Phòng ngừa tội phạm lợi dụng bưu chính, vận tải để vận chuyển hàng lậu

Thứ Năm, 11/08/2022, 08:00

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 18 đơn vị hoạt động dịch vụ bưu chính. Hoạt động dịch vụ này vẫn còn một số kẽ hở, bất cập, dẫn đến tình trạng một số đối tượng lợi dụng để buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng cấm.

Tháng 9/2020, Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2020/QĐ-TTg quy định mặt hàng thuốc lá 555, rượu Whisky không được gửi kho ngoại quan nên tình trạng "thẩm lậu", "quay đầu" đối với mặt hàng này cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhu cầu sử dụng của người dân, các "đầu nậu" tìm mọi kẽ hở của pháp luật vận chuyển mặt hàng này từ Campuchia vào các tỉnh, thành phía Nam, sau đó lợi dụng dịch vụ bưu chính để phân phối đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ.

img-9289.jpg -0
Đối tượng Đinh Tiến Tân cùng số thuốc lá tàng trữ, cất giấu tại kho.

Điển hình vào ngày 7/5/2022, tại khu vực phường Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ đối tượng Đinh Tiến Tân (SN 1995, trú tại Khu 3, phường Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) có hành vi buôn bán, tàng trữ 4.500 bao thuốc lá điếu 555 nhập lậu. Căn cứ các tài liệu, chứng cứ, lực lượng Công an xác định số thuốc lá này từ TP Hồ Chí Minh vận chuyển về bằng đường chuyển phát nhanh, sau đó tập kết tại nhà của đối tượng để chờ tiêu thụ.

Qua thực tiễn đấu tranh và kết quả tổng hợp tình hình về những sai phạm, vi phạm pháp luật, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết còn một số tồn tại, bất cập trong quy định của pháp lật về lĩnh vực này.

Theo khoản 5, 6, 7, Điều 30, Luật Bưu chính quy định người sử dụng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp bưu chính thông tin về họ tên, địa chỉ của người gửi, người nhận, thông tin bưu gửi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bưu gửi. Tuy nhiên, theo khoản 3, Điều 29 của Luật Bưu chính và Văn bản số 2934/BTTTT-BC ngày 31/8/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa, thông tin người gửi, người nhận trước khi chấp nhận, nhưng không bắt buộc.

Do đó, dẫn đến tình trạng các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong kiểm tra hàng hóa của các đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính để trà trộn hàng hóa nhập lậu, hàng cấm vào các bưu kiện, bưu phẩm gửi cho người mua hàng. Quá trình làm thủ tục gửi hàng, các đối tượng thỏa thuận với nhau sử dụng tên, địa chỉ giả với mục đích khi bị các lực lượng chức năng kiểm tra sẽ khai báo đây không phải là hàng hóa của mình.

Khi có thông báo của nhân viên giao hàng, các đối tượng sẽ thay đổi địa điểm nhận hàng hoặc thuê người đến nhận hàng rồi mang về địa điểm cất giấu, sau đó bán lẻ cho những người có nhu cầu mua hàng.

Để chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn hoạt động lợi dụng dịch vụ bưu chính để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm trong thời gian tới, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Đồng thời áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ làm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm. Ngoài ra, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô có hiệu lực từ ngày 1/9/2022.

Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe khi nhận hàng hóa ký gửi xe ôtô (trong trường hợp người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi cung cấp đầy đủ, chính xác 5 thông tin (tên hàng hóa, họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận cho tài xế xe). Quy định này sẽ góp phần hạn chế việc các đối tượng lợi dụng loại hình dịch vụ này để để buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng cấm.

Hoàng Tân
.
.