Sẽ không còn bị “bẫy”, ép mua bảo hiểm

Thứ Tư, 15/11/2023, 07:28

Sau những tai tiếng trên thị trường bảo hiểm, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm bán chéo qua ngân hàng, những quy định mới ban hành sẽ giúp minh bạch thị trường bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Minh bạch hoạt động, bảo vệ khách hàng

Tại Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP do Bộ Tài chính mới ban hành, có nhiều nội dung mới so với hiện hành được cho là ưu điểm vượt trội, nhằm góp phần tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ hơn cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đó là quy định yêu cầu đại lý bảo hiểm phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư - bởi đây là sản phẩm khá phức tạp, có yêu cầu cao về nhận thức và tài chính của người tham gia.

Hay quy định đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn, có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp bản giấy tài liệu tóm tắt cho bên mua bảo hiểm và phải có xác nhận của bên mua bảo hiểm để giúp người mua bảo hiểm dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin, hiểu rõ hơn về sản phẩm, quyền và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trước khi quyết định giao kết hợp đồng.

bh3.jpg -0
Khách hàng sẽ được cung cấp bản tóm tắt nội dung hợp đồng bảo hiểm để dễ tiếp cận thông tin.

 “Chúng tôi mong muốn chất lượng tư vấn được nâng cao, tránh việc tư vấn viên “ép” khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm không đúng nhu cầu và khả năng tài chính của mình”, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết.

Là một khách hàng từng được ký hợp đồng bảo hiểm qua ngân hàng VIB, bà Lưu Thị Hiệp (Hà Nội) rất quan tâm tới những quy định mới về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. “Tôi đi gửi tiền tiết kiệm thì được giới thiệu mua bảo hiểm với tên gọi “tiết kiệm tích lũy đầu tư”, lúc đó chỉ nghe “tiết kiệm” là đồng ý. Do trước đây không có ghi âm trong quá trình tư vấn nên dù nhiều lần tôi lên ngân hàng đòi hủy, song vì chữ tôi đã ký vào hợp đồng, bút sa gà chết, cũng không ai làm chứng là tôi bị “bẫy” nên đâm lao phải theo lao, tôi đã đóng tiền 6 năm rồi, giờ đang thấp thỏm đợi thêm vài năm để được tất toán mà không biết có được nhận lại tiền không. Giờ thấy quy định mới thấy phải ghi âm làm bằng chứng, thực sự theo tôi đây là một bước tiến làm minh bạch thị trường, từ giờ những người yếu thế sẽ được bảo vệ”, bà Hiệp chia sẻ.

Cũng là một người tham gia mua bảo hiểm Dai-ichi qua ngân hàng, anh Nguyễn Thành Huy (Nghệ An) cho biết, khi các vụ lùm xùm tiền tiết kiệm “chui” vào bảo hiểm, anh đã phải cất công lên ngân hàng hỏi đi hỏi lại các điều khoản trong hợp đồng để chắc chắn rằng mình không bị “bẫy”. Tuy nhiên, anh vẫn không yên tâm vì những thông tin họ đưa ra rất chung chung. Vì thế, anh đã phải lật giở hàng chục trang hợp đồng, rà từng điều khoản. “Vào tìm hiểu hợp đồng, tôi thấy như ma trận, bỏ công sức cả mấy ngày mà vẫn cảm giác mò mẫm chưa hiểu hết. Giờ quy định mới yêu cầu phải có tóm tắt các điều khoản trong hợp đồng để người dân dễ nắm bắt thông tin, tôi thấy tốt quá”, anh Huy nói.

Sắp có quy định xử phạt vi phạm về bảo hiểm

Thông tư số 67 đã bổ sung một số quy định mới so với hiện hành, trong đó, đưa ra nhiều nhóm quy định tạo nền tảng cho những hoạt động mới của thị trường, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Tuy nhiên, đối với những khách hàng đã, đang và sẽ vay vốn tại ngân hàng, có nhiều quy định mới cũng được đưa ra để tránh tình trạng “ép” khách phải mua bảo hiểm. Theo đó, tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, để nâng cấp độ bảo vệ quyền chủ động tham gia của khách hàng, Thông tư 67 đã bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Thông tư 67 cũng yêu cầu các ngân hàng hoạt động đại lý phải thông tin rõ cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua tổ chức tín dụng, không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các dịch vụ, sản phẩm khác của tổ chức tín dụng…

Nhận xét về các điều khoản này, nhiều khách hàng cho biết họ rất mong chờ các quy định mới này được triển khai nghiêm túc. “Tôi đã từng vay vốn và bị ép mua bảo hiểm mới được giải ngân. Điều này hết sức vô lý vì đã không có tiền thì tôi mới đi vay vốn. Thế nhưng lại bị ép mua bảo hiểm, tôi phải cắn răng ký hợp đồng, nhưng chỉ đóng duy nhất 1 lần rồi bỏ luôn vì không có tiền đóng. Điều này chẳng khác nào “đội” lãi suất của chúng tôi lên một cách trá hình. Giờ quy định mới thì có rồi nhưng theo tôi cần quy định rõ về chế tài xử phạt nữa”, chị Ngô Thị Hoa - kế toán một doanh nghiệp về thức ăn chăn nuôi chia sẻ.

Về thông tin này, ông Ngô Việt Trung cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, đảm bảo hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm được đồng bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật khác liên quan, thực tiễn thị trường và quản lý chặt chẽ lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Hà An
.
.