Nhiều băn khoăn xung quanh Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Thứ Năm, 06/10/2022, 08:40

Sau rất nhiều năm đề cập, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được kỳ vọng sẽ trở thành hiện thực khi được đưa vào Luật Điện ảnh năm 2022 và tiếp tục được cụ thể hóa hơn trong dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.

Dự thảo đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến đóng góp trước khi hoàn thiện, trình Chính phủ. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, các quy định về Quỹ cần tiếp tục cân nhắc.

Nhiều băn khoăn xung quanh Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh -0
Cảnh trong phim “578: Phát đạn của kẻ điên”.

Tại dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh,Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được hình thành từ các nguồn: Nhà nước hỗ trợ vốn ban đầu khi mới thành lập Quỹ từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa; huy động đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu nhập hợp pháp khác; trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam; 3% từ phí thẩm định và phân loại phim; 1% tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới; 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền; 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình; 5% phí hậu kiểm.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng quy định nói trên cần xem xét, cân nhắc vì có nhiều điểm không phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành. Cụ thể, Luật Điện ảnh năm 2022, dự thảo Nghị định nói trên quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật… Nhưng theo Luật Ngân sách Nhà nước thì ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Vì vậy, nội dung nguồn hình thành Quỹ từ ngân sách sự nghiệp văn hóa là không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước…

Ông Hải còn cho rằng, việc quy định các tỷ lệ % phải nộp vào Quỹ chưa rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, nên bỏ quy định trích 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền; 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình. Lý do là doanh thu từ thuê bao của truyền hình trả tiền đến từ nhiều nội dung khác nhau, ngoài phim còn có chương trình thể thao, văn hóa, gameshow, phim, chương trình khoa giáo, âm nhạc…

Dự thảo Nghị định quy định các đơn vị truyền hình trả tiền đầu tư sản xuất kênh dưới hình thức liên hết và khai thác quảng cáo trên các chương trình phim vừa phải nộp Quỹ 0,05% doanh thu thuê bao, vừa phải nộp 0,5% doanh thu từ quảng cáo là không hợp lý và là phí chồng phí. Các đài truyền hình hàng năm đã thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước gồm các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định. Dự thảo quy định trích 3% từ phí thẩm định và phân loại phim, 5% phí hậu kiểm cho Quỹ là quá cao trong khi không có định nghĩa và quy định về phí thẩm định, phân loại phim, phí hậu kiểm.

Về trích 1% tiền thuê bao phim phổ biến xuyên biên giới, trong Luật Điện ảnh và dự thảo chưa có định nghĩa hoặc quy định về phim phổ biến xuyên biên giới. Trích 1% chỉ nên áp dụng cho các doanh nghiệp phổ biến phim xuyên biên giới nước ngoài khi phổ biến phim nước ngoài tại lãnh thổ Việt Nam, không áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam phổ biến phim Việt Nam trên các nền tảng xuyên biên giới để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phim trong nước tham gia quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Bà Vieginia B.Foote, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam cũng bày tỏ: Hiệp hội lo ngại về trách nhiệm giải trình và tính minh bạch có thể bị ảnh hưởng dựa vào tỷ lệ đề ra và đặc biệt quan tâm về tính công bằng, phân biệt đối xử. Bà Vieginia B.Foote cho rằng, gánh nặng hành chính khi thu 3% từ doanh thu bán vé xem phim nhập khẩu tại rạp, 1% từ phí thuê bao phim OTT, 0,05% từ phí thuê bao truyền hình trả tiền, 0,5% từ doanh thu quảng cáo chương trình truyền hình và 5% từ phí hậu kiểm, sẽ rất lớn. Về cơ bản, chúng nên được coi là một khoản thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp và phim được phổ biến ở Việt Nam, làm tăng gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp thay vì cung cấp hỗ trợ cần thiết cho sự phát triển của ngành. Hơn nữa, khoản thuế bổ sung này sẽ được chuyển tiếp cho người tiêu dùng và họ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.

 Khẳng định việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát điện ảnh là cần thiết nhưng bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bình Hạnh Đan cho rằng, việc thu thêm từ các nhà sản xuất phim để đóng góp vào Quỹ hiện nay là rất khó. Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn. Nhiều ưu đãi về thuế cho đơn vị sản xuất phim chưa được triển khai trong thực tế. Vì vậy, cơ quan soạn thảo Nghị định nên tính toán kỹ hơn về lộ trình thực hiện, các ưu đãi, chính sách thuế cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như nguồn thu của Quỹ sẽ do Nhà nước tài trợ một phần và một phần do các tổ chức, cá nhân tự nguyện tài trợ. Những tổ chức, cá nhân nào tài trợ cho Quỹ sẽ được hưởng những lợi ích, ưu đãi mà Chính phủ quy định.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, bà thực sự đặt kỳ vọng rất nhiều nhưng cũng rất buồn và lo Quỹ sẽ tiếp tục không triển khai được khi có nhiều ý kiến cho rằng khó khả thi trong thực tế vì khó khăn về nguồn vốn, thiếu cơ sở để trích % góp quỹ, vướng mắc quy định pháp luật… Hy vọng, khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, Quỹ sẽ được hình thành, từ đó hỗ trợ các nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ có nhiều ý tưởng độc đáo, có những thể nghiệm sáng tạo, tìm tòi mới mẻ, để dự các liên hoan phim quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển nghệ thuật điện ảnh.

Hoa Nguyễn
.
.