Tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Singapore

Thứ Bảy, 27/04/2024, 05:49

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 3/2024 tiếp tục thể hiện tín hiệu tích cực, đặc biệt là chiều xuất khẩu (XK) sang Singapore vẫn giữ được mức tăng tốt, tăng 7,69%.

Đáng chú ý là mức tăng rất mạnh của nhóm hàng gạo, ngũ cốc (tăng gần 2 lần) đưa mặt hàng gạo Việt Nam lần đầu tiên chiếm lĩnh thị phần lớn nhất tại Singapore và Việt Nam lần đầu chiếm vị trí thứ 5 XK thủy sản vào Singapore.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore thông tin, trong tháng 3/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 2,54 tỷ SGD, tăng 4,29% so với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore tiếp tục giữ được mức tăng trưởng dương khá tốt (tăng 7,69%) đạt 603,3 triệu SGD, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 3,27%, đạt hơn 1,93 tỷ SGD.

Trong số 3 nhóm hàng XK chủ lực của Việt Nam sang Singapore, chỉ có nhóm máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại tăng trưởng ở mức tốt (tăng 25,14 %). Một số nhóm ngành XK khác có mức tăng trưởng rất mạnh như: Dầu thực động vật, chất béo (tăng gần 500 lần), gạo và ngũ cốc (tăng gần 2 lần), sắt thép (tăng hơn 1,8 lần)...

Tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Singapore -0
Tự hào sản phẩm gạo Việt Nam trưng bày tại Singapore.

Về mặt hàng gạo, trong 3 tháng đầu năm nay, XK gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore đạt 36,15 triệu SGD (hơn 26 triệu USD), tăng 80,46% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này cho thấy lần đầu tiên Việt Nam trở thành đối tác XK gạo lớn nhất vào Singapore, vượt qua Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản - những đối thủ cạnh tranh lớn nhất tại thị trường gạo Singapore. Bên cạnh mặt hàng thế mạnh truyền thống của Việt Nam là gạo tẻ trắng, có hai nhóm hàng khác là gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ cũng chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại Singapore, lần lượt đạt 80,08% và 73,33%.

Cùng với gạo, quý I/2024, đánh dấu mốc Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản, vươn lên từ vị trí đối tác lớn thứ 6 lần đầu tiên lên vị trí đối tác XK thủy sản lớn thứ 5 vào Singapore. Kim ngạch XK của thủy sản Việt Nam vào thị trường Singapore trong 3 tháng đầu năm 2024 tăng 3,22% (giá trị XK đạt hơn 24 triệu SGD), chiếm thị phần 8,58%. Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thủy sản Singapore bằng các sản phẩm cá phi lê đông lạnh (chiếm 26,85%) và cá chế biến (chiếm 16,88%).

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore Cao Xuân Thắng cho biết, các số liệu thống kê thể hiện được vị trí và vai trò quan trọng của mặt hàng thủy sản Việt Nam tại thị trường Singapore. Tuy nhiên, để có thể giữ vững và nâng cao thứ hạng, tăng thị phần và tăng giá trị XK thủy sản sang Singapore, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản. Một số vụ việc liên quan đến thu hồi sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam gần đây tại Singapore, do đối tác không tuân thủ về dán nhãn cảnh báo thành phần dị ứng và một số điều kiện nhập khẩu, do đó, để đảm bảo xây dựng uy tín và hình ảnh của DN khi XK vào thị trường Singapore, DN Việt Nam cần lưu ý về việc dán nhãn các sản phẩm thực phẩm đã được đóng gói. Các DN Việt Nam cần phải đặc biệt lưu ý cập nhật các quy định của địa bàn, giữ uy tín chất lượng và thương hiệu sản phẩm của Việt Nam.

Với mặt hàng gạo, bên cạnh sự hỗ trợ, cập nhật các cơ chế chính sách của địa bàn cho các DN ở trong nước, các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội DN cũng cần cố gắng tăng cường sự hiện diện của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường Singapore, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá thương hiệu; đồng thời duy trì chất lượng sản phẩm gạo -yếu tố quan trọng để giữ vị trí lâu dài trên thị trường Singapore.

Để hỗ trợ các DN Việt Nam tốt hơn, Thương vụ cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục cập nhật tình hình, cơ chế, chính sách của địa bàn; hỗ trợ các DN Việt Nam kết nối giao thương, trưng bày hàng hóa, quảng bá thương hiệu DN và thương hiệu sản phẩm, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn; hỗ trợ XK hàng hóa vào thị trường Singapore; hỗ trợ các đoàn DN Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam.

Trân Trân
.
.