Vì sao thẻ tín dụng nội địa vẫn khó phát triển?

Thứ Hai, 05/09/2022, 07:26

Chi phí rẻ hơn, nhiều ưu đãi hơn, phân khúc khách hàng lớn, tuy nhiên, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa đang gặp nhiều rào cản. Các chuyên gia cho rằng cần “nới” thêm một số quy định để phát triển thẻ tín dụng nội địa, mở đường tiếp cận tài chính toàn diện, đẩy lùi tín dụng đen.

Thẻ tín dụng (Credit Card) là một loại thẻ ngân hàng mà người sở hữu có thể dùng để thanh toán mà không cần tiền có sẵn trong thẻ. Điều này có nghĩa là khách hàng sẽ “mượn” một số tiền của ngân hàng để mua sắm, chi tiêu và cuối kỳ sẽ phải trả lại đầy đủ cho ngân hàng. Qua đó, khách hàng cần tiền có thể vay vốn ngay, hoặc coi như một khoản tiền trù bị trong trường hợp khẩn cấp. Điều này góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn "tín dụng đen".

Tiện ích là thế, nhưng hiện nay, trong khi thẻ tín dụng quốc tế phát triển mạnh thì thẻ tín dụng nội địa lại đang dò dẫm tìm đường. Theo thống kê của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành trên thị trường Việt Nam đạt hơn 543 nghìn thẻ, chỉ tương đương 7% so với số lượng thẻ tín dụng quốc tế và tương đương 0,5% so với tổng lượng thẻ toàn thị trường (ước 110 – 120 triệu thẻ).

Một số liệu khác cho thấy khi so sánh với các quốc gia láng giềng, chỉ 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng quốc tế, còn các quốc gia lân cận như Thái Lan, con số này là 10%, Malaysia 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%, Đài Loan 54%, Nhật Bản 68%... Trong khi đó, hệ thống tổ chức tín dụng hiện có trên 100 đơn vị, bao gồm ngân hàng, công ty tài chính, tiếp đó là khoảng 1.200 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, hàng chục tổ chức tài chính vi mô. Tuy nhiên, dường như mức độ phủ sóng các khoản vay tiêu dùng trực tiếp hay qua thẻ đối với nhóm đối tượng yếu thế vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. Với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tích cực đẩy mạnh chiến lược tiếp cận tài chính toàn diện; trong đó, thẻ tín dụng nội địa là giải pháp, công cụ đắc lực để thực hiện chiến lược này.

Điều đáng nói, mặc dù phát triển một cách lấn át, nhưng thẻ tín dụng quốc tế lại có phí rất cao. Trung bình mỗi năm, tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard thu từ một ngân hàng khoảng 270 đầu phí các loại/1 tổ chức thẻ quốc tế, với tổng giá trị mỗi tổ chức thẻ quốc tế thu của các ngân hàng Việt Nam lên tới hàng trăm triệu USD.

Cụ thể, Visa thu 270 đầu phí các loại (trong đó thu mảng thanh toán là 102 đầu phí, thu từ mảng phát hành 135 đầu phí và thu khác là 33 đầu phí).  Mastercard thu 268 đầu phí các loại (trong đó thu mảng thanh toán là 54 đầu phí, thu mảng phát hành 72 đầu phí và thu khác lên tới 142 đầu phí). “Các tổ chức thẻ quốc tế có rất nhiều cách thu phí mà chúng tôi hay gọi là ma trận phí hay phí chồng phí. Điều này khiến ngân hàng phải tăng chi phí hoạt động, khách hàng cũng phải tăng phí duy trì cho mục đích tiêu dùng trong nước. Do đó, phát triển thẻ tín dụng nội địa sẽ là phương thức phá bỏ ma trận phí thẻ tín dụng”, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank thông tin.

Có nhiều ưu điểm hơn, thẻ tín dụng nội địa giúp người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ cho các tiêu dùng cá nhân, đặc biệt đối với người kinh doanh cá thể, người nông dân ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận như một nguồn vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của mình. Đồng thời, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.

“Đặc biệt, vay lãi do các ngân hàng tổ chức phát hành thẻ có thể miễn lãi lên tới 60 ngày. Theo tôi đây là những ưu điểm để khuyến khích người dân phát hành thẻ tín dụng nội địa này. Bên cạnh chi tiêu qua thẻ, tại 350.000 điểm chấp nhận thẻ, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa còn có thể rút tiền trên 20.000 mạng lưới ATM của napas hợp tác với các ngân hàng”, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Gám đốc Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Napas nói.

Từ phía NHNN, để phát triển thẻ tín dụng nội địa, bên cạnh tăng quảng bá, giới thiệu tới người dân, ông Phạm Trường Giang, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Phát triển Thanh toán (Vụ Thanh toán NHNN) cho rằng Napas cần phối hợp với tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ để có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị chấp hành thẻ mở rộng mạng lưới, giúp các điểm chấp nhận thẻ hiểu lợi ích của mình như trả phí thấp hơn so với thẻ quốc tế và khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa ở chỗ bán hàng của mình. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần cải tiến quy trình mở thẻ làm sao cho đơn giản, nhanh chóng và mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán giúp người dân chi tiêu, thanh toán dễ dàng…

Hà An
.
.