Phát triển vận tải đa phương thức để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt

Thứ Bảy, 18/12/2021, 07:41

Tại Hội thảo "Phát triển ngành logisitcs Việt Nam với khu vực châu Âu - châu Mỹ" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/12 tại Hà Nội và 28 điểm cầu trực tuyến, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) cho rằng, Việt Nam phải có giải pháp thiết thực, kịp thời để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam, từ đó giúp DN xuất khẩu (XK) có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ mang lại.

Khu vực châu Âu, châu Mỹ là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việc ùn tắc trên các tuyến vận tải container, đặc biệt là tại các tuyến vận tải đi khu vực châu Âu - châu Mỹ, cũng như tình trạng thiếu container rỗng diện rộng tiếp nối từ năm 2020, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này.

Về tình trạng tắc nghẽn qua kênh vận tải đi Hoa Kỳ, ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ, thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ - cho biết, không chỉ tắc nghẽn hàng hóa qua đường hàng hải mà còn lan ra các kênh vận tải khác như đường bộ, đường hàng không. Đặc biệt, sự gia tăng ngày càng nhiều hoạt động thương mại điện tử, XK đơn hàng nhỏ đi rất nhanh, khiến tắc nghẽn sau cảng cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK.

Tắc nghẽn ở Hoa Kỳ tác động trực tiếp đến chi phí và khiến DN bị động khi tiếp cận thị trường, đặc biệt ở nhóm mặt hàng có tính thời vụ như may mặc, giày dép, nông sản, điện tử, tiêu dùng. 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch XK nhóm hàng này sang Hoa Kỳ đạt 24,8 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng kim ngạch XK Việt Nam sang Hoa Kỳ. Nếu DN tiếp tục gặp khó khăn, bị động sẽ rơi vào tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi logisitcs. Nếu quá trình này kéo dài và nghiêm trọng, các DN XK của Việt Nam dần bị mất liên kết với chuỗi vận tải, buộc phải phụ thuộc vào DN khác…

Phát triển vận tải đa phương thức để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt -0
Toàn cảnh diễn đàn.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường châu Âu, châu Mỹ. Hiện, chi phí, giá cước vận tải logistics gia tăng khiến DN xuất khẩu thủy sản gặp khó trong việc tận dụng "cơ hội vàng" trong mùa sản xuất cao điểm cuối năm, đặc biệt đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao ở các thị trường Âu - Mỹ.  Ở góc độ logistics, các DN XK thủy sản Việt Nam đang đối mặt với 5T. Đó là cước tăng; phí tăng; thời gian vận chuyển biển tăng; "booking" (đơn hàng đặt chỗ) để đưa hàng đi bị hoãn ngày càng tăng, tần suất tăng nhiều hơn, số ngày bị hoãn càng tăng; các loại phí cũng ngày càng tăng.

Theo ông Nam, nếu như trước tháng 11/2020 hầu hết đi trong 2 khu vực Âu, Mỹ cao nhất là 3.000 USD/container, hiện nay Bờ Đông (Hoa Kỳ) là 17.000 USD/container, Bờ Tây (Hoa Kỳ) khoảng 13.000 -14.000 USD/container, châu Âu là khoảng 12.000-14.000 USD/container tùy cảng chính, cảng phụ, đi Trung Đông trước đây không đến 1.500 USD/container thì hiện nay khoảng 10.000-11.000 USD/container. Rõ ràng điều này tạo áp lực lớn với DN khi đưa hàng hóa đến khách hàng đã ký theo hợp đồng.

Về giải pháp cho tình trạng nêu trên, các chuyên gia đều nhận định việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics là vô cùng cấp thiết, trong đó nhấn mạnh việc phát triển vận tải đa phương thức, trong đó cần phát triển vận tải đường sắt và đường thủy nội địa. Ông Hans Kerstens - Phó Trưởng tiểu ban vận tải và hậu cần, Eurocham cho rằng, vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến châu Âu cũng cần có sự điều chỉnh, không chỉ phụ thuộc vào vận tải đường biển, mà đa dạng hóa phương thức vận tải, để đảm bảo hàng hóa đến đúng nơi, đúng thời điểm và dự đoán những vấn đề phát sinh sẽ xảy ra.

Lưu Hiệp
.
.