7 chiến sĩ Cách mạng được máy bay Anh đưa về Việt Nam năm 1942

Thứ Sáu, 02/09/2005, 07:09

Dựa vào phương tiện của người Anh, 7 chiến sĩ cách mạng đã nhảy dù về nước an toàn. Họ còn mang về cho cách mạng  phương tiện truyền tin, vũ khí, thuốc chữa bệnh và cả số vàng đã dành dụm được từ nguồn kinh phí do người Anh cấp.

Trưa mùa hè năm 1942, tù nhân trong nhà tù thực dân Pháp ở Karianga (Madagascar) bị đánh thức bởi sự xuất hiện của hai sĩ quan người Anh. Đó là những nhân viên thuộc Cơ quan Tình báo Anh (Intelligence Service - IS) đến tuyển người phục vụ cho kế hoạch tung điệp viên xuống những thuộc địa của Anh và Pháp bị quân Nhật chiếm từ đầu Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đối tượng mà họ nhằm đến là những tù chính trị người Việt Nam.

Đồng chí Lê Giản, người thông thạo tiếng Anh được cử giao tiếp với hai sĩ quan đã thể hiện lập trường là những người yêu nước, đấu tranh để giành độc lập cho dân tộc và nêu nguyện vọng muốn được về nước chống lại phát xít. Sau khi xem xét, IS chọn 7 người trong số 27 tù nhân tại đây. Đó là những chiến sĩ cách mạng gồm Hoàng Đình Giong, Lê Giản, Dương Công Hoạt, Hoàng Hữu Nam, Vũ Văn Địch, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Minh.

Dù biết những tù nhân kia là những người cộng sản, nhưng IS quyết định chọn họ, bởi những người cộng sản có tinh thần chiến đấu, quyết tâm và nghị lực cao và có khả năng tổ chức... là những yếu tố rất cần thiết cho công việc sắp tới.

Các đồng chí: Dương Công Hoạt, Hoàng Đình Giong, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Ngọc và Vũ Văn Địch.

Sau cuộc kiểm tra của IS, Hoàng Đình Giong và Dương Công Hoạt rời khỏi nhà tù, lên thủ đô Madagasca, từ đây hai người được phía Pháp bàn giao cho người Anh. Sĩ quan Anh tiếp đón hết sức nhiệt tình và đưa lên một chiếc thủy phi cơ bay đến Mumbasa (Kenya), thuộc địa của Anh ở Đông Phi, từ đó lên một thương thuyền đi Bombay (ấn Độ).

Sau khi hai người rời trại, IS tiếp tục đưa những người còn lại sang Bombay. Từ Bombay họ được người Anh đưa lên máy bay đến Calcuta. Tại đây, 7 người gặp lại nhau, khi biết IS muốn đưa trở về Việt Nam, tất cả mừng khôn xiết. Ngày đi lưu đày, có ai nghĩ được trở về...

Ở Culcuta, sĩ quan IS hướng dẫn họ phương pháp khai thác thông tin của quân Nhật và truyền tin bằng tín hiệu moocxơ về cơ quan chỉ huy... Được bố trí chỗ ăn nghỉ đàng hoàng, nhưng quản thúc rất chặt bởi IS lo ngại họ bắt liên lạc với những người cộng sản Ấn Độ.

Khóa học kết thúc, cuối năm 1942, lấy cớ là người Cao Bằng, thông thuộc vùng biên giới Việt - Trung nên Dương Công Hoạt và Hoàng Đình Giong xin được về nước. Nhưng người Anh chỉ cho mỗi Hoàng Đình Giong về. Máy bay của Anh đưa ông đến Côn Minh (Trung Quốc), từ đó tìm đường về chiến khu của ta. Về nước, Hoàng Đình Giong bắt liên lạc với liên tỉnh ủy được biết phong trào Việt Minh phát triển khá rộng.

Trở lại Ấn Độ, Hoàng Đình Giong truyền lại tình hình trong nước và cho anh em biết Hồ Chí Minh chính là lãnh tụ Cách mạng Nguyễn Ái Quốc, ai nấy đều phấn khởi, muốn nhanh chóng được trở về Tổ quốc.

Để chuẩn bị cho chuyến trở về, người Anh tiến hành huấn luyện phương pháp vượt biển bằng tàu ngầm, nhưng ở thời điểm đó hải quân Nhật đã phong tỏa hoàn toàn vùng biển Đông Nam Á, phương án trên khó có thể thực hiện. Đi đường bộ vừa không an toàn, lại mất  nhiều thời gian. Cuối cùng, phương án đổ bộ bằng đường không được lựa chọn. Chỉ sau một tháng luyện tập, tất cả đều thành thạo kỹ thuật nhảy dù, trước sự ngạc nhiên và thán phục của các sĩ quan hướng dẫn. Khóa huấn luyện kết thúc, cuối năm 1944, đồng chí Lê Giản và Hoàng Đình Giong được người Anh cho nhảy dù chuyến đầu tiên, đổ bộ xuống địa điểm chỉ cách thị xã Cao Bằng chừng hai cây số.

Tình cờ gặp đồng chí Hồng Kỳ, một bạn tù Sơn La đưa về căn cứ an toàn. Tháng sau, Hoàng Hữu Nam và Dương Công Hoạt, nhảy xuống Khau Tòng, quê đồng chí Hoạt. Tháng 3/1945, IS tổ chức chuyến thứ ba cho những người còn lại: đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, người về chuyến đó kể lại:

“Trên bàn, trước mặt chúng tôi là tấm bản đồ quân sự miền Bắc Đông Dương...

- Nếu đổ bộ bằng đường hàng không thì nên chọn chỗ nào thích hợp nhất? - Viên đại tá người Anh hỏi chúng tôi.

Vũ Văn Địch đảo mắt tìm kiếm rồi chỉ vào khu vực Miếu Môn gần Ba Thá, thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Đông), đó là quê của Địch.

Viên sĩ quan IS nhìn theo ngón tay của Địch hỏi: Chỗ ấy gần Hà Nội, các anh có bảo đảm an toàn không?

- Được! Cứ xuống đất được là an toàn vì ở đâu cũng nhân dân chúng tôi - Địch đáp gọn lỏn.--PageBreak--

...Chúng tôi cất cánh trên chiếc B26 do kíp phi công Canada lái. Ra đi trời còn tối, nhưng đến vịnh Bắc Bộ thì trăng đã lên. Từ biển bay vào đồng bằng sông Hồng, trên máy bay nhìn xuống chỉ thấy một màu trắng xóa, không phân biệt được địa hình, địa vật. Phi công bảo rằng hạ thấp độ cao sợ súng phòng không của Nhật bắn trúng mà giữ độ cao an toàn thì không thể nào tìm được địa điểm quy định để thả dù. Rốt cuộc chúng tôi phải quay về Ấn Độ.

Những ngày tiếp theo, IS phải tổ chức những đêm bay tối trời và cả sáng trăng để xác định địa điểm thả dù. Tháng 5, chúng tôi cất cánh từ sân bay Giêho (Bănglađét), đó cũng là đêm sáng trăng... Nhìn qua cửa kính máy bay, chỉ thấy một màn đêm nhợt nhạt, còn bầu trời trắng đục, nhờ nhờ như sữa loãng. Bay qua Myanmar, Thái Lan rồi vòng ra biển. Để giữ bí mật và bảo đảm an toàn, máy bay tắt hết đèn ở cánh và đuôi rồi vượt độ cao trên 10.000 mét...

Đèn đỏ báo hiệu chuẩn bị. Máy bay hạ thấp độ cao và bắt đầu lượn vòng. Sĩ quan người Anh đi theo chúng tôi từ buồng lái bước ra, lần lượt bắt tay 3 người và chúc may mắn. Một phút sau đèn xanh bật sáng. Đó là tín hiệu nhảy.

Tôi nhảy trước tiên. Tuy đã tập luyện kỹ nhưng rời khỏi máy bay vẫn lịm đi mấy giây. Khi nghe dù mở đánh “phựt” mới tỉnh lại. Nhìn xuống thấy một màu trắng loang loáng, không rõ là sông hay là ruộng. Chưa kịp nghĩ gì thì cả người rơi ùm xuống nước, còn cái dù mắc ở ngọn tre.

Tôi đành phải bỏ dù lại, lội bì bõm vào bờ, rồi men theo rặng tre, ra cánh đồng tìm gặp được Minh và Địch. Hai anh đã thu gọn dù, đang tìm tôi và tìm dù hàng. Xem đồng hồ đã ba giờ sáng. Địch khẳng định đây không phải là địa điểm nhảy dù theo dự định nhưng làng xã nào thì không thể biết. Chúng tôi ghé vào một đình làng có nhiều người đang đập lúa để hỏi. Khi nghe nói là Việt Minh từ trên máy bay nhảy  xuống, họ líu cả lưỡi, cho chúng tôi biết đây là làng Tiên Lữ (Chương Mỹ), cách vị trí đã chọn khoảng 20 km... Được nhân dân che chở, cả ba chúng tôi về đến căn cứ...”.

Cả 7 người đều phát triển thành những cán bộ cao cấp của Đảng, đóng góp nhiều cho sự nghiệp cách mạng: Đồng chí Hoàng Đình Giong trực tiếp lãnh đạo cướp chính quyền ở Cao Bằng, là người chỉ huy đoàn quân Nam tiến đầu tiên vào Nam chiến đấu và trở thành Khu trưởng Khu IX; Vũ Văn Địch, Cục trưởng Cục Tình báo quân đội; Dương Công Hoạt, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; Lê Giản,  Giám đốc Nha Công an Trung ương; Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công an Trung Bộ

Thanh Lê
.
.