Ấm áp tình người chuyến quà ngày giáp Tết

Thứ Năm, 19/01/2017, 15:15
Đã thành thông lệ, khi cả nước rạo rực chuẩn bị chào đón một mùa xuân mới thì các đoàn công tác của Báo CAND lại tìm tới những vùng khó khăn nhất của Tổ quốc để thăm hỏi, động viên, trao quà Tết cho những gia đình chính sách, đồng bào nghèo. 


Hành trình trao quà Tết cho đồng bào nghèo các tỉnh Tây Nguyên năm nay của đoàn công tác xã hội - từ thiện Báo CAND kéo dài một tuần, bắt đầu từ tỉnh Kon Tum, qua Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và kết thúc tại tỉnh Lâm Đồng. 500 suất quà của Báo CAND và nhà tài trợ Vietinbank, trị giá mỗi suất 500.000 đồng đã được trao tận tay những gia đình nghèo khó nhất trên vùng đất cao nguyên phía Tây Tổ quốc.

Dọc hành trình, đoàn công tác xã hội - từ thiện của Báo CAND đã đón nhận ở bà con nghèo những ánh nhìn tin yêu, những nụ cười gần gũi và thân thiện. Cùng với đó là những câu chuyện bên lề "cười ra nước mắt" của bà con nơi đây - mà theo một vị Chủ tịch UBND xã - đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái nghèo, cái khổ, quanh năm làm lụng vất vả mà vẫn cứ thiếu trước, hụt sau, bữa no, bữa đói... của bà con.

Thượng tá Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND cùng đại diện nhà tài trợ Vietinbank trao quà cho đồng bào nghèo xã Đắk Blao, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Trước ngày khởi hành, Thượng tá Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND đã bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh rồi cùng chúng tôi "leo lên nóc nhà" Tây Nguyên bằng xe ôtô con chuyên dụng. Con đường vào trung tâm xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) giáp với nước bạn Lào trập trùng đồi núi vừa được trải nhựa phẳng lỳ.

Dọc hai bên đường, các bản, làng của người KJong, Cờ Tu, đa phần trông còn nghèo nàn, khiêm tốn nép mình trên những sườn đồi với không ít những căn nhà ẩm thấp, xập xệ. Ở đây, dường như Tết vẫn còn xa lắm!.. Không thấy cây mai vàng mà cũng chẳng thấy lấy một cành đào, vốn được xem là biểu tượng không thể thiếu mỗi khi đất trời vào xuân. Những căn nhà vẫn đìu hiu, tĩnh lặng…

Hôm nay, ông A Beng (60 tuổi), ngụ thôn Đắk Vang, xã Sa Loong ra khỏi nhà từ sớm, hồ hởi tới trụ sở UBND xã nhận quà Tết. Gặp chúng tôi, ông A Beng tay bắt mặt mừng như gặp lại những người thân quen ở miền xuôi từ lâu xa cách.

Ông tâm sự với chúng tôi bằng một câu chuyện rất thật mà cứ như đùa. Chả là, trước ngày nhận quà, cán bộ thôn tới nhà thông báo sáng sớm ngày mai lên UBND xã Sa Loong để lĩnh quà Tết. Đúng vào mùa giáp hạt, thiếu ăn "cao điểm" mặc dù Tết đã cận kề, vợ chồng, con cái ông A Beng mừng ra mặt. Bởi vậy, tối hôm qua là một đêm rất dài với cả gia đình.

 Ông A Beng nằm trằn trọc, thức dậy mấy lần lắng nghe tiếng gà bên xóm gáy vang, trông cho trời sáng thật nhanh để đi nhận quà Tết. Với 20kg gạo cùng những thực phẩm thiết yếu, ông A Beng chất tất cả vào chiếc gùi lớn đeo trên lưng mà lòng xúc động khôn tả. Vậy là trong mùa đói kém, Tết này gia đình ông sẽ quây quần bên mâm cơm Tết nhiều ý nghĩa.

Nói với chúng tôi về quá khứ, đôi mắt ông A Beng nhìn xa xăm, nét mặt đượm buồn. Trước đây, khi mới lập gia đình, vợ chồng ông được hai bên họ hàng cho đến 3ha đất. Vợ ông 10 lần sinh nở được 7 người con (3 người đã mất từ nhỏ), đến nay mới có 2 người lập gia đình và ra ở riêng.

Mỗi lúc con cái ốm đau, gia đình thiếu đói, vợ chồng ông A Beng lại phải gọi người tới bán ruộng rẫy. Bây giờ thì chỉ còn lại "mảnh đất cắm dùi", thiếu thốn đủ đường. Nhà ông A Beng nghèo đến nỗi các con đang có nguy cơ không bắt được chồng vì không thể lo đủ tiền thách cưới từ phía nhà trai (bà con nơi đây theo chế độ mẫu hệ).

Ông A Beng ý thức rất rõ sinh nhiều con là đói khổ, nhưng ngặt nỗi, do nhận thức hạn chế, không biết cách kế hoạch hóa gia đình nên cứ thế "đẻ khi nào không đẻ được mới thôi!.." - như lời ông A Beng thành thật chia sẻ.

Điểm chung của các hộ nghèo tới nhận quà Tết của Báo CAND là đông con, làm không đủ ăn, con cái phải bỏ ngang việc học hành theo cha mẹ lên nương rẫy làm thuê. Anh Răng Rơhlan (41 tuổi), ngụ làng Tung Mo A, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh (Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Anh Răng Rơhlan có dáng người nhỏ thó, gương mặt hốc hác, khắc khổ, những ngón tay chai sạn vì phải làm nhiều việc nặng nhọc. Đi nhận quà, Răng Rơhlan địu theo đứa con út mới gần 2 tuổi đang ngủ ngon lành trên lưng cha.

Ở làng Tung Mo A, gia đình anh Răng Rơhlan lập kỷ lục về số lần sinh nở với 7 người con, đứa nhỏ nhất 2 tuổi. Răng Rơhlan ý thức được nguyên nhân của sự nghèo khổ chính là đông con, vợ chồng anh cũng không muốn sinh thêm, nhưng ngặt nỗi: "Bụng vợ mình chưa bao giờ thấy nhỏ được lâu, lúc nào cũng thấy to, đến ngày là tự nó (con) chui ra thôi!.." - anh Răng Rơhlan thật thà nói.

Nhìn dáng hình khắc khổ của Răng Rơhlan cùng đứa con nhỏ địu trên lưng khiến chúng tôi ái ngại. Giá như công tác tuyên truyền về sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình tại địa phương được làm tốt hơn, nhận thức của người dân được nâng cao hơn nữa thì có lẽ đồng bào nơi đây không sinh nhiều như vậy. Và chắc chắn, cái đói, cái nghèo không mãi dai dẳng đeo bám họ...

Trên những chặng đường trao quà Tết xuyên qua các tỉnh, mỗi lần chiếc xe nặng nhọc về số, tăng ga vượt qua những quãng đường bụi đất bay đỏ, đầy khó khăn với những căn nhà tạm xập xệ nép mình trên các sườn đồi cao, Thượng tá Phạm Khải, người lần đầu tiên có chuyến công tác dài ngày tại các tỉnh Tây Nguyên lại thở dài: "Bà con nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn quá! Những món quà Tết của chúng ta thực sự chẳng thấm vào đâu so với tỉ lệ hộ nghèo cần phải hỗ trợ!..".

Niềm vui của bà con nghèo xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai khi nhận quà Tết.

Trung tá Đặng Ngọc Như, Trưởng văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Tây Nguyên đồng thuận: "Cần phải kêu gọi các nhà tài trợ tăng thêm nhiều hơn nữa những suất quà Tết cho đồng bào nghèo các tỉnh Tây Nguyên, bởi tỉ lệ hộ nghèo, đói trên miền đất này vẫn còn rất cao".

Xuôi về miền Nam Tây Nguyên, con đường đất, bụi bay mịt mù nhuộm đỏ những mái nhà của đồng bào Tày, Nùng, Dao… đưa chúng tôi tới xã Đạ Tông của huyện nghèo Đam Rông (Lâm Đồng), đây cũng là chặng kết thúc hành trình trao quà Tết cho bà con nghèo tại khu vực Tây Nguyên của đoàn công tác xã hội - từ thiện Báo CAND kéo dài một tuần.

Đam Rông là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng với hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn đến từ các tỉnh biên giới phía Bắc mới vào định cư, lập nghiệp, sinh sống hòa thuận với cư dân K'ho bản địa. Hầu hết cuộc sống của bà con nơi đây đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Ở thôn 1, xã Đạ Tông, chị Ka Nghét (37 tuổi) được xem là người phụ nữ khổ cực nhất. Tuổi thanh xuân của chị trôi qua trong sự nghèo khó. Chị không dám đem lòng yêu ai vì nhà nghèo không có đủ tiền thách cưới trả cho nhà trai. Tưởng chừng ở vậy cả đời, nhưng đến năm 32 tuổi, chị đã "bắt" được chồng, cũng là người nghèo khó quê ở tỉnh Cao Bằng theo người làng vào Đam Rông làm thuê. Về ở với nhau được 5 năm, chị Ka Nghét sinh liên tiếp 3 người con.

Cách đây mấy tháng, chồng chị Ka Nghét qua đời vì bạo bệnh, để lại chị và 3 con nhỏ nheo nhóc, đứa út mới được 8 tháng tuổi. Mấy tháng nay, chị Nghét địu con út trên lưng, dắt theo hai cháu bé còn lại lang thang khắp các làng xa, bản gần tìm việc làm thuê.

Dù vậy, hầu như không ai muốn thuê chị làm việc vì lúc nào quanh chị cũng có 3 con nhỏ, đứa khát sữa đòi bú, đứa ốm đau khóc lóc, kêu đói đòi ăn... Nhiều người chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của người phụ nữ này đã cho vài cân gạo, cái bánh, gói mỳ… về nuôi con nhỏ. Chị Ka Nghét đón nhận quà Tết trong niềm vui mừng, cảm động, bởi trước sự nghèo khó của mẹ con chị, nhiều người vẫn dành tình thương yêu, che chở, tiếp thêm nghị lực để mẹ con chị từng bước vượt qua khó khăn.

Rời xa buôn làng, rời xa những cảnh đời nghèo khó, rời xa miền đất đỏ bụi bay mịt mù… đọng lại trong mỗi người chúng tôi những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Bước vào cửa ngõ Đà Lạt, tiếng nhạc du dương phát ra từ quán cà phê lời bài hát "Tình ca mùa xuân" của nhạc sĩ Trần Hoàn: "Em ơi em mùa xuân/ đã về trên cành lá/ Tiếng chim kêu ngọt quá/ cho trời xanh xanh thẳm…". Lại chạnh lòng lại nghĩ về đồng bào nghèo nơi chúng tôi vừa đi qua. Biết giờ này Tết đã về với họ hay chưa!...

Kim Ngân
.
.