An ninh miền Nam với chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968: Dư âm không chỉ là tiếng súng

Thứ Năm, 04/01/2018, 08:49
Tấm bia đá khắc tên 12 người anh hùng ngã xuống giữa sào huyệt địch. Dưới bầu trời mùa xuân phương Nam, lá cờ Tổ quốc bay phấp phới, màu đỏ thắm kiêu hãnh. Những ngày này, đồng đội các anh lần lượt trở về, lặng mình thắp nén nhang. Cách đây nửa thế kỷ, tuổi đôi mươi chia lửa mọi nẻo đường...


Cuối năm 1967, thất bại nặng nề sau hai cuộc phản công mùa khô đã khiến giới cầm quyền Mỹ lúng túng, dao động. Nắm bắt thời cơ đang nghiêng về hướng có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị đề ra chủ trương chiến lược: Tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định. Tháng 1-1968, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 22. Hội nghị xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Công an nhân dân trong năm 1968 là: giữ vững an ninh miền Bắc, phục vụ tốt công cuộc xây dựng kinh tế và sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước; chi viện tốt cho an ninh miền Nam …

Với tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ năm 1955, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã quyết định thành lập Tổ cán bộ miền Nam trực thuộc Phòng Tổ chức cán bộ của Bộ Công an và chuẩn bị đội ngũ cán bộ chi viện an ninh miền Nam. Từ năm 1965-1968, Bộ Công an chi viện gần 2.000 cán bộ chiến sĩ ưu tú cho An ninh miền Nam, riêng năm 1968 chi viện 788 cán bộ chiến sĩ cho các chiến trường. Ra đi, ai cũng một lòng phơi phới, mong góp sức mình vào cuộc nổi dậy thần thánh của dân tộc.

Tham gia cuộc Tổng tiến công, lực lượng An ninh miền Nam đã huy động hơn 3.000 cán bộ chiến sĩ kết hợp với lực lượng tại chỗ tấn công mạnh mẽ vào các cơ quan đầu não, bộ máy kìm kẹp an ninh, cảnh sát, hệ thống kho tàng, giao thông, sân bay, trại giam của Mỹ - ngụy ở các đô thị miền Nam và các vùng nông thôn. Lực lượng công an làm tốt công tác nắm tình hình, cung cấp thông tin, giao liên dẫn đường, diệt ác trừ gian cũng như công tác điệp báo, an ninh vũ trang, trinh sát vũ trang, bảo vệ cơ quan của Đảng, cách mạng…

Mặt trận Huế và Sài Gòn - Gia Định là hai trong số các trọng điểm của cuộc tổng tiến công. Nguyên là cán bộ trinh sát vũ trang an ninh TP Huế tham gia 3 đợt Tổng tiến công vào năm 1968 đỏ lửa, đồng chí Hoàng Thức Bảo bồi hồi nhớ lại: "Trực tiếp tham gia đánh chiếm Huế 26 ngày đêm, tôi là một trong những cán bộ trinh sát vũ trang an ninh TP Huế đánh chiếm các mục tiêu ở cánh Bắc, 22 trận đánh địch ở khu Đông Ba, Gia Hội, hoàn thành nhiệm vụ chiếm lĩnh mục tiêu và đánh phản kích địch.

Bia tưởng niệm 12 anh hùng liệt sĩ thuộc An ninh T4, bảo vệ an toàn Bộ Tư lệnh tiền phương 2 trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Cuộc chiến đấu bảo vệ cho nhân dân nổi dậy thành lập chính quyền cách mạng và chống lại hàng trăm trận phản kích của Mỹ - ngụy diễn ra cực kỳ quyết liệt, giành đi giật lại từng trận địa trong lòng nội thành Huế. Hàng chục cán bộ chiến sĩ an ninh hy sinh, bị thương vẫn không rời bỏ trận địa để bảo vệ lá cờ cách mạng trên kỳ đài Huế, bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân, góp phần giải phóng hơn 2.300 tù nhân bị địch giam cầm...

Sau khi có lệnh rút khỏi thành phố, các lực lượng an ninh và trinh sát an ninh TP Huế tiếp tục các hoạt động đợt 2, 3 của Tổng tấn công, diệt hàng trăm tên Mỹ - ngụy, chư hầu, làm thất bại kế hoạch quét và giữ, bình định của địch".

Sài Gòn - Gia Định là đầu não của chế độ Sài Gòn. Đây là nơi địch tập trung đông đảo lực lượng nhất, bố trí bộ máy kìm kẹp, ruồng bố dày đặc từ trung ương đến thôn xóm. Thiếu tá Lê Việt Bình, nguyên trinh sát vũ trang nội đô An ninh Khu Sài Gòn - Gia Định (An ninh T4) cho biết, trinh sát vũ trang nội đô là một bộ phận trọng yếu của lực lượng An ninh T4. Họ không có căn cứ đóng quân mà phải luôn di chuyển chỗ ở để đánh địch, diệt địch và xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch.

Để che mắt, chiến sĩ trinh sát vũ trang nội đô phải đóng nhiều vai khác nhau, lúc là lính biệt động quân hay thủy quân lục chiến, lúc lại hóa thân thành thợ hồ, người bán vé số dạo… Sống trong lòng dân đùm bọc, thương yêu, lực lượng trinh sát vũ trang nội đô đã làm nên vô vàn chiến công lừng lẫy mà đến bây giờ Thiếu tá Lê Việt Bình vẫn không khỏi tự hào khi kể lại cho con cháu.

Đó là trận đánh vào Đại sứ quán Philippines vào mờ sáng mồng Một Tết Mậu Thân. Trận đánh đó, đồng chí Nguyễn Văn Hưng (Tư Hưng) là người giật nụ xòe cho bộc phá nổ tung cổng sắt chính của sứ quán để đồng đội tiến công. Lập tức, đồng chí Võ Văn Ngăn (Hai Ngăn) ôm bộc phá lao thẳng vào tòa nhà làm bộc phá nổ rung chuyển cả một vùng. Sự hy sinh anh dũng của hai đồng chí đã mở đường cho 4 chiến sĩ còn lại tiến lên đánh tan xác hai chiếc xe cảnh sát, làm sập tầng lầu sứ quán, tiêu diệt 11 cảnh sát…

Với chiến thuật "bỏ quên đồ", các trinh sát trong vai lính ngụy khiến chính giới Sài Gòn hoang mang vì thực hiện hai vụ nổ long trời bằng mìn tự tạo tại quán Thanh Hải và quán Nghệ sĩ, tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên ác ôn, đầu sỏ. Vụ tướng tình báo Nguyễn Văn Kiểm, Tham mưu trưởng an ninh Phủ Tổng thống bị trinh sát vũ trang nội đô trừng trị hay vụ ám sát hụt Thủ tướng Trần Văn Hương… khiến chính quyền Sài Gòn khiếp vía.

Đi qua đường Lãnh Bình Thăng, quận 11, TP Hồ Chí Minh ngày nay, người ta thấy tấm bia tưởng niệm ghi tạc chiến công của 12 người anh hùng trẻ tuổi thuộc Phân đội An ninh vũ trang nằm yên ả dưới vòm lá xanh mát. Ra đi mùa xuân năm ấy, người lớn nhất mới 29 tuổi, nhỏ nhất chỉ 18.

Đó là trận đánh tiêu biểu nhất của chiến sĩ An ninh T4 nhưng cũng là nỗi đau thương mất mát không nguôi cho người ở lại. Nhận nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho đồng chí Võ Văn Kiệt và các đồng chí khác của Bộ Tư lệnh tiền phương 2, 12 chiến sĩ an ninh đã chiến đấu vô cùng quả cảm ngay giữa sào huyệt của địch.

Ngày mùng Hai Tết Mậu Thân, đoàn chở các đồng chí của Bộ Tư lệnh tiền phương 2 hành quân từ Bắc Bình Chánh, luồn lách qua nhiều đồn bốt, bí mật áp sát trường đua Phú Thọ - Chợ Thiếc để vào Sài Gòn. Địch phát hiện, chúng tập trung lực lượng mạnh hòng tiêu diệt đoàn. 12 chiến sĩ An ninh T4 chốt lại chiến đấu chặn đường để bảo vệ Bộ Tư lệnh tiền phương 2 thoát ra ngoài an toàn.

Khi đoàn vừa rút thì một tiểu đoàn biệt động quân, cảnh sát dã chiến Sài Gòn ồ ạt tấn công trường đua Phú Thọ. Suốt đêm mồng 2, cả khu vực ràn rạt tiếng súng. Phía ta chỉ có 12 người ở 12 vị trí nhưng đối phương lại tưởng như có đến 12 đơn vị bộ đội. Dưới sự che chở, tiếp tế của quần chúng, các chiến sĩ tiêu diệt tại chỗ hơn 120 tên và nhiều vũ khí, phương tiện của địch.

Thế nhưng vì lực lượng của địch quá mạnh, đến mồng 5 Tết, 10 đồng chí hy sinh. Còn lại đồng chí Phạm Minh Trung và Lê Văn Tăng lùi về phòng ngự ở nghĩa địa Phú Thọ Hòa. Mặc địch điên cuồng bắn phá, bao vây nghĩa địa suốt một ngày, mặc thân thể đầy vết thương hành hạ, hai anh vẫn nã đạn về phía quân thù. Chứng kiến nhiều binh lính bỏ mạng, một xe tăng bị bắn cháy, chúng điên tiết áp sát để bắt cho bằng được hai chiến sĩ an ninh cứng đầu. Dùng nhiều đòn tra tấn dã man lẫn lời ngon ngọt dụ dỗ nhưng chúng không moi được thông tin nào. Như lớp lớp cha anh đi trước, người tù ấy chết cho tự do chứ không bao giờ chịu khuất phục bạo quyền.

Từ những người con anh dũng, Xuân Mậu Thân, dải đất từ Quảng Trị đến Cà Mau rung chuyển vì cuộc tổng công kích đồng loạt nổi dậy của quân và dân ta vào 4 thành phố lớn, 37 thị xã, 64 thị trấn, quận lị trên toàn miền Nam. Bình luận về sự kiện này, tờ "Thời báo New York" số ra ngày 9-2-1968 kinh ngạc gọi đây là "một hành động bất ngờ thần thánh, một lực lượng địch tản mát và không ai thấy được, bị săn đuổi khắp nơi không lúc nào ngừng, bỗng dưng xuất hiện và đồng loạt tấn công ở hàng trăm trận địa trên khắp nước...

Chính bản thân cuộc tấn công đã tác động mạnh vào dân chúng Mỹ chứ không phải việc đánh bại cuộc tấn công ấy". Cuộc nổi dậy xuân Mậu Thân càng làm bùng nổ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam của nhân dân Mỹ. Sự kiện này đã làm thất bại chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, những chiến công chói lọi ấy trước hết bắt nguồn từ tư duy chiến lược độc đáo, sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, mà nòng cốt là lực lượng vũ trang giải phóng, trong đó có lực lượng Công an nhân dân.

Những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Lớp lớp thế hệ Công an nhân dân vẫn coi đó là bài học vô giá mà cha ông đã đánh đổi bằng xương máu, bằng nhiệt huyết thanh xuân để gìn giữ và phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ màu xanh hòa bình hôm nay và mai sau.

Quỳnh Nga
.
.