trên" - Ông Phong bồi hồi nhớ lại.

Năm 1956, cán bộ trinh sát Trần Phong được điều về Lực lượng Công an vũ trang Vĩnh Linh, phụ trách đồn Công an Hiền Lương, rồi làm chính trị phó, kiêm Trưởng đồn Công an Cửa Tùng. Nhiệm vụ quan trọng của Lực lượng Công an Vĩnh Linh lúc bấy giờ là nắm bắt mọi tình hình, kế hoạch của địch ở bờ Nam, xây dựng mạng lưới tình báo, cơ sở cách mạng trong vùng địch chiếm. Vượt qua mưa bom, bão đạn và tai mắt của kẻ thù, các cán bộ chiến sĩ Công an Vĩnh Linh len lỏi sâu vào bên trong lòng địch, cài cắm được những chức vụ, vị trị quan trọng trong quân đội của chúng. Trong đó, nhờ việc đấu tranh bằng tình cảm, chính trị và công lý mà một số cảnh sát ngụy đã sẵn sàng hợp tác cung cấp các đầu mối thông tin quan trọng của địch cho ta.

Chỉnh lại chiếc gọng kính trên khuôn mặt bị khuyết mất mắt phải, là hậu quả của thời bom đạn chiến tranh ác liệt để lại, nở nụ cười hiền hậu, Anh hùng Trần Phong kể: "Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất ở đồn Công an Cửa Tùng, đó là vào một ngày cuối tháng 7/1960, có 2 cảnh sát ở bờ Nam sang bờ Bắc đổi gác, trong đó có tay đồn phó Cát Sơn (cứ mỗi tuần 2 bên đổi gác 1 lần - NV) thì chẳng may chân vịt của ca nô bị gãy do va phải đá ngầm. Dòng nước chảy xiết cuốn chìm ca nô. Trước tình thế nguy cấp như vậy, nhưng nhiều cảnh sát ở bờ Nam chỉ biết đứng nhìn chứ không dám ra cứu. Trong khi đó ở bờ Bắc có 2 chiếc thuyền của đơn vị Công an Cửa Tùng và một chiếc của ngư dân, mọi người lập tức bơi thuyền ra cứu 2 anh cảnh sát nọ, đưa họ lên bờ. Sau khi hồi sức, 2 cảnh sát rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào nói lời cảm ơn những ân nhân đã cứu mạng họ. Vì họ không ngờ lực lượng Công an Cửa Tùng và người dân ở bờ Bắc vẫn xem họ như chính anh em ruột rà máu mủ của mình".

Còn ở bờ Nam Bến Hải, trước sự khủng bố, tàn sát man rợ của kẻ thù, có lúc phong trào cách mạng tưởng chừng không thể tồn tại được, song mỗi cán bộ Công an gắn bó và sống chết với dân, được dân giúp đỡ đã vượt qua được những thử thách nghiêm trọng, bảo vệ cơ sở, phát triển lực lượng ngày càng vững mạnh. Anh hùng Trần Phong chậm rãi nói: "Năm 1962, giặc điên cuồng đánh phá miền Nam và chuẩn bị lực lượng công kích ra miền Bắc, lực lượng Công an khu Vĩnh Linh nhận nhiệm vụ mới, mở rộng phạm vi hoạt động rộng khắp ở chiến trường miền Trung. Bộ Trưởng Công an Trần Quốc Hoàn lúc đó chỉ đạo Công an liên khu IV, Ty Công an Quảng Trị và Công an khu Vĩnh Linh thành lập tổ trinh sát phản gián đặc biệt, hoạt động nắm tình hình và cài cắm đối tượng hoạt động cho cách mạng ở bờ Nam Bến Hải. Tui lúc đó làm trợ lý đội, đã cùng với anh em xây dựng được các đầu mối thông tin phản gián đặc biệt quan trọng, trong đó có người là Trung đội trưởng nghĩa quân, ủy viên cảnh sát ngụy quận Trung Lương. Nhờ đó mà sau này ta nắm bắt được toàn bộ kế hoạch ném bom, càn quét của địch ở khu vực bờ Nam và Bắc sông Bến Hải…".

Năm 1965, Bộ Công an chỉ đạo Công an liên khu IV, Ty Công an Quảng Trị và Công an khu Vĩnh Linh thành lập tổ công tác đặc biệt với nhiệm vụ xây dựng mạng lưới phản gián và cơ sở trong lòng địch từ Quảng Trị đến Trị Thiên, nhằm chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Tại đây, hai tổ trinh sát 3 và 19 của Công an khu Vĩnh Linh sát nhập thành đội 319, gồm 120 cán bộ chiến sĩ. Tháng 6 năm 1966, ông Trần Phong đã cùng đồng đội vào chiến trường Trị Thiên - Huế để cùng với Công an địa phương nhận nhiệm vụ đặc biệt. Sau khi trở về Huế, ông được cử làm Tiểu đoàn phó trinh sát vũ trang thành Huế và đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh nổi tiếng ở khách sạn Hương Giang, Vỹ Dạ và chiến dịch Mậu Thân 1968. Ngược xuôi hoạt động trong lòng địch, từ năm 1971 đến 1973, ông được phân công làm Phó ban rồi Trưởng ban An ninh Thành phố Huế. Trong chiến dịch giải phóng Huế mùa Xuân năm 1975, đơn vị của ông đã anh dũng đột nhập chiếm lĩnh Ty cảnh sát Thừa Thiên; Trung tâm cảnh sát sắc phục; Trung tâm thẩm vấn của cảnh sát ngụy cho đến ngày lá cờ giải phóng được cắm trên đỉnh Phu Văn Lâu...Với những chiến công xuất sắc trong suốt quá trình tham gia cách mạng, tháng 6/1976, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất và danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Anh hùng Trần Phong luôn nhắc đến 2 chữ "Nhân Dân" như để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những người dân quê chân chất đã cưu mang ông và đồng đội trong những năm tháng tham gia cách mạng, đánh giặc cứu nước. Hồi tưởng về quá khứ, giọng ông nghèn nghẹn: "Gia đình tui có tổng cộng 10 liệt sĩ, 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Thế nhưng, nếu không có nhân dân thì chắc chắn tui không thể làm được nhiều việc có ích cho cách mạng như thế! Chính nhân dân đã đào hầm bí mật cho tui trú ẩn, che giấu tui  giữa lòng địch. Đã có nhiều người bị giặc tra tấn dã man, song vẫn không khai nơi che giấu tui và anh em đồng đội. Họ đã bị giặc bắn chết vì "tội" che giấu, nuôi cán bộ cách mạng nằm vùng…". Đôi mắt già nua vì tuổi tác rưng rưng ngấn lệ, ông đưa cho chúng tôi xem bức hình đen trắng, nước ảnh đã phai màu; nhưng lại rất quý giá với ông. Đó là tấm hình chụp ông được một người dân che giấu, nuôi bí mật trong thùng đựng thóc trong lòng địch, những năm tháng vô cùng ác liệt…

Đến tuổi nghỉ hưu, dù mang trong mình nhiều vết thương, những khi trái gió trở trời lại lên cơn đau nhức; ấy vậy nhưng Anh hùng Trần Phong vẫn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hoa (năm nay 73 tuổi, nguyên Tỉnh ủy viên tỉnh Thừa Thiên) tích cực tăng gia sản xuất, chăn nuôi gà, lợn để nuôi 3 người con khôn lớn, ăn học nên người. Giờ đây, khi các con đã trưởng thành và lập nghiệp ở phương xa, người anh hùng năm xưa vẫn không phút nào ngơi nghỉ. Ông vẫn tích cực tham gia vào các công tác "không tên" của phường. Ông thổ lộ: "Mình còn sức khỏe thì mình còn lui tới, còn động viên các cán bộ chiến sĩ Công an phường, đặc biệt là những người lính trẻ mới vào nghề cố gắng tận tụy với công việc để phục vụ nhân dân, giữ gìn ANTT khu vực; động viên con em trên địa bàn ra sức nỗ lực học tập để xứng đáng với xương máu của thế hệ cha anh đi trước hy sinh mới có được...".              

Trời dần về chiều, khi ánh nắng yếu ớt cuối ngày rọi qua những hàng phượng trên đường phố Huế tạo thành những vệt bóng dài in hằn dưới mặt đường cũng là lúc chúng tôi chào từ biệt Anh hùng Trần Phong, cựu cán bộ an ninh trinh sát năm xưa để theo chân Thượng úy Trần Đình Hồng, cán bộ Công an thành phố Huế đến thăm căn phòng truyền thống vừa được Công an TP Huế khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8). Trước những bức hình của Anh hùng Trần Phong được treo ngay ngắn giữa bức tường của phòng truyền thống, Thượng úy Hồng không giấu được niềm xúc động: "Bác Trần Phong là một trong những tấm gương sáng mẫu mực về hình ảnh người chiến sĩ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ, để thế hệ trẻ Công an ngày nay học tập, noi theo...".

Tháng 4/2014, NXB Thuận Hóa đã cho in cuốn hồi ký "Nếu không có nhân dân" của Anh hùng LLVTND Trần Phong, do nhà văn Nguyễn Quang Hà ghi. Cuốn hồi ký được chia làm 7 chương, kể về thân thế, sự nghiệp và quá trình hoạt động cách mạng, làm trinh sát an ninh của tác giả cho đến ngày thành phố Huế được giải phóng.

Long Vân - Lê Anh
.
.