Anh hùng Thân Trọng Một: “Cánh buồm vượt sóng dữ”

Thứ Tư, 26/01/2005, 07:39
Lừa mãi không giết được ông, tề ngụy rất kính nể Thân Trọng Một. Suốt ngày, máy bay địch cứ bay trên vùng trời chiến khu, gọi loa: “Kính thưa ông Thân Trọng Một. Ông là một tướng tài. Quân đội quốc gia sẵn sàng chấp nhận mọi yêu cầu của ông”.

Cụ tổ ông vốn người họ Giáp, quê ở Bắc Giang, dạt vào Thừa Thiên - Huế. Do có công lao với triều Nguyễn, dòng họ ông được vua ban cho một “cái mũ”, nét sổ trong chữ “giáp” được trồi lên khỏi bộ “điền” một chút, cải thành họ Thân.

Chính tên ông là Thân Trọng Thoan, sinh năm 1920, con trai thứ 4 trong một gia đình có 6 anh chị em.

17 tuổi, Thoan lấy vợ, chị Phan Thị Cháu, một cô gái nghèo hiền thục quê ở Phá Tam Giang. Vợ vừa mang thai, anh đã bị gọi đi ở không công cho một chức sắc làng Dương Xuân Hạ (nay là xã Dương Xuân, phía tây thành phố Huế), theo “lệ” cũ bắt buộc đối với kẻ ngụ cư.

Không cam chịu kiếp tôi đòi, Thoan chia tay vợ trẻ, bỏ làng đi biệt xứ, vào tận Sài Gòn rồi sang Nam Vang, sống phiêu bạt bằng nghề đánh móng ngựa. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, anh bảo bè bạn giang hồ: “Nước độc lập rồi, tao về Huế giải phóng cho gia đình tao, vợ con tao, không lang thang nữa”.

Ông đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong Thành nội Huế có một con đường mang tên Thân Trọng Một.

Chỉ ít lâu, anh đã trở thành một người lính của Trung đoàn 101, đơn vị vũ trang cách mạng đầu tiên của đất cố đô.

Không may, anh dính đạn trong trận tấn công khách sạn Morin năm 1946. Khi Huế vỡ mặt trận, đơn vị rút lên rừng lập chiến khu, Thoan vẫn nằm lại nhà dân ở Bình Điền để trị thương.

Khỏi hẳn, anh không lên chiến khu mà quay trở lại Dương Xuân Hạ, tập hợp bạn bè lập một đơn vị chiến đấu ngay giữa quê hương. Những chiến sĩ đầu tiên của đơn vị này được gọi tên là theo số thứ tự. Là người sáng lập và chỉ huy, Thân Trọng Thoan đã trở thành Thân Trọng Một.

Áo vải, chân không đi lùng giặc đánh

Súng ống đạn dược không có, Thân Trọng Một nghĩ kế dùng gậy gộc, giáo mác phục kích giết giặc, cướp súng. Trận Lò Dầu, ông cho lính ngụy trang trong bụi, tấn công bất ngờ một toán lính khố đỏ khi chúng nghỉ ngơi, diệt nửa tiểu đội, thu 6 súng.

Trận Gò Sóng với những gậy tre vạt nhọn, những người lính bạch binh (lính tay trắng, không vũ khí) lại bất ngờ đánh thẳng vào đội hình một trung đội ngụy binh đi tuần đường sắt, diệt 18 tên, thu đủ 18 súng.

Hay tin, một viên đại tá Pháp đang dẫn quân đi tuần gần khu vực đàn Nam Giao đã phải thốt lên “khủng khiếp” và vội vã thu quân về Trường Quốc học để cố thủ, không dám hành quân tiếp ứng.

Ít lâu sau, dụng kế mỹ nhân, ông lại tổ chức dụ địch vào bãi mìn ở làng Võ Xá, diệt 8 tên. Sử dụng súng ống thu được, Thân Trọng Một đã táo bạo tổ chức đơn vị tấn công hạ đồn Đôn Bạc giữa ban ngày. Chỉ sau 15 phút, toàn bộ lính đồn Đôn Bạc đã bị tiêu diệt. Khi quân từ hai đồn kia chi viện đến nơi thì đơn vị của Thân Trọng Một đã rút hết an toàn.

Súng ống thu được ngày một nhiều, bộ đội các huyện mạnh dần lên nhập lại với nhau trở thành tiểu đoàn bộ đội địa phương. Thân Trọng Một được cử làm Tiểu đoàn phó, anh Nguyễn Chi làm Tiểu đoàn trưởng.

Cay cú vì bị đánh nhiều trận đau, địch lần lượt bắt bà Trương Thị Liệu và ông Thân Trọng Du - mẹ và cha Thân Trọng Một - tra tấn cho đến chết. Vườn nhà anh, chúng chặt trụi, mang cả xe vào ủi phẳng nhà cửa để “thằng Một không còn chỗ mà về”.

 Chị Phan Thị Cháu phải ôm hai đứa con Hồng và Lạch về quê ngoại Phú Vang nương thân nhưng vẫn liên tục bị tên Đồn trưởng Đồn Nam Giao lần theo truy bức khủng bố. Gạt nước mắt, chị phải đi bước nữa với một người đàn ông khác, nhằm có chỗ tử tế cho hai người con của Thân Trọng Một nương thân.

Nhiều năm sau, tại mặt trận Phú Lộc, anh mới chịu tái hôn với chị Đầm, một cán bộ phụ nữ xã.

“Tướng sĩ một lòng phụ tử”

Trong những năm chống Mỹ, Thân Trọng Một là Thành đội trưởng Thành đội Huế.

Một lần, đơn vị trinh sát của Thành đội cần bổ sung quân. 7 chiến sĩ thuộc loại “lỳ” nhất từ các đơn vị khác giới thiệu lên. Thân Trọng Một dẫn cả 7 người xuyên đêm, tiến về căn cứ am Cây Sen của Mỹ.--PageBreak--

Đến sát hàng rào căn cứ, ông lệnh cho anh em đi thấp người xuống, sau đó kê nòng súng AK quạt vào trại địch nguyên cả băng đạn. Lập tức, đạn trong căn cứ nã về phía họ như mưa, hỏa châu treo sáng rõ từng ngọn cỏ.

Ông lại bắn tiếp 1 băng AK, khiêu khích cho chúng vãi đạn loạn cả lên. Một hồi sau, ông ra lệnh rút. Cách hàng rào căn cứ 200m, ông bắt cả tiểu đội xếp hàng ngang, và tự tay kiểm tra... đũng quần từng chiến sĩ.

Năm người ướt quần, ông nhận về đơn vị trinh sát, hai người quần khô, ông trả về bộ binh. Ông bảo: “Đụng súng đạn, ai cũng sợ cả. Nhưng sợ mà còn... tè được mới là dũng cảm. Sợ đến mức tè không được là chưa dạn dày trận mạc, chưa làm nổi lính trinh sát”.

Chọn lính đã lạ, cách dạy lính của ông còn lạ hơn. Lính mà ăn nói không đúng mức, thiếu lễ độ với người trên, gặp ông không ăn bạt tai thì cũng bị ăn gậy. Nóng nảy, nhưng ông lại là người rất tinh, suy nghĩ hết sức thấu đáo.

Cha mẹ chúng đẻ chúng ra, nuôi 18, 20 tuổi chưa nhờ cái chi, họ cho con đi kháng chiến, còn không tiếc, răng mình lại tiếc áo, tiếc đài với họ được?.

Tết Mậu Thân 1968, sau khi làm chủ nội thành Huế, sẵn thực phẩm, bia rượu chiến lợi phẩm, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 810 tổ chức một buổi liên hoan mừng chiến thắng tại Trường Đồng Khánh, mời Thân Trọng Một đến dự.

Khi bước vào, mặt Thân Trọng Một đằng đằng sát khí, tay xách theo một... cây gậy. Bàn tiệc kê một dãy dài suốt hội trường. Ông chậm rãi đi từ đầu bàn đến cuối bàn, xách gậy đập, bia rượu vỡ chảy lênh láng, thức ăn văng tứ tung. Xong, ông gọi Tiểu đoàn trưởng đến phê bình vì tội chủ quan khinh địch.

Đến lúc đó, những người có mặt lạnh toát sống lưng: chỉ cần một quả bom địch rơi đúng chỗ, xương máu tổn hao đã đành mà nhiệm vụ chiến đấu trong đợt Mậu Thân cũng ra mây khói.

Biết tính Thân Trọng Một, bộ đội vừa sợ, vừa kính trọng nhưng cũng rất quý và thương ông. Mùa đông, gặp một đơn vị bộ đội đang ém quân ở Đình Môn chuẩn bị vượt sông Hương đánh quận Nam Hòa, thấy một anh lính áo quần rách rưới, ông cởi chiếc áo bông đang mặc cho ngay, còn mình thì chịu rét.

Gặp một tiểu đội phòng không đang trực chiến, nghe họ than buồn, nhớ nhà, ông không ngần ngại đem chiếc radio đang dùng tặng ngay cho họ.

Áy náy, người lính cần vụ gắt: “áo cũng cho, đài cũng cho, rồi thủ trưởng mặc bằng cái chi, nghe tin tức bằng cái chi?”. Thân Trọng Một mắng ngay: “Cha mẹ chúng đẻ chúng ra, nuôi 18, 20 tuổi chưa nhờ cái chi, họ cho con đi kháng chiến, còn không tiếc, răng mình lại tiếc áo, tiếc đài với họ được?”.

Bộ đội Thừa Thiên - Huế thời chống Mỹ sống chiến đấu dựa vào sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân; nhưng dân cũng quá nghèo nên bộ đội thường xuyên bị đói. Lo Ban Chỉ huy thành đội sống quá thiếu thốn, giảm sức chiến đấu, Bộ Tư lệnh quân khu thường xuyên yêu cầu bộ phận hậu cần ưu tiên cho Thành đội Huế.

Một lần, dừng chân qua đêm bên sông A Rí, hai thầy trò Thân Trọng Một thức dậy thì gùi hàng lương thực biến mất. Vừa sợ vừa bực, lại biết khu vực nghỉ chân là nơi đóng quân của đơn vị 439, anh Chiến, cần vụ của ông, xin phép vào báo với BCH Tiểu đoàn.

Nghe anh cần vụ đề xuất, Thân Trọng Một đột nhiên úp mặt vào tay rưng rức khóc. Ông bảo: “Tao là thằng chỉ huy tồi. Lính có đói thì mới có thằng ăn cắp. Nó lấy gùi hàng là nó chửi tao, cảnh cáo tao đó!”.

Chuyến đó hai thầy trò ông đã quay lại quân khu kể hết sự tình và yêu cầu chi viện ngay lương thực cho Tiểu đoàn 439.

Thương anh em xung quanh thiếu thốn, có giai đoạn phải ăn toàn  tai nai, môn thục, tàu bay, hạt ghém thay cơm, ông ra lệnh đem những nhu yếu phẩm ưu tiên cho Thành đội trưởng, chia cho họ hết. Thương ông, lính không dám nhận.--PageBreak--

Thân Trọng Một bày ra trò đánh tú lơ khơ mỗi đêm tại lán ông. Khi anh em quây lại, ông sai cần vụ đem thịt bò khô với lương khô ra nấu cháo, chia cho  mỗi người một bát, xem như cùng cải thiện.

Đồng bào các dân tộc ở Thừa Thiên, những vùng có bộ đội Thân Trọng Một đóng  đều tuyệt đối tin tưởng vào ông. Một lần rẫy mỳ chống đói của đồng bào đang xanh mướt thì bị địch thả chất độc da cam hủy diệt. Thân Trọng Một ra lệnh cho bộ đội đi chặt hết cây để cứu củ.

Xót của, đồng bào chạy ra ngăn cản, bắt đền, không cho “bộ đội phá hoại của dân”. Khi nghe bộ đội trình bày “ông Một biểu chặt”, đồng bào đổi ngay thái độ, vì “ông Một nói chặt là phải chặt thôi”, dù không hiểu lý do.

Mấy ngày sau bới mỳ lên, họ mới phục ông hiểu rộng. Cây mỳ nào chặt cây thì còn củ, cây nào để nguyên thì củ dưới đất đều bị thâm đen.

Dân quý và tin, lính thì khỏi phải bàn, chỉ cần nghe nói đến tên ông, họ sẵn sàng nhảy ngay vô lửa. Đi họp ở quân khu về, ông và cần vụ thấy có hai người lính cứ bám theo lẵng nhẵng. Dù anh cần vụ cho biết đã thấy họ trình giấy công tác ra Quảng Bình để xin cấp lương thực, ông biết ngay đó là hai chú lính đào ngũ.

Cả khi ruột tượng gạo đi đường bị họ lấy mất, người cần vụ gợi ý, ông cũng vẫn im lặng. Đường chiến tranh khó khăn, di chuyển mất nhiều ngày, hai anh lính đào ngũ ngày càng rạc người vì đói, không thể không nhận ra.

Đến lúc đó ông Một mới bảo người cần vụ làm một mâm cơm thịnh soạn mời họ cùng ăn. Ăn xong, ông ôn tồn nói: “Ăn hết gạo rồi thì phải trả cái bòng cho bác chứ!”. Biết không giấu được “ông già” tinh mắt và nhân hậu, hai anh lính thú nhận hết. Họ nói, máu dũng cảm họ không thiếu, nhưng ngặt gặp tay chỉ huy luồn trên đạp dưới, không chịu nổi, nên đành bỏ trốn...

Nói chuyện một lúc, hai anh lính sinh nghi hỏi: “Bác ơi, bác có phải là Trung đoàn trưởng Thân Trọng Một không?”. Ông bảo: “Phải!”. Mặt hai anh lính sáng rực lên, dứt khoát đòi theo và được ông dẫn về đồng bằng, từ bỏ ý định đào ngũ.

 Hai người lính ấy, một người tên Khôi sau này làm trinh sát, đã lọt vào giữa đồn Mỹ ở Quảng Trị rồi gọi pháo bắn vào, chấp nhận hy sinh. Người kia tên Hiệp, nổi tiếng là một dũng sĩ đánh mìn diệt địch trên đỉnh đèo Hải Vân

Nguyễn Quang Hà - Nguyễn Hồng Lam
.
.