Nước rút với công tác y tế cho ASIAD

Thứ Năm, 22/06/2023, 06:17

Những cuộc họp liên tục của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các bộ liên quan về công tác chuẩn bị Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 19 vào tháng 9 tới ở Trung Quốc được tổ chức trong thời gian qua. Một trong những vấn đề liên tục được nhắc đến tại các cuộc họp chính là tăng cường, chạy nước rút đối với chăm sóc y tế, đầu tư cho đội ngũ bác sĩ chuyên trách cho các đội tuyển, VĐV trọng điểm.

Điểm nghẽn ở nhiều đội tuyển 

Như Báo CAND đã nhiều lần đề cập, khâu chăm sóc y tế tại nhiều đội tuyển quốc gia trong nhiều năm qua dù đã được quan tâm hơn vẫn bộc lộ những bất cập, đặc biệt là thiếu các bác sĩ, nhân viên kỹ thuật phục hồi thể lực cho các đội, VĐV trọng điểm.

Thực tế, chỉ có các đội tuyển bóng đá quốc gia thực hiện tốt khâu này, một phần nhờ nguồn lực của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Chuyện càng đáng chú ý khi đội tuyển bóng đá quốc gia và U23 quốc gia từng có sự đồng hành của “thần y” Choi Ju-young (Hàn Quốc) – nguyên Trưởng bộ phận y tế của đội tuyển bóng đá Hàn Quốc, người nổi tiếng trong lĩnh vực vật lý trị liệu nói chung và điều trị chấn thương cho VĐV.

Nước rút với công tác y tế cho ASIAD -0
Những VĐV trọng điểm như Nguyễn Thị Tâm (môn boxing) luôn cần được hỗ trợ bởi các bác sĩ, nhân viên  kỹ thuật phục hồi thể lực.

Trong khi đó, việc này ở nhiều đội tuyển quốc gia khác thực sự xa xỉ. Không có các bác sĩ, nhân viên kỹ thuật phục hồi thể lực (hay còn gọi là nhân viên vật lý trị liệu) chuyên trách nên các đội thường làm theo kinh nghiệm. Đến khâu vật lý trị liệu, khâu cực kỳ quan trọng để phục hồi cơ thể sau mỗi buổi tập, thi đấu cũng là chuyện giữa thầy với trò, giữa các VĐV với nhau. Và thường thì chỉ khi các VĐV đau, chấn thương mới tìm đến phòng y tế ở các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia.

Đến khi tham dự các sự kiện lớn, khâu y tế mới được quan tâm hơn khi có đội ngũ bác sĩ được đăng ký trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam. Nhưng số lượng bác sĩ, nhân viên kỹ thuật cũng không thể rải đều ở các đội để có thể đáp ứng hết nhu cầu. Như ở SEA Games 32 vừa qua, theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt, sẽ cần có ít nhất gấp đôi so với con số 25 bác sĩ, nhân viên phục hồi thể lực được đăng ký trong thành phần đoàn. Thực tế, ngay ở SEA Games 32, chuyện các HLV vừa tham gia huấn luyện, chỉ đạo thi đấu vừa kiêm vai phục hồi thể lực cho VĐV vẫn diễn ra. Như ở đội vật cũng chỉ có một bác sĩ nữ, chủ yếu chăm sóc cho các VĐV nữ, còn khâu phục hồi thể lực ở đội nam là do các HLV, VĐV kiêm vai luôn.

Gần đây, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thi đấu giải quốc tế AVC Challenge Cup 2023 cũng không có bác sĩ đi cùng. Đội tuyển taekwondo Việt Nam dự giải vô địch thế giới 2023 cũng tương tự...

Rõ ràng, những thiếu hụt trong khâu chăm sóc y tế ở nhiều đội tuyển quốc gia đã hạn chế đáng kể thành tích của các đội, các VĐV. Đó là điểm nghẽn của ngành Thể thao, cần được giải quyết.

Muộn còn hơn không

Chuẩn bị cho ASIAD 19, tiếp thu ý kiến dư luận cũng như quyết nâng cao thành tích các đội tuyển quốc gia, Tổng cục TDTT đã có bước tiến mới trong khâu y tế cho các đội tuyển, VĐV. Trong đó, các đội tuyển chủ động tìm kiếm bác sĩ, nhân viên kỹ thuật phục hồi thể lực để theo đội, đặc biệt chăm sóc các VĐV trọng điểm, ngay từ khâu chuẩn bị chứ không phải đến khi vào giải như trước đây. Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh – người luôn đau đáu với việc này, cho rằng, việc có bác sĩ riêng, nhân viên phục hồi thể lực riêng cho từng đội, VĐV trọng điểm là cần thiết và thực tế cũng mới chỉ là làm đầy đặn hơn cho yếu tố “cần” trong thể thao thành tích cao.

Đường hướng đúng là đã bắt kịp xu thế nhưng cách thực hiện lại gặp không ít khó khăn. Thực tế, cơ chế và quy định chưa có mục bác sĩ, chuyên gia thể lực hay chuyên gia dinh dưỡng tập trung trong danh sách đội tuyển quốc gia. Theo quy định, việc tập trung đội tuyển thể thao quốc gia là dành cho HLV, VĐV mà không có hạng mục dành cho bác sĩ, nhân viên kỹ thuật phục hồi thể lực hay chuyên gia dinh dưỡng.

Trước mắt, để giải quyết khâu y tế cho các đội tuyển, một số đội tuyển cũng linh hoạt nhờ các mối quan hệ riêng để bác sĩ thể thao chăm sóc riêng cho một số VĐV trọng điểm theo hướng “anh em hỗ trợ nhau”. Kinh phí bồi dưỡng đương nhiên không thể từ nguồn của Nhà nước.

Trong câu chuyện này, rõ ràng việc đề xuất của ngành Thể thao về sửa đổi quy định, cơ chế để các bác sĩ thể thao, nhân viên kỹ thuật phục hồi thể lực được công nhận là thành viên trong đội là thực sự cần thiết. Đó là đường hướng về lâu dài để các đội tuyển không bị “bí” lối đi trong việc tăng cường sức mạnh, nâng cao thành tích, đóng góp cho thể thao Việt Nam.

Còn trước mắt, khi vướng vào quy định, cơ chế như vậy, lại rất cần đến vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao trong việc mời các bác sĩ thể thao, nhân viên kỹ thuật phục hồi thể lực hỗ trợ các đội tuyển quốc gia. Đương nhiên nguồn kinh phí bồi dưỡng phải từ các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia cho phù hợp với quy định. Tuy nhiên, tiềm lực, khả năng kêu gọi xã hội hóa cũng nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia hiện nay cũng có hạn. Đó cũng là bài toán cần giải ngay trước mắt của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia.

Câu chuyện đầu tư cho khâu chăm sóc y tế ở các đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho ASIAD 19 thực sự là bước tiến của ngành Thể thao về tư duy quản lý, điều hành dù “muộn còn hơn không”. Nhưng đúng là thực tế còn nhiều yếu tố chưa thể đáp ứng mong muốn, đòi hỏi những người quản lý phải quyết liệt, linh hoạt hơn trong các giải pháp. Trong khi đóm các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao cũng cần nhận thấy rõ trách nhiệm của mình để chứng tỏ được vai trò, qua đó san sẻ gánh nặng với cơ quan quản lý nhà nước về TDTT.

Cũng cần chuyên gia dinh dưỡng

Theo các chuyên gia, mỗi đội tuyển cũng cần các chuyên gia dinh dưỡng riêng để có thể lên thực đơn phù hợp với đặc thù tập luyện, thi đấu của từng môn. Còn hiện tại, các VĐV vẫn sử dụng thực đơn chung tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia hoặc tự ăn theo chỉ định của HLV. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.