Tiềm năng lớn để phát triển thị trường carbon

Thứ Sáu, 08/03/2024, 07:13

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) là công cụ kinh tế quan trọng nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu (NK) vào thị trường EU để đảm bảo công bằng trong cạnh tranh và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính.

Cơ chế này chia thành các giai đoạn thực hiện. Từ tháng 10/2023-2025 doanh nghiệp (DN) phải báo cáo về tổng phát thải tích hợp trong hàng hóa theo loại và không chịu phí CBAM. Từ năm 2026, DN cần mua chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2 tương đương có trong sản phẩm, EU cũng sẽ loại bỏ dần việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tiếp đó DN sẽ phải nộp 100% phí CBAM. Điều này được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến các DN xuất khẩu (XK) sang EU trong ngắn hạn.

Tiềm năng lớn để phát triển thị trường carbon -0
Việt Nam có nhiều tiềm năng trong việc bán tín chỉ carbon. Ảnh minh hoạ.

Thị trường carbon được biết đến có hai loại gồm: Thị trường bắt buộc (sản phẩm là các hạn ngạch phát thải khí nhà kính) và thị trường tự nguyện (sản phẩm là các tín chỉ carbon). TP Hồ Chí Minh hiện đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí khi có tới hơn 500.000 DN đang hoạt động với tổng lượng phát thải khí nhà kính hơn 57 triệu tấn (chiếm đến 23,3% cả nước). Trong khi đó, chỉ có 140 DN tham gia vào thị trường carbon bắt buộc. Do đó, việc khai thác hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 sẽ là “đòn bẩy” sẽ giúp TP Hồ Chí Minh tận dụng được cơ hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nhu cầu về tín chỉ carbon trong thị trường carbon tự nguyện cũng đã tăng đáng kể, khi ngày càng có nhiều DN XK theo đuổi mục tiêu về trách nhiệm xã hội, môi trường và tăng trưởng xanh. TP Hồ Chí Minh có số lượng DN nhiều nhất cả nước nên có lợi thế để tham gia tích cực vào thị trường carbon tự nguyện.

Mới đây nhất, cuối tháng 2/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh đã trình UBND thành phố phương án đề xuất đầu tư “Dự án đô thị carbon thấp tại TP Hồ Chí Minh”. Dự án có tổng mức đầu tư 5.775 tỷ đồng (tương đương 250 triệu USD). Dự án sẽ đầu tư, lắp đặt, thay thế hệ thống đèn đường từ dạng đèn sợi đốt sang đèn LED thông qua sử dụng hệ thống chiếu sáng thông minh. Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà và đầu tư các trang thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà hành chính công, trong khuôn viên các nhà máy xử lý nước thải tập trung, các nhà máy cung cấp nước sạch...

Những giải pháp trên sẽ làm giảm đáng kể phát thải CO2, giúp thành phố tăng tốc đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0, đồng thời tạo được nguồn thu rất lớn từ việc phát hành và bán tín chỉ carbon chất lượng cao trên thị trường tài chính carbon quốc tế.

Không chỉ tạo được nguồn thu thông qua phát hành và bán tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải khí nhà kính, ở chiều ngược lại thị trường carbon còn thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nguồn tài chính quốc tế... PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn khẳng định, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương, cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 để triển khai các dự án và việc quan trọng là cần phải cụ thể hóa, thể chế hóa các hoạt động.

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế, tương đương khoảng 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới. Theo chia sẻ của GS.TS Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH), với đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu uy tín chất lượng, UEH có thể đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và triển khai thực hiện thị trường carbon cho thành phố thông qua việc nghiên cứu thị trường carbon, tác động của cơ chế CBAM, qua đó tư vấn cho các cơ quan chính quyền, DN và các bên liên quan khác về thị trường carbon và các sáng kiến. Đồng thời, UEH cũng có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường carbon.                        

Thúy Hà
.
.