Người góp phần tôn vinh nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ

Thứ Năm, 08/02/2018, 08:00
Đầu tháng 12-2017, nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và, điều đó như tiếp thêm động lực cho gia đình bà Tuyết nỗ lực hơn để lưu giữ nghề làm quân bài độc đáo này...


Nghề làm bài tới, một loại bài để phục vụ cho thú chơi các loại bài dân gian, được gia đình bà Ngô Thị Tuyết (65 tuổi, ở thôn Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên- Huế) gìn giữ suốt hàng trăm năm qua. Đầu tháng 12-2017, nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và, điều đó như tiếp thêm động lực cho gia đình bà Tuyết nỗ lực hơn để lưu giữ nghề làm quân bài độc đáo này.

Những ngày cuối năm Đinh Dậu, căn nhà bà Tuyết nằm ở thôn Địa Linh, xã Hương Vinh, rộn ràng hơn khi nhiều thành viên trong gia đình hối hả sản xuất ra những bộ bài tới phục vụ thú chơi tao nhã của người dân vào dịp Tết đến, xuân về. Theo bà Tuyết, nghề làm bài tới ở Địa Linh có từ hàng trăm năm trước.

Tuy nhiên, do sản xuất bằng phương pháp thủ công, nhiều công đoạn rất vất vả nhưng thu nhập không được bao nhiêu nên từ rất nhiều hộ dân làm nghề, đến nay chỉ còn duy nhất gia đình bà Tuyết lưu giữ nghề độc đáo này.

Bà Tuyết cho biết, bộ bài tới ở Huế thường có 30 cặp quân bài và chia làm 3 pho gồm văn, vạn, sách và 3 cặp yêu. Trong đó pho văn gồm những quân bài như gối, trường hai, trường ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe; pho vạn gồm các quân bài học trò, tám cẳng, ba đấu, xơ, quăn, nhọn, bông, thầy và pho sách gồm nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu hột, sưa, tám giây, đỏ mỏ. Ba cặp yêu gồm ông ầm, thái tử, bạch tuyết.

Bà Ngô Thị Tuyết, người lưu giữ nghề làm bài tới ở xứ Huế suốt hàng chục năm qua.

“Để nhớ các tên quân bài đã khó thì để làm nên các quân bài cho đủ bộ các khó gấp nhiều lần. Tuy nhiên, nhờ gia đình còn lưu giữ bản mộc in trăm năm tuổi do các cụ đi trước truyền lại nên việc in bài không còn khó khăn”, bà Tuyết nói.

Để làm nên một bộ bài tới tốn rất nhiều công đoạn và thời gian. Theo đó, bài tới sẽ được bà Tuyết in trên 2 khuôn, mỗi khuôn in 15 con bài và mỗi bộ phải đủ 60 con bài, trong đó khuôn đỏ in 3 quân bài ầm, tử, mỏ được chấm dấu son và khuôn đen in các quân bài không có dấu đỏ từ 6 tiền đến 6 hột. Để tiết kiệm chi phí, bà Tuyết nghĩ ra cách sử dụng muội than làm mực in.

“Bài được in bằng mộc bản trên giấy nên đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo để mực in không bị nhem. Nếu trước đây gia đình thường dùng giấy dó để in các quân bài, phải gián thêm nhiều lớp giấy để con bài được cứng, bền, đẹp thì giờ chuyển sang in trên giấy roky và khâu in được cải tiến thành in lụa. Sau đó, bài được cho lên kệ cắt để cắt thành từng con một để cho ra sản phẩm hoàn thiện”, anh Huỳnh Tấn Hưng, con trai bà Tuyết nói về cách làm bài tới.

Hiện bình quân vào mỗi dịp cận Tết, gia đình bà Tuyết cho ra lò khoảng 10 ngàn bộ bài tới để cung ứng thị trường tỉnh nhà và ra các tỉnh lân cận còn lưu giữ loại hình bài chòi như Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên... Theo bà Tuyết, do đã gắn bó với nghề làm bài tới suốt hơn 50 năm qua nên dù giá bán bài tới hiện rất thấp, chỉ 3000 đồng/1 bộ nhưng bà không thể nào bỏ nghề này để chuyển sang làm nghề khác.

“Bài tới không chỉ để dùng đánh bài tới, mà còn dùng để chơi các loại bài dân gian khác như bài đôi, bài ghế, bài nọc, bài phu và phổ biến nhất là bài chòi. Đặc biệt hơn khi mới đây, vào đầu tháng 12-2017, nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nên gia đình tôi rất vui mừng và tự hào. Điều này như tiếp thêm động lực để chúng tôi lưu giữ nghề làm bài tới đang có nguy cơ mai một này”, bà Tuyết chia sẻ.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, địa phương là vùng đất lưu giữ nhiều nghề truyền thống của xứ Huế phục vụ vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc như nghề đúc tượng ông Công, ông Táo; nghề làm bài tới... Tuy nhiên đến nay, vì nhiều lý do nên chỉ còn rất ít số hộ dân còn theo đuổi với nghề nên sản phẩm làm ra giảm nhiều so với các năm trước.

“Riêng nghề làm bài tới thì chỉ có duy nhất gia đình bà Ngô Thị Tuyết còn gắn bó với nghề. Trước nguy cơ mai một nghề độc đáo này, địa phương đã tuyên truyền, động viên các thành viên trong gia đình bà Tuyết bằng mọi cách phải giữ lấy nghề làm bài tới và truyền lại cho các thế hệ sau để không bị thất truyền”, ông Thắng cho hay.

Anh Khoa
.
.