Xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế

Thứ Tư, 17/08/2022, 07:23

Chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các FTA” diễn ra ngày 16/8, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết, thị trường EU và Hoa Kỳ đang giảm sút về nhu cầu tiêu dùng. Đây là những thị trường xuất khẩu (XK) chủ lực của da giày Việt Nam nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua trong 6 tháng cuối năm.

Dệt may, da giày đối diện tình trạng suy giảm đơn hàng “Vấn đề tồn kho của ngành da giày đang khá lớn. Hiện tồn kho do gián đoạn chuỗi cung ứng tác động đến tồn kho tiêu thụ hàng hoá khiến đơn hàng cuối năm sẽ có phần chững lại. Chúng ta thấy, các đơn hàng từ nay đến quý I-2023 của các doanh nghiệp (DN) da giày đã gần như bị suy giảm”, bà Phan Thị Thanh Xuân nói.

Tuy nhiên, bà Xuân vẫn hy vọng, dù tổng cầu của thế giới giảm nhưng với lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì các đơn hàng dịch chuyển cho Việt Nam sẽ vẫn được duy trì tốt như giai đoạn chống dịch COVID-19. Nếu vậy các đơn hàng suy giảm không đáng kể. Theo Hiệp hội Da giày[1]Túi xách Việt Nam, hiện sản phẩm da giày XK của Việt Nam có vị thế khá tốt trên thế giới, đứng thứ hai về XK sang Trung Quốc và đứng thứ ba về sản xuất sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành da giày đã vượt kế hoạch đặt ra, đó là tăng trưởng 14% và theo số liệu mới nhất 7 tháng là tăng trưởng 13%, đạt trên 14 tỷ USD. Mức tăng trưởng này là tăng đều các thị trường trọng điểm như: Bắc Mỹ tăng trưởng 24%; EU tăng 17,5%...

Xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế -0
Doanh nghiệp cần đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2020, ngành dệt may Việt Nam vượt Bangladesh trở thành quốc gia XK hàng may mặc lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may toàn cầu trung bình một năm khoảng 700 đến 750 tỷ USD. Trung Quốc XK 300 tỷ USD, chiếm khoảng 40%, Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ là những quốc gia top sau đứng ở thị phần rất khiêm tốn khoảng 5-6% trong tổng nhu cầu nhập khẩu đó. Tuy nhiên đến nay, do căng thẳng địa chính trị trên thế giới, tình hình lạm phát diễn biến phức tạp, dệt may cũng đối diện với một số khó khăn.

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, Tập đoàn đã nhìn thấy những rủi ro trong nửa cuối năm nay do tình hình lạm phát và căng thẳng trên thế giới. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. Những khó khăn xuất hiện khi nhu cầu 6 tháng cuối năm có thể sụt giảm.

Nhận định về khó khăn của DN, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các yếu tố bên ngoài như cuộc xung đột Nga - Ukraine và chính sách Zero COVID-19 tại Trung Quốc… khiến giá cả thế giới, đặc biệt giá nhiên liệu, xăng dầu, lương thực cũng bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không tránh khỏi.

Nâng cao năng lực cạnh tranh Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, có quan hệ thương mại với 230 quốc gia, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế. Các FTA này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam trong việc mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Chúng ta có thể kể đến một số thị trường XK lớn của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường có FTA như: Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tính đến tháng 7 năm 2022, XK sang Canada đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước; XK sang Mexico đạt 4,6 tỷ USD, tăng 44,5%; XK sang Peru đạt 560 triệu USD, tăng 84,4%. Đây đều là những nước cùng tham gia Hiệp định CPTPP với Việt Nam. Đối với thị trường các nước Hiệp định EVFTA, XK sang thị trường EU năm 2021 đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm trước. Đối với thị trường Anh (Hiệp định UKVF[1]TA), năm 2021 XK sang thị trường Vương quốc Anh ghi nhận mức tăng 16,4%, đạt 5,8 tỷ USD. Hiện tại, trong giai đoạn dịch COVID-19 đã được kiểm soát, triển vọng XK vào những thị trường trên vẫn tiếp tục tăng. Nguyên nhân là do các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP và RCEP sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các DN XK trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế.

Ở góc độ DN, ông Lê Hoàng Tài cho rằng, để triển khai và tận dụng hiệu quả các giải pháp XTTM, hướng tới XK bền vững cho hàng hóa Việt Nam, các DN cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác hoặc phối hợp với các tổ chức XTTM để xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai. Đồng thời, cần thay đổi để xây dựng và tham gia triển khai kế hoạch XTTM nhằm đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt các thị trường có FTA. Trong đó, cần đầu tư phát triển sản phẩm, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào phi thuế quan.

Chuẩn bị kế hoạch XK cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu, chủ động liên kết giữa DN – DN nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Đặc biệt, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ nhân lực trong lĩnh vực sản xuất mà còn nhân lực trong lĩnh vực thương mại.

Để thúc đẩy XK phát triển theo hướng bền vững, ông Lê Quốc Phương cho rằng, điều quan trọng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích, đảm bảo thực thi làm sao để XK chuyển mạnh tăng về chất lượng, giá trị gia tăng, tăng được tỉ lệ nội địa hoá, công nghệ cao hơn. Đầu tiên là phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ để tận dụng được các ưu đãi của các FTA, tăng khả năng cạnh tranh của DN, làm sao để DN vươn lên ngang bằng với các DN FDI trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí thời gian cho DN để DN tập trung vào sản xuất kinh doanh. Và đặc biệt, cần phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.

Lưu Hiệp
.
.